Sự bế tắc và bất lực luôn là chủ đề bất tận của nghệ thuật. Ví dụ như ở đoạn mở đầu chương 10 cuốn Rừng Na Uy, Murakami viết:
Khi nghĩ lại năm 1969, tâm trí tôi chỉ thấy một vùng đầm lầy - một vùng bùn sâu dẻo quánh có vẻ muốn mút chặt và kéo tuột giày tôi ra mỗi lần tôi cất bước. Tôi đi trong vùng bùn ấy, sức lực kiệt dần. Đằng trước, đằng sau, tôi không nhìn thấy gì khác ngoài bóng tối vô tận của đầm lầy.
Hoặc ở bài thơ bìa cuối cuốn Dấu vết thiên di, Nguyễn Băng Ngọc viết: 
Lần theo dấu vết thiên di
Buồn vui như thể cơn mưa bất kỳ
Cuối cùng rồi cũng chia ly
Hoặc như một bài hát của Trịnh Công Sơn:
Rừng xưa đã khép
Em hãy ra đi
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một người đang tin rằng mình đang bất lực sáng tác hoặc thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật nói về những nhân vật cũng tin rằng mình đang bất lực? 

👉 Bài chi tiết: Sự bất lực học được là gì? 

Nhà văn Dostoyevsky có nói rằng: “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”. Vì cảm xúc thẩm mỹ là một cảm xúc tích cực, nên có lẽ trước tiên tính thi ca trong tác phẩm sẽ làm dịu nỗi đau của họ. Việc được thấy một câu chuyện của một người bất lực khác cho họ thấy rằng mình không phải là người duy nhất phải chịu đựng. Việc được chiêm ngưỡng sự chăm sóc - dù chỉ là trong thế giới hư cấu - cũng sẽ có tác dụng an ủi họ.

Nhưng ngoài chuyện họ được an ủi ra, thì liệu ta có thể hi vọng gì được thêm không? Mặc dù ai cũng hiểu nghệ thuật không có nghĩa vụ phải giảng dạy bài học cuộc sống, không có nghĩa vụ bảo rằng độc giả phải có niềm tin tích cực, nhưng liệu với những tác phẩm nói về sự kiên cường, không đầu hàng số phận, liệu ta có thể hi vọng họ lấy đó làm cảm hứng hay không? Tôi e là không. Vì những người đang tin rằng mình đang bất lực (những người có sự bất lực học được), theo định nghĩa, đã học được rằng cứ mỗi lần có niềm tin tích cực thì họ đều sẽ luôn thất bại, nên bây giờ sự tích cực đã bị lọc lại. Với họ, một cái kết day dứt thì là chuyện hiển nhiên và sinh động, còn một kết thúc có hậu thì chỉ là chuyện viễn tưởng, đọc cho biết, cho vui. Có thể sự tích cực đó vẫn có thể gieo cho họ thấy sự tồn tại của một thế giới khả thể khác, nhưng nó khó mà có thể đánh bật được một niềm tin đã được củng cố từ quá lâu. Nếu ngay cả những điều tích cực có thật còn không thể cạnh tranh nổi, thì đồ giả như văn chương làm sao có cửa nào? Cái đẹp có thể cứu rỗi tâm hồn của ai đó chứ không thể cứu rỗi được tâm hồn họ.
(Nếu chiếu theo lý thuyết truyền thông của Stuart Hall, thì độc giả đang dàn xếp (negotiate) cách hiểu của mình với văn bản, hơn là chống đối (opposite) nó hoàn toàn. Đó là vì với một văn bản đẹp, họ vẫn có sự chấp nhận tác phẩm một phần nào đó. Chỉ là họ không hoàn toàn chấp nhận nó mà thôi.)
Muốn chấm dứt niềm tin rằng ta đang bất lực thì ta cần phải hành động, chứ nó không tự mất đi. Nhưng khi ta xắn tay áo lên, cái đẹp sẽ biến mất. Không ai phủ nhận việc giải quyết được hiện trạng một cách rốt ráo thì sẽ rất tốt, nhưng nếu bản thân việc chiêm ngưỡng hiện trạng đó cũng tạo ra một cảm xúc tích cực, vậy tại sao lại phải vận công thay đổi nó? Và chưa kể, ở giữa cái đẹp đó, họ còn tìm được niềm an ủi. Nên nạn nhân của sự bất lực học được sẽ bị giam trong một vòng lặp: muốn tìm được niềm an ủi cho mọi khổ đau, thì cần phải duy trì hiện trạng để còn tiếp tục thưởng lãm cái đẹp. Như vậy, cái đẹp giữ chân họ ở lại với sự bất lực, và làm họ xao nhãng với điều quan trọng nhất. Thậm chí, họ còn có thể đưa ra một xác quyết là điều quan trọng nhất với họ là ở lại với cái đẹp, chứ không phải chấm dứt nỗi đau của họ.
Nếu họ đem câu chuyện của họ viết ra thành thơ, vẽ thành tranh, phổ thành nhạc, chụp thành ảnh, hoặc chỉ đơn giản là trích một câu nào đó deep deep, thì họ đang đưa ra một thông báo cho thế giới. Thông báo đó nói rằng: tôi đang đau. Nhưng bạn bè họ, với tư cách là độc giả, nhất thiết cần phải giữa khoảng cách với nhân vật trong tác phẩm để còn có thể chiêm nghiệm nỗi buồn đẹp, sự mất mát đẹp. Nhưng nỗi buồn đẹp đó từ đâu ra, nếu không phải từ chính sự bất lực của tác giả? Nên nếu họ (độc giả, bạn của tác giả) không thể nhận ra đây là thông báo của bạn họ về nỗi đau của mình, thì nghĩa là họ sẽ không thể nhắn một câu đơn giản là họ sẽ luôn ở bên cạnh, dù điều đó hoàn toàn nằm trong khả năng của họ, và lại là thứ cần làm nhất. Ngược lại, họ sẽ chỉ đưa ra những lời hâm mộ, thả tim hoặc cà rỡn. Tuy chúng có tác dụng an ủi và khuây khỏa tác giả rất mạnh, nhưng đó chỉ mãi là an ủi và khuây khỏa mà thôi. Chúng sẽ tiếp tục khuyến khích tác giả tiếp tục ở lại vòng lặp của mình, làm cho họ học được rằng việc tự hành hạ bản thân là một thói quen tốt. Cái đẹp đã đánh lạc hướng bạn bè của người có nỗi đau.

*      *      *
 
Tại sao con người lại cần đến văn học và yêu thích nó, dù biết nó là thứ hư cấu? Đó là vì, như nhà nghiên cứu văn học Wolfram Iser nói, “hành vi hư cấu của chúng ta đưa chúng ta đi thật xa khỏi thế giới này cũng như trạng thái vốn có của chúng ta, đến một thế giới tưởng tượng”. Thế giới tưởng tượng xa xôi huyền viễn ấy hấp dẫn con người bởi nó khắc phục được những giới hạn về thời gian, không gian, nhận thức trong thế giới hiện thực để đạt đến sự tự do nhất, thỏa mãn những ước mơ khát vọng chưa thể hoặc không thể thực hiện được ở hiện tại. 
Nhờ có cái đẹp, nên dù họ buộc phải sống một cuộc sống bất lực, thì tâm trí họ cũng không ở trong thế giới đó. Ở thế giới song song đó, rốt cuộc họ cũng được giải thoát. Chỉ có điều, sự giải thoát đó mãi chỉ là hư cấu. Không phải vì sự giải thoát đó là khoa học viễn tưởng, mà là vì họ tin rằng đó là khoa học viễn tưởng. Khi họ từ chối biến sự hư cấu đó thành hiện thực, thì không phải họ đang chạy trốn gì cả, mà chỉ là họ không thể nào chọn làm vậy mà thôi.
Tham khảo:
Đỗ Văn Hiểu, Mĩ học tiếp nhận ở Việt Nam, Tạp chí Phát triển KH&CN, tập 16 số X2-2013
Lưu Hồng Sơn, Lý thuyết tiếp nhận của Wolfgang Iser, Tạp chí Khoa học Đại học Văn Hiến, tập 6 số 4, 2019
Thủy Mẫn, Van Gogh: Nỗi Buồn Kéo Dài Mãi Mãi, from Visual to Mind, 2020



Đây là phần thứ 3 trong loạt bài Khi sự bất lực trở thành cái đẹp. Nó gồm có 4 phần:
Cảm xúc
Cái đẹp
Khi sự bất lực trở thành cái đẹp
Khi sự nuông chiều trở thành cái "đẹp"
Mong nhận được sự phản hồi của các bạn