Tài liệu: Climate, diseases and medicine: the welfare of soldiers during the East Asian War of 1592-1598. Duan B. Med Hist. 2024 Apr 8:1-17. doi: 10.1017/mdh.2024.8. Epub ahead of print. PMID: 38587001.
Tiêu đề: Khí hậu, bệnh tật và thuốc thang: Sự chăm sóc dành cho những người lính trong Chiến tranh Đông Á năm 1592-1598.
Khái lược (TL;DR): Nghiên cứu khảo sát sự chăm sóc sức khỏe dành cho binh lính trong Chiến tranh Đông Á 1592-1598 (hay còn gọi là Chiến tranh Nhâm thìn) bằng cách sử dụng các tài liệu như chiến ký, binh thư, y thư,… Nghiên cứu tập trung vào ba yếu tố: hàn sái (exposure to cold - tiếp xúc với cái lạnh), sự bột phát của các bệnh truyền nhiễm và cách xử trọng thương. Mục đích của nghiên cứu là để đóng góp kiến thức về y học Đông Á vào lịch sử y học quân sự thời cận đại, đồng thời đánh giá những nỗ lực của các chính phủ/triều đình tham chiến (Minh, Triều Tiên và Hideyoshi/Văn Lộc) trong việc chăm sóc sức khỏe cho binh lính.

Kết luận của nghiên cứu:

Những phản ứng khác nhau của triều đình Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên đối với mùa đông khắc nghiệt của bán đảo Triều Tiên và các mối đe dọa khác nhau do chiến tranh gây ra, chẳng hạn như bỏng lạnh, dịch bệnh và thương tích trên chiến trường, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trang bị thấu đáo, dự phòng thuốc men, điều động thầy thuốc hay nguồn lực y tế nói chung để đảm bảo sức khỏe cho binh lính.
Trong khi quân Nhật đã gặp khó khăn do không thích nghi được với khí hậu và thiếu nguồn cung cấp y tế tập trung (centralised supplies), thì triều đình nhà Minh và các tướng lĩnh đã có cách tiếp cận chủ động hơn để giảm thiểu tác động của cái lạnh và bệnh truyền nhiễm đối với quân đội của mình. Triều đình Triều Tiên cũng đã huy động nguồn lực y tế của triều đình và địa phương để điều trị cho các binh sĩ nhà Minh bị thương và bị bệnh, thể hiện sự hợp tác chặt chẽ về mặt y tế - đối thoại. Tuy nhiên, dịch cúm ngựa (equine plague) và sự bùng phát của các bệnh truyền nhiễm khác đã đặt ra những thách thức đáng kể đối với chiến lược phòng bị y tế và khả năng chiến đấu của cả ba bên.
Chiến tranh Nhâm thìn cũng để lại di sản y học cho Triều Tiên và trên khắp Đông Á. Trong cuộc xung đột, triều đình Triều Tiên đã cải cách hệ thống quân sự của mình để đưa thầy thuốc và y sĩ thú y vào các cấp trung ương và địa phương. Do sự quan tâm mới của triều đình đối với y học quân sự, việc thể chế hóa y học quân sự đã trở thành phương tiện chính để mở rộng phạm vi chăm sóc sức khỏe cho binh lính trong thời hậu chiến. Mặc dù một thầy thuốc đơn lẻ đã cố gắng mổ xẻ tử thi và có thể đã cố gắng phẫu thuật, nhưng những thực hành như vậy đã bị đánh giá tiêu cực và không được chấp nhận rộng rãi do niềm tin Nho giáo về cơ thể con người đã bám rễ quá sâu. Tuy nhiên, việc điều trị bằng châm cứu đã phát triển nhanh chóng cả trong và sau Chiến tranh Nhâm thìn, từ việc quân Nhật đã bắt giữ một thầy thuốc châm cứu người Triều Tiên, khiến cho kỹ thuật châm cứu được truyền bá tới các thầy thuốc Nhật Bản, mở đường cho sự phổ cập và phát triển sau này của châm cứu ở Nhật Bản vào thế kỷ XVII.

Kết quả của nghiên cứu:

Nghiên cứu đã làm sáng tỏ đặc trưng của mỗi nước trong cách tiếp cận vấn đề đã nói trên, với sự khác biệt chủ yếu nằm ở hậu cần của các đội quân.

Về ảnh hưởng của khí hậu và công tác chuẩn bị:

Khí hậu đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn đầu của cuộc chiến – từ giữa năm 1592 đến tháng 1 năm 1593.
Quân Nhật, xuất phát vào mùa xuân năm 1592, chủ yếu được điều động từ các vùng khí hậu cận nhiệt đới là Kyushu và Shikoku, và họ đã hoàn toàn không được chuẩn bị cho mùa đông khắc nghiệt của bán đảo Triều Tiên. Quân Nhật đã chủ yếu mang theo quần áo nhẹ, phù hợp cho cuộc hải trình trước mắt, cũng như cho nhiều cuộc hành quân dài đợt trong tương lai. Họ không mang theo quần áo ấm, giày dép phù hợp cho mùa đông cũng như thiếu kiến thức về cách bảo vệ bản thân khỏi cái lạnh. Do nông dân Triều Tiên năm đó bị thất thu sợi bông, nên việc thu mua hay cướp bóc từ dân địa phương cũng trở nên khó nhằn. Quân Nhật đã thực hiện cướp bóc-thu gom quần áo mùa đông tại những địa phương đã chiếm cứ, nhưng đến đầu năm 1593 thì lượng quần áo này đã cạn kiệt. Kết quả là vào mùa đông năm 1592, bỏng lạnh và các bệnh liên quan đến lạnh, kèm thêm tuyết và băng dày cùng với sự kiệt sức của binh lính trở thành vấn đề nghiêm trọng, làm suy yếu đáng kể sức mạnh chiến đấu của quân Nhật.
Ngược lại, quân Minh, được chỉ huy bởi Lý Như Tống và Tống Ứng Xương, vốn đã quen với khí hậu lạnh hơn ở phía bắc Trung Quốc, đã chuẩn bị đẩy đủ quần áo mùa đông, đồ ăn nấu sẵn và các biện pháp phòng ngừa khác. Sự chuẩn bị thấu đáo này, cùng với việc tiếp tế kịp thời từ triều đình nhà Minh (chu cấp tiền bạc, quần áo,…) và sự hỗ trợ của đồng minh Triều Tiên, đã mang lại cho quân Minh lợi thế đáng kể trong các trận chiến mùa đông.
Giống như nhà Minh, triều đình Triều Tiên cũng hiểu rõ sự khắc nghiệt của mùa đông trên bán đảo Triều Tiên. Điều này giúp họ chuẩn bị tốt hơn cho binh lính và tướng tá của quân mình, mặc dù nguồn lực của họ hạn chế hơn nhiều so với quân Minh. Hơn thế, do nhận thức được tầm quan trọng của quân Minh, phe Triều Tiên đã cố gắng cung cấp quần áo cho đồng minh giữ ấm, giúp họ tập trung chiến đấu và cũng để tránh nghe phàn nàn từ họ luôn.

Dịch bệnh và bế tắc chiến sự:

Không chỉ mùa đông khắc nghiệt mới bào mòn sức khỏe của binh lính, mà cả những cơn mưa xuân kéo dài từ năm 1593 cũng đã tạo điều kiện cho sự bột phát của bệnh truyền nhiễm trong ba đội quân. Tình trạng thiếu vệ sinh trong các doanh trại, kết hợp với suy dinh dưỡng và kiệt sức, khiến binh lính trở nên dễ mắc bệnh truyền nhiễm. Nhiều loại dịch bệnh đã bùng phát, bao gồm cả bệnh dịch tả, kiết lỵ, sốt rét và các bệnh khác, gây ra tỷ lệ tử vong cao.
Đối với quân Nhật thì tình hình đã rất nghiêm trọng: việc thiếu một hệ thống hỗ trợ y tế tập trung, kết hợp với sự gián đoạn của các tuyến cung ứng do nhiều cuộc phản công/phục kích của liên quân Minh-Triều Tiên, khiến họ khó kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh. Hán Thành, thủ đô Triều Tiên mà quân Nhật chiếm đóng, đã trở thành một ổ dịch. Theo một cuốn chiến ký của phe Nhật, tình trạng bệnh dịch hoành hànhg bắt đầu trong thời gian họ đóng quân tại Hán Thành vào năm 1593. Gia phả (?) của Nabeshima Naoshige (1538–1618) ghi nhận rằng sau khi rút về Hán Thành, gần ba mươi thành viên trong gia đình đã chết vì thời tiết lạnh giá và không khí ô nhiễm và hôi thối của thủ đô. Không khí và mùi hôi này có thể đến từ những xác chết bị bỏ rơi và đang phân hủy, như Zetaku Meirin (1561–1620), một nhà sư phục vụ dưới quyền Nabeshima Naoshige, mô tả cách những xác chết "bốc mùi nồng nặc đến tận trời" trong thời gian họ ở Hán Thành vào cuối tháng thứ hai. Cuối cùng, quân Nhật buộc phải từ bỏ Hán Thành, bỏ lại nhiều binh lính bị bệnh và hấp hối để tránh thêm tổn thất do bệnh tật. Việc rút lui này đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến, làm giảm đà tiến công của quân Nhật và mang lại cho liên quân Minh-Triều Tiên cơ hội để tái tổ chức.
Trong khi đó, quân Minh và Triều Tiên, mặc dù cũng chịu ảnh hưởng nghiệm trọng, đã có thể giảm thiểu tác động của bệnh dịch nhờ vào sự hợp tác và tổ chức tốt hơn về mặt y tế và hậu cần. Liên minh y tế Trung-Triều đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ y tế cho binh lính. Để đối phó với tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp, đặc biệt là quần áo ấm và lương thực, triều đình nhà Minh đã thiết lập một hệ thống hậu cần đồ sộ để vận chuyển giày, quần áo mùa đông, lương thực và thuốc men từ Trung Quốc đến Triều Tiên. Tuy nhiên, hệ thống này thường bị quá tải do khoảng cách xa xôi và địa hình hiểm trở, dẫn đến tình trạng thường xuyên thiếu hụt và trì hoãn trong việc cung cấp. Đồng thời, triều đình nhà Minh đã cử một số lượng lớn thầy thuốc quân y đến Triều Tiên. Những thầy thuốc này được giao nhiệm vụ điều trị binh lính bị thương và bị bệnh, thành lập các bệnh viện dã chiến gần các doanh trại và chiến trường, cung cấp chăm sóc y tế cho binh lính. Hơn nữa, các tướng lĩnh được khuyến khích duy trì các trại sạch sẽ, đảm bảo nguồn nước uống an toàn và phân phối khẩu phần ăn đầy đủ cho binh lính dưới quyền.
Vai trò của Triều Tiên trong việc hỗ trợ các nỗ lực y tế của nhà Minh rất quan trọng. Theo chỉ dụ của vua Tuyên Tổ, các quan lại địa phương trên khắp đất nước đã được lệnh huy động nguồn lực để hỗ trợ binh lính nhà Minh. Điều này bao gồm việc cung cấp lương thực, chỗ ở, quần áo ấm và y tế nói chung. Các thầy thuốc Triều Tiên đã làm việc cùng với các đồng nghiệp nhà Minh để điều trị cho binh lính, đồng thời học hỏi và chia sẻ kiến thức y tế của mình. Vua Tuyên Tổ còn ban hành sắc lệnh trừng phạt những người không hỗ trợ binh lính nhà Minh bị thương hoặc bị bệnh.
Quan lại địa phương Triều Tiên đã làm việc với các tướng lĩnh quân Minh để phân phối thuốc men, thiết lập các cơ sở y tế và đảm bảo rằng binh lính bị thương hoặc bị bệnh sẽ nhận được chăm sóc thích hợp. Triều đình Triều Tiên cũng đã tích cực thu thập các loại thảo mộc và nguyên liệu y tế từ khắp đất nước để hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ. Những biện pháp này, mặc dù không hoàn toàn loại bỏ được dịch bệnh, đã giúp kiểm soát sự lây lan của nó và duy trì sức mạnh chiến đấu tương đối của quân đội Minh-Triều Tiên.

Về sự thiếu thốn trong tổ chức y tế của quân Nhật:

Sự tương phản giữa hệ thống y tế-quân sự chặt chẽ của liên minh Trung-Triều và sự thiếu thốn trong hỗ trợ y tế của quân Nhật đã trở thành một yếu tố quyết định trong Chiến tranh Nhâm thìn.
Hệ thống quân sự Nhật Bản thời bấy giờ được xây dựng dựa trên cấu trúc daimyo, nói một cách khái quát thì là nó không phải là một cấu trúc quân sự tập trung. Mỗi daimyo chịu trách nhiệm về phúc lợi của riêng quân đội mình, dẫn đến chênh lệch đáng kể khi so sánh về chất lượng và sự sẵn có của chăm sóc y tế giữa từng nhóm quân. Trong khi một số daimyo giàu có hơn có thể đủ khả năng để thuê các bác sĩ có tay nghề và tích trữ thuốc men, thì đa phần các daimyo khác lại thiếu nguồn lực để cung cấp sự chăm sóc y tế tối thiểu cho binh lính của họ. Sự thiếu phối hợp này đã chứng tỏ là một bất lợi trọng yếu, đặc biệt là khi đối mặt với các đợt bùng phát dịch bệnh ảnh hưởng đến toàn bộ đội quân.
Bên cạnh sự phân mảnh trong cấu trúc chỉ huy, quân Nhật còn bị cản trở bởi hậu cần khó khăn. Các tuyến cung ứng kéo dài, thường xuyên bị quấy rối bởi các lực lượng tập kích thuộc phe Triều Tiên (gồm cả quân địa phương và quân dân tự phát), khiến việc vận chuyển thuốc men và vật tư y tế đến tiền tuyến trở nên khó khăn. Điều này làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt sẵn có, khiến nhiều binh lính bị thương hoặc bị bệnh đã không nhận được chăm sóc. Hơn nữa, việc thiếu cơ sở hạ tầng y tế thích hợp, chẳng hạn như bệnh viện dã chiến, càng làm trầm trọng thêm tình trạng này, buộc nhiều binh lính bị thương phải tự xoay xở hoặc dựa vào sự chăm sóc của các đồng đội không được đào tạo.
Một yếu tố khác góp phần vào cuộc khủng hoạn y tế trong quân đội Nhật Bản là sự thiếu hiểu biết về điều kiện địa phương và bệnh tật. Với đa phần các nhóm quân có xuất thân từ vùng khí hậu tương đối ôn hòa, nhiều binh lính Nhật Bản không quen với khí hậu khắc nghiệt và các bệnh đặc hữu của bán đảo Triều Tiên. Điều này khiến họ dễ bị nhiễm trùng và bệnh tật, làm trầm trọng thêm gánh nặng cho hệ thống y tế vốn đã bị quá tải của họ.
2024/12/12. 12:24AM.