Konrad Adenauer: Vị Thủ tướng vực dậy Tây Đức từ tro tàn chiến tranh.
Konrad Adenauer chính là anh hùng đã xuất hiện đúng ngay thời khắc nước Đức rệu rã nhất.
Lời nói đầu
Mình quyết định viết bài này sau khi vừa đọc xong Chương 1 trong quyển Lãnh Đạo do Henry Kissinger - Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ chấp bút. (NXB Omega). Quyển sách kể về 6 chính trị gia đã định hình trật tự chính trị thế giới.
Nếu mọi người có điều kiện thì có thể mua sách để đọc, còn không thì vào xem bài mình viết cũng được nè (btw khuyến khích mọi người mua sách đọc vì có rất nhiều đoạn chi tiết hay mà mình không thêm vào bài viết), được rồi, chúng ta vào bài thôi.
"Hôm nay chúng ta vinh danh một chính khách vĩ đại, với tầm nhìn xa và bản lĩnh, đã mang lại cho đất nước chúng ta vị thế và sự ổn định sau thất bại [...] Chúng ta cúi đầu trước Konrad Adenauer với lòng biết ơn to lớn"
Adenauer được xem là một nhà lãnh đạo tầm nhìn xa, quyết đoán và có khả năng ngoại giao xuất sắc. Ông đã đóng vai trò quan trọng trong việc tái thiết nền kinh tế Tây Đức, thúc đẩy nền dân chủ và hội nhập châu Âu. Adenauer cũng là một người ủng hộ mạnh mẽ cho hòa bình và hòa giải sau chiến tranh.
Có lẽ trò chơi định mệnh luôn được sắp đặt theo hướng này: Khi quốc gia lâm nguy, anh hùng sẽ xuất hiện.
Konrad Adenauer chính là anh hùng đã xuất hiện đúng ngay thời khắc nước Đức rệu rã nhất.
1. BỐI CẢNH NƯỚC ĐỨC
Sau Thế Chiến I, Cộng Hoà Weimar mới thành lập rơi vào đói nghèo do lạm phát và khủng hoảng kinh tế. Dưới thời Hitler năm 1933, Đức tìm cách áp đặt chủ nghĩa toàn trị lên toàn Châu Âu. Tóm lại, trong suốt nửa đầu thế kỷ 20, nước Đức khi thì quá mạnh, khi thì quá yếu đối với nền hoà bình Châu Âu. Đến năm 1945, vị thế của Đức trở nên bấp bênh nhất ở Châu Âu và thế giới kể từ khi thống nhất.
Mới vài năm trước đó, người Đức còn ăn mừng viễn cảnh thống trị châu Âu, nhưng giờ đã rơi vào sợ hãi và hoang mang. Những tấm khăn trắng được treo nhiều trên khung cửa sổ để biểu thị sự đầu hàng của dân chúng. Hàng ngàn người di cư bị trục xuất khỏi Đông Âu như lao động cưỡng bức trong chiến tranh chén chúc trên đường phố để tìm kiếm thức ăn, nơi trú ngụ và cơ hội trở về nhà.
Đó là một giai đoạn tuyệt vọng trong lịch sử nước Đức. Thiếu lương thực, chết đói, trẻ sơ sinh tử vong, kênh giao thương sụp đổ nhường chỗ cho chợ đen...Trong mùa đông năm 1945-1946, tình trang thiếu nhiên liệu đã buộc Konrad Adenauer- người 4 năm sau sẽ trở thành thủ tướng- phải ngủ trong một chiếc áo choàng dày cộp.
Nước Đức khi Konrad trở thành thủ tướng là một nước Đức phải đối diện với sự phẫn nộ của thế giới vì thời Hitler, trong nước thì là một sự mất phương hướng, là sự gục ngã của dân chúng sau hơn những chuỗi dài chiến tranh, diệt chủng, thất bại, phân chia và mất đi tính toàn vẹn đạo đức.
Với hy vọng sẽ đưa quốc gia trở lại vị thế vốn có trên bàn cân thế giới, Konrad đã lựa chọn một lộ trình vừa khiêm tốn vừa táo bạo: thú nhận tội ác của Đức, chấp nhận các hình phạt dành cho kẻ bại trận (bao gồm cả sự chia đôi đất nước) và quy thuận một trật tự châu Âu mới.
2. THỜI THƠ ẤU ĐẾN NHỮNG NĂM THÁNG THA HƯƠNG
Konrad Adenauer sinh năm 1876, chỉ năm năm sau khi Bismarck thống nhất nước Đức. Ông sinh ra trong một gia đình Công giáo. Cha của Adenauer từng là một hạ sĩ quan trong quân đội Phổ, vì không có cơ hội học cao hơn sau chương trình tiểu học bắt buộc nên cha và mẹ của Adenauer quyết tâm cho con cái mình các cơ hội giáo dục.
Họ cùng nhau chuẩn bị cho cậu bé Konrad đi học và luôn tích cực nỗ lực truyền thụ các giá trị Công giáo cho cậu. Vậy nên, từ nhỏ Konrad đã nhận thức về tội lỗi và trách nhiệm với xã hội như một dòng chảy ngầm xuyên suốt cuộc đời.
Bằng luật đại học Bonn danh giá với nền tảng hoạt động của gia đình đã khiến ông gia nhập ngành dịch vụ dân sự của Cologne năm 1904. Ông được trao chức danh trợ lý thị trưởng chuyên trách về thuế. Năm 1909, ông được thăng chức phó thị trưởng cấp cao và trở thành thị trưởng Cologne vào năm 1917.
Sự nghiệp chính trị của ông bắt đầu sau khi kết hôn với Emma Weyer, 24 tuổi, con gái của một gia đình giàu có và nổi tiếng ở Cologne, vào năm 1904. Cuộc hôn nhân này đã đưa ông tiếp xúc với những người có tiếng nói xã hội và chính trị mạnh mẽ nhất trong tầng lớp trung lưu Rhineland. Vào năm 1906, ông đã nộp đơn thành công xin một vị trí Nghị viên toàn thời gian của thành phố. Ba năm sau, cuộc bầu cử chức vụ Thứ nhất Nghị viên đã đưa ông thành Phó Thị trưởng, dưới quyền của Thị trưởng Max Wallraf- cũng là chú của vợ ông.
Chỉ đạo tầm quốc gia dễ thấy đầu tiên của Adenauer liên quan đến việc Hitler được bổ nhiệm làm thủ tướng ngày 30/1/1933. Để củng cố vị trí của mình Hitler đã kêu gọi môt cuộc tổng tuyển cử và đề xuất với Quốc hội Đức cái gọi là Đạo luật Trao quyền - một đạo luật đình chỉ pháp quyền và sự độc lập của các tổ chức dân sự, đạo luật này đánh dấu sự kết thúc của nền dân chủ Weimar và khởi đầu cho sự độc tài của Đức Quốc xã khi đạo luật cho phép trao quá nhiều quyền lực vào tay một nhóm nhỏ.
Một tháng sau khi Hitler đắc cử thủ tướng, Adenauer đã tổ chức ba cuộc biểu tình phản đối công khai. Tại thượng viện Phổ, nơi ông là nghị viên, Adenauer đã bỏ phiếu phản đối đạo luật này. Ông từ chối lời mời đón Hitler tại sân bay Cologne trong cuộc chiến dịch tranh cử, ông đã ra lệnh gỡ bỏ cờ của Đức Quốc Xã khỏi các cây cầu và tượng đài công cộng. Kết quả không thể nào khác hơn, 1 tuần sau chiến thắng bầu cử đã được định trước của Hitler, Adenauer bị cách chức.
Sau khi bị sa thải, Adenauer phải nương náu nhờ một người bạn là đan sĩ Công giáo, tháng 4 Adenauer đã tới cư trú tại Tu viện Maria Laach, nằm ở Laacher See cách Cologne 80km về phía nam. Ở đó, ông đắm mình trong 2 thông điệp do Đức Giáo Hoàng Leo XIII và Đức Giáo Hoàng Pius XI: áp dụng giáo lý Công giáo vào sự phát triển xã hội và chính trị, đặc biệt là điều kiện ngày càng đi lên của tầng lớp lao động hiện nay. Trong các thông điệp này, Adenauer đã gặp những học thuyết khớp với niềm tin chính trị của ông: nhấn mạnh bản sắc Ki-Tô Giáo hơn là bản sắc chính trị, lên án chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội, giảm thiểu đấu tranh giai cấp nhờ tính khiêm nhường và hoạt động từ thiện Ki-Tô Giáo, và đảm bảo cạnh tranh tự do thay vì lợi ích nhóm.
Thời gian Adenauer tại Maria Laach không kéo dài. Trong khi tham dự thánh lễ Giáng sinh, các quan chức Đức Quốc xã đã gây áp lực buộc trưởng tu viện trục xuất ngươi bạn của mình. Adenauer rời khi vào tháng 1 năm sau.
Thập niên tiếp theo của cuộc đời ông đầy rẫy khó khăn và bất ổn, có những khoảng khắc ngàn cân treo sợi tóc, đặc biệt là sau vụ ám sát hụt Hitler tháng 7 năm 1944. Ngay sau đó, Hitler mở một cuộc trả thù nhắm tới những phần tử đã tiến hành ám sát ông. Adenauer thoát khỏi số chết bằng cách di chuyển liên tục, ông không bao giờ ở một nơi quá 24 tiếng.
Mọi hiểm nguy chưa từng làm ông thay đổi lập trường chống Hitler vì ông cho rằng Hitler và Đức Quốc xã đã chà đạp lên pháp quyền - yếu tố mà Adenauer cho rằng là điều kiện tiên quyết của nhà nước hiện đại.
Bất chấp việc ông rời xa chính trị, Đức Quốc xã vẫn đưa ông vào tù. Mùa thu năm 1944, ông bị giam 2 tháng trong căn phòng có cửa sổ mà từ đó ông chứng kiến các vụ hành quyết, và những tiếng hét từ tầng trên vọng xuống.
Cuối cùng, người con trai Max đang phục vụ trong quân đội Đức đã xoay sở để cha mình được thả.
3. CON ĐƯỜNG NẮM QUYỀN
Tháng 5 năm 1945, các lực lượng Mỹ đầu tiên chiếm đóng Cologne đã khôi phục chức thị trưởng của Adenauer, nhưng vì đã ký thoả thuận Potsdam nên ông phải chuyển giao thành phố cho chính quyền Anh, căng thẳng nảy sinh và người Anh đã sa thải ông chỉ sau vài tháng. Mặc dù tạm thời bị Anh loại khỏi hoạt động chính trị, Adenauer vẫn âm thầm xây dựng nền tảng chính trị để chuẩn bị cho sự tái xuất của chính quyền tự trị Đức.
Tháng 12 năm 1945, Adenauer tham dự một cuộc họp thành lập đảng mới chịu ảnh hưởng của cả Công giáo và Tin lành. Các cựu thành viên của Đảng Trung tâm Công giáo, Đảng Nhân dân quốc gia Đức bảo thủ và Đảng Dân chủ Đức tự do đều tham dự- nhiều người từng phản đối Hitler và bị bỏ tù. Những người này thiếu một định hướng chính trị và học thuyết rõ ràng. Trong buổi họp, nhóm chỉ đơn giản giải quyết vấn đề tên gọi: Liên minh Dân chủ Kitô Giáo (CDU).
Tại hội nghị thành viên quan trọng của CDU tháng 1 năm 1946, Adenauer đã nêu rõ các nguyên tắc hoạt động của đảng: dân chủ, chủ nghĩa bảo thủ xã hội và hội nhập Châu Âu, loại bỏ quá khứ những năm qua của Đức cũng như chủ nghĩa toàn trị mà Đức Quốc xã đã cố phủ lên Châu Âu dưới bất kỳ hình thức nào. Đồng thời, ông cũng củng cố vai trò lãnh đạo của mình với đảng vừa thành lập.
Tại bài phát biểu đầu tiên sau khi chiến tranh kết thúc, ngày 26 tháng 3 năm 1946, Adenauer đã công khai chỉ trích cách hành xử của Đức dưới thời Hitler và đặt câu hỏi cho hàng ngàn người tại sảnh chính đã bị tàn phá nặng nề của đại học Cologne rằng làm thế nào mà Đức Quốc xã có thể lên nắm quyền.
Adenauer luôn quan niệm rằng người Đức phải đối diện với quá khứ để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn và hồi sinh đất nước. Nước Đức đã từng đắm chìm trong thứ chủ nghĩa dân tộc đầy tai hại - điều đã làm cho thế giới phải nhìn Đức mới một con mắt đầy sợ hãi và căm phẫn. Giờ đây, Đức không thể tiếp tục sống trong thứ chủ nghĩa đó nữa, nhưng họ phải khiêm nhường để hướng đến một Châu Âu thống nhất, một sự hồi sinh mạnh mẽ của quốc gia.
Có thể thấy rõ rằng, phong cách lãnh đạo của Adenauer và Hitler hoàn toàn trái ngược. Nếu Hitler dùng sự mạnh mẽ và dứt khoát, những lời thề thốt sẽ đưa nước Đức trở nên vĩ đại để lãnh đạo thì Adenauer lại có cách lãnh đạo rất khác, ông nhẹ nhàng, khiêm tốn nhưng không nao núng và hoàn toàn không khoa trương như cách Hitler thuyết trình trước công chúng. Đó là kiểu thực thi sức mạnh trong khi sử dụng sự kiềm chế và điều tiết.
Theo Adenauer, nước Đức thời hậu Hitler không đủ mạnh về mặt đạo đức lẫn vật chất để đứng một mình- bất cứ một nỗ lực nào cố gắng làm như vậy sẽ dẫn nước Đức đến một thảm hoạ. Nằm ở trung tâm Châu Âu, nước Đức cần phải từ bỏ mọi thái độ và chính sách cũ, thay vào đó, nước Đức và Adenauer sẽ neo giữ nền dân chủ ở các khu vực Công giáo và các giá trị Kitô giáo trong nội địa, và với quốc tế là liên minh với phương Tây, đặc biệt là Mỹ.
4. NHẬM CHỨC THỦ TƯỚNG
Năm 1946, quá trình tái thiết của Đức bắt đầu. Bầu cử tiến hành cho bộ máy chính quyền ở cấp cao dần, khôi phục các cấu trúc và đều đặn chuyển trách nhiệm chính trị về tay người Đức.
Năm 1949- 4 năm sau khi đầu hàng vô điều kiện, hiến pháp mới có hiệu lực và Cộng hoà Liên bang Đức được thành lập từ 3 khu vực mà Anh, Mỹ, Pháp chiếm đóng. Cộng hoà Dân chủ Đức do Liên Xô chiếm đóng cũng được thành lập vài tháng sau đó. Phân vùng Đức giờ đây phản chiếu đường phân chia ở Châu Âu.
Trong cuộc bầu cử, Adenauer được chọn với chỉ một phiếu chênh lệch trong quốc hội của một nước vẫn đang trong giai đoạn điêu linh và ông đã xoay sở để thắng bốn cuộc bầu cử liên tiếp và phục vụ trong 14 năm.
Tuy nhiên, chủ quyền Đức vẫn bi hạn chế nghiêm trọng với 3 nước phe Đồng minh đang nắm quyền tối cao ở Tây Đức. Mặc dù họ chính thức xác nhận rằng người dân được hưởng quyền tự trị ở mức độ tối đa có thể. Nhưng họ đã định ra một loạt vấn đề từ đối nội đến đối ngoại.
Áp lực giữa việc duy trì quyền lực của ba nước Đồng Minh và khôi phục quyền tự trị của Đức đã đặc biệt rõ ràng khi ba uỷ viên cao cấp tập trung tại Bonn để chào đón tân Thủ tướng Adenauer của Cộng hoà Liên bang Đức, người kế nhiệm hợp pháp đầu tiên sau Hitler. Trước buổi lễ, Adenauer đã khẳng định sẽ không cố gắng thay đổi sự chia cắt hay suy giảm chủ quyền quốc gia của Đức do hàng loạt quy chế mà phe Đồng Minh áp đặt như cái giá phải trả cho việc đầu hàng vô điều kiện. Khi buổi lễ bắt đầu, Adenauer đi đến thảm đỏ và sánh vai cùng các uỷ viên cao cấp - ngụ ý Tây Đức nhất định sẽ giữ vị thế bình đẳng với các đồng minh, kể cả khi chấp nhận hậu quả từ các cuộc thế chiến trong quá khứ.
Đối với một xã hội mất tinh thần, bị đánh bại, việc khôi phục chủ quyền là một trong những thách thức khó khăn nhất mà một chính khách phải đối mặt. Adenauer có nội lực để vượt qua những căng thẳng này: chấp nhận hậu quả thất bại, khôi phục niềm tin của phe chiến thắng vào Đức, xây dựng một xã hội dân chủ và một liên minh Châu Âu vượt qua khỏi sự chia rẽ.
Adenauer coi việc tăng cường quan hệ với phương Tây, đặc biệt với Mỹ là một chìa khoá để khôi phục vị thế của Đức trên thế giới. Trong hồi ký của Dean Acheson, ông mô tả cuộc họp đầu tiên với cương vị ngoại trưởng Mỹ khi tiếp xúc với Adenauer rằng:
"Tôi bị ấn tượng bởi trí tưởng tượng và sự khôn ngoan trong cách tiếp cận của ông ta. Mối quan tâm lớn của ông ta là hoà nhập hoàn toàn nước Đức vào Tây Âu. Thật vậy, ông ưu tiên mục tiêu này hơn là thống nhất nước Đức đã bị phân chia..."
Năm 1951, Tây Đức được đưa vào lãnh thổ ECSC (Cộng đồng than thép Châu Âu), và sản lượng thép than của Đức tăng lên. Chỉ sau 2 năm làm thủ tướng, Adenauer đã đạt được thành tựu là: Đức tham gia vào quá trình hội nhập Châu Âu - và ông thực hiện điều đó bằng cách vượt lên quá khứ của Đức.
Động lực của ông chắc chắn mang tính chiến thuật, tính quốc gia cũng như tính đạo đức. Nhưng chiến thuật đã được hợp nhất với chiến lược, và chiến lược của ông đã trở thành lịch sử.
5. THÁCH THỨC TỪ LIÊN XÔ VÀ CÔNG CUỘC TÁI THIẾT VŨ TRANG
Liên Xô coi việc kinh tế Tây Đức đang được gây dựng lại và các thể chế chính trị Đức từng bước được thiết lập là một mối đe doạ trực tiếp. Mối đe doạ từ cộng sản bắt đầu làm lu mờ nỗi sợ hãi của các nền dân chủ phương Tây về một nước Đức hồi sinh khi Liên Xô phong toả các tuyến đường tiếp cận Berlin từ vùng chiếm đóng xung quanh vào tháng 6 năm 1948. Đây là một thách thức với bốn nước cai quản Berlin.
Cuối cùng, Mỹ đã lập cầu không vận đến Tây Berlin bất chấp sự đe doạ từ Liên Xô. Mỹ nêu rõ quan điểm không cho phép Berlin sụp đổ và sẽ sử dụng biện pháp quân sự để mở các tuyến đường tiếp cận nếu cần thiết. Kết quả, Stalin huỷ bỏ lệnh phong toả vào tháng 5 năm 1949.
Trong quá trình leo thang này, Mỹ và các đồng minh đã lập nên tổ chức mà sau này là một trụ cột của chính sách Mỹ: Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây dương NATO. Có thể xem đây là một lời đảm bảo của Mỹ dành cho Tây Đức khi nước này được đặt dưới sự bảo vệ của NATO năm 1949, mặc dù Tây Đức chưa được vũ trang và đúng ra không phải là thành viên của tổ chức.
Khi Triều Tiên xâm lược Hàn Quốc những năm 1950, Mỹ và các đồng minh ý thức được một mối nguy hiểm chưa từng có từ các nước cộng sản. Điều này buộc NATO phải thiết lập 30 sư đoàn (khoảng 450.000 binh sĩ) để phòng thủ Châu Âu, nhưng con số sẽ chỉ là viễn vong nếu nước Đức không tham gia.
Rất dễ hiểu rằng các nước đồng minh NATO lo ngại khi Đức- một quốc gia chỉ mới vừa gây ra cơn ác mộng cho toàn Châu Âu, giờ đây lại đóng góp một lực lượng đáng kể cho quốc phòng phương Tây.
Adenauer cho rằng việc tái vũ trang Đức là cần thiết vì lợi ích Châu Âu cũng như vì nước Đức.
Việc tái vũ trang của Đức dần được các nước đồng minh đề bạt. Một dự thảo thành lập Cộng đồng Phòng thủ Châu Âu EDC được xây dựng.
Nhưng vào tháng 3 năm 1952, nhận thấy mối nguy tiềm tàng từ NATO và viễn cảnh Đức sẽ đóng góp một phần quân đội cho tổ chức này- Liên Xô đề nghị thống nhất nước Đức.
5 điều kiện để thống nhất nước Đức do Liên Xô đề xuất đa phần đều có lợi cho nước Đức, như việc các nước chiếm đóng sẽ rút khỏi Đức trong một năm, nền kinh tế sẽ không bị giới hạn và áp đặt, nước Đức cũng có quyền tự phát triển quân đội của mình. Nhưng 1 trong số đó là: nước Đức thống nhất sẽ trung lập và không tham gia bất kỳ liên minh nào.
Giờ đây, Adenauer đứng giữa việc thống nhất đất nước và việc bị tách khỏi Châu Âu. Stalin đòi Adenauer từ bỏ tất cả tiến bộ mà ông đã đạt được trong việc hội nhập Châu Âu để đổi lấy sự thống nhất.
Trong nội bộ nước Đức, những đảng phái đối lập cho rằng đây là thời cơ không thể bỏ lỡ và "những ai chấp thuận hiệp ước EDC trong tình huống hiện tại thì không thể tự gọi mình là người Đức", họ đề nghị Adenauer nên hoãn phê chuẩn EDC.
Nhưng Adenauer rất kiên định.
Ông hiểu rằng, việc đàm phán trong quá trình này có thể bế tắt và khiến việc thống nhất nước Đức chỉ còn trong tưởng tượng. Khi đó, Đức sẽ đứng một mình với ánh mắt nghi kị của cả 2 bên.
Những lần sau đó, ông tránh phát biểu công khai về đề nghị của Stalin và vẫn ủng hộ phê chuẩn Hiệp ước EDC dưới danh nghĩa lực lượng phòng thủ chung của Mỹ và Tây Âu.
Adenauer xâu dựng lại các lực lượng vũ trang Đức trong những năm còn tại vị mà không hồi sinh chủ nghĩa quân phiệt đã nhiều lần xuất hiện trong lịch sử Đức. Có sử gia mô tả lực lượng vũ trang của Đức là mũi giáo của NATO và chốt chặn của Tây Âu chống lại một cuộc tấn công từ Liên Xô.
Hơn nữa qua hành động của Adenauer, Đức được xem là một nhân tố có trách nhiệm với việc phòng thủ chung Châu Âu.
Trong sáu năm then chốt, Adenauer đã đưa Đức từ tình trạng bị chia cắt, với các hạn chế trong quy chế chiếm đóng và bồi thường cho tới gia nhập NATO và Cộng đồng Châu Âu.
6. KẾT
Adenauer được coi là một trong những nhà lãnh đạo chính trị quan trọng nhất trong lịch sử Đức sau Thế chiến thứ hai. Ông đã có những đóng góp to lớn cho việc xây dựng một nước Đức thống nhất, dân chủ, thịnh vượng và hòa bình. Thủ tướng đầu tiên của Cộng hòa Liên bang Đức, đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập Cộng đồng Than Thép châu Âu (ECSC) vào năm 1951, tiền thân của Liên minh châu Âu (EU), đưa nền kinh tế Đức trải qua giai đoạn "phép màu kinh tế" với tốc độ tăng trưởng phi thường trong những năm 1950, ký Hiệp ước Élysée vào năm 1963, chấm dứt mối quan hệ thù địch và đặt nền tảng cho tình hữu nghị và hợp tác Pháp-Đức...
Tiếc rằng, Adenauer đã không thấy được ngày Bức tường Berlin sụp đổ và đất nước ông được thống nhất khi chế độ cộng sản ở Liên xô và Đông Âu lụi tàn vì ông qua đời vào năm 1967.
Về phần mình, Konrad Adenauer hoàn toàn không vương vấn phán xét hậu thế.
Khi được hỏi muốn được mọi người nhớ đến như thế nào, ông trả lời đơn giản:
"Tôi đã hoàn thành nghĩa vụ của mình".
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất