Kỷ niệm 4 năm Thường Châu: hãy tận hưởng, đừng kỳ vọng
Trong 4 năm sau chiến tích Thường Châu vĩ đại, liệu bóng đá Việt Nam đã thực sự vươn tầm châu lục...
Đã tròn 4 năm từ ngày đội tuyển U23 Việt Nam làm nên kỳ tích Thường Châu đi vào sử sách. 4 năm cũng là một chu kỳ trong bóng đá, hãy cùng nhìn lại trong chu kỳ vừa qua vị thế của đội tuyển Việt Nam giờ đang ở đâu và chúng ta nên mong đợi những gì từ các chàng trai áo đỏ (lưu ý: bài viết chỉ tập trung vào đội tuyển bóng đá nam Việt Nam và cấp độ trẻ cuối cùng là đội tuyển U23 nam Việt Nam, bài viết không bao gồm các cấp độ của đội tuyển futsal và đội tuyển bóng đá nữ).
Những gì đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam đã làm được trong 4 năm vừa qua là vô tiền khoáng hậu trong lịch sử môn túc cầu nước nhà. Khởi đầu là chiến tích tại giải vô địch U23 Châu Á 2018, tại đó HLV Park Hang-seo đã dẫn dắt đội tuyển U23 lần lượt hạ bệ các đối thủ đẳng cấp châu lục như Australia, Iraq đặc biệt là Qatar để giành vị trí á quân chung cuộc. Sau đó đến tứ kết môn bóng đá nam Asiad 2018, vô địch AFF Cup 2018, HCV Sea Games 2019, tứ kết Asian Cup 2019 và vào đến vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực Châu Á. Có thể nói những gì bóng đá Việt Nam đạt được trong chu kỳ 4 năm vừa qua là độc nhất vô nhị trong lịch sử nhưng liệu những điều này đã giúp Việt Nam vươn tầm đẳng cấp châu lục hay chưa? Hãy cùng đào sâu hơn để biết được vị thế chúng ta đang ở đâu và với vai trò là một người hâm mộ chúng ta nên nhìn nhận và có thái độ thế nào đối với đội tuyển nước nhà.
CHIẾN THẮNG CỦA THẾ HỆ VÀNG
Nếu chịu khó theo dõi và để ý, chúng ta có thể thấy được những thành công trong suốt thời gian qua đều được xây dựng trên một bộ khung của chiến tích Thường Châu 2018 với lứa cầu thủ sinh năm 1995 – 1997 như Quang Hải, Xuân Trường, Tiến Dũng, Duy Mạnh, Công Phượng, Văn Toàn, Văn Đức,… luôn là nòng cốt của cả đội tuyển quốc gia, đội tuyển U23 và đội tuyển Olympic Việt Nam. Thật đáng mừng khi bóng đá Việt Nam sản sinh ra một thế hệ đầy tài năng như vậy nhưng liệu đây có phải là dấu hiệu cho sự đi lên của nền bóng đá Việt Nam hay chỉ là một điểm sáng nhất thời trong lịch sử? Bản thân tôi thiên về lựa chọn thứ hai hơn.
Trước tiên hãy phân tích về cấp độ trẻ tức cấp độ U22, U23 hay đội tuyển Olympic, đa phần ở các nước có nền bóng đá phát triển khi một cầu thủ trẻ được triệu tập lên đội tuyển quốc gia và đặc biệt khi trở thành nồng cốt của đội tuyển thì thường sẽ không được gọi lại đội tuyển trẻ nữa, các giải trẻ khi đó là sân chơi của các cầu thủ khác để có cơ hội cọ xát học hỏi và để ban huấn luyện đội tuyển quốc gia tìm ra nhân lực có tiềm năng. Còn đối với các đội tuyển trẻ cấp độ cao nhất của Việt Nam trong thời gian vừa qua, các cầu thủ nồng cốt của đội đồng thời cũng là những trụ cột của đội tuyển quốc gia và hầu như không có sự thay đổi trong lối chơi cũng như bộ khung trên sân ở cả hai cấp độ. Điều này có thể giải thích lý do tại sao thành tích của các đội tuyển trẻ Việt Nam trong thời gian 2018 – 2019 rất ấn tượng, do các cầu thủ của các đội tuyển U23, Olympic khi đó thực tế là các tuyển thủ quốc gia và trình độ của họ phần nào vượt trội so với cấp độ trẻ.
Tình hình ở đội tuyển quốc gia cũng không khác là bao mặc dù có thêm những sự bổ sung chất lượng đến từ các thế hệ trước như Hùng Dũng, Tấn Trường, Anh Đức, Trọng Hoàng,… nhưng đóng góp nhiều nhất vẫn là lứa cầu thủ 1995 – 1997. Hãy làm một so sánh nhỏ với đội tuyển Thái Lan – đội được xem là đối thủ truyền kiếp của tuyển Việt Nam, dưới đây là biểu đồ phân bố về độ tuổi của đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Thái Lan trong 4 năm qua, số liệu này được lấy trong 3 giải đấu lớn cả hai đội tuyển tham gia trong 4 năm vừa qua bao gồm AFF Cup 2018, Asian Cup 2019 và AFF Cup 2020 (tổ chức tháng 12/2021).
Dựa vào biểu đồ có thể thấy được lứa tuổi chiếm nhiều nhất trong thành phần đội tuyển Việt Nam trong các năm 2018, 2019 và 2021 lần lượt là 21 đến 23, 22 đến 24 và 24 đến 26, đây là độ tuổi của lứa 1995 – 1997 theo từng năm. Trong khi đó đội tuyển Thái Lan mặc dù có sự đóng góp đáng kể của lứa sinh năm 1993 nhưng các lứa tuổi còn lại nhìn chung vẫn có sự đóng góp khá đồng đều trong đội tuyển, phổ tuổi không lệch hẳn như đội tuyển Việt Nam. Một phần của hiện tượng này có thể do đội tuyển Thái Lan đã thay đổi lối chơi qua nhiều đời huấn luyện viên trong thời gian qua trong khi đội tuyển Việt Nam luôn giữ một bộ khung với huấn luyện viên Park Hang-seo nhưng phần nào cũng nói lên được sự phụ thuộc của đội tuyển vào lứa thế hệ vàng vì thế có thể nói rằng sự thành công trong quãng thời gian vừa qua là sự thành công của một thế hệ cầu thủ chứ không phải của một nền bóng đá.
ĐỘI HÌNH ĐỒNG ĐỀU NHƯNG CHƯA CÓ CÁ NHÂN NỔI TRỘI
Chúng ta có thể tự hào vì đã có một lứa cầu thủ 1995 – 1997 rất giỏi. Tuy nhiên, giỏi ở đây chỉ là giỏi hơn so với các bậc tiền bối và bình quân trình độ của khu vực Đông Nam Á nhưng chưa thể giỏi đến mức vươn tầm châu lục được. Hãy tiếp tục làm một phép so sánh với Thái Lan, đội hình của họ sở hữu nhiều cá nhân xuất sắc và hiện đang vươn tầm châu lục. Điển hình trong số đó là Chanathip Songkrasin đang thi đấu ở Nhật Bản và vừa được đội đương kim vô địch Nhật Bản chiêu mộ hay trường hợp của Theerathon Bunmathan cũng đã ghi dấu ấn tại giải vô địch quốc gia Nhật Bản và gần nhất là Thanawat Suengchitthawon đang thuộc biên chế đội trẻ của Leicester City – nhà vô địch Ngoại Hạng Anh 2016.
Nhìn lại các cá nhân đã xuất ngoại của đội tuyển Việt Nam từ trước đến nay chúng ta có Công Vinh, Văn Lâm, Công Phượng, Xuân Trường, Văn Hậu, Tuấn Anh thì chỉ có trường hợp của Văn Lâm là có thể xem là đã để lại dấu ấn tại đất khách quê người, nhưng giải đấu Văn Lâm thi đấu khi ấy chỉ là giải vô địch quốc gia Thái Lan nên vẫn chưa thể xem là vươn tầm châu lục được. Còn lại các trường hợp như Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng, Công Vinh là những chuỗi ngày tròn vai, bình lặng hay thậm chí là đáng quên với sự nghiệp cầu thủ. Riêng trường hợp của Văn Hậu dù có cơ hội xuất ngoại đi Châu Âu tại một nền bóng đá tên tuổi như Hà Lan nhưng với việc chỉ ra sân được 4 phút cho đội một thì không thể xem đây là một bản hợp đồng bổ sung chuyên môn.
SỰ THIẾU VẮNG TỪ NGUỒN CUNG CẦU THỦ - GIẢI VĐQG
Đội tuyển Việt Nam từ lâu đã nói không với cầu thủ nhập tịch và hầu như không thể xuất khẩu cầu thủ ra nước ngoài vì vậy nguồn cung cầu thủ từ giải vô địch quốc gia vô cùng quan trọng. Tuy nhiên vì yếu tố thành tích nên các đội bóng thích sử dụng ngoại binh cao to cho vị trí trung phong và trung vệ vì vậy gây nên sự lũng đoạn về nguồn cung cầu thủ ở hai vị trí này, đặc biệt là vị trí trung phong. Do đó có thể thấy nhân sự hàng tiền đạo của đội tuyển gần như không đổi trong thời gian qua, những Tiến Linh, Công Phượng, Văn Toàn, Văn Đức luôn là lựa chọn của thầy Park và dù đôi lúc phong độ họ có kết tủa đi nữa thì họ vẫn có tên trong thành phần đội tuyển vì bóng đá Việt Nam không có người nào khác đủ khả năng thay thế họ trong hệ thống.
Hơn nữa, các câu lập bộ tại giải vô địch quốc gia Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào túi tiền của ông bầu thay vì tự tìm nguồn tài trợ để nuôi bản thân và phát triển doanh thu như ở các nền bóng đá phát triển vì vậy một khi túi tiền của ông bầu cạn kiệt thì sự sống còn của CLB đồng thời cũng ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến nguồn cung cầu thủ cho đội tuyển trong hiện tại và tương lai. Mới đây nhất là thông báo dừng hoạt động của lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai – nơi có đóng góp rất lớn cho thế hệ vàng của Việt Nam hiện tại. Nhìn về quá khứ có thể kể ra rất nhiều trường hợp đội bóng chết yểu vì các ông bầu rút vốn như Sài Gòn Xuân Thành, Tập Đoàn Cao Su Đồng Tháp,…
TƯƠNG LAI CỦA ĐỘI TUYỂN SẼ ĐI VỀ ĐÂU?
Từ những phân tích trên có thể thấy rằng những thành công của đội tuyển Việt Nam trong 4 năm qua là do “đúng người đúng thời điểm” thay vì là thành quả của một sự đầu tư nghiêm túc. Do đó việc đội tuyển Việt Nam có thể duy trì được đẳng cấp như hiện tại trong một thời gian dài là điều vô cùng khó chứ đừng nói đến việc nâng tầm đẳng cấp trong tương lai. Tuy nhiên, nếu biết tận dụng tốt những di sản mà thầy Park cùng thế hệ vàng này để lại bằng việc có triết lý và định hướng phát triển bóng đá rõ ràng cho đội tuyển và đảm bảo nguồn cung cầu thủ phù hợp với triết lý đó thì đây không phải một nhiệm vụ bất khả thi. Nhưng nếu ảo tưởng vào thành tích đã đạt được thì việc rơi vào vết xe đổ của quá khứ là điều không thể tránh khỏi.
GỬI GẮM ĐẾN NGƯỜI HÂM MỘ
Đội tuyển Việt Nam của 4 năm qua là một đội tuyển vô tiền khoáng hậu trong lịch sử, Việt Nam chưa bao giờ chơi hay đến thế và có thể sẽ không bao giờ chơi hay đến thế vì vậy chúng ta hãy tận hưởng thời khắc này, ngay lúc chúng ta được chứng kiến đội tuyển hay nhất trong lịch sử ra sân thi đấu vì màu cờ sắc áo dân tộc. Đừng chửi rủa những cầu thủ mỗi khi họ thi đấu không tốt và cũng đừng kỳ vọng về một tương lai tươi sáng của cả nền bóng đá vì có thể rất lâu nữa chúng ta mới được thõa mãn những cảm xúc mà đội tuyển Việt Nam đã mang lại trong 4 năm qua. Việc nền bóng đá sẽ được xây dựng và phát triển như thế nào là điều những người hâm mộ như chúng ta không thể thay đổi được vì vậy hãy tận hưởng từng phút giây thế hệ vàng tuyển Việt Nam ra sân trước khi nó chỉ còn là những ký ức.
Thể thao
/the-thao
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất