Không khí của Halloween đang dần xâm chiếm các rạp chiếu phim. Để có thể tìm ra được một bộ phim kinh dị hay để thưởng thức tại rạp trong tháng 10 này không phải là điều dễ dàng. Thậm chí bạn còn có thể bị mất tiền oan nếu bạn chọn nhầm phim dở. Vậy thì hãy để tôi giúp các bạn. Bộ phim mà chúng tôi khuyến khích bạn dành tiền đi xem là “Smile”. Đây là một bộ phim kinh dị “giải trí” rất chất lượng để bạn ra rạp vào khoảng thời gian này.
Tóm lược và phân tích cốt truyện
Nhân vật chính của chúng ta là Rose Cotter, hiện đang là một bác sĩ điều trị tâm lý. Vào một ngày làm việc, cô đen đủi phải tiếp nhận một bệnh nhân kỳ lạ. Cô ta cam đoan rằng mình không hề có vấn đề gì về tâm thần, nhưng luôn miệng lảm nhảm rằng có một điều gì đó rất khủng khiếp đang tới và sẽ tước đi tính mạng của mình. Chỉ ít phút sau, người bệnh nhân tự sát với nụ cười quái dị hiện rõ trên khuôn mặt. Trở về nhà sau buổi trị liệu đầy ám ảnh, Rose bắt đầu gặp phải những hiện tượng siêu nhiên kỳ quái xảy ra xung quanh mình với tần suất ngày càng dày đặc. Thế lực siêu nhiên ấy luôn theo sát nạn nhân, kèm theo đó là nụ cười ghê rợn luôn hiển hiện trên môi. Cũng giống như người bệnh nhân bí ẩn kia, không ai tin vào câu chuyện của Rose. Họ chỉ coi cô đang gặp ảo giác do sang chấn tâm lý sau những sự kiện kinh hoàng đã xảy ra. Không để bị đánh gục, Rose phải tìm mọi cách để thoát khỏi hiểm nguy đang ngày càng tiến gần tới mình. 
Tôi nghĩ ý tưởng của phim không quá mới lạ. Một thế lực siêu nhiên không rõ hình dạng lúc nào cũng bám theo nạn nhân. Nghe quen phải không. Vì đó chính là ý tưởng mà bộ phim “It Follows” đã thực hiện một cách vô cùng thành công vào năm 2014. Chỉ khác một điều, thế lực bí hiểm này không còn bám theo nạn nhân một cách vô cảm nữa, mà nó cười. 
Một “lời nguyền” không may ám vào nhân vật chính, đẩy nhân vật của chúng ta vào cuộc hành trình để điều tra chân tướng của sự việc và tìm hướng giải quyết vấn đề. Lồng ghép kèm theo là những thông điệp nhân sinh được truyền tải tới khán giả. Đối với tôi thì đây vẫn là một cách triển khai không mấy mới mẻ. Nó giống như cơm trắng với rau luộc mà chúng ta ăn hàng ngày vậy. Tuy nhiên, những thứ nước chấm được thêm vào ăn kèm mới là điều khiến tôi cảm thấy cuốn hút. Và những thứ gia vị ấy chính là những pha hù dọa. 
Hình ảnh và Âm thanh tạo nên những pha Jumpscare để đời
Tôi thực sự phải khen ngợi “Smile” vì cách mà bộ phim xử lí những pha jumpscare. Đạo diễn Parker Finn hiểu rõ mục tiêu mà bộ phim của mình cần đạt tới là gì. Đó là những pha hù dọa chất lượng. Tôi nghĩ đây là kinh nghiệm mà vị đạo diễn trẻ này đúc kết được từ những phim ngắn kinh dị rất thành công trước đó của anh ấy. Đặc biệt là phim ngắn “Laura Hasn’t Sleep”. Khi thực hiện tác phẩm phim dài đầu tiên của mình, anh áp dụng những gì mình đã học hỏi được và khiến chúng trở nên hiệu quả. 
Mọi yếu tố của phim đều phải được tận dụng tối đa nhằm phục vụ cho mục tiêu đã đề ra ở trên. Có 2 điều để làm nên một pha hù dọa thành công, đó là “tension” và “unpredictable”. Sự căng thẳng có thể được xây dựng bằng rất nhiều cách. Đối với “Smile” thì đó là sự hòa quyện của hình ảnh và âm thanh.
Cinematography của “Smile” là cực đỉnh. Phim sử dụng rất nhiều góc quay sáng tạo và hoàn toàn có chủ đích. Lấy ví dụ, tôi có để ý rằng bộ phim đã sử dụng góc máy toàn lật ngược tổng cộng là 3 lần. Với mỗi lần góc quay này được sử dụng, biến chuyển lớn trong tâm lý của nhân vật cũng như tình tiết của câu chuyện sẽ xảy ra.
Lần đầu tiên góc quay lật ngược được sử dụng là khi Rose đang lái xe trên đường từ bệnh viện trở về nhà sau buổi trị liệu đen đủi. Điều này ám chỉ rằng cuộc sống của nhân vật chính từ giờ sẽ bị đảo lộn hoàn toàn. Bao gồm tâm lý của Rose, lẫn những gì sẽ xảy ra xung quanh cô bác sĩ tội nghiệp. Ở lần sử dụng thứ 2, Rose đang dần nhận thức được chân tướng của thế lực đang đe dọa mình, hứa hẹn rằng Rose sẽ tìm được cách để lật ngược thế cờ. Và ở lần cuối cùng gần cuối phim, khi nhân vật chính quay trở lại với căn nhà cũ để đối diện với những ám ảnh tâm lý của mình, cũng như để đối mặt và đánh bại với con quái vật mang trên mình nụ cười ám ảnh. Nhưng ở kết phim, Rose đã thất bại, mạng sống của cô cũng không thoát được móng vuốt của tử thần. Góc quay đảo ngược đã là điềm báo trước cho cái kết này. 
Đó chỉ là một trong rất nhiều những ví dụ mà tôi có thể nêu ra. Thế mạnh về mặt hình ảnh không chỉ giúp bộ phim có thể truyền tải được ý đồ một cách khéo léo, mà còn phần nào giúp xây dựng một không khí vô cùng nặng nề và căng thẳng cho khán giả. Khiến họ luôn ở trong tình trạng bí bách để giúp các pha Jumpscare trở nên hiệu quả hơn. Đã lâu rồi tôi mới bị giật mình bởi một pha hù dọa trong phim kinh dị, cụ thể là khi con quái vật đội lốt người chị gái của Rose, tiến từ trong nhà ra thẳng xe của nhân vật chính và vặn đầu. Phân cảnh đó khiến tôi sợ chết khiếp. Ngoài ra, phim cũng có kha khá những pha Jumpscare hiệu quả khác, mà yếu tố then chốt trong đó là sự khó đoán, khiến tôi không thể biết được rằng mình sẽ bị dọa như thế nào và vào thời điểm nào. Điểm đặc biệt là càng về cuối phim, cứ tưởng khán giả đã dần chai lì với thế lực bí ẩn, thì những pha hù dọa lại càng nặng đô và khó đoán hơn. Khiến phim hấp dẫn đến những phút cuối. Nhưng đoạn kết được xử lý lỏng lẻo khiến tôi thực sự bị hụt hẫng khi dòng credit bắt đầu chạy. Nhưng tôi sẽ phân tích kỹ hơn ở phần sau của bài viết.
Không chỉ sắc sảo trong phần hình ảnh, phần âm thanh cũng được biên tập một cách cẩn thận. Điểm chung của các phim kinh dị mì ăn liền là hay lạm dụng âm thanh lớn để khiến khán giả giật mình. Nhưng đối với “Smile” thì điều này ít khi xảy ra. Thay vào đó, phần âm thanh đảm nhận nhiệm vụ dẫn dắt cảm xúc của khán giả để khiến tinh thần của họ luôn trong trạng thái căng như dây đàn. Có thể việc sử dụng âm thanh để thao túng cảm xúc của người xem sẽ khiến đa số khán giả bị ngấy khi phim bắt đầu vào hồi cuối. Nhưng đối với cá nhân tôi thì nó vẫn hiệu quả. Vì suy cho cùng, yếu tố âm thanh chỉ là một phần phụ để bổ trợ cho việc triển khai hình ảnh vốn đã quá tốt của phim. 
Diễn xuất
Về dàn diễn viên của phim, tất cả các nhân vật đều có màn thể hiện ở mức tròn vai. Không có nhân vật nào khiến tôi phải ngạc nhiên và tán thưởng cả. Nhưng nếu để nói ai là người xuất sắc nhất trong bộ phim thì tôi xin được dành lời tán dương cho nữ chính Sosie Bacon. Đây không phải tác phẩm kinh dị đầu tiên mà nữ diễn viên sinh năm 92 này tham gia. Trước đó, cô còn góp mặt trong “Scream: The TV Series”, ngoài ra thì còn có series Netflix “13 Reasons Why” gây tiếng vang lớn vào năm 2017-2018. Vào vai một nhân vật có tổn thương tinh thần đeo bám liên tục không phải là điều dễ dàng. Ấy thế mà màn thể hiện của Sosie đã phần nào thuyết phục tôi rằng nhân vật Rose đã phải trải qua đầy đủ tất cả các giai đoạn của một người gặp sang chấn tâm lý.
Ngoài ra, tôi cũng dành lời khen cho nam diễn viên Jessie T. Usher. Tôi đã nhận ra ngay khuôn mặt “bắcphoi” thương hiệu của anh ngay khung hình đầu tiên, có lẽ vì đã quá quen thuộc với vai diễn A-Train trong series “The Boys” trước đó. Tôi cam đoan rằng không ai có thể đảm nhiệm nhân vật người chồng của Rose tốt hơn anh được.
Cuối cùng, nụ cười rùng rợn của nữ diễn viên Robin Weigert cũng đã khiến tôi ám ảnh vài ngày. Trải nghiệm xem phim kinh dị của tôi đã được tăng lên đáng kể nhờ có cô vào vai vị bác sĩ tâm lý Madeline Northcott trong “Smile”. 
Phần kết gãy cánh, thông điệp không được truyền tải trọn vẹn
Hiện nay, chẳng dễ dàng gì để tìm được một tác phẩm rùng rợn chất lượng như “Smile”. Bộ phim có rất nhiều ưu điểm. Nhưng tôi chỉ có thể đánh giá “Smile” như là một phim kinh dị giải trí đơn thuần. Vì phim đã thực hiện khá tệ ở 2 điểm mấu chốt. 
Điểm đầu tiên là ở thông điệp được cài cắm. Giống như “It Follows”, “Smile” cũng muốn khán giả có được nhận thức lớn hơn về những căn bệnh tâm lý và sự đồng cảm của xã hội với những người đang mắc phải nó. Sang chấn tâm lý có thể xảy ra với bất cứ ai, cũng có thể mang bất cứ hình thái nào. Nó sẽ từ từ ăn mòn nạn nhân và khiến họ tự mình tìm đến với tử thần. Nhưng quyết định cụ thể hoá nỗi sợ khiến sức nặng của thông điệp trên bị giảm xuống một cách đáng kể. Con người vẫn luôn sợ hãi những thế lực bí ẩn, và khi nỗi sợ trở nên hữu hình thì đó cũng là lúc chúng ta tìm ra cách để đánh bại nó. Trong khi các vấn đề tâm lý cho tới nay vẫn chưa thể tìm được cách giải quyết triệt để. Sẽ tuyệt vời hơn nếu bộ phim giữ nguyên cái kết, để cho nữ chính thất bại, nhưng con quái vật với khuôn mặt cười không bao giờ lộ diện hình dáng thật của mình. 
Xử lý cái kết cũng là một vấn đề nghiêm trọng khác mà “Smile” gặp phải. Nếu như bộ phim kết thúc như sau thì sẽ hợp lý hơn. Con quái vật để Rose nghĩ rằng mình đã thực sự vượt qua được mối nguy đang đeo bám. Cô trở về căn hộ của người bạn rồi tự sát với một nụ cười ám ảnh trên môi, màn hình đen dần và dòng credit bắt đầu chạy. Tôi cảm giác như bộ phim đang quá tham lam phân cảnh cuối khi con quái vật chiếm hữu thân xác của Rose. Để cảnh phim ấy có thể xảy ra thì biên kịch của phim đã phải hy sinh rất nhiều thứ, trong đó có cả tính hợp lý của kết phim. 90% thời lượng, “Smile” đã làm rất tốt, nhưng cái kết được xử lý vụng về khiến tôi thực sự rất thất vọng, giống như khoảng thời gian bỏ ra để đầu tư vào bộ phim không được tưởng thưởng một cách thoả đáng. 
Tổng kết
“Smile” tận dụng sự đơn giản trong ý tưởng, kết hợp cùng với sự khéo léo trong cách truyền tải thông qua hình ảnh và âm thanh để mang lại trải nghiệm tuyệt vời cần phải có đối với một bộ phim thuộc thể loại kinh dị. Tuy vậy, thông điệp được xử lý không khéo cùng với cái kết có phần tham lam đã khiến bộ phim mất đi đáng kể sức hút của nó. Nhưng nếu để nói rằng bỏ tiền ra rạp xem “Smile” có đáng hay không, thì câu trả lời của tôi vẫn là có. 7/10 là điểm số của tôi dành cho “Cười” vì những pha hù doạ đáng đến từng xu. Rất hy vọng rằng đạo diễn Parker Finn có thể rút ra thêm nhiều kinh nghiệm từ tác phẩm đầu tay này để tiếp tục sản xuất những sản phẩm chất lượng hơn.