Khắc kỷ tô màu cuộc sống tôi
Khi thiếu ánh sáng con người trở nên hoảng loạn, tương tự khi không còn ai thuộc trường phái khắc kỷ thì sự đau khổ của loài người được chồng chất lên nhiều bậc.
Đối với cuộc sống hiện nay khi mọi thứ có vẻ toàn cầu hóa, chủ nghĩa khoái lạc đã mang lại cơ hội cho con người tận hưởng nhiều cơ hội rộng mở hơn. Xe hơi, biệt thự, tiền bạc là một cái bể bơi mà con người lao đầu đắm mình trong đó, “bể bơi khoái lạc” luôn mở của cho những con người có tố chất và số còn lại thì không được đi vào hoặc đã chìm nghỉm sâu nơi đáy bể. Làm thế nào để sống hạnh phúc? Ai cũng vò đầu để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này, có người đi tìm bằng cả thời gian họ tồn tại trên cuộc đời và thậm chí đến khi bước đến thế giới bên kia thì chẳng ai biết họ có đang sống trong lý tưởng hư ảo đó hay không. Con người là sinh vật được sinh ra đi liền với sự tò mò, từ lúc một đứa bé biết bò đến một người lớn đứng đơ trước sòng bài nhằm tìm một cơ hội đổi đời.
Nhắc đến hai chữ “đổi đời” là hai chữ nói thay cho sự chuyển biến của một giai đoạn, dễ thấy nhất là khi người nói là người đang hít thở trong hoàn cảnh bao quanh lấy anh ta là một màu sắc tẻ nhạt và thiếu sức sống. Chúng ta, sự khao khát của chúng ta vô tận, cho dù sự ham muốn chúng ta là biển cả thì cả đại dương này chẳng thể đổ đầy trong cái túi không đáy của mình. Ham muốn hay khao khát là một phần của cuộc sống nó vừa khúc đẩy ta và vừa kéo ta lại.
Điều này được tôi thẩm thấu trong một lần ngồi một mình ở quán cà phê, mắt tôi đăm đăm vào một hình ảnh người người đội mưa ngoài khung cửa sổ. Tôi luôn yêu những thứ đơn giản, vì trong những thứ nhỏ bé đó làm tôi thích thú khi mình tìm ra được lẽ sống.
Trong cơn mưa bất chợt tháng 5, trời đang nóng làm nhiều người ỷ lại vào làn da đang cháy nắng của mình thì tiếng sét đùng đứt đoạn đi dòng suy nghĩ vu vơ của những đứa đang mơ mộng giữa trưa, mùi hăng của đất dần tỏa vào chiếc quán cà phê bé nhỏ nơi tôi đang ngồi. Thấy thoáng có vài cặp đôi dắt xe đứng dưới hiên nhà, chắc là đang thủ thỉ vài câu như rằng người còn lại có mang áo mưa không vì giờ đứng mãi đây thì thân thể lạnh chết mất. Tôi nhớ lúc đó tiếng rào rào ngoài quán liên tục còn bên trong thì chị chủ cũng đã giảm nhiệt độ chiếc máy lạnh, sự đối lập bên trong lẫn bên ngoài mang lại cho tôi dòng suy nghĩ về cái hiện diện của con người trên cõi đời này. Tại vì có ai nói rằng đời này có đẹp hay cũng như đâu ai dám nói đời này xấu bao giờ, tôi như kẻ ngồi giữa ranh giới giữa trời mưa bên ngoài và sự ấm cúng bên trong quán cà phê nhỏ này. Tôi nghĩ, điều đó làm tôi không còn tự tin về định nghĩa của mình cho cuộc sống. Ngước lên trời, mắt tôi sáng lên một ý niệm, những giọt mưa, tụi nó kết tinh từ những đám mây rơi từ trời cao xuống rồi vỡ tan xuống nền bê tông lạnh ngắt. Tụi nó chẳng hề có được quyền chọn nơi mình rơi xuống, giá như nơi nó rơi xuống sẽ là ao sẽ là hồ thì tốt biết mấy, cho dù không được chu du khắp nơi trên tầng mây nhưng cuối đời nó vẫn là nước thôi chứ không là hơi bốc lên từ mặt đường trong đợt nắng gắt tới.
Đời người chẳng phải vậy sao? Ta có được lựa chọn khi nào với nơi nào để mình một lần nhắm mắt mãi mãi đâu? Ta cứ gồng gánh và làm hết mọi cách để được tồn tại, được thở sau khi giẫm lên xác đồng loại của mình là điều không hề hiếm. Đuổi theo thứ hư vô của danh vọng, tôi cũng từng như thế, tôi hồi tưởng lại những vấp ngã của tuổi trẻ tự căn dặn mình hãy không từ thủ đoạn chiếm lấy những thứ vốn thuộc về mình. Điều đáng tiếc nhất là khi tôi có được thứ mình muốn thì còn lại sau lưng tôi là chỉ một đống đổ nát với nước mắt của những người đã dành trọn niềm tin cho tôi, thế nhưng tôi lại không ngần ngại để lên kế hoạch cho một đống đổ nát tiếp theo để chinh phục một đích đến mới. Ấu trĩ và ngông cuồng, tôi còn vạch ra một loạt thứ cần làm trước khi chết, trong những gạch đầu dòng của danh sách, có một dòng ghi là “Đừng chết!”
Tôi chẳng khác nào một con thú hoang nổi điên và bị bịt mắt, chẳng có gì ngăn được tôi có được thứ mình muốn. Chẳng có một cái hành trình nào là dễ chịu với tôi vì sự bình yên là thứ xa xỉ nhất lúc đó. Bình yên trong Khắc Kỷ. Ngày tôi đọc được kiến thức Khắc kỷ trong lớp Triết học, chẳng thể miêu tả được cảm giác của một kẻ mù được nhìn thấy ánh sáng lần đầu tiên vậy.
Tôi chẳng hề nhìn nhận tôi như một con chiêng của triết học vì thành thật mà nói tư tưởng bé nhỏ của tôi khó mà tiêu hóa được những triết lý lớp lang của các bậc triết gia. Triết học đối với tôi là một cách sống, nó giống như bạn nghe nhạc, nếu bạn chọn nghe nhạc Việt thì tôi sẽ chọn nghe nhạc Hàn. Cứ như vậy, tôi tự lựa chọn lối sống của mình dựa trên những triết lý của trường phái của Khắc kỷ.
Hành trình của một kẻ chập chững bước đi luôn là khó nhọc, tôi cứ sợ mình bị đánh mất bản thân mình khi đi theo một lối đi mà chỉ có tự thân mình vận động. Thậm chí đến giây phút bài viết này được đăng, tôi vẫn chưa phải là một người thực hiện đúng những triết lý của Khắc kỷ cũng như tôi chẳng dám tự nhận mình cái danh xưng cao vời vợi: Nhà Khắc Kỷ. Nói như thế chẳng vì sự khiêm tốn, tôi tự nhận thức rằng triết học là đời sống mà tôi chỉ đi được ⅓ chặng đường. Cũng không thể phủ nhận được quá nhiều lợi ích và sự thay đổi tích cực mà Khắc kỷ đã mang lại cho tôi, tôi xin dùng biện pháp ẩn dụ cuộc đời tôi là bức vải toan trắng tinh và Khắc kỷ sẽ là từng sắc màu hoàn thiện tôi. Bức tranh này chẳng thể hoàn chỉnh vì hơn hết, tôi cần nhiều thời gian hơn để tìm những sắc màu khác nhưng như thể nào đi chăng nữa, nó vẫn rất đẹp rồi.
Khái quát Khắc kỷ
Khắc kỷ( stoicism) là một trường phái triết học, nó có gốc gác từ lối sống khổ hạnh khi mà những “kẻ tu hành” sẽ tự hành hạ bản thân mình đến mức cực đoan để thực hiện theo lẽ sống của họ. Tuy sinh ra là vậy nhưng thực ra Khắc kỷ được phát triển để hướng con người đi tìm Sự bình yên trong cuộc sống, có rất nhiều nhà Khắc kỷ đại tài trong số đó đã có người đứng lên làm vua của một nước, họ được biết đến với những cái tên như Epictetus, Seneca,... (Trong đó, Seneca được tôi biết đến đầu tiên thông qua những lá thư gửi cho Lucilius)
Khắc kỷ là một lời động viên con người vượt qua những cám dỗ, hãy đi tới cốt lõi ( core). Khắc kỷ được sinh ra để mang con người lại gần với nhau khi mà những thứ họ sợ hãi và bận tâm sẽ được triệt tiêu, lý tưởng sống trong yên bình đã thu hút những học trò lúc bấy giờ theo trường phái Khắc kỷ. Nghiễm nhiên, trường phái Khắc kỷ lúc đó được cho là cực thịnh do các bậc cha mẹ nông dân lẫn vua chúa đều gửi con em theo học, một phần là học sinh ở các trường Khắc kỷ có lý luận và tư duy chặt chẽ hơn các trường phái khác. Khá lạ là bẵng đi một thời gian sau thì Khắc kỷ dường như mất hút trên trái đất này, không còn ai nhớ về nó, được coi là thời đại tăm tối nhất của trường phái Khắc kỷ. Điều này có thể được lý giải tại sao đến bây giờ ta mới nghe danh của Khắc kỷ.
Khi thiếu ánh sáng con người trở nên hoảng loạn, tương tự khi không còn ai thuộc trường phái khắc kỷ thì sự đau khổ của loài người được chồng chất lên nhiều bậc. Đối mặt với xã hội cầu tiến như hiện nay, chúng ta chẳng còn bận tâm đến cái cốt lõi thì tất nhiên những thú vui, trụy lạc sẽ được kéo lên để đáp ứng nhu cầu to lớn của họ. Con người đang lạc lối vì họ không còn thời gian để đi tìm một lối sống, thay vào đó thời gian được tận dụng triệt để vào việc đắp lên mình những vật chất xa hoa và lộng lẫy. Khắc kỷ đã rộ lên như một phong trào gần đây khi nhiều thế hệ gen Z như tôi đã có thể tiếp cận và thực hành nó lên cuộc sống cảu mình, không cần những khóa học đào tạo kỹ năng để sống như nhà Khắc kỷ vì việc đó không cần thiết. Khi nhắc đến Khắc kỷ tức là đi tìm sự bình yên. Sau đây, tôi xin chia sẽ một số thứ tôi đã làm để tìm thấy được Khắc kỷ trong tôi.
xanh da trời trong tang thương
“ Thực ra, chúng ta đã sai khi nghĩ cái chết ở tương lai: nó đến với ta mỗi ngày, bởi toàn bộ quá khứ của ta đều đã chết rồi đó thôi.” Seneca, trích từ Seneca - Những bức thư đạo đức
Có lần tôi đi đến tiệm cắt tóc thân quen sau những ngày “ngủ đông tinh thần” trong trận đại dịch, Covid được tôi ví một cách hài hước như một chú cảnh sát giao thông đang giơ tay chặn chúng ta lại mà không cần báo trước và những mình đang làm buộc phải dừng lại. Chẳng hiểu sao trong thời gian dịch dã đang tung hoành trên khắp các báo chí, tôi lại yêu thích cái cảm giác được trầm ngâm suy tư một thứ cụ thể mà trước giờ chẳng có dịp thử. Tóc tôi đã dài đến ngang tai nhưng tôi thích ngắm nó thông qua chiếc gương, ngay tại đó tôi và trí tưởng tượng cho phép tôi hóa thân thành chàng hiệp sĩ tiên hiệp tóc dài vậy. Nhưng khi giờ kế bên tai tôi là từng tiếng nhấp kéo, những thớ tóc rơi xuống nền nhà khiến tôi lại nhận ra một thứ từng thuộc về mình lại có thể rời xa dễ dàng đến vậy. Thiết nghĩ, bản thân mình vẫn sẽ còn tiếp tục sống nhưng những cọng tóc kia thì không bởi mặc nhiên, nó đã chết từ lúc nào rồi. Thật khó để miêu tả một cái cảm giác một vật dính liền với mình, đi ngang qua gương hay thoang thoảng mùi thơm sau khi tắm bây giờ đúng chỉ là một thứ vô tri nằm sõng soài giữa nền nhà. Nó chẳng hề giống cái cảm giác bạn làm rơi viên kem khi chưa kịp nếm thử, việc đó khác xa hơn rất nhiều bởi vì bạn chẳng dành một thời gian bên nhau với một viên kem lâu dài đến như vậy.
Từ những cọng tóc đó, tôi thoáng buồn khi nghĩ về những dấu chấm hết của mọi vật trên đời này. Còn nhớ lúc nhỏ bạn tôi làm vỡ cái ly người yêu cũ đã tặng, cái ly đó từ lâu trong đầu tôi rằng thể nào cũng sẽ gặp vấn đề do vị trí mà bạn tôi đặt lại là ngay đầu giường, nó khóc ròng cả tuần. Đến tuần sau, tôi qua nhà nó chơi, cái ly vẫn ở đó chỉ khác là từng vết nứt được chắp vá vụng về bằng keo dán sắt. Tuy là một vật vô tri, dẫu biết nó sẽ vỡ một ngày nào đó, nhưng đến khi nó vỡ rồi thì cũng không được ra đi một cách lành lặn. Tôi cứ ví von trêu đùa với bạn mình cứ tưởng tượng chiếc ly đó là một thân thể đã “vỡ” ra thành trăm mảnh thì việc nó làm chẳng khác nào đang nhìn ngắm “tử thi” của chiếc ly. Lúc đó tôi chẳng nhìn rõ được khuôn mặt của bạn tôi, nó cứ quay lưng lại với tôi và đang uống trà trên chính ly đó, vết nứt làm những giọt nước nhỏ tí tách xuống dưới nền. Nhưng là do tôi chẳng thấy được mặt của bạn nên cũng chẳng biết những giọt nước bé xíu đó đến từ đâu, tôi chỉ biết bạn im lặng rồi qua ngày sau cái ly chẳng còn ở yên vị trí nó vốn nên và đã từng. Cái ly đã ở một nơi tốt đẹp hơn rồi.
Tôi chưa từng sợ cái chết của chính tôi, nhiều đứa bạn tôi thì rất sợ vì đến chết khi rồi thì còn làm gì được nữa ngoài thân xác đã mục rữa, lúc đó ta với sâu bọ là bạn. Sự thật là không hề hình dung ra được tôi sẽ chết như thế nào tại vì trong đầu luôn có một kịch bản rằng sáng mai tôi tỉnh giấc thì rất có thể, thân xác đó sẽ không còn là tôi. Nhưng dù vậy, cái chết vẫn có cách để ám ảnh tôi. Tôi sống trong sự dạy dỗ khắt khe của ba và bài học đắt gía nhất mà ông dạy cho tôi đó chính là sự bỏ rơi. Như một cái công tắc được thiết lập trong đầu tôi, bất cứ ai hỏi tôi câu “ Cậu sợ nhất điều gì?”. Đúng vậy, nó sẽ là Sự bỏ rơi.
Tôi không hề chịu đựng được cảm giác đau khổ khi chứng kiến một người vốn kết nối sâu đậm với tôi ra đi mà chẳng hề có cơ hội nói lời từ biệt. Đối với tôi những trải nghiệm như vậy còn xước xát hơn cả việc mình chết đi, bạn nghĩ xem, sẽ ra sao và sẽ như thế nào một người đều chúc ngủ ngon mỗi tối bỗng không còn hiện hữu để thốt ra chính xác một câu mà bạn thèm khát được nghe một lần nữa. Sự lệ thuộc là một con dao hai lưỡi. Khi chúng ta chết đi, không chỉ mỗi bản thân mình ra đi những người ở lại cũng chết một ít.
Ngày bà nội tôi ra đi, ba tôi suy sụp không còn buồn miệng để ăn một chén cơm. Và sẽ sớm thôi khi mai này tôi cũng sẽ như ba tôi, thật khó để mang một suy nghĩ về chết chóc mà không thể thấy tội lỗi. Nhưng hãy cùng nhau đối mặt với sự thật nào, ta chẳng thể làm gì được. Trăm năm nay ý tưởng bất lão hay “trẻ mãi không già” được chiếu đi chiếu lại trên màn lớn lẫn nhỏ, cách tiếp cận có thể khác nhưng nội dung vẫn nói rõ ra một thông điệp “Cái chết là điều đầu tiên con người cảm thấy bất lực”. Nhưng tôi đảm bảo với bạn, nếu bạn đang trên con đường đảo ngược quy luật tự nhiên này, nó giống như chú cá hồi bơi ngược dòng trên con sông băng vậy bởi vì bạn sẽ bất lực đến việc lẫn bơi ngược hay xuôi thì “cái chết” vẫn xảy ra.
Chúng ta cùng chậm lại một tí vì đây chẳng phải là một thứ quá tiêu cực, có nhiều người nghĩ rằng những người thực hành Khắc kỷ luôn luôn đen tối và có phần bi quan cực đoan. Điều đó không hề sai nhưng chẳng hề đúng, thực tế có một bài tập phổ biến của các Khắc kỷ gia là Tưởng tượng tiêu cực. Đúng như cái tên của nó, người thực hành Khắc kỷ sẽ luôn tưởng tượng những kịch bản xấu nhất có thể xảy ra, nên là xin đừng lạ lẫm nếu một người nhắn nhủ với mình uống cà phê có thể đoạt mạng thìp rất có thể người đó là một Khắc kỷ gia chăng? Cũng có thể vì khi ta nhận thức và tính toán kỹ lưỡng đến những xác suất nhỏ nhất của vấn đề thì cái sợ về việc gì đó tồi tệ sẽ giảm xuống, tức là ta vẫn có thể rầu rĩ nhưng sẽ nhẹ nhàng và mau phai nhạt. Chính điều đặc biệt này khiến cho những người thực hành Khắc kỷ hòa đồng với con người hơn bao giờ hết bởi lẽ một lý do đơn giản là họ trân trọng từng giây phút họ được tồn tại, Khắc kỷ nhắn với ta rằng thù ghét hay giận dữ quá tốn thời gian và thời gian còn lại của ta đang tích tắc từng giây. Kết quả là khi mình mang trong mình sự quý trọng cho thời gian ít ỏi trên cõi đời này tự khắc sự bình yên sẽ tìm đến ta.
Tôi đã thực hành bài tập này lên nỗi sợ chứng kiến người thân của tôi ra đi, tuy là viễn cảnh đó vẫn chưa xảy ra ở hiện tại nhưng tôi đã cảm thấy an lòng hơn khi mình có thể không hối tiếc vì chưa chúc ngủ ngon người thân của mình. Có một cách lập luận rất hay của Seneca rằng giữa một người đàn ông đàn ông ôm hôn con mình mỗi buổi sáng với một người đàn ông không làm gì cả với đứa con của mình nhưng tình yêu cha con vẫn tồn tại, khi sóng gió đổ ập, những đứa con của hai người đàn ông mất thì người đau khổ dai dẳng nhất là người-chẳng-làm-gì-cả. Người đàn ông sáng nào cũng ôm hôn con mình và nghĩ rằng mỗi ngày luôn là lần cuối cùng mình sẽ gặp nó tất nhiên vẫn có đau lòng nhưng không hề dai dẳng và đầy hối hận muộn màng như người còn lại. Trong đời sống đầy vội vã như thế này nếu ta cứ như người đàn ông không chịu làm gì đến khi mất đi tất cả thì chẳng nơi nào để tìm lại hạnh phúc mình vốn dĩ đã từng. Điều này sáng tỏ trong tôi thêm một suy nghĩ rằng ngoài mạng sống, thứ chúng ta có thể mất là chẳng gì cả. Chính vì điều này, tôi chẳng ngần ngại chúc ba tôi - một người vốn khô khan - một buổi tối thật ngon giấc, tôi luôn chọn những buổi tối để làm điều đó vì cho đến cuối ngày được gặp ba tôi khỏe mạnh khiến tôi vẫn hạnh phúc để làm tiếp những điều cỏn con này. Tôi trân trọng những thứ đã và đang ở xung quanh tôi, không một thứ nào không được tôi đón nhận với sự nhiệt tình vô bờ. Chỉ khi tôi chấp nhận rằng sẽ có ngày họ ra đi, thì họ mới ở lại trong tôi.
Tôi xin được phép dùng màu xanh da trời cho chủ đề đầy tang thương này, vì như màu xanh của những nỗi buồn nhưng nếu ta nhìn vào bầu trời sẽ là một cánh cổng của sự tự do. Cái chết nếu được một người bình thường xem xét thì sẽ giống như một cái dải băng đích đến của một cuộc đua marathon mà tại nơi đó, các vận động viên chân trần đang cố gắng chạy chậm hết mức có thể. Nhưng với Khắc kỷ, nó sẽ là một đôi giày để người đua cảm thấy an tâm hơn về cái đích đến mà họ đã chọn hoặc chí ít, họ bắt buộc phải chọn. Các vận động viên sẽ vững bước mặc cho vẫn là “cuộc đua ngược” ấy nhưng do đã có đôi giày, không có gì có thể cản bước họ lại. Để đặt dấu kết cho chính chủ đề này, tôi rất tâm đắc khi đã xin được một câu bình luận từ bạn tôi về chủ đề này: chết là hết nhưng trong cái chết vẫn có sự sống.
xanh lá cho sự phù phiếm
Nếu một thứ trên đời này có thể khiến một người đang hạnh phúc trở nên buồn bã ngay lập tức thì thưa bạn chẳng phải tình yêu cũng chẳng phải bệnh tật mà chính là tờ xanh đỏ nằm ngay trong ví bạn.
Tự khắc tôi trở thành nô lệ của đồng tiền từ bao giờ vì cứ chấp niệm mãi một suy nghĩ rằng khi mình làm lụng vất vả thì tiền sẽ thưởng cho ta, chính vì thế tiền và chữ kiếm tiền như một vị vua chúa chờ tên nô lệ của mình ưỡn lưng ra cõng và tôi - tên nô lệ khoái chí khi tên vua điên đó quất roi và miệng phun ra từng đồng tiền vàng vậy.
Tôi từ rất lâu chẳng được giáo dục về đồng tiền, giá trị của đồng tiền được tôi phân định như một thành quả xứng đáng khi bạn có lao động bằng chính mồ hôi xương máu của mình. Trong tường nhà lẫn ngoài đời và trên mạng xã hội là cả chục tấm poster, cả tá bài đăng của các doanh nhân thành đạt, tôi cực kỳ mê khi họ nói về tiền và chỉ có những tờ xanh lá mới khiến một người hạnh phúc vô độ. Khi thú vui hằng ngày của bạn là ngước nhìn thành công của những bậc vĩ nhân, bạn ngưỡng mộ và có thể thầm yêu lối sống lẫn lối suy nghĩ của họ thì khi chợt bạn ngước nhìn xuống với những người không cùng bậc hoặc cùng bậc nhưng chẳng cùng tư tưởng, bạn sẽ khinh miệt họ.
Một lối sống sẽ rất hay nếu bạn tuân thủ theo và cố gắng mưu cầu hai chữ hạnh phúc mơ hồ của bạn thế mà mọi thứ sẽ dừng lại nếu bạn ra sức đánh giá lối sống lẫn hạnh phúc của người khác là ngu ngốc thì quả thật, bạn gần chạm tới đích của những bài học làm giàu rao giảng trên mạng xã hội rồi đấy: vô hồn và thiếu thực tế.
- Giàu? Bạn muốn giàu không?
- Có chứ, tôi muốn được giàu mặc dù tôi chẳng hiểu anh nói giàu có nghĩa là gì nhưng nếu anh kêu tôi bán đi hai cánh tay đang rất khỏe mạnh này với giá là một cú chạm tay vào ngưỡng cửa của sự sung túc và thịnh vượng thì anh chỉ cần nói khi nào thôi.
Rồi chàng trai bán đi cánh tay của anh ấy và đau đớn nhận ra anh ấy chẳng hề được chạm tay vào ranh giới của những kẻ giàu theo đúng nghĩa đen. Khổ tâm và tủi nhục vì giờ đây kế bên anh là từng thỏi vàng kiêu sa lấp lánh dưới nắng thì anh chẳng thể ôm hôn được cô vợ hiền và bầy con của anh, những hoạt động hay những thứ được coi là cơ bản anh chẳng thể làm được như người bình thường. Bởi lẽ, cái ngày anh bán đi cánh tay của mình anh còn bán đi sự tự do của mình.
Có một bài học làm tôi tỉnh ngộ ra được sự phù phiếm nó vô tình được tôi quan sát bằng cả sự ngưỡng mộ và cả sự thất vọng. Ngày chú tôi trúng được 10 tờ vé số, chẳng hiểu ngày đó chú tôi lại có nhã hứng mua nó bằng cả số tiền lương một ngày chú phụ hồ. Chiều về, chú ôm thằng con út chạy khắp xóm reo hò rằng giải độc đắc đã quay trúng gia đình mình, đặc biệt chú cứ cầm tờ vé số hỏi từng nhà rằng có đúng số không, chú hỏi mãi và chờ một câu xác nhận của các hàng xóm cho đến khi mỗi nhà nhắc rằng “ Đúng rồi, đúng số rồi, chúc mừng anh Bảy”. Nhà cửa mới, xe hơi, đồng hồ xa xỉ, những buổi tiệc tùng, chú ngày đó như một hình mẫu trong các công chuyện tán gẫu của các cô đồng nát. Đối với tôi, tôi ghen tỵ vì thằng con chú cứ mỗi tuần là được một món đồ chơi mới. Rồi đứt đoạn, chú phải bán đi căn nhà mới xây 2 tháng trước khi chỉ trong một đêm, 3 tỷ biến mất như cách bạn tắt một bóng đèn vậy. Chính chú vừa khóc vừa kể lại, cái đêm sòng bài còn mở, khói thuốc xì gà còn bốc và một câu nói thách thức, chú cứ làm liều vì nghe đâu cả gia tài sẽ tăng lên gấp đôi nếu mình “mát tay” một chút. Ngấn lệ chú dài trên gò má, nhiễu xuống ướt một vũng xi măng chú đang tráng. Chú bây giờ quay lại nơi xuất phát, vẫn giơ mình đối diện dưới cái nắng ban trưa trong bức tường gạch đỏ au, thỉnh thoảng tôi bắt gặp chú xìa tiền vẫn mua đúng nguyên 10 tờ như ngày xưa, tôi chép miệng rằng ngày xưa chẳng còn để mình quay lại nữa rồi.
Bạn tôi cũng im lặng khi kể nó nghe một câu chuyện uy hùng về một người đã chạm được cửa sự giàu sang, nó có nói một câu rằng việc này ngoài tầm với, cho dù có quay lại và ban cho chú ấy 10 tỷ như ban đầu, không có thứ gì có thể vãn hồi được, chú ấy sẽ lại ngạo nghễ mà chấp nhận một lời thách thức tiếp theo mà thôi. Tôi gật đầu đồng ý với nó, giàu là một thứ mùi hương ngọt ngào chỉ khi ta lại đủ gần mới biết rằng cái bẫy chuột đã được bật lò xo. Phải chi lúc đó chú ấy hay cả ta biết rằng, tiền chẳng phải ở bên ta hay bầu bạn cùng ta, tiền chỉ ở cùng ta vì nó cần ta.
Vậy thì ta không nên xem tiền là lẽ sống và cứ tránh xa tiền theo nghĩa đen? Chưa hẳn là vậy, chúng ta hãy cứ tận hưởng những thành quả của mình nhưng trong sự khôn ngoan và tỉnh táo bởi lẽ một người đàn ông bị bệnh được đưa vào hai chiếc giường, một chiếc bằng tre rồi một chiếc bằng vàng. Mọi thứ chẳng có gì thay đổi, anh ta vẫn bệnh đấy thôi.
Kết thúc một buổi đi cà phê, tôi có hỏi thêm một câu cho bạn tôi
- Cái này... câu chuyện này có màu gì nhỉ?
- Màu xanh lá
- Xanh lá?
- Đúng vậy, màu xanh lá cho sự phù phiếm.
( đón chờ đọc phần tiếp theo nhé.)
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất