Kinh tế 4.1: Lực Chuyển 6: Dịch Vụ An Sinh và Giải Trí
Lực Chuyển 6: Dịch Vụ An Sinh và Giải Trí Alan Phan 21 August 2014 (Bài 7 trong loạt bài Những Lực Chuyển Của Hai Thập...
Lực Chuyển 6: Dịch Vụ An Sinh và Giải Trí
Alan Phan

21 August 2014
(Bài 7 trong loạt bài Những Lực Chuyển Của Hai Thập Kỷ Tới ). Link:
Phần trước:
Cách mạng về an sinh và giải trí
Sau bao nhiêu cay đắng với giấc mộng được giải phóng khỏi cuộc sống nghèo hèn nô lệ bởi những nhà cách mạng luôn luôn là lão thành, siêu việt và như thánh nhân, phần lớn người dân thế giới nhận rõ là chỉ có chính họ (với sự giúp đỡ của lòng tham cố hữu qua kinh doanh hay sự nghiệp) mới tạo ra thu nhập và sáng tạo để đưa họ thoát khỏi đưởng hầm.
Tôi nói phần lớn vì một số đông nhân loại vẫn u mê tin tưởng vào phép mầu của vài lãnh tụ hay truyền thuyết viển vông. Vẫn còn Bắc Triều Tiên, Cuba, Trung Quốc (đám nông dân đầu đất), nhóm Taliban, nhóm ISIS, nhóm Hồi giáo cực đoan, nhóm đầu trọc (skinheads) từ Nga và Âu Mỹ… Đây là những thành phần vẫn coi kiến thức hay Internet hay “đổi mới” là thế lực thù địch.
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói một câu rất hay,” Mục tiêu của những nhà cách mạng này không phải là đem lại hạnh phúc cho người dân; mà cho phép người dân đem hạnh phúc đến cho họ”.
Theo nhận định của một báo cáo từ Brookings Institute do United Nations đề xuất, con số 2.8 tỷ người toàn cầu từ 2010 được xếp hạng “trung lưu” sẽ tăng lên 4.3 tỷ người vào năm 2030, gần bằng 40% dân số. Có nghĩa là những tuyên truyền về nghèo đói, nô lệ, bóc lột… sẽ không còn ảnh hưởng gì đến tầng lớp này. Họ sẽ bận rộn hái những trái quả đầu tiên của những lực chuyển đang thay đổi bộ mặt thế giới này.
Ai cũng hiểu rằng khi một con người không còn phải thắc mắc về những nhu cầu căn bản như ăn mặc, chỗ ở, phương tiện đi lại…thì thứ tự ưu tiên cho những gì họ trân trọng sẽ thay đổi tận cốt rễ. Đây là lý do tại sao dịch vụ an sinh và giải trí sẽ chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng lượng GDP toàn cầu. Và chúng sẽ là những ngành nghề có mức tăng trưởng cao nhất trong mọi phân khúc.
Các ngành nghề liên quan
Khi nói đến an sinh, chúng ta sẽ bao gồm môi trường sinh hoạt mà y tế và giáo dục cho gia đình là hai yếu tố quan trọng hàng đầu. Sau đó là tìm cho mình một công việc nhiều ý nghĩa, một nền tài chính cá nhân ổn định và cho gia đình một khu cư dân an ninh. .
Cuối cùng, trong những giây phút còn lại để thư giãn, phần lớn chúng ta sẽ tìm đến những giải trí đa dạng nhưng phù hợp với ý thích, từ các sự kiện thể thao đến hội hè, từ những bữa ăn với bè bạn gia đình đến những ngày lang thang du lịch xứ lạ. Người thích TV, Internet, đọc sách, chơi games…người thích dã ngoại, cà phê, rạp hát. Có người đam mê đi tìm kiến thức, có người đến những đền đài xây dựng đức tin. Lĩnh vực giải trí thì phải luôn thay đổi vì sở thích của đám đông luôn thay đổi.
Nhìn vào cá biệt từng phân khúc kinh tế, một góc nhìn tổng quan có thể được dự đoán và phân tích.
Trào lưu về môi trường sinh hoạt
Về y tế, khuynh hướng chung sẽ hướng đến vần đề ngừa bệnh qua chế độ ăn uống (diet) và thể dục (exercise). Những phương pháp trị liệu không chính thống như y học cổ truyền Đông Phương, vitamins và dược liệu từ văn minh xưa của Ấn Độ hay Nam Mỹ…sẽ gia tăng. Nhưng việc thiếu thời gian, áp lực hàng ngày, tính lười biếng và tham ăn trong con người vẫn sẽ gây ra những căn bệnh từ lối sống (lifestyle) và nạn béo phì tại Mỹ sẽ lan rộng khắp toàn cầu.
Ngoài ra, vì chi phí quá cao trả cho các chuyên gia, những hãng bảo hiểm y tế và người tiêu dùng sẽ điều trị tại nhà nhiều hơn, cũng như qua các nhà thương online. Chúng ta sẽ đo lường thường trực các chỉ số khỏe mạnh nhờ những smartphones và nhận chẩn mạch và lời khuyên chỉnh sửa cũng qua distance medicine ( y tế từ xa).
Hệ thống quản lý các dịch vụ y tế sẽ phức tạp hơn với sự can thiệp sâu hơn về tài chánh và quản trị của các chánh phủ, những khám phá mới lạ và thử nghiệm sẽ nhiều hơn trong quy trình sản xuất và tiếp thị dược phẩm, cũng như những dữ liệu cá nhân từ “big data” cloud network. Số lượng bệnh viện và lương bác sĩ y tá sẽ giảm, các thị trường mới cho y tế là lớp người già hơn tại Âu Mỹ và giới trung lưu tại các quốc gia mới nổi.
Giáo dục toàn cầu cũng sẽ biến dạng với sự lan tỏa khóa học online và những chương trình giảng dạy mang nhiều tính thực tiễn. Các đại học truyền thống như Ivy League, Stanford, MIT, Oxford…vẫn giữ được hào quang và thương hiệu nhờ quyền lực, tiền bạc từ các cựu sinh viên; nhưng các đại học trung bình ở phương Tây sẽ chịu sức ép cạnh tranh từ những mô hình mới, sáng tạo và “phản động” (disruptive). Bài viết của Economist về digital degree (đăng trên GNA) cho chúng ta một khái niệm về những thay đổi này.
Từ kỹ năng đào tạo qua các định chế giáo dục, hay việc tự tìm học qua nghiên khảo riêng, online và offline, giới trẻ sẽ có cơ hội làm những công việc mình đam mê thay vì chạy theo đám đông chỉ để kiếm cơm áo gạo tiền cho gia đình. Với sự phổ biến càng ngày càng rộng của những chương trình xã hội từ chánh phủ để bảo đảm mức sống tối thiểu cho mọi người dân, áp lực để có được một nền tài chánh cá nhân cũng giảm thiểu.
Sở thích và sáng tạo trong giải trí
Lĩnh vực giải trí cũng sẽ tăng trưởng mạnh tại các quốc gia phương Tây và trong thành phần trẻ, trung lưu của những quốc gia đang nổi. Mỗi cá nhân sẽ sở hữu một chiếc smartphone có các chức năng thu nhập từ TV, Internet, video games, âm nhạc, hồ sơ cá nhân…cũng như một công cụ để trị bệnh, giao tiếp, mua bán, …và sử dụng các dịch vụ tài chánh, gia cư (smart home), chính trị (không ai đến phòng phiếu để bầu cử nữa), xã hội… Ngoài ra, những trải nghiệm qua các rạp hát 3D sẽ sống thực hơn và ngay cả chuyện đánh bạc qua casino có thể hào hứng trong một khu giải trí của nhà riêng (sẽ lớn và thông dụng hơn phòng khách hay phòng ngủ).
Một ngách của kỹ nghệ giải trí toàn cầu là du lịch và ẩm thực. Số dân có tiền dư thừa sẽ gia tăng cao tại các quốc gia mới nổi và theo kinh nghiệm những người đến tuổi vừa hưu tại Âu Mỹ Nhật, du lịch để khám phá những văn hóa và môi trường khác biệt là lựa chọn số một. Những trải nghiệm qua du thuyền như một resort nổi càng ngày càng phổ biến trên toàn cầu.
Một giải trí khác không dám bàn qua là việc sử dụng ma túy bất hợp pháp khắp nơi của người trẻ. Khi hai tiểu bang Colorado và Oregon cho phép bán cần sa, một kỹ nghệ 2 tỷ đô la xuất hiện ngay trong những tháng đầu và kéo theo những món thực phẩm và đồ uống có pha trộn cần sa. Một ước tính không kiểm chứng được là nếu 25 tiểu bang Mỹ (trong số 50) hợp thức hóa cần sa, một thị trường 42 tỷ đô la hàng năm sẽ đến từ cần sa và phụ phẩm.
Nhưng nói chung, giải trí là một sản phẩm hoàn toàn tùy thuộc vào năng động và sáng tạo của trí tuệ. Không một cơ chế hành chánh nào của chánh phủ hay bộ máy quản trị nào của các công ty đa quốc có thể ngăn chận sự phát huy của trí tưởng tượng trong mỗi con người. Dĩ nhiên, họ sẽ cố gắng “điều khiển”, nhưng họ sẽ thất bại. Điều duy nhất họ có thể làm là để người dân hay nhân viên quá bận rộn phải lo cơm áo lương tiền, quên đi chuyện “giải trí” hay “học hỏi”. Đây là mô hình “ngu dân” rất được các chánh phủ tại các quốc gia nghèo đói, tụt hậu hâm mộ. Sau cùng, lịch sử sẽ chôn vùi những ác quỷ này. Tuy vậy, tin buồn là quy trình có thể kéo dài hơn 3 hay 4 thập kỷ cho những người dân “gặp xui”.
Bức tranh toàn cầu
Theo thống kê, con số GDP của Mỹ sẽ đạt đến 17 ngàn 332 tỷ đô la trong 2014. Trong đó, tiêu dùng cho y tế là 1 ngàn 267 tỷ, giáo dục là 1 ngàn 65 tỷ và giải trí là 3 ngàn 610 tỷ. Tổng cộng, mỗi người Mỹ sử dụng đến 18,745 đô la trên thu nhập trung bình là $53,000 cho 3 phân khúc dịch vụ trên hay 36%. Nếu tính thêm các dịch vụ về an ninh cá nhân, môi trường và tài chánh bảo hiểm, con số này vượt quá 47%.
Với mức tăng trưởng dự đoán hơn 12% mỗi năm trong các dịch vụ an sinh và giải trí, tỷ lệ chắc chắn sẽ vượt mức 60% trong 20 năm tới.
Trong khi đó, bức tranh toàn cầu cho thấy thành phần trung lưu gia tăng nhanh nhất sẽ đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia (trung bình 21% so với 2% tại các quốc gia phương Tây). Số lượng dân số trung lưu này sẽ đẩy tỷ lệ an sinh và giải trí vượt qua 50% của GDP toàn cầu vào 2035.
Đầu tư tiền bạc hay công sức vào những ngành nghề này chắc chắn sẽ đem hiệu quả khả quan hơn là các ngành tăng trưởng chậm. Sự phát triển những dịch vụ này mới ở vào giai đoạn đầu và sẽ tiếp diễn ít nhất trong 20 năm tới. Sau đó, có thể thế giới sẽ bắt đầu những lực chuyển “phản động” khác và tạo ra một chu kỳ mới, thịnh vượng hay suy trầm. Với những người vừa khởi nghiệp, 20 năm để sống với đam mê, dù thành công hay thất bại, cũng là một trải nghiệm tuyệt vời.
Tuy nhiên, sự phát triển sẽ không đồng đều trên bản đồ thế giới. Tại những quốc gia tụt hậu vì khoảng cách trí tuệ, nhu cầu nhân công rẻ, cần cơ bắp sẽ ít đi; và xã hội sẽ chịu nhiều bất ổn vì thành phần “đen” sẽ gia tăng với số lượng nghèo đói và bị ức hiếp. Hệ lụy bất an sẽ khiến dòng đầu tư nước ngoài chậm lại, phân khúc du lịch đi xuống. Hệ quả sau cùng là một khi dính vào chu kỳ tụt hậu, các quốc gia này sẽ ngày càng lún sâu vào vũng lầy; cho đến khi cách mạng xẩy ra, hay đến khi bị các cường quốc xóa sổ như một mầm gây bệnh.
Alan Phan

Tiến Sĩ Alan Phan (Sinh ngày 7/8/1945 - Mất 19/10/2015). Nguyên quán: Quảng Trị. Sinh ra và lớn lên tại Bình Dương, Sài Gòn. Sinh thời, ông từng là sáng lập viên của Alan Phan Associates (APA) có trụ sở tại California và Hồng Kông. APA chuyên về hoạt động M&A liên lục địa và tư vấn chiến lược kinh doanh toàn cầu cho các công ty đa quốc. Trước đó, TS. Alan Phan điều hành quỹ Viasa Fund tại Hồng Kông chuyên đầu tư vào thị trường Trung Quốc (2002 – 2008). Ông cũng là sáng lập viên và CEO của nhóm công ty Hartcourt có 7 công ty con về IT tại Trung Quốc (1995 – 2002). Ngoài vai trò một doanh nhân với 45 năm trải nghiệm tại khắp thế giới, ông còn là tác giả của 15 cuốn sách về kinh tế, xã hội của các thị trường mới nổi; và viết bài cho gocnhinalan.com, Robb Report, Esquire, Saigon Times, Entrepreneur, Biz Live, Thế Giới Tiếp Thị…Ông cũng là giảng viên thỉnh giảng của vài đại học Mỹ và Trung Quốc.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất