Trong bài trước có nói đến việc máy chơi game nhái (clone) sẽ tốt hơn phần mềm giả lập  (emulator). Đó là do máy nhái mô phỏng hoạt động của máy thật bằng phần  cứng có cấu trúc giống phần cứng của máy thật, trong khi phần mềm giả  lập mô phỏng hoạt động của máy thật thông qua một phần cứng hoàn toàn  khác.
Trên thị trường (lậu) hiện nay, có khá nhiều máy nhái lại các dòng Famicom (viết tắt là "FC", Âu Mỹ gọi là "NES") và Super Famicom (viết tắt "SFC", dân Nhật thường đọc là "Sūfami", Âu Mỹ gọi là "SNES")  bởi vì thời hạn bảo hành độc quyền đối với phần cứng của 2 hệ máy này đã  hết (20 năm), cho nên các bên thứ ba có thể thoải mái sản xuất mà không  lo bị kiện tụng. Một trong những chiếc máy nhái ra đời gần đây nhất, đó  là SupaBoy SFC, ra đời vào đầu năm 2018 và là máy nhái lại Super Famicom.

Đây là 2 phiên bản tiền nhiệm của SupaBoy SFC. Phiên bản đầu tiên có màn hình tỷ lệ 4:3
Chiếc máy này do hãng Hyperkin sản xuất và phân phối. SupaBoy là tên gọi chung của series máy nhái  SFC/SNES đã có từ năm 2011. SFC là phiên bản thứ 3, sau phiên bản đầu  tiên có tên "SupaBoy" và không có hậu tố, phiên bản thứ 2 có tên  "SupaBoy S". Phiên bản thứ 3 này, SupaBoy SFC, đã khắc phục một số nhược  điểm của SupaBoy và SupaBoy S. Kiểu dáng thiết kế của nó cũng đổi sang  style của máy Super Famicom (chính vì vậy nên mới có hậu tố "SFC" trong  tên gọi), trong khi ở 2 phiên bản trước là theo style của máy SNES. SNES  hay SFC cũng chỉ là một hệ máy, nhưng tên gọi và kiểu thiết kế khác  nhau. SFC cho thị trường Nhật Bản, có dáng thon và thiết kế bắt mắt hơn  là kiểu thiết kế của SNES cho thị trường Mỹ.





Đây  là phiên bản thứ 3, vậy SupaBoy SFC có những gì và làm được những gì?  Những nhận định dưới đây là theo ý chủ quan của người viết. Với giá $100  thì SupaBoy SFC đáng đồng tiền hơn so với SFC/SNES Class của Nintendō.  Bởi vì dù là hàng chính hãng, nhưng SFC/SNES Class lại là máy dùng phần  mềm giả lập, và không có tính cơ động như SupaBoy SFC.

Phụ kiện

Máy SupaBoy SFC được Hyperkin bán ra kèm với các phụ kiện sau:
-  Một túi vải đựng máy để tránh trầy xước. Túi vải màu đen, trên có in  tên máy, tên hãng Hyperkin và dòng chữ "Play well Live well".
-  Một dây xỏ máy. Giống dây xỏ các dòng điện thoại Xperia flagship cũ của  Sony. Nếu sợ rơi máy khi cầm chơi thì có thể quấn dây vào tay, khá tiện  lợi.
-  Một sợi dây sạc với đầu cắm USB, giống như bao dây sạc điện thoại khác  trong thời buổi này. Máy cũng đi kèm viên pin có thể chơi liên tục 10  tiếng. Nhưng thời gian để sạc đầy thì cũng khá lâu.
-  Một dây AVI để kết nối với màn hình TV. Có thể nối SupaBoy SFC với TV  CRT cổ, hoặc TV màn hình phẳng ngày nay, miễn là TV đó có cổng AVI.
- Một sách hướng dẫn với các thứ tiếng: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nhật Bản.



Cải tiến
So với 2 phiên bản trước thì SupaBoy SFC có một số cải tiến như dưới đây:
- Màn hình to hơn, cho phép chuyển đổi tỷ lệ màn hình hiển thị giữa 4:3 với 16:9.
- Giải quyết được lỗi rè tiếng, nhưng âm lượng cũng nhỏ hơn.
- Màu sắc đẹp hơn.
- Nút bấm trên thân máy nhạy hơn.
- Khe cắm băng chắc hơn, không còn bị lung lay.

Thiết kế

Mặc  dù là máy nhái Super Famicom, nhưng có một điểm khác biệt lớn giữa  SupaBoy SFC với máy Super Famicom (SFC, nhưng để tránh nhầm lẫn thì từ  dưới đây gọi là "Sūfami" để chỉ máy gốc),  đó là nó được thiết kể như một chiếc máy cầm tay. Bạn có thể mang máy  theo khi đi du lịch, tranh thủ chơi trên xe bus, hay khi đứng đợi bà xã  đi chợ,... Màn hình, 2 dải loa stereo và các nút bấm được được tích hợp  hết trên thân máy. Nhưng  dù là máy cầm tay, thì kích thước của SupaBoy SFC cũng khá to, to hơn  nhiều so với smartphone và gần bằng với kích thước của máy Sūfami.



Tương quan kích thước giữa máy nhái và máy gốc.

Ngoại  trừ điểm to và dày ra thì không còn điểm gì đáng kể để chê về thiết kế  của SupaBoy SFC. Chiếc máy rất đẹp, nhất là khi 4 nút A, B, X, Y được  đánh màu giống như tay cầm của Sūfami. Về điểm này thì tôi thấy SupaBoy SFC đẹp hơn 2 phiên bản trước đó. Cách bố trí nút bấm cũng giống như tay cầm Sūfami,  với 2 nút L, R ở 2 bên vai, nút chữ thập nằm bên trái còn 4 nút A, B,  X, Y nằm bên phải. Điểm khác biệt là nút Start và Select được dồn lên  góc trên bên trái của máy chứ không nằm ở giữa như tay cầm Sūfami. Vị trí này hơi khó với, nhất là nút Start.
Màn hình có tỷ lệ vật lý là 16:9, còn khi bật game lên thì bạn có thể chuyển đổi qua lại giữa tỷ lệ 4:3 và 16:9.
Ở phần dưới của mặt trước thì có 2 cổng kết nối với tay cầm Sūfami.  Rất hay là SupaBoy SFC cho phép bạn chơi với tay cầm gốc nếu không  thích các nút sẵn có của máy. Khi chơi đấu võ hoặc những game hành động  thì hẳn nhiên là tay cầm sẽ tốt hơn rồi.
Ở  mặt trên của máy, ta có cổng USB để cắm sạc, có nút chuyển đổi hệ màu  PAL-NTSC và nút reset. Nhưng điểm nhấn chính của máy chính là khe cắm  băng. Vâng, có thể cắm catridge Sūfami/SNES thật vào để chơi. Ở  mặt đáy thì có lỗ cắm tai nghe 3.5, nút chuyển đổi độ sáng màn hình  kiêm nút chuyển tỷ lệ màn hình, và núm vặn tăng giảm âm lượng.








Những điểm cộng

Concept của SupaBoy SFC là mang lại trải nghiệm của Sūfami, chỉ khác là có thể cầm tay mang đi được. Đối với máy thật thì hệ SNES và hệ Sūfami  không thể cắm băng của nhau vào được, bởi vì kích cỡ của băng và khe  cắm băng của 2 hệ này khác nhau. Nhưng với SupaBoy SFC thì khác, băng hệ  gì cũng cắm thoải mái và chơi thoải mái. Cái cảm giác cắm băng thật vào để chơi nó khác hẳn cảm giác chơi giả lập. Mà bản thân Supaboy SFC này mô phỏng phần cứng của Sūfami, nên hoạt động của nó cũng giống Sūfami. Nó lỗi ở những chỗ mà Sūfami lỗi, nó sáng ở chỗ Sūfami sáng và tối ở chỗ Sūfami tối. Chơi thử một vài game hành động thì nhận thấy Supaboy SFC không có input lag.
Hình  ảnh được hiển thị ra màn hình cũng tốt, nếu nhìn thẳng góc. Hình ảnh  được xuất ra TV có chất lượng tương đương với hình ảnh xuất ra TV của Sūfami. Supaboy SFC là máy nhái Sūfami, và Sūfami  xuất hình ảnh có độ phân giải 256 x 240 cho TV CRT cổ, cho nên nếu kết  nối Supaboy SFC với TV CRT thì hình ảnh sẽ đẹp hơn so với khi xuất ra  màn hình HD/FHD/4K. Cho xuất hình ảnh ra màn hình TV là một ý tưởng hay  đối với những người muốn chơi với bạn bè, gia đình. Khi đó, có thể nhấn  tắt màn hình của Supaboy SFC để tiết kiệm pin.
Ngoài khả năng tương thích với catridge các hệ, Supaboy SFC còn tương thích với các thiết bị ngoại vi của máy Sūfami/SNES  như chuột, súng,... Tôi không có những thứ đó nên không kiểm chứng  được, nhưng theo video dưới đây thì mọi thiết bị ngoại vi đều hoạt động  tốt với Supaboy SFC.


Những cái dở

Nhìn chung thì cái hay của Supaboy SFC chính là việc nó mang lại trải nghiệm mượt như Sūfami, thì cũng chính chỗ đó mà ta thấy những cái dở của nó. Thật ra mà nói thì đó là những cái dở của thời đại Sūfami  nếu nhìn từ góc của những thế hệ sinh sau đẻ muộn, chứ không hẳn là cái  dở của máy. Chẳng hạn như độ phân giải không cao, không có kết nối  HDMI,... Nhưng ngoài những điểm này ra thì Supaboy SFC còn có những cái  dở cố hữu của riêng nó.
-  Màn hình: kém sáng, dễ chói, dễ trầy xước. Dù có 5 nấc chỉnh độ sáng  nhưng mỗi nấc chẳng khác nhau là mấy. Màn hình LCD của Supaboy SFC mang  lại cảm giác gì đó rất rẻ tiền. Chỉ cần nhìn lệch góc một tí thì sẽ bị  hiện tượng chói, và chỉ cần cào nhẹ bằng móng tay thì cũng để lại vết  trên màn hình. Nhìn chung là chất lượng màn hình của SupaBoy SFC không  ngon bằng màn hình của PSP hay PS Vita. Tỷ lệ màn hình cũng khá nhỏ so  với kích thước máy.
-  Âm lượng: nhỏ. Mức vặn to nhất cũng chỉ đủ nghe thấy trong phòng kín.  Nếu chơi ở chỗ đông người thì tốt nhất là nên cắm tai nghe.
- Tỷ lệ màn hình: dù tỷ lệ gốc của Sūfami là 4:3, nhưng nếu để tỷ lệ này thì sẽ mất một phần hình ảnh ở 2 bên.
- Kích thước: dù là cầm tay nhưng kích thước máy khá to, cầm hơi vướng.



So sánh hình ảnh giữa tỷ lệ hiển thị 16:9 và tỷ lệ 4:3.