Khá Bảnh cũng là một nạn nhân.
Từ trải nghiệm cá nhân, tôi nhận thấy nền tảng văn hóa pháp lý chưa rõ ràng của ta là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực trong...
Từ trải nghiệm cá nhân, tôi nhận thấy nền tảng văn hóa pháp lý chưa rõ ràng của ta là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực trong đời sống. Thật buồn khi chứng kiến bạo lực lên ngôi ở rất nhiều nơi xung quanh chúng ta. Từ gia đình, học đường, đường phố, không gian mạng tất thảy đều có bóng ma của bạo lực xung quanh. Từ nhỏ sinh ra đã có thể chất chưa tốt, tôi thường là đối tượng của sự bắt nạt. Vì thế nên ngay từ mẫu giáo tôi đã cố gắng giỏi hơn các bạn và xung phong làm lớp trưởng chỉ để vì một mục đích duy nhất là được gần cô giáo và được cô trao thêm quyền. Lá chắn đó giúp tôi đi qua những ngày tháng mẫu giáo thật êm đêm nhưng để lại một giai thoại trong làng rằng tôi bám theo cô giáo năn nỉ để cho làm lớp trưởng và chuẩn bị hẳn một bài vận động tranh cử rất hoành tráng. Lên cấp một tôi lại cố gắng làm Sao Đỏ để có thể tiếp tục duy trì thứ quyền lực được ban phát từ thầy cô giáo, tuân phục một cách nhiệt thành và vô thức làm cánh tay nối dài cho thầy cô để đổi lấy chút tự hào, chút quyền lực cỏn con với các bạn. Đến cấp hai, mọi chuyện không êm đẹp như thế, dù tôi vẫn được một vài người bạn thân bảo vệ nhưng vẫn xảy ra những trận bắt nạt tập thể. Là nạn nhân của những cuộc bắt nạt, cũng đã từng là kẻ bắt nạt (hay nói đúng hơn là lạm quyền) trong quá khứ nên tôi hiểu rõ về vấn đề của mình và những đứa trẻ khác. Xét về bản chất, tôi cho rằng, không một đứa trẻ nào thực sự sinh ra đã hư hỏng. Tôi có niềm tin rằng những đứa trẻ giống như những trang giấy trắng tinh khiết – những hình ảnh mà chúng phản chiếu là kết quả của quá trình tương tác với gia đình và môi trường xung quanh. Tôi tin rằng không một đứa trẻ nào được quan tâm chăm sóc bởi cha mẹ, có đầy đủ tình thương từ mọi người và được giáo dục về những ranh giới trong cuộc sống lại đi bắt nạt kẻ khác. Nhưng đứa trẻ có sở thích bắt nạt kẻ khác hay cả những đứa trẻ lớn thích đánh người thường nằm trong ba nhóm chính:
thiếu sự quan tâm chăm sóc, thiếu tình thương nên không hiểu tình thương có nghĩa gì, vì vậy nên chúng không cảm thấy đau khi kẻ khác đau. Chúng cũng có thể chính là nạn nhân của một sự bao hành, bắt nạt khác nên vô thức hiểu rằng cách cuộc sống vận hành là dựa trên sự băt nạt người khác; (trẻ mồ côi, cơ nhỡ, trẻ có bố mẹ độc hại tất cả đều phải đấu tranh và trở thành kẻ mạnh, kẻ bắt nạt để tồn tại. Đây giống như một cơ chế tâm lý, chai lì về mặt cảm xúc không phải là bản năng của chúng mà là một kĩ năng chúng học được để tồn tại)được dạy dỗ làm trung tâm của sự chú ý, bất cứ khi nào có nhu cầu đều được đáp ứng, khi đi quá giới hạn không được chỉ bảo để điều chỉnh nên bắt nạt người khác để ve vuốt cái tôi của mình. (Bà đánh chừa cái bàn làm đau cháu của bà này, cái bàn này hư, xin lỗi Bi nhà bà ngay. Ấy thế là cứ mỗi lần ngã, ta lại tìm kiếm lí do từ những thứ bên ngoài. Con đánh nó bởi vì nó trông ghét ghét, nó vênh cái mặt lên với con. Các anh lính mới phải hiểu rằng không tự nhiên chúng tôi đánh các anh, các anh cứ ngoan hiền ít nói thì ai động vào? [1] )được cổ vũ hay dạy dỗ rằng cuộc đời này chỉ có kẻ mạnh và kẻ yếu, cách duy nhất để sống tốt là phải trở thành kẻ mạnh, kẻ bóc lột. (Bố dạy nhé, nếu thằng khác đánh con 1 cái thì con đấm lại nó 2 cái chứ nhất định không thể chịu nhục mà báo với cô. Ngoài kia nếu có khó khăn quá thì về nhà mách bố - bố lên trường…)Đặc điểm chung của những “đứa trẻ” này là không hề biết sợ hoặc chí ít động cơ bắt nạt quá lớn dẫn đến mức lấn át cả nỗi sợ trong người. Chúng ta là con người xã hội, sống trong đời sống này không ai hoàn toàn tốt và cũng không ai hoàn toàn xấu vào mọi thời điểm. Hoàn cảnh sống có thể tác động đến hành vi con người rất lớn, như một công chức đã phát biểu rằng: “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ là khuyết tật”. [2] Hay một ví dụ đơn giản về một người Việt sang nước ngoài rất tuân thủ pháp luật giao thông, không vượt đèn đỏ dù là 1 giờ sáng. Lí do có thể một phần phụ thuộc vào chế tài vi phạm được xử lý nghiêm minh bởi các công cụ ghi hình nhưng nhiều trường hợp dù không bị xử lí họ vẫn tuân thủ vì đó được xem là một lẽ thường tại xã hội đó. Tuy nhiên, cũng có thể chính con người đó sau vài năm về Hà Nội sống, mỗi sáng phải lê lết trên đoạn đường Xuân Thủy chứng kiến đồng loại của mình bon bon trên vỉa hè tiến về “Hà Lội”, lòng không khỏi xúc động vào một khoảnh khắc nào đấy để rồi lao lên vỉa hè tham gia vào cuộc đua. Đơn giản là khi đám đông đều xem hành động leo lên vỉa hè là đương nhiên do cơ sở vất chất của ta tệ quá, đường phố nhỏ quá, các anh cảnh sát cũng thông cảm cho đấy thôi, thì sẽ cái là lẽ thường cũng có thể bị bẻ cong. Lần đầu tiên leo vỉa hè ta cảm thấy rất hối tiếc nhưng bảo rằng là vì đây là cuộc hẹn quan trọng nên ta không thể bỏ lỡ được. Tiếp theo ta lại viện dẫn thêm được các lí do mới, nào là con mình đang chờ ở cổng trường nên nếu không về kịp cháu sẽ phải chờ lâu – tội nghiệp đứa bé. Hay như hôm nay sinh nhật vợ, mình phải về sớm nấu cho cô ấy một cái gì đấy thật ngon. Pháp luật à, thông cảm nhé, đúng là pháp luật cũng quan trọng nhưng nhiều khi vợ em vẫn quan trọng hơn. Thế là pháp luật dường như không còn giá trị cưỡng hành một cách tuyệt đối với hành vi sai, nó được đem ra thỏa hiệp và là công cụ trong những trường hợp người ta cần đến.
Chúng ta vừa đi một câu chuyện rất xa chỉ để quay về với vấn đề chính: con người ta bạo lực hơn trong xã hội mà con người sử dụng pháp luật là công cụ thuần túy thay vì pháp luật là một chuẩn mực mà họ đồng thuận để cùng nhau phục tùng chính thứ mình tạo ra. Chính vì lúc chúng ta cần đến nó chúng ta có thể lôi nó ra sử dụng, nhưng lúc không cần đến thì ta có thể thản nhiên kemeno nên rất nhiều hệ lụy trong xã hội. Đơn giản là nhiều người không sợ hoặc không có ý định sợ hãi về những hậu quả của hành vi mình đã thực hiện. Người chồng trong cơn hăng máu tại phiên tòa ly hôn đập nát điện thoại của vợ ra, thẩm phán trong vụ việc dân sự trên trở thành nhân chứng trong một phiên tòa hình sự khác. [3] Hay mới đây, người con rể ở Thái Bình sát hại vợ và bố mẹ chồng sau đó thản nhiên đến cơ quan công an địa phương tự thú với một câu thoại rất đơn giản: “Các anh bắt em đi” thay vì “Catch me if you can”. [4]
Tôi cho rằng, chỉ khi nào con người ta biết sợ, có nhu cầu sợ vì hậu quả có thể gây ra của mỗi hành vi của mình thì lúc đó xã hội mới có thể tiến bộ, ổn định. Tinh thần thương tôn pháp luật chính là cơ sở để chúng ta sợ hãi mỗi khi hành đồng. Để thượng tôn pháp luật thì cần rất nhiều việc phải làm và chỉnh đốn. Cổ nhân có câu “thượng bất chính, hạ tắc loạn”, kẻ nắm giữ quyền lực mà buông lỏng quyền lực thì chắc chắn sẽ hỗn loạn. Quyền lực là nguồn gốc của sự tha hóa, vì vậy nên mỗi khi tạo ra một quyền năng cho bất cứ chủ thể nào thì luôn phải tạo ra những cơ chế kiểm soát nó. Đơn giản hơn ta có thể gói gọn nó trong câu nói: “quyền lực lớn bao nhiêu thì nghĩa vụ/trách nhiệm lớn bất nhiêu”. Một cơ chế giám sát quyền lực là cái chúng ta thiếu và đang cần, tuy nhiên để có được điều đó chúng ta phải trả giá. Tự do có cái giá của nó và thường chúng ta không sẵn sàng để trả. Các công chức, người nắm quyền lực cần phải được kiểm soát bởi hệ thống tòa án hiến pháp và tòa hành chính hữu hiệu trong việc thực thi công vụ. Bố mẹ, người nắm quyền lực lớn lao trong việc định hình nhân cách con cái cần phải ngừng cổ vũ bạo lực, chuẩn bị kĩ lưỡng trước khi làm bố mẹ, ý thức được cách mà ông bà của cháu đã dạy mình để tránh lặp lại những vòng lặp luẩn quẩn của bạo lực, vô minh lên những đứa trẻ.
Cuối cùng, tôi cho rằng, một xã hội thượng tôn pháp luật cũng vẫn chưa phải là công cụ hữu hiệu hay tuyệt đối để loại trừ bạo lực trong cuộc sống. Bạo lực vẫn còn đó, sai trái vẫn còn đó trong xã hội. Tuy nhiên, sự tồn tại của chúng sẽ không thể làm lung lay nền móng của một xã hội vững chắc với sự thượng tôn pháp luật và một tinh thần yêu thương đồng loại. Pháp luật có thể tạo ra nỗi sợ hãi khiến con người ta không dám hành động vì sợ phải trả giá cho những hình phạt, chế tài. Tuy nhiên trong trường hợp những lợi ích lớn hơn, con người ta cũng không ngại vi phạm để đánh đổi được những lợi ích to lớn. Có lẽ Mác – Ăng-gen đã đúng khi các ông tưởng tượng đến một xã hội mà nơi người với người sống với nhau hòa thuận, con người làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, lúc đó con người ta không còn ham muốn vi phạm pháp luật và pháp luật cũng không còn lí do để tồn tại. Tiếc là thế giới đó chỉ có trong trí tưởng tượng của hai triết gia, còn thực tại, chúng ta phải phấn đấu để xây dựng một xã hội nơi con người ta yêu thương nhau, đau trên nỗi đau của nhau. Trích lại một câu nói của GS. Ngô Bảo Châu: “yêu nước, đơn giản là cảm thấy có mối liên hệ với những người đồng bào xung quanh mình”. [5]
[5] Một bài viết trên FB của GS. Châu, hiện nay không thể truy cập được để dẫn nguồn.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất