Khóc xong rồi, cất bằng khen vào thôi
Hôm nay mình đăng story hoài niệm chiếc bằng tốt nghiệp loại xúc xắc của NEU, em bé Nấm mới nhắn tin bảo là: - Em vẫn thắc mắc tại...
Hôm nay mình đăng story hoài niệm chiếc bằng tốt nghiệp loại xúc xắc của NEU, em bé Nấm mới nhắn tin bảo là:
- Em vẫn thắc mắc tại sao Mỵ bỏ ngành chuyển sang làm healer đó.
Không phải mỗi Nấm đâu, mình nhận được câu hỏi đó nhiều rất nhiều. Bà Thỏ - khách ruột của mình còn tròn mắt ngạc nhiên:
- Ủa mày không nói tao còn đ** biết mày thủ khoa đầu ra cơ. Mày học NEU thật hả. Ủa Ủa Ủa? Sao giờ lại bay dô Đà Nẽng làm hiu lờ?
Thật ra, mình đã từng là một đứa ham bằng cấp điên cuồng, lại còn rất máu chiến thắng thua hồi còn đi học. Mấy đứa em mình gặp lại sau này còn bảo "Eo ôi chị Mỵ hồi đó cứ phấn đấu, nỗ lực nỗ lựa sợ vãi í." Mình đúng như vậy thật. Các bạn mong đỗ Đại học, còn mình mong đỗ thủ khoa hoặc có thứ hạng gì đó để lấy học bổng. Mình kiểu vừa ham danh vừa ham tiền nên lúc nào cũng phải làm bằng được. Hồi IELTS chưa phổ cập như bây giờ, các bạn học để đạt 6.5 ra trường còn mình nằng nặc đặt target 8.0 để rồi có những đêm bật dậy khóc sướt mướt vì sáng đó làm Listening được có 22 câu. Nói chung mình đã từng là một đứa gắn việc học giỏi, bằng cấp, địa vị là bảo chứng cho giá trị của bản thân và là mục tiêu duy nhất. Lúc nào mình cũng tin là: Học giỏi thì cả nhà mới không chết đói được.
Ôm cái "tinh thần cạnh tranh" mãnh liệt đó, mình giật bằng được một đống giấy khen học sinh giỏi. Mình nhiều giấy khen đến nỗi mà hồi cô còn sống và làm trong viện, cô mình còn đùa:
- Nhà tao hai thằng con trai chả thằng nào cuối năm đem được giấy khen về. Hôm nào cơ quan khen thưởng con em cán bộ nhân viên phải sang mượn cái của con Linh nộp cho đỡ mất mặt.
Mình hiếu thắng đến độ hoạt động ngoại khóa nào cũng phải tham gia bằng được để thắng. Cắm hoa cũng phải đau đầu nghĩ làm sao để của mình độc nhất, xịn nhất. Cắm trại cũng thế. Lần nào mình cũng đứng nhất thật. Mấy năm liền đều vậy. Nhưng trong khi các bạn mình chơi, thì mình lui cui đi mua hoa, lui cui trang trí, lui cui chỉnh chỗ này chỗ kia, lui cui làm hết 1000001 bài thầy giao. Hồi đó, mình còn máu chiến với cả một bạn hay giải Toán tuổi thơ (hay Toán học và tuổi trẻ nhỉ?) dù nó ở Sài Gòn còn mình ở Nghệ An. Số nào bài giải của nó được đăng mà mình thì không, mình ấm ức mấy ngày, còn gửi tin Yahoo khè đểu nó nữa.
Sau này lên đại học, mình đỗ Á khoa đầu vào nhưng không hài lòng. Suốt 4 năm, học bổng nào cũng apply, cuộc thi nào cũng nhúng tay vào thử, môn nào cũng cân đo đong đếm yêu cầu giảng viên để điểm phẩy cao nhất. Cuối cùng, mình ra trường, tay cầm bằng khen thủ khoa thật. Giữa năm 3, mình đi thi MT nhưng vụ này thì mình bí mật tại mình trượt nên có dám gáy to đâu. Sau đợt đó cộng thêm cả những khó khăn ập đến trong gia đình nữa, mình bắt đầu hoang mang bởi tất cả những thứ mình làm. Mình đi học đầy đủ, cố gắng để tổng kết luôn đứng đầu. Mình chăm chỉ tham gia hoạt động, đi làm thêm đúng chuyên ngành, kiếm tiền. Nhưng sau tất cả những điều đó, mình không biết mình có thực sự sống?
So với bạn bè hồi đó, mình kiếm được không ít. Công việc cũng đúng với khả năng và chuyên ngành, giúp ích rất nhiều cho việc học trên lớp. Mình cũng đạt được vài giải thưởng nhỏ khi còn là sinh viên. Thế nhưng khi mọi chuyện trong gia đình xảy ra, số tiền mình kiếm được vẫn không đủ. Mình khóc cạn nước mắt không phải vì buồn mà vì không biết vì sao mình buồn, vì sao mình lại loay hoay cố chạy. Nhưng chạy vì điều gì?
Lúc đấy, mình có một khoảng chững rất lớn trong sự nghiệp. Mình ra trường bằng xuất sắc, là thủ khoa, có mức lương ổn ở một công ty ổn và cống hiến cho một ngành rất tiềm năng thời điểm đó. Thế nhưng mình vẫn không cảm thấy an toàn. Mình vẫn có cảm giác mình như đánh rơi một điều gì đó trong suốt quá trình mình lớn lên. Mình cho là mình đã dành nhiều thời gian cho một vị trí nên gap 1 năm để suy nghĩ thêm. Trong một năm đó, mình chỉ làm những điều mình thấy vui mỗi ngày, học thứ mình thực sự muốn học mà chẳng quan tâm chỗ đấy có cấp bằng hay chứng chỉ không, ôn lại những kiến thức mà mình đã từng hứng thú nhưng bỏ dở với lý do "bận học". Và đó là năm mà mình được chữa lành rất nhiều từ sâu thẳm bên trong, là năm mình nhận ra mô thức của lý do mình hiếu thắng, của việc tại sao mình luôn cứ "nỗ lực nỗ lực", của việc tại sao mình luôn chạy nhưng chẳng hiểu chạy vì điều gì. Sau đó, mình đặt một cái wishlist cho "ideal job" gồm mấy cái gạch đơn giản kiểu: Môi trường thoải mái, không thị phi (đi làm đâu cũng gặp drama nên bị xì chét); Được gặp nhiều người (mình luôn tin là gặp nhiều nghe nhiều sẽ hiểu biết) và mức lương đủ hài lòng,...
Mình phải rất nỗ lực mới cai được bệnh hám danh. Trước đó, tiêu chuẩn của mình luôn là: Big Firm, Big Firm, Big Firm và cái tilte nghe kêu cong cong như Brand Strategic Specialist =))))
Cai đến đó thì mình được nhận làm CO cho một tổ chức phi chính phủ về bình đẳng giới và nhân quyền. Phải nói là cầu được ước thấy, cơ quan mới đúng là cho mình môi trường thoải mái từ trang phục đến thời gian, đồng nghiệp thân thiết như người nhà và gặp nhiều người, rất nhiều người. Mình còn được cho đi học nhiều khóa siêu xịn xò hay ho mà trước đây chưa từng xuất hiện trong thế giới của mình. Cứ thế say mê, say mê làm và tưởng mình tìm được chân ái được một thời gian thì mình nhận ra: Dù cơ quan có thoải mái như thế nào, mình vẫn cảm thấy chưa được tự do hoàn toàn. Vẫn có những điều gì đó khiến mình cảm thấy tắc. Mình thật sự không biết miêu tả cảm giác đó như thế nào nhưng mình nghĩ là giống cảm giác của một người sắp kết hôn thì nhận ra hôn phu không hẳn là The One của mình. Mình bắt đầu hoài nghi hơn về bản thân. Mình biết mình lại rơi vào một vòng lặp trước đó, vòng lặp ám ảnh với câu hỏi: Mình có thấy mình đang sống với công việc này hay không? Mình lại lập ra một checklist:
- Công việc này có giúp mình tốt lên mỗi ngày ko?- Phần lớn những lúc làm việc mình đều thấy vui và ý nghĩa?- Lúc được khen và hoàn thành, mình có vui được lâu ko?- Mình có thấy định hướng cơ quan và giá trị của mình theo đuổi là 1 ko?- Nhìn đồng nghiệp senior, đó có phải là tương lai mình muốn sống trong đó ko?- QUAN TRỌNG: Nếu mình chọn nghỉ công việc này để làm gì? Để trốn chạy một điều gì đó ở đây hay vì mình đã sẵn sàng cho 1 cuộc sống mới? Nếu mình chọn ở lại thì vì mình yêu nó hay vì mình đang muốn cái danh/ khoản tiền của nó mang lại? Nếu có, cái danh đó và khoản tiền đó có phải Happy Income ko?
Sau nhiều ngày trả lời checklist "nhìn thì ngắn nhưng hơi tiền đình" này, mình phát hiện: Công việc này giúp mình phát triển lên thật nhưng bản thân mình không thấy khớp với giá trị của nơi mình làm. Công việc này cho mình nhiều kiến thức và điều kiện tốt nhưng mình không muốn dùng chúng để cống hiến cho những đối tượng cơ quan mình đang hướng tới. Nói đơn giản là tệp công chúng mục tiêu của 2 bên khác nhau. Và mình thời điểm đó đã phát triển Deep Talk with Monet ở một mức độ ổn định. Thế là mình lại quit.
Mình tâm niệm: Mỗi công việc, vị trí, tại mỗi thời điểm khác nhau sẽ dành cho một hoặc một nhóm người nhất định. Nếu đã nhận thấy không hợp, sao phải cố chấp ngồi lâu ở chỗ vốn dành cho người khác. Mình chọn nghỉ việc và chia sẻ với sếp của mình từ sớm, hỗ trợ tối đa trong việc tìm người mới, training họ vì mình tin rằng: Vai trò của mình ở vị trí này đã xong cũng như vai trò của công việc này đối với mình đã hết và mình chọn một cái kết đẹp để có một khởi đầu đẹp không kém. Nếu có ai đó bảo mình nhảy việc là không tốt thì mình cũng đành chịu thôi. Mình trội yếu tố Linh hoạt trong bản đồ sao. Mình chia tay người yêu cũ vì người đó không có chính kiến. Nói chung, mình không thể duy trì thứ mà mình nhận thấy điều không ổn và mình không có hứng để cảm thông, sửa chữa điều không ổn đó.
Và kể từ giây phút đó, mình nhận ra: Mình tự do hoàn toàn với bằng cấp, địa vị và cả sự kiểm soát. Mình tốn rất nhiều nước mắt cho việc buông bỏ những điều đó nhưng buông bỏ không có nghĩa là mình ghét chúng mà vì mình biết mình không còn phù hợp với chúng nữa rồi. Mình cũng hiểu rằng việc mình buông bỏ chả có ý nghĩa đả kích gì với những người ở lại và những người không thay đổi vì vẫn hài lòng với công việc của họ ở ngoài kia.
Vì mình buông bỏ nhưng thật sự biết ơn tất cả quãng thời gian và vì mình tin rằng bất cứ công việc hay trải nghiệm nào dù thoạt nhìn không liên quan nhưng đều là sự chuẩn bị cho những chặng đường dài hơi hơn trong tương lai. Tất cả những kiến thức mình sở hữu, kinh nghiệm mình có giúp ích mình không ít khi bắt đầu với công việc hiện tại (dù về cơ bản marketing chả liên quan gì đến chữa lành).
Nếu không được đào tạo và say mê ngành truyền thông từ năm 18 tuổi, mình - con bé nhà quê sẽ chẳng bao giờ biết về các lý thuyết tâm lý, về vai trò của một sản phẩm/dịch vụ là tạo ra giá trị thực sự cho khách hàng. Mình sẽ không bao giờ ý thức được về đạo đức trong bất cứ ngành nghề nào nếu không học Hành vi tiêu dùng của cô Oanh, sẽ không bao giờ biết tầm quan trọng của trách nhiệm nếu không học lớp cô Hạnh,...
Nếu không trải qua cảm giác hụt hẫng sau khi có danh vị, mình sẽ không bao giờ hiểu được đó là những niềm vui tạm thời.
Nếu không được làm việc ở tổ chức, mình cũng chẳng bao giờ có thời gian học thêm về năng lượng, về thiền. Đồng nghiệp mình dạy mình rất nhiều về sự chăm sóc người khác, về sự tỉnh thức khi tiếp nhận thông tin. Sếp mình dạy mình rất nhiều về sự liêm chính và các khóa học của cơ quan dạy mình rất nhiều về khả năng lắng nghe, giữ vững bản thân trước những ảnh hưởng từ bên ngoài.
Mình bắt đầu là dân chuyên Toán, học thiên tự nhiên nên tiếp cận công việc chữa lành, chăm sóc người khác theo hơi hướng logic hơn. Có thể mình chưa giỏi việc đó nhưng ít nhất những trải nghiệm phân tích, đánh giá, phản biện cho mình khả năng đón nhận các thông tin và kiến thức hơi hướng Huyền học không bị mù quáng và ảo giác quá.
Sắp tới mình định đăng ký các course chuyên sâu hơn về coach và năng lượng. Tính ra vẫn là "đường học còn dài" như hồi xưa thầy bói bảo. Nhưng dù gì thì mình cũng không còn bị trói buộc bởi thành tích nữa các bác ạ. Giờ học thấy vui với háo hức lắm. Học xong cứ thấy mình sáng ra, tỉnh ra thêm một chút nên dất nà hép pi.
Thôi, tóm gọn mình chỉ muốn nói là, có thể mình chưa đi quá xa trên hành trình này nhưng mình biết ơn những lần trồi sụt khóc lóc trong quá khứ để có thể mạnh dạn cất bằng cấp, giấy tờ đi mà tự tin rằng: Bạn và mình đều đang được dẫn dắt để làm một điều gì đó không phải có ý nghĩa cho ai khác, mà để bản thân thấy mình thật sự được sống, để bản thân trân trọng tất cả những kinh nghiệm đã có và để bản thân được vui, được quyền tự hào về những điều mình làm.
Bạn mình hay bảo: Xã hội VN cái gì cũng bằng cấp. Các khóa học tổ chức ra cũng phải in 1 xấp bằng cấp để phát cho học viên tốt nghiệp. Thế nên mình phải chịu thôi. Haizzzz, mình không biết nữa, ai chịu thì chịu chứ chắc không phải mình.
Nói chung, cất chiếc bằng hơi tốn mồ hôi kiếm được xong cũng hơi tiếc nhưng nghĩ đến việc sắp tới đường học vẫn mở dài để nghiên cứu nhiều thứ một cách say mê mà không cần ai chứng nhận thì lại vui hơn nhiều.
Bài viết tùy tiện xì tai tâm sự kể lể với đàn em nên thôi nốt dán cái link thể hiện tí sự tự hào về công việc mình đang làm dù ai nói ngả nói nghiêng nha, hihi.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất