LỊCH SỬ HÀO HÙNG ĐƯỢC VIẾT NÊN BỞI BẢN LĨNH VÀ TRÍ TUỆ NGƯỜI VIỆT NHIỀU THẾ HỆ.
Ảnh: VTV. Đối diện - Không được lãng quên.
Ảnh: VTV. Đối diện - Không được lãng quên.
Những ngày tháng 8, tháng 9 hàng năm, người dân Việt Nam lại tràn ngập với cảm xúc tự hào về những dấu mốc son trong lịch sử dân tộc. Đó là Cách mạng Tháng Tám 19/8 và Quốc khánh 2/9.
Đó là niềm tự hào và kiêu hãnh của một dân tộc đã làm nên những kỳ tích, những chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, và đã trở thành niềm cảm hứng của nhiều dân tộc khác trên thế giới.
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, trên bản đồ thế giới đã có tên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người dân Việt Nam từ vị thế nô lệ sống dưới ách đô hộ của thực dân và phong kiến đã trở thành những người dân có tự do, được tự quyết về vận mệnh của chính mình.
Lịch sử vẻ vang của một dân tộc anh hùng luôn luôn được ghi nhớ và biết ơn bởi bao thế hệ đã dâng hiến cả cuộc đời để đất nước có được cơ đồ, vị thế như ngày hôm nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Đại văn hào người Pháp Victor Hugo từng khẳng định: "Lịch sử là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và là ánh phản chiếu của tương lai trên quá khứ".
Như vậy, lịch sử không chỉ là những cái đã qua mà còn là người thầy dạy cho chúng ta hiểu hiện tại và giúp chúng ta dự báo cả tương lai. Có nhìn lại lịch sử Việt Nam, trân trọng từng thời khắc, dù là đau đớn hay hạnh phúc, từng người dân, hay cả dân tộc mới có thể có thêm hiểu biết, có thêm niềm tự hào, và sức mạnh để vượt qua thử thách hiện tại, hướng tới một tương lai còn tươi sáng hơn nữa.
Thành công của Cách mạng Tháng Tám không chỉ là kỳ tích vĩ đại có một không hai trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 20 mà còn có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Đó là nguồn cổ vũ quý giá đối với các quốc gia - dân tộc đang mất độc lập tự do ở châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh.
Đài THVN - VTV.