Mình của những năm tháng đó luôn cảm thấy lo lắng về cuộc sống và sự nghiệp trong tương lai. Mình không biết liệu bản thân có thực sự yêu thích công việc đang làm hay không? Liệu đó có phải là hướng đi đúng?
Mình tự đặt ra rất nhiều câu hỏi mà không tìm được câu trả lời. Mình nhìn xung quanh và thấy rằng bạn bè, có người đã lập gia đình, có người đã có con cái đề huề hạnh phúc, có người tự thành lập công ty và có sự nghiệp phát triển, có người rất yêu công việc họ đang làm. Mình tự nhìn lại và bắt đầu so sánh. Nó làm mình lún sâu hơn vào những lo lắng triền miên.
Ờ thời điểm đó, mình không biết rằng bản thân đang rơi vào một cuộc khủng hoảng có tên là khủng hoảng 1/4 cuộc đời.

Khủng hoảng 1/4 cuộc đời là gì?

Khủng hoảng 1/4 cuộc đời liên quan đến trạng thái lo lắng về phương hướng và chất lượng cuộc sống, thường xảy ra vào đầu những năm hai mươi đến giữa những năm ba mươi tuổi.
Một cuộc nghiên cứu của LinkedIn cho thấy 75% những người trong độ tuổi từ 25-33 đã trải qua cuộc khủng hoảng 1/4 cuộc đời (Quarterlife Cristis), với độ tuổi trung bình là 27.
Cũng theo nghiên cứu này, nguyên nhân hàng đầu (chiếm 61%) dẫn đến cuộc khủng hoảng này liên quan đến việc công việc và sự nghiệp.
Có thể bạn mắc kẹt giữa cuộc khủng hoảng nhưng không hề nhận ra được mình đang ở trong đó.
Bạn cảm thấy mông lung. Cuộc sống quá dài còn bạn có quá ít hiểu biết về nó. Bạn bắt đầu nhận ra một vòng lặp trong cuộc sống nhưng bạn không thể thoát ra được.
Đó có thể là việc bạn liên tục nhảy việc nhưng không tìm thấy nơi mà bạn có thể gắn bó, bạn liên tục chuyển mối quan hệ từ người này đến người khác nhưng không ai có thể giữ chân bạn quá lâu.Bạn hãy tự xem lại xem có vòng lặp nào xảy đến với bạn không?
Bạn khao khát thay đổi nhưng bạn không biết phải làm gì. Nó tạo nên một sự mâu thuẫn, khiến bạn thường xuyên lo lắng về tương lai, nặng hơn bạn có thể rơi vào trạng thái trầm cảm.
Bạn liên tục so sánh bản thân mình với người khác. Bạn nhìn thành tựu của những người xung quanh, muốn bản thân được như vậy. Nhưng bạn lại cho rằng mình không có tài năng gì để làm được những điều như thế.
Bạn càng so sánh, bạn càng cảm thấy mọi việc trở nên tồi tệ hơn.Bạn bắt đầu có những suy nghĩ dài hạn về cuộc sống.
Rất nhiều dấu hiệu khác có thể xảy đến với bạn nhưng bất cứ lúc nào bạn cảm thấy bị nhấn chìm bởi cảm giác mông lung và khó khăn để thoát ra thì đó là dấu hiệu rõ nhất của cuộc khủng hoảng.

Những điều mình học được sau khi trải qua cuộc khủng hoảng

Chấp nhận những vấn đề của bản thân là bước đầu tiên để giải quyết vấn đề

Mình từng lo lắng, hoang mang khi đang ở trong cuộc khủng hoảng của chính mình nhưng thay vì đối mặt, mình lờ đi những cảm xúc đó. Mình lướt mạng xã hội hàng giờ hay lên các trang thương mại điện tử mua sắm để trốn tránh sự khó chịu, căng thẳng.
Bạn cứ thử hình dung xem, nếu một người bị ốm không chấp nhận rằng bản thân họ bị ốm thì họ sẽ từ chối mọi biện pháp điều trị.
Nếu bạn đang thấy mình có vấn đề, hãy chấp nhận điều đó. Hiểu rằng bản thân mình đang ở trong một cuộc khủng hoảng sẽ giúp bạn tìm hướng để giải quyết.

Không có điều gì hoàn toàn xấu

Ở trong một cuộc khủng khoảng là điều tồi tệ đối với mình. Nhưng sau khi đã trải qua nó, mình nhận ra kể cả khi cái tên của nó nghe có vẻ tiêu cực (khủng hoảng) thì nó cũng không hoàn toàn xấu.
Có lẽ mình còn phải cảm ơn cuộc khủng hoảng này vì nhờ nó mà mình đã học được nhiều điều. Nó cũng là một chất xúc tác giúp mình thay đổi cách nhìn về cuộc sống và tìm ra hướng đi mới.

Mỗi người luôn là một cá thể đặc biệt

Vì vậy, đừng nên so sánh bản thân mình với người khác.
Mình từng mắc chứng thích so sánh mình với người khác. Dù có nhiều điểm khiến mình tự tin hơn, cũng có những điểm mình chưa làm tốt như những người khác nhưng sau cùng mình chỉ thấy mình kém cỏi, tự ti hơn sau khi so sánh.
Bây giờ mình hiểu rằng, ai cũng có điểm đặc biệt của riêng mình. Việc của mình không phải là so sánh ai tốt hơn ai mà là sống thật với chính mình. Bởi vì mình là cá thể duy nhất.

Quay lại với bản thân luôn là liều thuốc tốt nhất

Bạn có thể tìm kiếm giải pháp ở khắp mọi nơi nhưng chỉ khi ngồi lại với chính mình, bạn mới hiểu rằng tại sao lại như vậy?
Mình từng “nhảy” việc nhiều lần vì môi trường làm việc không phù hợp. Nơi nào mình cũng thấy có một vấn đề khiến mình không thể gắn bó. Cho đến khi mình quay lại để soi xét chính mình thì mình nhận ra rằng vấn đề nằm ở mình.
Những công việc mình đã làm không mang lại đúng giá trị mà mình theo đuổi. Đó mới là bản chất của vấn đề.
Vì vậy mà mình luôn dành thời gian cho bản thân nhiều hơn khi mình gặp phải vấn đề trong cuộc sống.

30 tuổi không phải là quá muộn để bắt đầu

Kết thúc khủng hoảng ở tuổi 30, mình bắt đầu blog này như một hướng đi mới trong cuộc sống. Đối với mình, 30 tuổi không phải là quá muộn để bắt đầu một điều mới. Ngược lại, mình cảm thấy rằng đây là thời điểm mà mình hiểu rõ những mong muốn, giá trị thực sự bản thân muốn hướng đến.
Có lẽ bạn đã nghe câu chuyện nổi tiếng về ông chủ KFC – Harland Sanders khởi nghiệp kinh doanh gà rán ở tuổi 62 và thành công ở tuổi 74. Và rất nhiều câu chuyện khác về những con người bắt đầu sự nghiệp sau 40,50 tuổi. Với họ không có sự khởi đầu nào là quá muộn.
Nếu như bạn 30 tuổi hoặc nhiều hơn, chỉ cần bạn muốn bắt đầu thì không bao giờ là quá muộn.

Mỗi bước đi là một mảnh ghép trong bức tranh cuộc sống

Ngày hôm nay, mình ở đây viết những dòng này và cảm nhận rõ nhất điều đó. Những sự việc đến với mình, những con người mình gặp đều đưa đẩy mình đến thời điểm này. Mình đi qua từng mảnh ghép mà không hề biết.
Biết đâu lúc này cũng chỉ là một mảnh ghép trong bức tranh lớn hơn mà mình chưa nhìn thấy được. Nhưng bây giờ mình tin rằng, lắng nghe trái tim và làm theo nó sẽ đưa mình đến nơi mình mong muốn.
Nếu bạn còn ở trong cuộc khủng hoảng hay gặp một vấn đề khó khăn trong cuộc sống, chắc chắn đó chỉ là một phần trong bức tranh của chính bạn.

Cần một quãng nghỉ trong lúc mọi chuyện khó khăn nhất

Khi cảm thấy bản thân mình bị quá tải và mắc kẹt trong một sự hỗn loạn, mình đã cho bản thân mình dừng lại để chăm sóc cho tâm hồn của mình.
Nếu mình đang bơi giữa dòng nước thì quãng nghỉ như lên bờ và nhìn dòng nước trôi. Mình sẽ có cái nhìn của một người ngồi trên bờ quan sát mọi việc chứ không phải là một người đang vật lộn giữa dòng nước.
Bạn không cần một quãng thời gian dài đến cả năm như mình mà có thể chỉ cần vài tuần hoặc đơn giản vài ngày để làm cuộc sống của bạn lắng lại, quan sát nó, quan sát chính bạn. Đó là cơ hội để làm mới lại bản thân, tâm trí và cách nhìn nhận mọi việc.

Chỉ có hành động mới có khiến mọi thứ thay đổi

Mọi suy nghĩ, kế hoạch sẽ không thành hiện thực nếu thiếu sự hành động.
Cuộc khủng hoảng chính là khoảng trống giữa nơi bạn đang ở và nơi bạn muốn đến. Chỉ có hành động mới có thể thu hẹp được khoảng cách này.
Mình đã từng sợ hãi, lo lắng vì không biết phải làm gì, làm như thế nào. Lúc đó, mình đã làm tất cả mọi việc có thể, lao đầu vào tìm hiểu và thử tìm hiểu mọi thứ mình quan tâm. Dù chẳng phải tất cả đều mang lại kết quả nhưng nó giải thoát mình khỏi sự bí bách, khó chịu. Hơn hết, mình nhận ra sợ hãi và lo lắng chỉ tồn tại ở trong đầu mình mà thôi.

Những sự chuyển biến luôn cần thời gian

Hành động không thể tạo ra thay đổi ngay lập tức.
Trong thời gian khủng hoảng, mình thường xuyên phải quay lại làm việc với chính mình. Không phải ngày một, ngày hai mà mình đã thực hiện công việc đó liên tục nhiều năm trước khi có thể bước ra khỏi khủng hoảng.
Mình nghĩ mọi việc đều tuân theo quy luật như vậy, luôn cần thời gian để tác động và tạo ra sự thay đổi.

Kết

Chúng ta đã quá quen thuộc với vòng tròn an toàn của mình nhưng cuộc sống luôn luôn thay đổi.
Cuộc khủng hoảng 1/4 cuộc đời là một dấu hiệu để bạn thay đổi chính mình. Nó khiến cuộc sống của mình đảo lộn. Nhưng nhờ điều đó mà mình đã thiết kế lại cuộc sống của mình theo cách tốt hơn. Mình cũng nhận ra nhiều bài học quý báu cho bản thân mình mà mình đã chia sẻ với bạn trong bài viết này. Còn bạn, bạn có đang ở trong cuộc khủng hoảng và muốn chia sẻ bài học nào với mình không?