Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây:



Trong khi chúng tôi không ngừng lớn lên và già đi theo năm tháng, lũ con gái ngày một đẫy đà nở nang, bọn con trai ngày càng cao to vạm vỡ, thì cô bạn chí cốt của tôi lại gần như vĩnh viễn dừng tuổi trẻ của mình ở cái tuổi 15. Đã 10 năm qua cô ấy không hề lớn lên nữa. Vẫn vẹn nguyên là cô bạn xinh xắn với nước da trắng sứ, ánh mắt rất sáng và thông minh, vóc dáng bé nhỏ và mong manh đến độ khiến cho bất kỳ ai trông thấy cũng muốn chở che và bảo vệ. Cô ấy giống như một biểu tượng vĩnh cửu của thời gian, luôn luôn nhắc tôi nhớ về thời thơ ấu nhiều niềm vui và nước mắt của mình. Chỉ là cái giá cô ấy phải trả cho vẻ ngoài ngây thơ, không vương chút bụi trần ấy lại quá đắt. Đắt đến nỗi, tôi vẫn còn nhớ y nguyên rằng từng có một ngày 15 tuổi, hai chúng tôi đã ngồi xuống và cùng ngẫm ngợi thật lâu:
"Vì sao ở hiền lại không được gặp lành?"
Cho tới năm 9 tuổi, cô bạn tôi vẫn là con nhóc nổi danh cả làng vì cá tính nghịch ngợm. Rất thông minh nhưng quậy phá thì cũng chẳng ai bằng. Đùng một cái, vào một ngày đẹp trời của tuổi lên 9, cô ấy trở bệnh nặng, lại còn mắc một căn bệnh cực kỳ hiếm gặp ở độ tuổi nhi đồng - viêm đa khớp. Cô bạn tôi phải nghỉ học một năm, chết đi sống lại vài lần, có lúc, cô ấy nửa đùa nửa thật mà rằng: "Tớ chỉ biết đến hai nơi là nhà và bệnh viện"... Ngay khi cô bạn tôi tạm đủ hồi phục, các thầy cô trong trường liền tức tốc tới tận nhà dạy phụ đạo giúp cô ấy theo kịp tiến độ với bạn bè cùng trang lứa. Mùa thu năm đó, bạn tôi đi học trở lại và thời kỳ thân thiết của chúng tôi chính thức bắt đầu. 
Vì nhà hai đứa gần nhau, nên tôi cùng vài người bạn khác thường luân phiên đưa đón cô ấy đi học, chép bài giúp cô ấy mỗi lần đau yếu. Trong trí nhớ của tôi, bệnh của cô ấy thường trở nặng theo mùa, mùa hạ thì nhẹ hơn mùa đông, trời nắng ấm thì nhẹ hơn trời gió rét. Cô ấy rất ít kêu than, nên tôi thường đo mức độ đau đớn của cô bằng lực bàn tay gầy guộc đè xuống tay tôi mỗi lần dắt cô ấy lên cái bậc thềm thấp vào cửa lớp. 
Nếu như nói tuổi thơ ai cũng có một "con nhà người ta" nào đó, thì cô ấy chính là một "con nhà người ta" mà tôi không bao giờ dám tị hiềm, chỉ có thể cúi đầu ngưỡng mộ. Suốt quãng thời gian chúng tôi học chung, bao giờ cô ấy cũng xếp thứ nhất trường và tôi xếp thứ hai. Cô ấy là động lực để tôi phấn đấu, cũng là người hiểu rõ những nhạy cảm và yếu ớt trong tôi. Còn bản thân tôi lại gần như không thể chạm vào nội tâm của cô ấy, bởi cô rất ít khi nói về những đau khổ thể chất lẫn tinh thần mà mình phải trải qua. Khi tôi còn nhỏ, tôi luôn nghĩ tại sao lại như vậy? Bạn thân thì phải kể với nhau mọi điều kia chứ! Nhưng sau này khi đã lớn hơn một chút tôi mới nhận ra, kể cả cô ấy có dốc hết tâm gan thì tôi cũng không đủ tầm hiểu được. Khi cô ấy nói mình đau, tôi cũng chỉ có thể biết rằng cô ấy rất đau. Nhưng cơn đau đó giày vò thân thể cô ấy ra sao, hành hạ tâm trí cô ấy như thế nào, khiến cô ấy bất lực và tuyệt vọng đến đâu, thì dù tôi có cố tưởng tượng cách nào cũng chẳng thể chạm tới.
Hết 12 năm phổ thông, bạn tôi đỗ Đại học, nhưng chỉ theo được một năm lại quyết định về quê. Không khí ở Hà Nội không thích hợp với cô ấy. Bạn tôi ngày một yếu, đau nhiều hơn, cũng không đủ sức gồng mình lên để theo kịp với chương trình Đại học. Có một ngày tôi nằm mộng, mơ thấy cô ấy đau quá nhiều và bỏ mình đi mất, liền bật dậy, về quê để tìm thăm. Tôi nhớ lắm, ngày ấy cô bạn tôi sắc diện rất kém. Chúng tôi thử ngồi bàn với nhau xem giờ cô ấy về quê rồi thì có thể làm gì? Tôi học khoa Tiếng Anh nên dự tính dạy lại những gì mình biết cho cô ấy, để cô bạn tôi mở một lớp học nho nhỏ ở nhà, dạy cho tụi trẻ con quanh xóm. Lúc đầu cô ấy cũng hào hứng lắm, nhưng chỉ ngồi nói chuyện một lúc mà trông cô ấy đã mệt mỏi lắm rồi. Bữa sau, bữa sau nữa, thấy cô ấy ngày một yếu mệt vô cùng, những háo hức, hy vọng của chúng tôi cũng theo đó mà lui dần rồi biến mất. Bất lực. Tôi đã chẳng thể làm gì được cho bạn mình.
Bẵng đi đâu đó vài năm bị cuốn theo những vấn đề trong nội tâm của mình, thú thực, tôi không nghĩ nhiều đến bạn tôi cho lắm. Ừ thì con người lúc nào chả ích kỉ như vậy. Dù vấn đề của mình chẳng phải là gì to tát so với thiên hạ đâu, nhưng với mình, nó cũng đã đủ che kín cả miệng giếng mất rồi. Một ngày nọ, tôi ép mình vùng thoát khỏi cái giếng hạn hẹp của bản thân để tới thăm cô ấy. Và những gì được chứng kiến đã khiến tôi như trông thấy cả một chân trời. Cô bạn thân yêu của tôi đã vùng dậy và tỏa sáng rực rỡ. Cô ấy nói với tôi mình đã đi xe đạp trở lại. Tôi ngạc nhiên lắm, bạn tôi thế mà lại đi xe đạp được, vì cô ấy còn bé hơn cả cái xe đạp nữa? Bạn tôi cười, chỉ vào cái xe đạp mini trẻ em của cậu em 5 tuổi, bảo: "Từ hồi đi xe đạp, tớ thấy khỏe hẳn ra. Mỗi ngày tớ đi từ nhà tớ ra nhà bà, loanh quanh một lúc rồi vòng về. Tớ đi cái xe này, cả làng nhìn, nhưng mà tớ kệ. Đi được là vui rồi!"
Lần gần nhất tôi về thăm, bạn tôi vừa nằm viện vài ngày. Chuyện là khi cô ấy đang đi xe đạp, thì bị chó đuổi, con chó xồ lên, xô ngã bạn tôi, khiến cô ấy phải vào viện nằm một tuần, đầu khâu chục mũi. Mẹ cô ấy thương quá mà mắng: 
"Từ nay trở đi ở nhà thôi, không đi đâu hết. Mày bị làm sao thì khổ mẹ, khổ mày." 
Cô bạn tôi tỉnh queo đáp lời: 
"Con ở nhà thì thân thể không sao đâu, nhưng ở trong bốn bức tường, có ngày con tự kỷ mà chết."
Rồi chỉ chờ tạm khỏi, lại lao ra đường tiếp như chẳng có chuyện gì.
Những ngày nằm viện, bạn tôi kể, tiêm kháng sinh là loại tiêm rất đau, các bà các cô nằm viện ai cũng kêu trời. Bạn tôi cũng thấy đau, nhưng vì chưa có loại đau đớn nào mà cô ấy chưa từng trải qua nên đau đớn cỡ này cô ấy vẫn chịu được. Những ngày mùa đông trở lạnh thế này, tất cả các khớp xương của cô ấy đều sưng tấy, sờ da thì có thể lạnh, nhưng trong người lúc nào cũng nóng hừng hực như phát sốt. Bước một bước là đau, cử động một chút cũng sẽ đau. Nhưng cô ấy vẫn vừa đau vừa cười nói được. Tôi nói với cô ấy về chuyện mình luôn nghĩ phải làm thế nào để suy nghĩ tích cực. Cô bạn tôi mới cười mà rằng, hãy bỏ ngay cái từ "tích cực" hay "tiêu cực" ra khỏi đầu, cô ấy đã phải mất rất lâu mới thôi nghĩ về chuyện ấy. Và khi không nghĩ nữa, cô ấy bỗng nhiên thấy mọi thứ trở nên nhẹ nhõm cực kỳ. 
* * *
Tôi đã từng nghĩ, một cô gái thông minh và xinh đẹp như bạn tôi, nếu có một thân thể khỏe mạnh, nhất định sẽ có được mọi điều mà các cô gái hằng ao ước. Cô ấy sẽ có một hoặc nhiều tình yêu với chàng trai nào đó, tương lai sẽ có một gia đình và những đứa trẻ. Cô ấy cũng sẽ có một công việc tốt, một sự nghiệp để đời. Thế nhưng, ngay lúc này, cuộc sống của bạn tôi trói chặt với thuốc giảm đau liều cao. Khi khỏe lên một chút, cô ấy sẽ đi xâu hạt vòng cho người ta, mỗi ngày kiếm đâu đó mười tới mười lăm ngàn. Lúc yếu hơn thì cô ấy chỉ loanh quanh ở nhà, phụ mẹ bán mấy thứ đồ lặt vặt. 
Tôi tin, nếu tôi có thể nghĩ đến những điều ấy, thì chắc chắn cô bạn tôi còn trăn trở gấp cả trăm ngàn lần. Vì sao mình sinh ra lại phải chịu những đau đớn này? Nếu như thuyết nhân quả là đúng, vậy có phải kiếp trước mình đã làm điều gì tệ hại lắm hay không? Cô bạn tôi đã bị những câu hỏi đó dằn vặt quá nhiều, cho tới một ngày cô ấy chịu không nổi nữa, quyết định buông bỏ tất cả câu hỏi không lời giải đáp đó. Tôi đã nghĩ rất nhiều về sự buông bỏ của cô ấy. Sự buông bỏ đó không chỉ là chấp nhận thực tại, mà dường như còn là từ bỏ luôn cái ý niệm thông thường về hạnh phúc.
Chúng ta thường mong có một cuộc đời hạnh phúc. Và hạnh phúc thường được cho rằng sẽ đến từ sự tổng hòa của sức khỏe tốt, sự nghiệp ngon, tình yêu đẹp.
Chiếu theo đó thì đời bạn tôi cho tới giờ phút này là tròn trĩnh 3 Không:
Không sức khỏe.
Không sự nghiệp.
Không tình yêu.
Nếu đã như vậy thì... thôi, cóc cần hạnh phúc nữa. Và hóa ra kể cả khi không hạnh phúc, người ta vẫn có thể sống ngon lành.
Cô bạn tôi vẫn có thể sống cùng niềm vui từ việc đạp xe mỗi ngày. Cô ấy vẫn là trung tâm của thế giới, tụi trẻ con vây quanh cô ấy để chơi đùa và nhờ cô ấy chỉ cho mấy bài toán khó, còn người lớn thì tìm tới nhà cô ấy để kể lể chuyện đời. Cô bạn tôi giống như một biểu tượng sống, nhắc người ta nhớ rằng: trong đớn đau, bạn vẫn có thể cười, và những vấn đề của bạn mà nói thực ra chẳng có gì đáng kể. Trong một khoảng lơ đễnh mà tôi không để ý, cô bạn tôi đã trở thành thiên thần thật sự. Nhưng cô ấy hoàn toàn không có ý định trở thành thiên thần, hay biểu tượng của niềm tin. 
Cô ấy chỉ đơn giản là tìm cách sống tốt đời mình. 

Yo Le. 12.2.2018