Cách đây 20.000 năm, phần lớn diện tích đất liền Việt Nam được bao phủ bởi những cánh đồng cỏ rộng mênh mông, khí hậu nóng ôn hòa, lượng mưa ít và độ ẩm không khí thấp hơn điểm GPA của đa số sinh viên hiện nay. Đứng đầu chuỗi thức ăn là bọn to xác voi răng kiếm, lợn vòi (không phải lợn lòi), tê giác...Hà Nội ngập trong nước biển và Hạ Long vẫn chưa tách khỏi lục địa để thành di sản thiên nhiên thế giới. Giai đoạn này được đặt cho một cái tên khoa học là thế Pleitoscene.
Trong khoảng thời gian từ 12.000 đến 10.000 năm cách ngày nay, khí hậu chuyển dần sang thế Holocene. Nguyên nhân của quá trình này được giải thích bằng sự biến động trong chu kì quay của trái đất làm băng ở hai cực tan chảy, nước biển dâng lên lấn sâu vào trong đất liền. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng khu vực nam Trung Quốc và bắc Việt Nam hiện nay không trải qua thời kì băng hà như nhiều nơi khác trên trái đất, nhưng cũng có một khoảng thời gian lạnh khô đột ngột, thể hiện trên tầng trầm tích Cyclophorus xuất hiện một lớp bột đất sét màu vàng.
Thời kì này diễn ra 3 lần biển tiến, 2 lần Pleitoscene và 1 lần Holocene. Biển tiến Holocene lên tới phía nam sông Luộc vào đầu Holocene, sau đó rút đi trong khoảng giữa và cuối Holocene, định hình bờ biển hiện tại. Hà Nội và toàn bộ các tỉnh Thái Bình, Nam Định trồi lên khỏi mặt nước, trong khi các lục địa phía đông bắc chìm xuống tạo thành vịnh Bắc Bộ. Biển tiến làm cửa sông lùi vào sâu hơn, nước thoát ra chậm hơn làm lượng hơi nước bốc lên nhiều hơn, lượng mưa cao hơn dẫn đến các trận lũ lụt. 
Các ngấn trên núi đá vôi ở Quỳnh Lưu, Nghệ An là dấu vết của các đợt biển tiến, biển thoái trong lịch sử.
Lượng hơi ẩm trong không khí tăng lên, khí hậu chuyển dần từ nóng khô sang nóng ẩm mưa nhiều, định hình 4 mùa trong năm.
Các đồng cỏ biến mất, rừng nhiệt đới lá rộng thường xanh phát triển mạnh, về cơ bản không có hiện tượng rụng lá toàn bộ.Phân tích bào tử phấn hoa các hang Nậm Tun( đại diện hậu kì Pleistocene) và Con Moong( đầu Holocene) thấy xuất hiện các họ dương xỉ cuối Pleitoscene chiếm 20% đầu Holocene chiếm 30%, còn lại là thực vật hạt kín. Nhiều loài cây mọc xen kẽ nhau hình thành các lớp thực vật, thứ tự từ thấp đến cao như sau: Tảo, địa y – Cỏ, thảo mộc – Cây thân bụi – Cây non, tầng cây bụi thấp – Cây cổ thụ hỗn hợp.
Các loài động vật lớn biến mất, động vật ăn cỏ phát triển mạnh, các loại nhuyễn thể trai, ốc...sinh trưởng rầm rộ.
Sự thay đổi đột ngột của khí hậu buộc con người phải dần dần thích nghi với điều kiện sống mới. Cư dân đá mới ở miền bắc Việt Nam chuyển từ sống ven sông suối lên sống trong các hang động để tránh các trận lũ lụt. Nguồn thức ăn chính là các loài nhuyễn thể, trai, ốc nước ngọt. Trong các di tích hang động thời kì này ghi nhận vỏ nhuyễn thể chất thành các lớp dày 1-2m. Công cụ mũi nhọn được sử dụng nhiều hơn để phù hợp với việc săn bắt các loài thú nhỏ và nhanh nhẹn. Tuy nhiên việc săn bắt gặp nhiều khó khăn, các loại di cốt động vật phát hiện ít hơn hẳn nhuyễn thể, nguồn protein chủ yếu vẫn được lấy từ các loại trai ốc. 
Thực vật bắt đầu sinh trưởng theo mùa, hiện tượng thiếu thức ăn vào cuối đông đầu xuân xảy ra buộc con người phải mở rộng địa bàn sinh sống để giảm tải áp lực lương thực, quá trình di chuyển từ miền núi, trung du xuống chiếm lĩnh vùng đồng bằng châu thổ bắt đầu.


Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Thùy Dương, Nguyễn Mạnh Linh (2011), "Kết quả phân tích bào tử, phấn hoa trong hai lỗ khoan vùng Hà Nội và mối liên hệ với biến đổi khí hậu và hệ thực vật trong Holocene", Tạp chí Các khoa học về trái đất số  33 tháng 3-2011, tr.297-305
2. Vũ Thế Long (1984), Mối quan hệ giữa quần động vật hang động Hòa Bình- Bắc Sơn với quần động vật hóa thạch thời hậu kỳ Cánh tân ở miền Bắc Việt Nam, Tạp chí Khảo cổ học số 1 (2/1984), tr.120-125
3. Nguyễn Ngọc, Nguyễn Thế Tiệp ( 1987), Các thời kì biển trong kỉ đệ tứ ở nước ta và ý nghĩa của việc nghiên cứu chúng, Tạp chí Khảo cổ học số 1( 1987), tr.4-8
4. Trần Đình Nhẫn( 1992), Hệ thực vật Pleitoscene- Holocene vùng Phong Châu, Vĩnh Phú, Tạp chí Khảo cổ học số 1-1992, tr.29-32