ND: Đây là bài dịch từ “Lost in Translation: What the first line of ‘The Stranger’ should be” của cây bút Ryan Bloom, được đăng trên The New Yorker ngày 11/05/2012. Về việc dịch tác phẩm L’Étranger của Albert Camus, giới dịch giả Việt Nam cũng đã tốn không giấy mực bút chiến với nhau. Bạn có thể tham khảo thêm ở phần Tham khảo bên dưới.
Đối với độc giả Mỹ đương đại, hiếm có câu chữ nào trong văn học Pháp nổi tiếng bằng dòng mở đầu tác phẩm “Kẻ xa lạ” của Albert Camus: “Aujourd’hui, maman est morte.” Nếu bỏ qua những chi tiết vụn vặt về việc chia thì, thì câu đầu của “Kẻ xa lạ” đơn giản đến nỗi một bạn học sinh bập bẹ tiếng Pháp cũng có thể chuyển ngữ được thỏa mãn. Thế mà, tại sao những tay chuyên nghiệp lại cứ dịch sai hoài vậy?
Ngay từ câu đầu tiên của tiểu thuyết, đã có hai quyết định chuyển ngữ khó thấy và tưởng chừng nhỏ nhặt định đoạt cách mà chúng ta đọc tất cả những gì sau đó. Hai quyết định này gây khó chịu vì chúng đã vô hình trung chạm vào một vấn đề tranh luận nảy lửa chưa có hồi kết trong giới văn chương: Liệu dịch giả có cần phải đặc biệt yêu thích tác phẩm của một tác giả để có thể cho ra một bản dịch hoàn thiện nhất hay không?
Arthur Goldhammer, người đã từng dịch một kỳ tạp chí Đấu tranh của Camus, cho rằng “thật vô lý” nếu bạn tin rằng “muốn dịch tốt, người dịch phải có một độ ‘cảm’ kỳ diệu đối với người viết.” “Kỳ diệu” có thể là một cách nói quá, nhưng nếu nhìn vào câu mở đầu nổi tiếng của Camus – được dịch bởi Stuart Gilbert, Joseph Laredo, Kate Griffith, hay thậm chí là Matthew Ward, với mức độ ít hơn một chút – thì bạn sẽ phải trộm nghĩ rằng, có lẽ, một chút hiểu nhau giữa tác giả và dịch giả sẽ giúp cho bản dịch không bị ám những màu nghĩa mà Camus chưa bao giờ chủ ý.
Stuart Gilbert, một nhà học giả Anh quốc, đồng thời là bạn của James Joyce, là người đầu tiên thử sức dịch “L’Etranger” sang tiếng Anh. Năm 1946, Gilbert đã dịch bản tựa sách là “Người ngoài cuộc” và dịch câu đầu là “Mẹ chết hôm nay.” Đơn giản, súc tích, và sai bét.
Năm 1982, Joseph Laredo và Kate Griffith cùng xuất bản hai bản dịch mới của “L’Etranger”, cả hai đều chọn tựa sách mà Gilbert đã hiệu chỉnh lại, “Người xa lạ”, nhưng vẫn giữ câu đầu tiên của ông ấy. “Mẹ chết hôm nay” ở lại, và đến tận 1988 câu này mới được thay đổi duy nhất một từ đơn. Đó là khi dịch giả và thi nhân Mỹ, Matthew Ward, đổi từ “Mẹ” lại thành Maman. Một từ thôi ư? Có gì đáng nói chứ? Một phần lớn cái cách mà ta nhìn và, cùng với tòa án trong tiểu thuyết, sau rốt đánh giá Meursault chính là qua nhận thức của chúng ta về mối quan hệ của hắn ta với mẹ của hắn. Chúng ta kết tội hay tha bổng Meursault không phải dựa trên những tội ác hắn ta đã làm, mà qua cách ta đánh giá tư cách con người của hắn. Hắn có yêu mẹ hắn không? Hay là hắn lạnh nhạt, thậm chí là không quan tâm đến bà?
Ấn tượng đầu tiên có sức nặng, và trong bốn-mươi-hai năm, cách mà độc giả Mỹ được giới thiệu về Meursault là qua sự trang trọng xa cách khi hắn nói: “Mẹ chết hôm nay.” Dường như không hề có cái ấm áp hay liên kết hay thân thiết hay tình yêu trong chữ “Mẹ”, vốn là một chữ tĩnh, thuần mô tả, chứ không phải là cách mà chúng ta nói về một người sống có quan hệ thân thiết với chúng ta. Gọi như vậy, khác gì gọi con chó nhà nuôi là “Chó”, và gọi chồng là “Chồng”. Cách dùng từ như vậy khiến chúng ta nhìn nhận Meursault như là một kẻ xa cách với người phụ nữ đã sinh ra hắn.
Vậy nếu dòng đầu đổi thành “Mommy mất hôm nay” thì sao? Chúng ta sẽ nhìn Meursault ra sao? Nhiều khả năng là ấn tượng ban đầu của chúng ta sẽ là, đây là lời của một đứa trẻ. Thay vì cảm thấy lợn cợn, chúng ta sẽ cảm thấy thương hại hoặc đồng cảm. Nhưng đây cũng là một cách nhìn Meursault sai lầm. Sự thực là, cả hai cách chuyển ngữ “Mẹ” và “Mommy” đều không đúng với ý đồ nguyên bản. Chữ Maman trong tiếng Pháp nằm đâu đó giữa hai thái cực này: Không lạnh lùng và xa lạ như “Mẹ”, mà cũng không hoàn toàn con nít như “Mạ”. Trong tiếng Anh, “mom” có lẽ sẽ đạt nhất khi dịch câu này của Camus, thế nhưng vẫn có điều gì đó lấn cấn và đột ngột với từ đơn âm này; từ maman hai âm tiết có chút gì đó mềm mại và ấm áp mà mom không lột tả hết được.
Vậy dịch giả tiếng Anh đã làm cách nào để tránh ảnh hưởng cái nhìn của độc giả một cách thừa thãi? Xem ra Matthew Ward, người dịch gần đây nhất, đã làm điều hợp lý nhất: Không làm gì cả. Ông ta đã giữ nguyên bản chữ của Camus, và viết nên dòng đầu trứ danh, “Maman mất hôm qua.” Có thể nói rằng, Ward đã tạo ra một vấn đề mới: Giờ thì, ngay từ đầu, độc giả Mỹ đã phải gặp ngay một từ ngoại lai, gây ra một sự lúng túng mà các bản dịch trước không có. Tuy nhiên, vẫn phải nói rằng bản dịch của Ward là khôn ngoan, và có ba lý do cho thấy rằng cách dịch của ông ấy là tốt nhất.
Thứ nhất, từ maman trong tiếng Pháp đủ quen thuộc để một người đọc biết tiếng Anh có thể hiểu ra. Quanh quả địa cầu này, khi con trẻ bắt đầu bập bẹ học nói, chúng bắt đầu từ những âm đơn giản nhất. Trong nhiều ngôn ngữ, thì những âm đôi môi như ‘m’, ‘p’, và ‘b’, cũng như nguyên âm hạ ‘a’  là những âm dễ phát âm nhất. Kết quả là, trong tiếng Anh, con trẻ thường gọi người mẹ là “mama”. Ngay cả trong những ngôn ngữ tưởng chừng khác hẳn như tiếng Trung, chúng ta cũng có má-ma; trong tiếng Nam Ấn chúng ta có amma, và trong tiếng Na-uy, Ý, Thụy Điển và Ai-xơ-len cùng nhiều ngôn ngữ khác, chúng ta có mamma. Từ maman trong tiếng Pháp tương đồng đủ để độc giả tiếng Anh có thể không gắng gì vẫn hiểu được.
Nhiều năm trôi qua, những thế hệ độc giả Mỹ mới, những người thường có dịp bắt gặp cuốn sách này của Camus lần đầu trong trường trung học, ngày càng xa vời hơn với bối cảnh lịch sử của cuốn tiểu thuyết này. Bằng cách sử dụng nguyên văn tiếng Pháp trong câu đầu tiên thay vì bất cứ lựa chọn tiếng Anh nào khác, độc giả được nhắc nhở rằng họ đang sắp bước vào một thế giới khác biệt hẳn với thế giới của họ. Mặc dù cái nhắc nhở này không đủ để khiến độc giả trẻ tuổi có thể hiểu rằng, việc tử hình một người Pháp trắng can tội giết một người Ả-rập có vũ trang ở thuộc địa An-giê-ri là hầu như không có, nhưng ít ra nó cũng giúp chuẩn bị tinh thần cho độc giả tiếp nhận những sự thực ngoài văn bản này.
Cuối cùng, và có lẽ là quan trọng nhất, là độc giả Mỹ sẽ không mang theo bất cứ một ý niệm tiền định nào cho chữ maman. Chúng ta có thể hiểu được nó dễ dàng, nhưng nó sẽ không mang theo gánh nặng ngữ nghĩa nào, sẽ không gieo rắc vào đầu ta những hạt giống tình cờ. Chữ maman sẽ giúp chúng ta nhìn nhận Meursault không phải là kẻ vô tâm bạc bẽo, cũng không phải là người ấm áp, đầy yêu thương. Và mặc dù sẽ có thứ gì đó bị mất đi khi đọc bằng tiếng Anh, chữ maman vẫn sẽ cho một sắc thái hoặc trung tính hoặc thân thuộc hơn so với “mẹ”, gần sát hơn so với nguyên tác của Camus.
Vậy, nếu Matthew Ward cuối cùng đã chỉnh sửa được vấn đề “mẹ” rồi, thì ông ta, và những dịch giả khác nữa, đã sai ở đâu? Viết về dòng đầu của “Người xa lạ” trên tờ Guardian, Guy Dammann đã nhận xét: “Có những mở đầu tiên tri đến mức dường như chúng đốt một lỗ to trên phần còn lại cuốn sách, ngữ nghĩa cộng hưởng lặp đi lặp lại kiên trì như màn dạo đầu của bản Giao hưởng số 5, Beethoven vậy.”
Bất cứ một dịch giả đáng tiền văn chương trôi chảy nào cũng biết rằng, nếu xét về cú pháp thì câu “Aujourd’hui, maman est morte,” không phải là một câu tiếng Anh thuận miệng. Do đó, thay vì dịch sát nghĩa đen nhất, “Hôm nay, mẹ đã chết,” chúng ta đã có “Mẹ mất hôm nay,” một câu xuôi tai và tự nhiên hơn nhiều. Nhưng, câu hỏi ở đây là: Liệu việc thay đổi cú pháp có vô tình làm thay đổi tính hợp lý và ngữ nghĩa sâu xa “kỳ diệu” của câu không?
Câu trả lời, chắc hẳn là oui!
Khi dịch câu đầu thành “Mẹ mất hôm nay”, chúng ta đã hoàn toàn bỏ qua sự sắp xếp ý tưởng nhất định trong nội tâm Meursault. Xuyên suốt tác phẩm, người đọc dần dà nhận ra rằng Meursault là một kẻ, trên hết, chỉ sống cho hiện tại. Hắn không chủ đích nghĩ về quá khứ; hắn cũng không lo lắng gì cho tương lai. Điều duy nhất đáng giá là ngày hôm nay. Điều duy nhất tối quan trọng đối với bản ngã của hắn, chính là ngay bây giờ.
Tuy nhiên, Maman cũng không hẳn tụt lại quá xa phía sau. Như thể phản chiếu cuộc đời của Camus, Meursault cũng đã có một mối quan hệ đặc biệt với mẹ của hắn, một phần vì khiến khuyết giao tiếp của bà (mẹ của Camus thì mù chữ và điếc một phần, và nói chuyện khó khăn). Cả Camus và Meursault đều thèm khát hạnh phúc và tình yêu từ maman, nhưng cả hai đều cảm thấy khó khăn khi diễn đạt điều đó. Thay vì đẩy người mẹ ra xa con, thì chính sự căng thẳng này đã đặt Maman vào giữa cuộc đời của người con. Khi cuốn sách bắt đầu, sự chết của Maman đã đặt bà vào giữa cách mà Meursault sống cho ngày hôm nay và nhận thức lờ mờ của hắn rằng sẽ có lúc không còn ngày hôm nay nữa.
 Sự mất mát này đã thúc đẩy tiểu thuyết tiến triển, dẫn đến cái kết không tránh khỏi, đến kỳ hạn cuối cùng, đến thứ treo lơ lửng trên đầu vạn vật: Cái chết. Từ sớm, Camus đã liên kết cái chết của mẹ Meursault đến với mặt trời áp bức vĩnh hằng, để khi chúng ta đến cảnh cao trào bên bờ biển, chúng ta lại thấy được tính biểu tượng đó: Mặt trời nghĩa là mẹ mất, mặt trời khiến Meursault bóp cò súng. Sợ chúng ta không thấy cái biểu tượng tinh tế đó, Camus thẳng thừng: “Đó là mặt trời vào ngày tôi chôn Maman, và, hệt như hôm ấy, đầu tôi đau như búa bổ, các mạch máu cùng nhau đập nhức nhối dưới làn da.” Khi mà cái cò súng ép vào, cũng là lúc mà ngày hôm nay, sự bắt đầu—thông qua cái chết của Maman—đầu hàng cái chết, sự kết thúc.
Trật tự từ trong câu mở đầu của Camus không phải là tình cờ: Ngày hôm nay bị gián đoạn bởi cái chết của Maman. Thế nên, câu mở đầu, vốn chưa từng được chuyển ngữ hoàn chỉnh sang tiếng Anh, phải nên viết là: “Hôm nay, Maman mất.”
“Today, Maman died.”

Tham khảo
Xem trên Spiderum
Xem trên Medium