[Khắc kỷ] Viết nhật ký như hoàng đế La Mã Marcus Aurelius
Chủ nghĩa khắc kỷ trong viết nhật ký.
Marcus Aurelius là một trong năm vị hoàng đế vĩ đại nhất của La Mã. Ông là hiện thân của một nhà vua - triết gia, người luôn không màng đến quyền lợi của mình mà chỉ hành động vì lợi ích của dân chúng. Ông được biết đến rộng rãi trong lòng những người theo đuổi chủ nghĩa khắc kỷ qua tác phẩm Meditations - Suy tưởng.
Tuy nhiên, Meditations không phải một chuyên luận triết học, nó chỉ là những dòng nhật ký cá nhân mà Marcus viết cho riêng mình, để khuyến khích bản thân sống một cuộc đời tốt nhất có thể. Với tên gốc là To himself, cuốn nhật ký chỉ được công bố sau khi ông qua đời.
Qua tác phẩm Meditations, chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều cách để hình thành thói quen viết nhật ký hàng ngày như vị hoàng đế nổi tiếng và rất đáng khâm phục này.
1. Hãy viết về những điều bạn cảm thấy biết ơn
Marcus Aurelius đã dành những dòng đầu tiên trong quyển nhật ký để viết về những điều khiến ông cảm thấy biết ơn. Ông trân trọng các mối quan hệ giá trị mà mình có được, biết ơn cha mẹ (dù họ mất sớm), anh chị em, bạn bè và những người thầy tốt. Ông biết ơn vì các con của mình "không điên rồ hay có cơ thể khiếm khuyết dị dạng", dù rằng trong suốt cuộc đời mình, chỉ có 6 trên tổng số ít nhất 14 người con của ông còn sống. Ông biết ơn vì mình có khả năng kiểm soát bản thân và giúp đỡ được người khác.
Một vị hoàng đế lại chỉ biết ơn những điều mà hầu hết tất cả mọi người đều có. Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta thường coi những gì mình đang sở hữu là đương nhiên. Nhưng nếu nhìn lại, thì cuộc sống của bạn sẽ có rất nhiều thứ bạn nên biết ơn, ví như gia đình, bạn bè, sức khỏe. Hãy trân trọng những điều mà bạn cho là bình thường và nhỏ bé. Những thứ mình lấy ví dụ ở trên, chắc chắn nếu mất đi, bạn sẽ vô cùng nuối tiếc.
Lòng biết ơn sẽ giúp bạn tập trung vào những trải nghiệm tích cực và tránh khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Thay vì phàn nàn và đuổi theo những thứ mình không có, bạn sẽ biết trân trọng những điều mình có ở khoảnh khắc hiện tại.
Vậy nên, hãy viết ra ít nhất ba điều khiến bạn thấy biết ơn mỗi ngày.
2. Hãy viết nhật ký hàng ngày và vào mỗi buổi sáng sớm
Có vẻ như Marcus Aurelius thường viết nhật ký vào sáng sớm. Ông tưởng tượng đến những tình huống xấu nhất có thể xảy ra và cách ông sẽ phản ứng lại với chúng.
“Mỗi sớm mai thức giấc, hãy tự nhủ với lòng mình rằng: Những người ta gặp ngày hôm nay có thể sẽ phiền phức, vô ơn, kiêu căng, không trung thực, hay tị nạnh, gắt gỏng”, ông viết. (Meditations - Quyển 2)
Bạn cũng có thể dành 5-10 phút đầu ngày để tưởng tượng ngày hôm nay của mình sẽ diễn ra như thế nào, và cách bạn muốn phản ứng với các tình huống đó.
3. Lặp lại những điều quan trọng
Khi tìm hiểu về cuộc đời của Marcus Aurelius, chúng ta sẽ biết được rằng ông không có cơ thể khỏe mạnh. Ông bị bệnh, khả năng là bị lở loét. Chắc hẳn vì vậy, trong cuốn nhật ký, ông lặp đi lặp lại rất nhiều lần quan điểm: cuộc sống không phải vĩnh hằng, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào và hãy sống để phụng sự vì cộng đồng.
Việc ngồi xuống và viết đi viết lại những kinh nghiệm tự mình rút ra hoặc những bài học có được từ người khác là một bài tập giúp biến lý thuyết thành trí nhớ cơ bắp. Theo thời gian, trí nhớ chuyển hóa thành hành động. Có rất nhiều người mắc đi mắc lại cùng một lỗi sai trong khoảng thời gian dài mà không đủ ý thức để thay đổi.
Viết nhật ký là cách giúp bạn nhận ra sai lầm của bản thân khi đứng ở vị trí người quan sát. Hãy lặp lại những bài học bạn cho là quan trọng để nhắc nhở bản thân nên sống thế nào cho tốt, và tránh không mắc sai lầm trên một lần với cùng một lỗi. Vì triết gia Aristotle từng nói: “Chúng ta là kết quả của những việc ta lặp đi lặp lại hàng ngày”.
We are what we repeatedly do
4. Thành thật với cảm xúc của bản thân.
Bạn viết nhật ký không phải để xuất bản. Sẽ không ai đọc nó ngoài bạn. Chính vì thế, hãy thừa nhận tất cả những gì bạn cảm thấy và suy nghĩ dù bạn có coi nó tồi tệ và ích kỷ như thế nào.
Ngay cả một người vĩ đại như Marcus Aurelius cũng thừa nhận thật khó khăn khi phải rời khỏi giường vào sáng sớm. Và ông cũng thể hiện thái độ không thích nhân loại của mình. Ông luôn tự nhủ mình có thể sẽ gặp phải những người phiền phức và khó chịu (Quyển 2 - Meditations). Và theo ông, ngay cả “những người tốt đẹp nhất xung quanh ta cũng khó để ta có thể sống cùng” (Quyển 5).
Tuy nhiên, ông lại là vị vua nổi tiếng vì luôn tôn trọng, khiêm nhường và bao dung mọi người. Chính vì thế, việc viết ra những cảm xúc thật (bao gồm cả sự ghen tị, tức giận, bi quan…) sẽ giúp bạn giải phóng được năng lượng tiêu cực và giành lại quyền kiểm soát những hành vi của mình.
Trang giấy kiên nhẫn hơn con người nhiều. Thay vì kêu ca hoặc giận dữ với người khác, hãy giãi bày hết lên giấy. Viết lách đưa chúng ta về gần với trạng thái của thiền định - khi chúng ta có thể quan sát và gọi tên được cảm xúc của bản thân, khi ta có thể tách mình ra khỏi suy nghĩ. Qua đó, bạn sẽ nhìn vấn đề một cách rõ ràng hơn, đưa ra được giải pháp hiệu quả hơn và tránh mắc phải các bệnh về tinh thần.
5. Chỉ nên tập trung vào các vấn đề mình có thể kiểm soát được.
Trong Meditations, Marcus đưa ra những khó khăn mà ông gặp phải:
"Ta từng là một kẻ may mắn, nhưng rồi vận may đã rời bỏ ta."(Meditations - Quyển 5)
Nhưng ngay sau đó, ông tự nhắc nhở mình rằng “Vận may thực sự là thứ chính ta tạo ra cho mình”.
Hoặc “Trên sàn đấu, đối thủ của ta có thể dùng móng tay cào ta hay dùng đầu húc ta, để lại vết bầm thâm tím” (Meditations - Quyển 6). Và sau đó, ông viết: “Nhưng ta không lên án hay kết tội họ vì những thứ đó, .... Ta chỉ đơn giản là để mắt đến họ và cẩn trọng hơn một chút mà thôi”
Các nhà khắc kỷ chia những vấn đề của cuộc sống làm ba loại:
- Những thứ ta có toàn quyền kiểm soát. Ví dụ: mục tiêu và các giá trị của bản thân.
- Những thứ ta hoàn toàn không thể kiểm soát. Ví dụ: mặt trời có mọc vào ngày mai không, giá xăng tuần sau có giảm không.
- Những thứ ta có thể kiểm soát được một phần. Ví dụ: chúng ta có thể trở nên giàu có trong tương lai không, có thể chiến thắng cuộc thi không, hoặc suy nghĩ của người khác về chúng ta.
Theo họ, chúng ta chỉ nên quan tâm đến những vấn đề ta có toàn kiểm soát hoặc kiểm soát được một phần. Trong Meditations, Marcus đã thể hiện đúng tinh thần của một nhà khắc kỷ. Ông không dành quá nhiều thời gian để chê bai người khác hoặc than thân trách phận. Thay vào đó, ông tìm cách thay đổi thái độ và hành động của bản thân.
Tương tự thế, khi viết nhật ký, bạn có thể dành thời gian để than vãn về những khó khăn hoặc những con người khó chịu mình gặp phải. Tuy nhiên, bạn nên tránh sa đà vào nó. Cuộc sống không phải những vấn đề xảy đến với chúng ta, mà là cách chúng ta phản ứng với nó. Giống như Marcus đã nói: "Những thứ chắn đường sẽ trở thành con đường."
Bạn có thể xem video tại:
Tài liệu tham khảo:
- Bản dịch của tác giả Andy Lương:
- Sách "Chủ nghĩa khắc kỷ - Phong cách sống bản lĩnh và bình thản" - William B.Irvine
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất