“Kho báu” của chúng ta.
"Hãy cứ nhớ rằng, ở bất cứ nơi đâu cậu tìm thấy trái tim mình, thì cũng sẽ tìm thấy kho báu ở đó” - Paulo Coelho....
"Hãy cứ nhớ rằng, ở bất cứ nơi đâu cậu tìm thấy trái tim mình, thì cũng sẽ tìm thấy kho báu ở đó” - Paulo Coelho.
Nhắc đến “kho báu” chắc hẳn không chỉ riêng mình mà đa số mọi người đều nghĩ đến những thứ gì đó lấp lánh, sáng loáng, những thứ có giá trị lớn về mặt vật chất hoặc tinh thần. “Kho báu” có thể là tiền, đồ vật hay giấy tờ gì đó có giá trị lớn, nói về “kho báu” như vậy, ắt hẳn đây chính là thứ mà nhiều người chúng ta đang nỗ lực từng ngày, từng giờ để giành giật, tích luỹ hàng ngày để có thể mưu sinh cho hiện tại và tương lai.
“Kho báu” cũng có thể được hiểu như là thời gian, người ta hay nói thời gian là vàng là bạc mà, mặc dù chẳng thứ vàng bạc gì có thể đổi lấy những phút giây đã trôi qua cả. Hay “kho báu” chính là sức khoẻ, có sức khoẻ là có tất cả, có sức khoẻ ta mới có thể lao động, sản xuất, tạo ra những giá trị khác. Mình cũng từng thấy có những người mẹ gọi con cái mình là “kho báu”, con cái đối với người mẹ mà nói thì cũng có thể chính là cả cuộc đời, là lẽ sống của bản thân, hẳn “kho báu” cũng dùng để nói về những điều có giá trị đến như thế.
Với mình, từ “kho báu” nó muôn hình vạn trạng như thế, nhân dịp mới đọc xong cuốn sách “Tĩnh lặng” của thiền sư Thích Nhất Hạnh, thử xem “kho báu” chính là “hiện tại” thì nó sẽ ra sao nhỉ?
Thử để ý xem hàng ngày chúng ta tiếp nhận bao nhiêu là nguồn thông tin vào cơ thể, vào trí óc, vào trái tim, từ những loại thức ăn chúng ta ăn hàng ngày, đến những cuộc đối thoại với những người xung quanh, những kiến thức từ công việc, học tập và muôn vàn các thể thoại cảm xúc mà chúng ta phải đối mặt trong trong cuộc sống. Rồi sau khi tiếp nhận những loại thông tin như thế, có khi nào ta tạm cho nó qua chưa hay vẫn cứ “nhai đi nhai lại” kể cả sau đó một thời gian rất dài, khi đang làm những việc khác chả liên quan.
Đang đánh răng buổi sáng tự nhiên cảm thấy hơi lạnh của mùa đông phả vào mặt, rồi hình ảnh mấy năm trước mình cùng người yêu cũ đi dạo dưới phố đông ùa về, hay nhìn thấy khuôn mặt của mình trong gương rồi lại thắc mắc, “cũng ra gì phết mà sao người đó không thích mình nhỉ?”, ơ thế tự nhiên đang đánh răng ở đây ta bỗng chốc lượn một vòng về quá khứ, rồi lại bị hút vào những suy nghĩ vẩn vở, rõ là mình đang ở hiện tại, mình chỉ có thể sống ở hiện tại cơ mà? Rồi có nhiều khi đang học hay đang làm việc, ta lại thấy màn hình trong tâm trí tự nhiên khởi động, ở đó là những hình ảnh không có thật ở hiện tại hay quá khứ, đó là điều ta mong ở tương lai, thậm chí nó sẽ không bao giờ xảy ra, những hình ảnh, thước phim rằng mình sẽ vui sướng thế nào khi đạt được mục tiêu đang theo đuổi, khi crush cư xử với mình theo cách mình muốn, khi cuộc đời dù hạnh phúc hay bất hạnh thì nó cũng sẽ xảy ra một cách thật nghệ thuât như trong phim mà ta là nhân vật chính, để rồi cái mình đang phải làm ở hiện tại chỉ là những quãng ngắt không hiệu quả mà vấn đề là thiếu sự chú tâm từ ta.
Từ những gì mình để ý ở bản thân mình và những người xung quanh, cả những gì mình đọc được, thì chắc hẳn đa phần con người chúng ta, hay chí ít là những người trẻ chưa đến đầu 3 như lứa tuổi của mình đều sống mà không thực sự “sống”. Chúng ta đang sống ở hiện tại nhưng lại không thực sự ở “hiện tại”, tâm trí chúng ta chạy suốt bao nhiều vòng từ quá khứ đến tương lai, đến một hiện tại khác không có thực, chúng ta nhai đi nhai lại nỗi đau trong quá khứ như bò nhai cỏ, cố gắng tiết ra thật nhiều dopamine từ những suy nghĩ về hiện taị màu hồng không có thực để tự thoả mãn lòng mình. Mặc dù phải công nhận là những điều này khiến ta thấy thoả mãn hơn hẳn, nhưng khiến ta thoải mái hay hạnh phúc hay không thì đa phần là không, đang yên đang lành tự nhiên nghĩ về quá khứ để mà buồn, nghĩ về “hạnh phúc ảo” để vui trong thoáng chốc rồi lại buồn khi nhìn lại hiện thực lại không như mình mong muốn,…
Nếu như mục đích sống của chúng ta là sự bình thản và hạnh phúc thì cũng có thể nói “kho báu” chính là sự bình thản và hạnh phúc. Bởi vì hạnh phúc và bình thản đa phần sẽ hiện diện cùng với chúng ta khi ta thực sự nhận ra sự có mặt của nó, đó là khi chúng ta thực sự sống ở hiện tại, dành hết sự chú tâm cho hiện tại. Không như quá khứ, hiện tại là thứ ta có thể thay đổi được và có thể cảm nhận được sự thay đổi dễ dàng nhất, vậy tại sao không tập trung vào nó để khiến nó trở nên tốt đẹp hơn?
Lần tới khi đánh răng, hay thử lắng nghe từng nhịp thở đều của bản thân, lắng nghe tiếng bàn chải đánh răng cọ vào răng mình, nhận thức được chúng đang được làm sạch, lắng nghe tiếng nước chảy róc rách từ vòi nước, đồng điệu chúng với nhịp thở của chính mình. Khi học bài trên giảng đường, hãy lắng nghe sự thay đổi trong giọng nói của giảng viên, cảm nhận hơi thở của mình, cảm nhận cảm giác ở đôi bàn chân đặt xuống nền nhà khi nhận thức được rằng mình đang dần bị trôi theo các dòng suy nghĩ để từ từ đưa mình trở lại với thực tại. Khi nói chuyện với một người nào đó, hãy cố gắng lắng nghe bằng cả trái tim mình, lắng nghe một cách thật chú tâm và sâu sắc không phán xét, ta có thể phần nào đồng cảm được với đối phương và có những câu trả lời khiến đối phương an lòng. Hay như thiền sư Thích Nhất Hạnh gợi ý, khi đang có cảm giác lo âu hay đau khổ vì không đạt được điều mình muốn, ta thường có xu hướng tìm đến những thứ không lành mạnh để khoả lấp sự trống vắng trong lòng một cách tức thời, như việc lạm dụng thuốc giảm đau vậy, khi gặp trường hợp như vậy ta có thể quay trở lại hơi thử chánh niệm, tức là hay tập trung vào hơi thở của mình, nhận thức mình đang ở hiện tại, tắt đài NST (Non stop thinking) trong đầu mình, ta có thể bớt đi cái ý muốn tìm cái gì đó không tốt để giải khuây.
“Nhìn thấy trái tim mình” ở nơi đâu, ta cũng sẽ thấy “kho báu” ở đó. Cuộc đời là tập hợp những khoảnh khắc “hiện tại”, chúng ta chỉ có thể sống “ngay tại đây, vào lúc này”, vậy hãy thử đặt “trái tim” mình ở hiện tại, xem hiện tại đem lại cho ta những điều gì.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất