Mình nghĩ ai trong đời cũng đã từng hoặc sẽ trải qua nỗi đau chia ly. Chẳng có sự chia ly nào là dễ dàng. Có thể một phần trong tâm trí chúng ta sẵn sàng buông bỏ ngay thời điểm đó nhưng những phần khác vẫn giữ chặt nỗi đau đó nhiều ngày, nhiều tháng mà chưa kịp thích nghi. Nhịp điệu cuộc sống đôi khi khiến ta đặt những phần đó sang một bên nhưng khi làm vậy ta thường để lại một khoảng trống trong mình.
Khi một người rời khỏi cuộc đời bạn, có rất nhiều thứ cũng theo đó mà biến thiên.
Khi một người rời khỏi đời bạn, người đó không chỉ mang đi một hình hài mà còn mang theo những kỷ niệm, những hy vọng, niềm tin, cảm xúc và tâm tưởng của chúng ta.
Khi một người rời đi, họ mang đi cả quá khứ, hiện tại và tương lai mà chúng ta có, họ mang đi một phần cuộc sống của ta. Bất luận phần đời đó như thế nào, sự chia ly cũng khiến ta đau như cơ thể bị tách ra nhiều mảnh, có những mảnh ta biết sẽ chẳng thể lấy về.
Những lần kết thúc rõ ràng, thẳng thắn, đôi bên đã có thể nói lời cuối với nhau sẽ khiến ta dễ dàng rời bỏ hơn những lần chia ly chóng vánh, còn quá nhiều điều chưa được thông báo. Khi chủ đích thay một chiếc điện thoại, ít nhất ta còn có thể sao lưu bộ nhớ, chọn lọc những thứ muốn giữ lại nhưng khi chiếc điện thoại hỏng đột ngột, ta mất hết tất cả, ta ngỡ ngàng và đầy tiếc nuối.
Khi một người rời khỏi đời ta, ta thường có xu hướng đặt tâm trí mình ở hai cực: một là chỉ tưởng nhớ kỷ niệm tươi đẹp và tiếc nuối; hai là chỉ nhớ về những ký ức đau thương mà dằn vặt, trách mình trách người.
Với mình đó là cái nhìn không trọn vẹn. Không thể vì những kỷ niệm đẹp mà quên đi những nỗi đau lúc cạnh nhau và ngược lại. Chúng ta có thể đã cùng cười nhưng cũng đã cùng khóc. Chúng ta ở đây để đồng hành, chữa lành chứ không phải để làm tổn thương, cản đường nhau.
Bất kể tâm trí đặt ở cực hạnh phúc hay đau thương, chúng đều là sự kiện quá khứ, chúng không còn có thật, không phải thực tại mà ta nên nhìn vào. Mình có những khách hàng mãi không quên được người cũ chỉ đơn giản vì lần gặp nhau cuối cùng, họ chỉ có những bất đồng và nước mắt. Không ai có thể nói với nhau lời thật tâm từ đáy lòng. Công việc của mình lúc đó chỉ đơn giản là dẫn dắt, lắng nghe để khách hàng tìm ra nhu cầu sâu kín mà thời điểm đó chưa được đáp ứng. Có người đã thốt ra những lời trách móc, có người giải thích, có người cảm ơn, có người xin lỗi, có người nói tất cả những ấm ức của mình, có người hứa hẹn. Và khi họ đã có thể nói ra với mình, một phần tắc nghẽn bên trong họ được giải phóng. Sau đó, họ biết mình cần làm gì. Một khách hàng của mình sau phiên làm việc đã tự đi mua món quà mà bạn hứa sẽ tặng người cũ, gói ghém cẩn thận, viết thư tay và đem nó để lại ở căn nhà cũ hai người từng sống chung. Bạn không biết người đó có đọc được không nhưng giây phút viết thư bạn đã hình dung như mình đang được đối thoại với người cũ, và bạn thấy lòng được giải tỏa.
Ảnh bởi
Nathan Dumlao
trên
Unsplash
Chúng ta ở cạnh nhau tuy hai mà một và tuy một mà hai. Tuy hai mà một là bởi thời điểm đó ta đã cùng chung chí hướng, sở thích hay chung một niềm đau, một vấn đề, một dạng tổn thương chưa nhận dạng còn tuy một mà hai là bởi dù có chung nhau nhiều thứ ta vẫn luôn có đời sống riêng, hành trình phát triển và nhịp độ phát triển riêng, may mắn thì cùng nhau dung hòa được còn không thì sẽ phải chia ly, không ai có thể cản trở sự phát triển của người còn lại.
Mình chưa bao giờ hỏi người này có hợp với tôi không. Họ đến với mình vào một thời điểm và chắc chắn là hợp ở thời điểm đó. Có thể đó là lúc mình cần biết về cách mình đã lớn lên, mình cần biết rằng mình đang ở trạng thái ổn hay bất ổn, và họ xuất hiện để giúp mình soi gương. Họ đến để hỗ trợ mình theo cách của họ, phù hợp với hành trình của mình thời điểm đó. Ta soi gương để biết về cơ thể mình nhưng cũng để làm mình đẹp lên. Mình cho rằng, thắc mắc này nên được hỏi chính xác là: Làm thế nào để tiếp tục sống kể cả khi không thể quên người đã rời ta mà đi? Những cuộc chia ly đã nhắc mình rằng: rốt cuộc chúng ta đang tiếc một phần đời mình có người đó chứ không chỉ mỗi người đó. Mà đã là phần đời của mình thì đâu thể quên lãng, đâu thể chối bỏ hay làm nó biến khỏi mình hoàn toàn? Chúng chỉ tan vào đời mình và là đời mình thôi.
Những mối quan hệ cũng vậy, chúng đến để mình biết thêm nhiều ngóc ngách của bản thân và mình có thể tuyệt vời hơn như thế nào. Rồi đến lúc họ rời đi, mỗi người lại tiếp tục với hành trình trở nên tốt đẹp của riêng mình. Thực sự mình nghĩ còn bên nhau là còn hợp, đến lúc không hợp nữa thì có nấn ná ở lại, ghép vào thế nào cũng thấy thừa hoặc thiếu, và thế là lại xô ngã nhau, tự tách nhau hoặc có điều gì đó bên ngoài tác động để phải tách nhau ra. Tình bạn cũng vậy, tình yêu càng vậy.

Vậy làm cách nào để quên một người khi họ rời khỏi đời mình?

Mình nghĩ câu hỏi này nên đặt ngược lại: Làm cách nào để ta có thể sống tiếp dù không thể quên người đã rời đi? Việc quên một người và việc quên chuyện phải quên họ là hai vấn đề khác nhau. Ký ức không mất đi được, nó là một phần của bạn nhưng ta có thể chọn cách bình yên và không liên tục đào bới nó. Nó chỉ như một món lưu niệm ta không nỡ vứt nhưng cũng chẳng dùng, ta để trong hộp, biết ơn và trân trọng nó mà thôi. Càng cố quên ta lại càng nhớ, khi cứ sống mà phải nghĩ đến việc quên ta không thể vượt qua điều đó được. Những thứ không đáng thì qua thời gian sẽ tự mất đi nhưng khi bạn đa gán cho chúng ý nghĩa, chúng sẽ luôn ở lại. Vết khắc trong tâm trí không phải vết khắc trên cát mà là trên thân cây, trên đá cứng, nó lưu trữ rất lâu. Nhưng khi ta tin ta chẳng thể xóa dấu vết của chúng, ta chấp nhận sống với chúng mà không quá phiền lòng.
Những ngày đầu khi ai đó rời mình đi, mình sẽ không vội vã tìm cách quên họ, mình cho phép mình nhớ, mình khóc, mình đau khổ, mình tổn thương vì tin rằng mọi cảm xúc đều là gốc rễ của con người, mọi rung động dù tốt hay xấu đều không cần phải đè nén. Khi ai đó rời đi, thứ đầu tiên mình hỏi là còn điều gì mình chưa nói hết? Mình sẽ nói trực tiếp, viết thư hay thậm chí là nói ra mà không gửi thẳng đến đối phương như cách khách hàng của mình đã làm.
Nếu đó là một người đã cùng mình đi một đoạn rất dài, có mặt trong hầu hết mọi sinh hoạt của mình, mình sẽ decor lại phòng ốc, thay mới đồ đạc, quần áo, đi một cung đường khác, thứ ăn hàng quán khác. Không phải mình cố ép bản thân xóa sạch dấu vết của họ, mà mình tạo không gian để quen với cuộc sống không có họ và cũng là cho bản thân cơ hội được khám phá, tìm hiểu một phần đời mới phía trước.
Dù không quá tin vào những nghi thức tâm linh mà bản thân chưa thể lý giải, mình vẫn làm nghi thức buông bỏ hàng tháng, xông lá sage, palo như một cách giải tỏa tâm lý và hình dung năng lượng của người đó đang tan biến dần trong mình. Mình chúc phúc cho họ và cho cả mình ở phiên bản mới hơn, hành trình mới hơn. Kể cả lúc mình không thể chúc phúc cho người đó, mình cũng làm vậy để chúc phúc cho chính mình.
Khi có người rời khỏi đời mình, mình biết đó là lúc mình cần ý thức về sự trống rỗng bên trong đến từ đâu. Rốt cuộc mình đang tiếc một một phần đời mình có người đó, một phiên bản sự trống rỗng bên trong được người đó lấp đầy, chứ không hẳn là người đó. Mà đã là phần đời, là phiên bản của mình thì mình đâu thể chối bỏ, làm nó biến khỏi mình, nó chỉ tan vào đời mình và là đời mình thôi.