Kẻ duy nhất dưới địa ngục còn nhớ tình yêu của Chúa
Dịch từ bài gốc của Blake Butler về Molly Brodark trên The Volta...
Dịch từ bài gốc của Blake Butler về Molly Brodark trên The Volta
---
Lần đầu gặp Molly, tôi đón em khỏi tù. Bọn tôi hầu như chẳng quen biết gì - tôi chỉ từng đọc qua văn của em. Em vào xe và đóng cửa. Em cười lớn. Em có chuyện để kể về hiểu lầm đã mang hai chúng tôi tới đây. Tôi và em đồng ý tới quán bar. Ở đó, điều chủ yếu tôi còn nhớ là cách em cho tôi xem kết quả lần MRI mới đây, mà em lo lắng chỉ ra khả năng khối u trong não em đã trở lại. Em lướt mẩu giấy trên mặt bàn như một thứ gì đó bí ẩn. Em nom mạnh mẽ biết bao, và đồng thời, cũng sợ hãi biết bao. Sáng hôm sau em nói với tôi em yêu tôi.
–––
Yêu, khao khát được yêu, dường như lúc nào cũng trong tâm trí Molly. Sau khi tôi và em gặp nhau, em thường để cho tôi các ghi chú hay bài thơ, lúc nào cũng viết bằng đúng thứ chữ viết tay mà tôi cảm giác cứ như chữ nổi trong đầu. Tôi nhớ đã tháo rời một cuộn xoắn hình phong cầm đầy chữ giữa ban ngày, mỗi lá thông điệp như thể được cắt ra từ một tấm kính màu em đã mang theo đâu đó trong người suốt; như từ một thời đại tan rã, luôn tìm kiếm.
–––
Molly bất ổn - rõ rồi. Em dường như lúc nào cũng chòng chành ở mép con tim, không thể xem nhẹ thứ bóng đêm người khác thường chẳng đoái hoài. Trong những ngày đầu, em kể tôi nghe chuyện bị một sinh viên thường đeo bám em về tới nhà em, ném đá vào nhà, nhòm qua cửa sổ. Em đăng ảnh chụp em trong một tòa nhà bỏ hoang, nhìn vào xa xăm, nắm chặt tay, hay có khi nhìn thẳng vào camera, như từ giữa hồng tâm. Cảm nhận của em về cái chết vần vũ khiến tôi ước sao có thể nói với em một điều gì đó để em dễ chịu đôi chút, để em ních thật sâu. Khi ôm em, tôi cảm giác như em có thể tan chảy vào cơ thể mình bất cứ lúc nào hoặc hóa thành khói bay đi mất. Càng ôm em lâu, tôi càng muốn em ở lại lâu hơn.
–––
Trong những khu vườn bóng tối của mình, Molly đặt ra những cách để em tin - vào nghệ thuật, thi ca, thiên nhiên, sáng tạo. Em cố hết sức để giữ xung quanh bằng chứng có lẽ vẫn còn lẽ nào đó để cố gắng tiếp tục. Chúa với em hóa ra thật ngờ nghệch, choàng vào thứ mong muốn tuyệt vọng được giải thoát bâng quơ khỏi cái vũ trụ tăm tối, lạnh lẽo mà em nhìn thấy. Kể cả cái ý nghĩ có con cũng khiến em phát ốm - làm sao một người có thể mang một mầm sống khác vào thế giới mà chẳng ai quan tâm đoái hoài? Đôi lúc khi thử tâm sự về thời thơ ấu của em, dần dà vén lộ, đôi khi trái ý em, như một sự từ khước không thể thứ tha, những bức tường quanh em sẽ dựng dậy, và em hóa vô hồn.
–––
Molly ghét những lời giã biệt à ơi. Em thà ngoảnh đi không nhìn lại, thậm chí chẳng vẫy tay. Lúc em rời căn hộ của tôi, tôi chờ xem thử lần này em có phá luật hay không, như một ngoại lệ - chẳng bao giờ. “Khối sợ / em okay cùng / thật điên rồ,” Molly viết trong bài thơ cùng tên em Molly Brodak. “Tôi yêu quá nhiều / những kẻ chẳng yêu mình. / Tôi chẳng biết / có phải thế không.”
–––
“Hãy yêu lại ai đó,” em viết trong bài thơ tôi đọc vào ngày đầu tiên tôi nhận ra đã trót yêu em và sẽ luôn như vậy. “Ta chỉ việc bắt đầu.” Thế là tôi bắt đầu.
–––
Molly ưa ăn vặt. Em lúc nào cũng về nhà đầy những bọc snack tôi chưa từng thấy bao giờ, cứ như chúng được lôi ra từ một thế giới che đậy nào đó chỉ thuộc về em. Em thích những hiệu sến sẩm đánh vần sai tên và chữ viết vui nhộn. Em thích thử những kết hợp vị kỳ dị và có khả năng đoán xem thứ kết hợp nào ngon tuyệt vời. Trong lần hẹn hò dịp Valentine đầu tiên của chúng tôi, Molly nhất nhất đòi tôi đưa em tới Golden Corral, một phần là đùa và một phần vì em muốn thử những thứ lí nhí nhật nhiều. “Lần đầu nếm thử là lần ngon nhất,” em giải thích. “Sau đó lúc nào cũng dở dần đi.”
–––
Mẹ tôi kể bà biết bà thương Molly vì tiếng cười của em. Bà nói hễ thấy Molly cười là biết em cười thật lòng. Dường như nó sáng rực và khúc xạ khắp nơi, bật ra từ một trung khu chất đầy đá quý khóa bên trong em. Tôi vẫn còn nghe tiếng em cười mỗi khi thử. Làm em cười khiến tôi thấy vui sống, như tôi đã có chút thành tựu. Em muốn cười to, tôi nhủ, mặc cho một kiện hàng ngày càng lớn hơn gửi tới bảo với em rằng tiếng cười giữa một thế giới như của chúng ta lúc này chỉ dành cho lũ ngốc. Khi nghĩ tới độ vang tiếng cười của em, nó làm tôi nhớ tới một chú chim mắc kẹt trong phòng khánh tiết, dáo dác tìm một nơi để đậu.
–––
Chẳng phải Molly không muốn có bạn bè; chỉ là em không biết làm thế nào, và em thuyết phục bản thân từ tấm bé, như một cách sinh tồn, hãy tin rằng giao tiếp với người khác chỉ ngăn trở các tham vọng hùng vĩ của em. Trong bức ảnh duy nhất trong kỷ yếu của em, em không nhìn vào ống kính. Em đang ở trong phòng nghe nhìn ở thư viện buổi trưa, nghe băng của người Pháp bản ngữ, theo chú thích biên, để cải thiện phát âm. Có lần em từ chối đọc một quyển tiểu thuyết của Tom Clancy mà giáo viên tiếng Anh giao cho lớp và thỏa thuận để đọc Nietzsche một mình, thứ mà khi trưởng thành em cảm thấy thật hài hước. Em thích học hơn bất cứ thứ gì và thường hay nghĩ thời gian nào không dành vào việc học hay lao động đều phí phạm. Gần về cuối đời, em thú nhận rằng chừng nào còn bận rộn với công việc, em sẽ không còn phải cảm nhận gì. Tôi và em nói với nhau rất nhiều về những tự phụ trẻ trung của chế độ nhân tài, và chúng ta thường cảm thấy cách xa nhau thế nào, dù Molly lúc nào cũng nhớ thật dai những lần bị chỉ trích, không thể như tôi đóng một chiếc mặt nạ trước kẻ khác và cứ đẩy đưa theo. Bất cứ ủi an nào từ tôi trao cho, nhắc nhở em những gì hiện ra trên giấy mới là quan trọng, chứ chẳng phải kèn trống, em sẽ xụ mặt và nhìn đi chỗ khác, cứ như muốn nói, em biết, đồ chó, nhưng mà em còn phải sống nữa.
–––
“Em không thể chịu nổi cảnh sánh cùng với những nhà văn,” Molly viết trong lá thư cuối đời, “với những đau đớn giả tạo và sự dối trá của bọn họ - phản bội lại những gì em quan tâm nhất, chính nghệ thuật. Em không thể tìm thấy cái mà người ta gọi là gia đình hay bầu bạn, và em không trách ai ngoài trách chính mình.”
–––
Khi em làm phỏng tay trong lò khi làm bánh, Molly chẳng hề chùn bước, cũng chẳng bận tâm kim loại có để lại thêm một dấu trên tay vốn đầy dấu do lũ gà hay một con mèo cào hay không. Khi tôi và em bắt đầu hẹn hò, em ghét uống nước nếu nó không nóng phỏng lưỡi, để vui, khăng khăng nước thường chỉ khiến em thấy bị sưng phồng. Vết thương trên thân thể em chẳng thấm tháp gì với cơn đau trong ký ức, trong tâm trí em. Khi tôi và em kết hôn, em bắt đầu uống nước thường.
–––
“Chẳng ai đặc biệt,” Molly hay nói, như muốn nhắc lại một phần nào đó hãy còn khắc khoải trong em. “Không ai xứng đáng điều gì.” Kể cả khi em nhận được giải NEA về văn xuôi, giải thưởng mà em thấy lố bịch - mãi mãi là một nhà thơ, kể cả sau khi đã thề sẽ ngưng viết thơ bởi vì, như người mẹ ruột trong Phán xét của đức vua Solomon, em thà từ bỏ còn hơn nhìn thi ca rỉ máu - em tự nói với mình rằng chỉ vì em chọn lối bằng phẳng và viết về đời mình mà thôi. Nhưng con tim và khối óc của Molly đầy dẫy ước mộng. Mặc kệ mớ bóng tối mà em mang, em thức sớm mỗi sáng, sẵn sàng quay trở lại vào guồng. Em giữ cho mình hết danh sách này tới danh sách những thứ em dự định sẽ thực hiện, sắp xếp giờ giấc xuống tới từng giờ trên lịch, chất đầy đến nỗi đôi lúc tôi phải nhắc em dành thời giờ ngơi nghỉ.
–––
Cuối cùng, em quyết định sẽ đào một chiếc hố sau vườn nhà sâu hết mức có thể. Em quyết định chiếc hố sẽ nằm chính tâm khu vườn - chẳng quan tâm tới hàng xóm. Em trả tiền một thầy bói đến xem và khuyên em về những tồn tại tâm linh xung quanh, và dường như cả hai sớm trở thành bạn với nhau. Tôi nhớ cả hai ngồi trên chiếc đu trong sân nhà, nói với nhau về một phụ nữ đã ám ngôi nhà và không ưa thích màu sắc mới của bức tường, do chính Molly chọn: xám sẫm, xanh lục bảo - giữa ban ngày vẫn tối màu.
–––
Hè năm sau, sau khi đã từ bỏ chiếc hố, Molly sử dụng toàn bộ số tiền nhận từ NEA để lên kế hoạch một chuyến hè tới Poland và Ukraine để tìm kiếm gốc gác gia đình em, nơi cha em sinh ra, một trại tập trung đã bị xóa sổ khỏi bản đồ. Một mục tiêu của em là giỏi nói chuyện với người lạ hơn, tự thách thức bản thân vượt khỏi sự ẹ lệ, sự dè dặt trọn đời, và em đã thành công. Em thuê một chiếc xe và lái chầm chậm qua vùng nông thôn Ukraine trong lúc người địa phương băng qua “bất cần”, giương nắm tay. Em thăm viếng nhà thờ và thắp nến, quan sát lũ trẻ đồng ca, tìm trong tâm trí lý do để nguyện cầu. Hơn hết thảy, em lắng nghe, nghĩ xem là người Ba Lan, quốc gia có bản dạng bị mờ tăm bởi lịch sử đáng buồn, bởi biên giới thay đổi, là trò cười, cảm giác sẽ ra sao. Khi em sang Auschwitz với một nhóm người hoàn toàn sử dụng tiếng Pháp, vào cuối chuyến đi, em hỏi người hướng dẫn, bằng tiếng Pháp, “Sao chẳng ai khóc? Ngoài tôi?”
–––
Một buổi sáng Molly tặng tôi một món quà - một hộp mỹ phẩm Avon cũ sờn hoa văn xen kẽ xanh nhạt và xanh sẫm có đế màu vàng và hai chiếc sticker mèo xù có ria mép dài đính lên nắp. Bên trong, một túm lông bên trên có hai viên xúc xắc bằng ngà nhỏ như đầu móng tay. Em đã mang chiếc hộp này theo bên mình từ lúc còn bé - em không rõ tại sao; em không giữ nhiều món đồ. Và giờ thì em muốn tôi giữ nó. Cảm giác như được dắt vào một căn phòng có nhiều cánh cửa. Đôi khi khi không biết phải làm gì, tôi lấy hai viên xúc xắc ra và rải chúng, rồi đọc số. Như lúc này: 2, 1.
–––
Khi tôi và em đi dạo, Molly thường kể tôi nghe nhiều điều về hoa cỏ cây cối. Tôi có thể trỏ vào gần như bất cứ cây nào em cũng kể được. Em yêu tùng bách nhất và thích dừng lại để nói chuyện và chạm vào chúng. Một mùa hè, mỗi khi chúng tôi ra ngoài em lại nhặt về các mẫu rêu và dựng một bức tường rêu ngay dưới cửa sổ nơi em ngồi viết trên giường. Em có thể nằm hàng giờ đồng hồ như vậy, gõ máy mà xung quanh toàn là sách và snack và gối và đèn tắt. Tôi chẳng bao giờ hiểu nổi làm sao em có thể viết như thế cho tới khi em không còn nữa, và tôi chẳng còn ước muốn ngồi thẳng dậy làm gì nữa.
–––
Cuộc sống thường nhật của tôi và em - bất kể những lượt cãi vã - đầy ắp niềm vui. Tôi và em nghĩ ra các điệu nhảy và nói chuyện với nhau bằng những câu đùa mã hóa chỉ có nhau hiểu suốt hàng năm trời. Chúng tôi thích giậm chân và ra vẻ kỳ quặc. Cũng hệt như vậy, chúng tôi mỗi người đều tôn trọng thời gian riêng tư để làm việc và cùng chia sẻ một quan điểm dành trọn đời tác tạo nghệ thuật. Mặc dù hầu hết những phim yêu thích của Molly đều lạ và nghiêm trọng - Picnic at Hanging Rock, Week-end, Stalker, bản Beauty and the Beast của Cocteau - em cũng cực kỳ yêu thích những phim quái đản và khác thường - Tim and Eric, Pimple Poppers, Cry-Baby, The Office, Dr. Phil. Chúng tôi hẳn đã xem cùng nhau hàng trăm lần video mèo yêu thích trên Youtube của em về chú mèo bị quở mắng vì trốn trong cây thông giáng sinh, chẳng suy suyển, lại còn ngờ ngật trên ngọn cây, có lẽ Molly ước mình có thể giống như vậy.
–––
Đôi khi Molly dường như trở nên một người khác. Hình dáng phía sau khuôn mặt em thường thay đổi. Một ngày kia tôi nhớ em quát vào mặt tôi vì đã sử dụng ống xịt nước để dập đám cháy trong vườn do em đã đốt lá khô một ngày Chủ Nhật nào đó, vì hứng lên. Em bảo lửa sẽ tự tắt. Lúc này tôi nghĩ em đã quá quen với việc không được quan tâm đến mức khi bị nhìn thấy đang tổn thương em cũng không sao chịu được.
–––
Tôi thường tìm trở lại những phần đau đớn của Molly, mặc dù tôi đã biết em, em lúc nào cũng rực sáng. Tôi không thể xóa chúng đi, không thể nối chúng vào nhau. Chỉ có em dường như lúc nào cũng không sao tha thứ được chính mình về một cái kém thật hơn thảy phần còn lại trong em - vẻ rạng ngời sống động, dáng điệu một nữ minh tinh trẻ, những tâm sự thẳng tưng của em. Em bước quanh cưỡi theo những bí huyền bươm nát của thế gian và sự gớm ghiếc như một tấm sương, đôi khi còn khuất chìm ở trong. “The morning appeared like an old / and unused god—fur matted in places— / and ground me up.” Sau tháng trước khi em ra đi, tôi nói với bác sĩ trị liệu của hai đứa, “Nỗi sợ khủng khiếp nhất của tôi là nếu như Molly quyết tự kết liễu, em sẽ đủ trí và lực để giấu bặt mọi người tới khi quá muộn.” Từ trong lòng thứ hài tăm tối của em, cái trạng thái tinh thần cuồng xoắn của em khi những tháng ngày hai đứa có cùng với nhau càng lúc càng mang hình thù của tin chẳng lành, nên rất khó để em thừa nhận cơn hiểm nghèo. “Chẳng sao đâu, BB ạ,” em trấn an tôi. “Anh đừng lo. Em ổn.” Nhưng luôn có gì đó bên dưới lời lẽ kia, xé phăng đi cái vỏ xanh mát bên ngoài - những phần thuộc về em đen đúa và sai chỗ quá đỗi ở đâu mất tôi chẳng sao tìm thấy ở em. Câu chuyện kia, như mọi truyện kể, đều chẳng có hình thù thực thụ. Và đó là đích xác điều mà nó - nỗi đớn đau - mong muốn, một quãng trống trải cấp thêm nỗi đau, để lấp đầy vào không gian. Nó muốn có tất cả.
–––
Điều sau cùng tôi nói với Molly, chưa đầy một giờ trước khi em mất, đó là, “Chắc tối nay hai đứa mình đi mua rau quả sửa soạn bữa tối với nhau nhỉ.” Em nói, “Nghe được đó.” Khi cố nhớ lại vẻ mặt em lần đó, tôi chẳng còn nhớ gì hết; khi cố chạm vào em để xem hai chúng tôi khép vào nhau mới vừa đây, thì chẳng còn lời lẽ nào thốt ra; chỉ có các hình dáng; có lẽ hình thù thấp câm lặng của ánh sáng trong nhà bếp từ cửa sổ sân sau lùa vào, như đang bên dưới một bầu trời giăng từ bạt che.
–––
Mới vừa đó, Molly gửi tôi một email. Lá mail chẳng có tiêu đề. Chỉ viết, “Em yêu anh.” Có một file đính kèm; một quyển thơ em mải đang viết, có tựa Folk Physics - quyển thơ em viết suốt mấy tháng qua. Nó mang một giọng thơ mà em đã tả lại tôi nghe trong lúc đang sáng tác như “ai đó từ tương lai ngoái lại,” suy nghĩ về cảm giác từng sống ngày trước ra sao khi hãy còn những chuông cửa, thư viện, cảm xúc, mail - quá nhiều thứ chúng ta xem như tất định, xem như cốt nền, luôn cho rằng chúng luôn yên vị ở đó. Rốt cuộc, chỉ có thơ ca mới tạo ra một chốn để em nhìn thấy bản thân, có thể tìm thấy bất kỳ lý lẽ nào; qua thơ ca, qua sức tưởng tượng của nó, em tồn tại.
–––
Em làm ơn lên tiếng đi. Thế gian mây giăng kín hết. Mình phải thử. Kể cả bây giờ, dăm ba lần chí ít, tôi vẫn còn tin như vậy.
–––
Như tình yêu, cái chết dường như luôn trong tâm trí Molly. “Nếu như trong nhà này có một khẩu súng,” em cảnh báo tôi ít lâu sau khi cả hai dọn vào ở chung, “rốt cuộc em là người sẽ dùng tới nó.” Em nói bằng nửa nụ cười, biết rõ thực hư về điều vừa nói ra y như cách một ai đó biết rõ về tuổi tác của mình. Dĩ nhiên đó là một thỏa hiệp dễ dãi - tôi lúc nào cũng ghét súng hệt như em, giờ còn hơn bao giờ hết, mặc dù tôi thấy thù nghịch của em dành cho chúng như thể một sự ngóng trông đáng sợ, được dấy lên bởi một thứ gì đó tựa như một giọng nói nội tâm. Một phần nào trong tôi muốn bạn phải đọc xem những gì em đã viết xoay quanh việc chĩa súng vào người, luận tranh xem nên nhằm vào tim hay vào đầu; phải bấm vào lịch sử truy cập trong những lần cuối cùng em tham gia các diễn đàn súng ống, thử ướm những thử nghiệm tưởng tượng kinh hãi nhất trong đầu và chẳng tìm thấy chút yên bình nào trong đó, mà là một kết thúc. Một phần khác trong tôi ước sao tôi có thể khiến bạn nhìn thấy em đã làm gì với chính em, viên đạn đi vào đâu, cái gì đã phọt ra, bởi tôi nghĩ em muốn chúng ta thấy, luôn muốn như thế - bởi đó là một phần của mỗi chúng ta. Nhưng bạn phải là người sẵn lòng chứng kiến.
–––
Làm sao ai đó biết họ được yêu thương? Làm sao các vị có thể giúp họ hình dung, vào bất kỳ lúc nào, ngày nào? Các vị có hỏi xem họ đang ra sao? Có tự thắc mắc? Có thật sự muốn biết? Chắc chắn là không: Các vị có bận tâm điều gì khác ngoài bận tâm về chính bản thân mình? Các vị có từng? Những lời lẽ không thôi vẫn chưa đủ.
–––
“Chẳng ai yêu ai cả,” Molly từng nói như thế với tôi khi trên đường từ buổi quay trực tiếp trên Dr. Phil về, vốn buộc cả hai phải băng suốt chiều dài nước Mỹ để tham gia, theo sau một cơn hứng sảng khác của Molly. Hơn bất kỳ bí mật nào của em đó là đi tìm kiếm hư không đã bị những tầm thường vớ vẩn của con người lèn chặt ở trên, để nhìn thẳng vào thời khắc kiếm tìm cái tôi của chính ta - chẳng phải bằng cách tìm kiếm Thượng Đế, hay thậm chí ý nghĩa cuộc đời, mà có lẽ tìm kiếm một cái gì đó để có đối trọng trở lại cái nỗi đau thường trực khôn dứt từ chối đầu hàng. “Satan khóc bởi hắn là kẻ duy nhất dưới địa ngục còn nhớ tình yêu của Chúa,” Molly viết lại lần ghi hình. “Hắn từng cảm nhận thấy tình cảm đó. Hắn từng có mặt trên thiên đường, sát ngay tình yêu đó.”
–––
“Đức tin là một chuyện,” Molly viết về vai trò của giáo hội trong lịch sử Ba Lan, nơi mà một mùa hè mới qua, em đi một mình tới đó hy vọng khám phá được cội rễ gốc gác gia đình. “Thuộc về lại là chuyện khác.” Molly từng cảm thấy mình thuộc về nơi đâu? Khi nói về gia đình, về tình bạn, về lao động trong học thuật, thế giới nấu nướng, thế giới thi ca, Detroit hay Savannah hay Morgantown hay Augusta hay Atlanta, về mạng xã hội, đôi khi còn là mối quan hệ giữa chúng tôi, dường như luôn có một quãng cách rộng giữa cái không gian mà em hình dung có chút triển vọng thuộc về và cách em gắn nó vào mớ bòng bong của tâm hồn. Rốt cuộc, bòng bong hỗn độn còn thực hơn hết thảy; nó không cho em cảm thấy bất kỳ thứ gì còn sót lại của bức tường đanh thép mà hình ảnh tự thân của em dựng lên. “Thử nghĩ xem cảm giác ta có được khi biết người khác quan tâm tới chính ta hay không!” Molly viết ngày trước khi chết. “Giả như mình thuộc về một cộng đồng nào đó, một nhà chờ đặc biệt đáng kính nào đó thì sao? Sẽ như cực hình. Bởi vậy, đi cứ đi, hoàn toàn chẳng có gì khó cả.”
–––
Những quyển sách Molly bỏ vương trên giường viết: Rising Up & Rising Down, Quyển 1 của William Vollmann, đánh dấu tới phần trong Moral Calculus phân tích đạo đức tính của bạo lực do súng gây ra (Vollmann mê súng ống); Hỏa ngục trong Thần khúc của Dante (một quyển yêu thích từ bấy lâu, mà em mới vừa viết: “Mình chỉ muốn nghe Dante nói về rừng thẫm, cuộc khủng hoảng, nhưng ông lại bỏ ra hết thời giờ ê a về chủ nghĩa dân tộc và la cà về những kẻ ông chẳng ưa. Quả là thằng ngốc.”); nhiều trang nhật ký của em, trong số hàng tá những gì đã viết suốt già 20 năm trưởng thành, mà em thú nhận đã đọc hết trở lại và thấy nát tan, những năm tháng nhói buốt; và - đầy xấu hổ, với tôi - quyển sách mới nhất của tôi, mà em định sẽ đọc xong sáng hôm đó, như một lời tạm biệt gián tiếp, che mờ nào đó từ em. Bất luận có tái đi diễn lại bao nhiêu lần trong đầu cảnh tượng chiều hôm đó - về nhà sau khi chạy bộ thì thấy thư của em dán lên cửa chính; chạy xuống phố tìm nơi em nói sẽ ghé, thì nghe chim hót một lần cuối; thấy em sõng soài trên cỏ nơi bao ngày trước đây hai đứa đã từng bước qua; vặn xoắn và xoắn vặn trí tưởng tượng và cơn tuyệt vọng trong tôi từng giây một từ bấy tới nay - tôi chẳng thể nối ghép được cái con người hiện hữu trong từng mảnh vụn kia với cái con người đã mang em đi mất. “Em biết anh sẽ hiểu vì sao em sẽ làm điều này hơn bất kỳ ai khác,” em viết cho tôi, cố thuyết phục tôi hơn bất kỳ ai khác, cố gắng từ đâu đó tận sâu bên trong sẽ bứt ra ngoài và tìm một cách để chữ nghĩa vụt lên phép thuật. “Em chỉ vừa tới hồi kết cuộc đời mình, thế thôi. Ai rồi cũng chết, và lúc này đó là em.” Nhưng tôi không muốn hiểu, kể cả bằng những cách có thể hiểu được, liệu chăng những gì tôi đang cảm thấy khi em không còn nữa cũng chính là, dẫu đôi khi, cảm giác của chính em mỗi khi còn sống.
–––
Khi Molly ngủ, em ít khi động đậy. Em thường thức giấc đúng hệt vị trí đã nằm xuống. Nhiều lần tôi phải kiểm tra xem em có còn đang hít thở hay không. Khi kể lại, em nhắc lại câu này với tôi. “Anh phải bảo đảm rằng em đang thở,” nhe cười như thể đó là một điều sau đó em sẽ làm lại, một mình, để xem chính em có muốn hiểu theo nghĩa tích cực - rằng tôi đã kiểm tra vì lo lắng, vì quan tâm - hay tiêu cực - rằng cho dù ai có nói gì đi chăng nữa, không có em trên đời họ sẽ luôn hạnh phúc hơn, và không ai khác có thể thuyết phục em điều ngược lại. Phó mặc, chỗ máu me bấy nhầy của sang chấn cuộn dâng trong hai đứa tôi. Nó tô nhòa ánh nhìn, vỡ tan thành từng cơn sóng tìm kiếm bờ để xô vào và cuốn đi tới khi chẳng còn nhìn thấy gì nữa. Nó hạ gục một con người - có lúc một mình có lúc không, ngay đây và đâu đó khác.
–––
Molly từng thử giết mình trước đây. Em không thích nói nhiều về sự việc, ngoại trừ mô tả về cách viên y tá khâu cổ tay đã mạnh tay quá chừng, để cho em thấy mình đã làm sai. Họ nói đôi khi một thử sức thất bại có thể mang tới một giai đoạn mới, dù tôi chẳng thể nào ngừng thắc mắc vì sao chẳng ai, những người quanh em, làm gì đó khác sau sự việc, sau khi em đã tiết lộ hết với họ những vươn rộng vung sâu của nỗi đau trong em. Giả sử có phần chăm sóc sau đó, những chỉ dẫn bổ sung, bất cứ thứ gì như hỗ trợ thường trực, thì dường như nó chẳng khiến em tin tưởng rằng có ai thật sự nhận ra hết điều em đã làm với mình, rằng em cần một cái gì đó nhiều hơn những gì em đã nhận được. Hầu hết chọn không biết người khác đớn đau thế nào, cho dù cận kề tới đâu đi chăng nữa: họ thà sống còn hơn.
–––
Thời gian tiếp trôi. “Sống cùng ảo ảnh đã trở thành chiến lược,” Molly viết vào đêm Giao thừa cuối cùng. “Có lần nọ mình nhìn qua kẽ nứt, và mọi đau khổ chực dâng để rú gào.” Nỗi khổ đau, chúng ta đều rõ, có nhiều dung mạo. Molly che giấu phần lớn các dung mạo của mình đằng sau cái dung mạo kẻ khác chúng ta nhìn thấy, để không ai ngoài chính em có thể thấy em như chính em cảm nhận về em - kể cả em cũng không. Tôi thấy mình, trong cái chết, nhìn vào những phần hắc ám những gì thuộc về vợ mình, và vì sao nó phải kết thúc theo cách như vậy. Chẳng câu trả lời nào thỏa đáng, như Molly đã viết trong Bandit, khi mô tả về cuộc đời em. “Dữ kiện dễ nói; lúc nào em chẳng nói. Chúng mặc kệ em. Chúng che đi rắc rối như chiếc nắp đậy.” Về cuối thời gian ba tuần cuối cùng trước khi em 40, chiếc nắp kia không còn gắng nổi những gì tích tụ bên dưới - quá nhiều thông tin mâu thuẫn, từ chính em - không cảm thấy được yêu thương, tận từ thơ ấu. Thay vì để ai khác nhìn thấy những phần em thù ghét, em chọn thủ tiêu tang chứng. Đã vậy rồi thì thà vô hình còn hơn để người khác nhìn thấy cách em thù ghét chính mình, em tự dạy em, một sản phẩm của sự từ khước khôn ngớt và từ chối giúp đỡ không bất cứ thứ gì lay chuyển nổi. Nhưng những gì tôi thấy, và vẫn còn thấy, là một con người tổn thương bị phó mặc trong cuộc đời, gieo giăng trong tất cả những ám ảnh sâu kín nhất ý nghĩ chẳng gì ngoài địa ngục trần gian là có thực.
–––
Việc Molly làm bánh lại kể một câu chuyện khác - về một con người ngập tràn cuộc sống. Nó chẳng bao giờ ngưng khiến tôi kinh ngạc, hàng giờ liền nhón chân trong bếp, phủ kem chiếc bánh cao quá đầu, hay những giờ cặm cụi quanh chiếc bàn nhỏ xíu ở xó xỉnh dùng bữa sáng, vẽ bằng tay từng chi tiết một trên từng chiếc bánh quy, như một cỗ máy. Bất kỳ điều gì ta nghĩ ra được, em sẽ tìm ra cách để biến thành hiện thực. Mỗi năm, tới dịp sinh nhật tôi, em cho tôi thử nghĩ ra một điều gì đó không thể. “Đỏ neon bên ngoài, đen ở trong, dinh dính, hình cầu.” “Cảnh bồn tắm trong phim Scarface.” Các đơn hàng từ người khác đi từ những chiếc bánh năm lớp thành ra quái đản: bánh hình một lon Diet Coke khổng lồ, một đơn hàng trong mơ ngày sinh một người bạn của chúng tôi sùng bái thứ thức uống đó; một chiếc bánh nhìn không khác con heo quay thứ thiệt; một bồn thủy tinh đầy cây nhí, tất cả làm từ đường; một ngôi nhà bánh gừng mô phỏng lại chuồng gà của chúng tôi phủ đầy tuyết, là một phần trong trận chung kết hàng năm của Great American Baking Show, mà em đoạt giải nhì, chẳng bao giờ lên sóng sau khi ra giải ra đời; một chiếc bánh có một con mực ăn một chồng hoa; các bông hoa bằng đường nặn bằng tay thật đến nỗi ta sẽ bị sốc bởi chúng chẳng héo bao giờ; bánh quy có chân dung tỉ mỉ các nữ nhà văn, hay rapper Killer Mike, thành viên đội bóng chày Atlanta Hawk thân thương của hai đứa. Khi không nhận bánh đặt, em thích đua ganh với chính trí tưởng tượng, thảo ra hóa chất não với các ý tưởng mới để tạo ra một mùi vị, thử đi thử lại quyển sách công thức chính em thu gom, với hy vọng một ngày nọ sẽ ra một quyển sách. Tất cả những thứ này trong một căn bếp bé nhỏ với bếp lò có nhiệt độ lúc giảm lúc tăng, mở nhạc rền rĩ và death metal, hay xem đi xem lại liên tục Twilight Zone. Tất cả nằm dưới mũi gươm tâm trí em, mắc kẹt, khôn chữa/
–––
Lần cuối Molly gặp cha mình, ông vừa ra tù lần thứ hai. Em mâu thuẫn sâu sắc giữa việc nên đồng ý gặp hay không, sau khi được rất nhiều nhắc nhở rằng một kẻ chống đối xã hội không đời nào thay đổi, chẳng hề biết yêu thương. Hai đứa tôi tới gặp ông ở gần nhà, ở một hiệu pizza tồn tài chưa từng ghé trước đó, để ông ấy chẳng có gì nữa để phá hoại. Sau 20 phút, cả ba ăn xong, và cha em ra ngoài xe để mang vào cho em một món quà sinh nhật: bánh kem màu neon làm từ vải, không ăn được và lòe loẹt. Molly chỉ biết đỏ mặt. Ông đề nghị chụp ảnh hai đứa tôi - rồi cùng bạn gái xin phép bắt đầu một chặng dài trở về Ohio, một chọn lựa đúng hệt chuyến thăm ngắn ngủi của ông khi em đang an dưỡng trong viện sau khi phẫu thuật não xong. Về nhà, hai đứa đồng ý rằng ông muốn tấm ảnh để kháo mọi người rằng mình là một người cha tốt, mặc dù vẫn bỏ lại em mà chẳng hề xin lỗi ngần ấy năm tháng sang chấn tràn lan gây ra cho mọi mảnh đời trong nhà - những lời dối trá, bạo hành, bỏ bê, ăn cắp tinh thần lẫn đường hướng của mọi người. Tất cả những gì em muốn sau đó chừng ấy thứ vẫn là tình yêu thương của ông - kể cả cái thương hiệu thương yêu thảm hại, vội vã, tàn bạo của ông; mà em xứng đáng, như một đứa con gái, như một con người. “Người lắng nghe muốn biết kẻ ăn năn nhìn thấy những gì hắn gây ra có trọng lượng,” Molly viết trong một bài báo tên gọi “Làm sao để (đừng) xin lỗi,” “có ý nghĩa và xứng đáng quan tâm, chẳng phải phủi đi.” Trái lại, em vứt cái bánh của ông vào thùng rác, xé toạc tấm thiếp mua ở cửa hàng, chẳng có gì khác ngoài chữ ký trên đó. Chẳng bao giờ dù chỉ một lần, từ đó về sau, ông chịu thừa nhận những điều đã làm - thậm chí với những gì được ghi chép, của cảnh sát - những thương tổn sâu sắc mà tôi tin rằng đã chết cùng với Molly, chẳng bao giờ đối mặt với nó, để được thanh thản. Em đã viết trong hồi ức của mình, Bandit, nhiều phần trong câu chuyện mà em có thể chịu dùng ngôn ngữ để biện minh - thế nhưng vẫn có gì đó chẳng thể nào thốt được ra. Có những con người, thay vì cứu giúp, chứng kiến, lại chọn quay lưng trước một đứa trẻ ngoan. Nó chẳng cần phải xảy ra theo cách đó, dù cho có gì đúng như vậy đâu.
–––
Cuối tuần đám tang của em, họ bảo tôi, cha Molly xuất hiện ở thềm nhà và xin được dẫn tới chỗ em kết liễu mình, để ông quan sát.
–––
Ít lâu sau lần sau cùng cả hai gặp gỡ, Molly bắt đầu mô tả những lần thức giấc chẳng còn biết chắc mình đang ở đâu. Em cứ đi quanh nhà vào sáng tinh mơ, cố nhớ lại ký ức bắt đầu từ đâu, như tỉnh giấc trong ký ức của một ai khác, hay trong một phần nào đó thuộc về mình mà chẳng còn tính là của mình. Không tiếp tục cảm nhận, chống chịu những bí mật riêng mang, em chọn chẳng là ai cả.
–––
Ngày 27 tháng Hai: “Hôm nay mình mua súng. Tới đó như một kẻ lang bạt. Bốn người ở trong chẳng biết họ đang làm gì, những thẩm phán xử Nữ thánh Jeanne D’Arc.” Em tiếp tục tả lại cách họ liếc nhìn em, một phụ nữ trầm lặng, nhỏ bé trong cửa hàng, chẳng hỏi vì sao một giáo viên lại cần vũ khí, hay nhác thấy cách mắt em ngấn nước khi họ bày viên đạn ra trên quầy cho em. Trái lại, em viết, hắn ta bảo với em, Tôi đã trao đổi với bác sĩ ở Grady về sức công phá của các viên đạn lên con người. Và chúng rất hiệu quả. Hiệu quả lắm. “Đó là những gì mình cần biết, hiệu quả.”
–––
Molly dấu yêu - Anh hết sức xin lỗi. Anh cố rất nhiều. Anh biết em cũng cố rất nhiều. Mãi yêu em.
–––
Mọi thứ hẳn có thể còn xảy ra theo nhiều cách khác. Tôi thấy, bất chấp những hẹn ước, mình từ chối không muốn ngừng chất vấn: Tại sao không có nhiều người hơn quan tâm xem những kẻ họ yêu thương thật sự là ai? Tức những cái họ tin, những gì họ khao khát hay tạo lập? Cớ sao chúng ta cho phép những khuôn thước tả tơi từ chính mình bị chính các khát vọng bên trong cái hệ thống chỉ biết sao chép và tiến lên phía trước dẫn lối? Tại sao phải cần tới một cái chết để hiểu về một cuộc đời? Kể cả sau hết mọi trào tuôn sau hồi kết của Molly, và tất cả những nội quán tận sâu, tôi chẳng thể cam đoan mình hiểu rõ hơn dù chỉ một chút nào thêm lý do vì sao chúng ta hiện hữu. Tôi chẳng ngừng chất vấn cớ sao chúng ta quá đỗi hiếm hoi nhìn trở lại cho tới khi chẳng còn cách nào khác để thấu hiểu, khi mỗi giây phút trôi đi rộng mở một triển vọng biết đâu đây chính là thời khắc ta đổi thay.
–––
Molly chẳng phải lúc nào cũng tuyệt vọng - chúng ta phải tin như vậy, phải không nào? Còn cách nào để giải thích cho cái con người mà em thường hiện ra, nhất là trong ảnh chụp với bạn cũ, đôi khi thậm chí với gia đình, cho dù ở đó khuôn mặt em không thể giấu đi sự lạc lõng, cái khao khát muốn có một điều gì đó, chẳng hạn, biết đâu, một cơn mưa. Em yêu mưa, yêu cách mưa chạm lên ngôi nhà, cái mùi ẩm ướt dần phai. Hơn hết, Molly yêu Ông, Paul Brown, mà em viết, “Ông đã cứu sống mình, đã trao cho mình sách, kể mình nghe về vũ trụ, ông chăm sóc tâm hồn mình chẳng một ai có thể chăm sóc được như vậy.” Sau khi ông mất, năm trước năm em mất, em thừa nhận, “Ông chính là người duy nhất khiến mình ngại không dám tự kết liễu.” Riêng ông chính là người duy nhất mà em nhìn thấy tia nhân tính, một động lực đích thực và mãnh liệt có trong một con người - sự hiện diện duy nhất, trong số hàng tỉ con người, tạo ra một cuộc đời khi khiến em cảm thấy thời gian hữu hạn của mình có chút gì đó hiện hữu.
–––
“Chẳng có chúa tể thế gian nào cả,” Molly viết về đàn ông và cảm xúc của giống đực. “Vũ trụ để hợp hòa, chẳng phải chúa tôi.” Bên dưới tầng lớp tư duy của em, hành vi khả kiến của em, em đấu tranh để duy trì sự sống của mình mặc cho tất cả. Trái tim sâu kín và cái thế đứng mà em tìm thấy trong logic, tổ chức, chứng tỏ em hoàn toàn có thể trao cho trẻ khác nét duyên, nếp nghĩ vốn biết đâu có thể cứu vớt được em giá như Molly đã dùng tới nó - hay, biết đâu, cái hình thái đức tin ấy đích xác là thứ đã duy trì cuộc sống của em - đủ mãnh liệt để đưa em tới bờ nước, nhưng chẳng đủ mạnh để em cúi uống cho vơi khát.
–––
Cũng nhờ có thiên nhiên, em tìm thấy lý trí. Những lần hai đứa đi bộ, cả hai dừng lại và quan sát một con diều hâu, cú vọ, nhìn ra phong cảnh, có cả hai trong đó. Bất cứ chú mèo nào băng qua đòi được vuốt ve cũng khiến mặt em bừng sáng. Em yêu cảm giác ôm những chú gà nhung của hai đứa lên ngực và thầm thì, khiến chúng cảm thấy được trân trọng nâng niu. Tôi thích nhìn em đứng gần kính chắn giữa em và lũ cọp ở vườn thú, gần giống một cô bé của ngày xưa lần nữa - một phụ nữ ngọt ngào, bất an thèm khát niềm vui và bình yên, và yêu thương Trái Đất nhiều tới nỗi tự thuyết phục không bao giờ góp tay vào tàn phá nó.
–––
Trong kỳ trăng mật, hai đứa tôi cưỡi ngựa trên biển. Tôi cưỡi sau em, và em cứ ngoái lại nhìn tôi, rạng ngời sau chỉ một phút nước kiệu, tự do tuyệt đối. Hai đứa đều đồng tình về sự hoàn hảo của thời gian, sự lộng lẫy của bầu trời chan hòa với bãi biển, và hai chúng tôi mới may mắn làm sao. Và rồi, trong bài thơ, Horse and Cart, một trong những bài thơ cuối cùng em viết: “I can’t even imagine a horse / anymore. / That we sat on their spines / and yanked their mouths around.” Các cỗ máy trong tâm trí em, khi em rệu rã, bôi đi cả những thời gian tốt đẹp kia, tìm tòi thêm những cách để đập tan chúng đi, và chuyển em đi mất. “Mỗi mục tiêu tương lai mình tự tạo trôi lướt qua như một hồn ma.” Bất luận thiện chí của mình đôi khi tôi vọc qua thơ em viết, cố sức tìm cho ra những gì chôn dưới chúng được lấy ra từ cuộc sống thường nhật của hai đứa, mặc dù hầu hết đều được tô vẽ trong chất cổ xưa của em, trong mật mã bí ẩn của em. Tôi yêu em hơn vì thế - vì từ chối các câu trả lời dễ dàng, tìm kiếm những huyền thoại hiếm người chọn tới. Cố sức đến đâu chăng nữa để thuyết phục mình là kẻ hèn nhát, những khen tặng tới từ một kẻ ngốc nghếch, tôi biết hết; Tôi chứng kiến đất phù sa kia, ngọn lửa rực cháy ở các mối xích, ở hố tôi luyện trí tưởng tượng của Thượng Đế, ta chỉ có thể tươi tắn chừng ấy thời gian.
–––
Có người nói với tôi rằng thay vì ý nghĩ mất Molly từ quá sớm, tôi hãy nghĩ mình đã bên cạnh em những mười năm cuối của đời em, ở một nơi mà chí ít cũng cho hai đứa một mái nhà ít lâu. Dù hết sức gạt thực tế này ra, cốt để nán nương vào hết những sợi tua của bi kịch, bất lực toàn diện, tôi cảm kích biết bao, mãi mãi. Những khoảnh khắc quý giá nhất với tôi giờ đây là những lần khi một thoảng nhìn nào đó tựa hồ nét thỏa mãn hiện ra trên khuôn mặt em - những khi em có thể gần như thấy chính mình theo cách người khác nhìn thấy. Tôi nhớ em từng tự hào ra sao khi lần đầu rút chiếc bánh cưới làm cho bạn ra khỏi lò, và cả cái long long phóng đại trong mắt mỗi khi em cứ làm tới lui những tiểu tiết như một điêu khắc gia. “Em không tin em làm được,” em công bố, trong một thoáng chiến công trong tim mình, dẫu ngắn ngủi tới đâu. Cái nhoẻn cười khôn cưỡng hay xuất hiện mỗi khi có gì đó mềm mại đồng ý để em đóng khuôn bằng tài năng vô song của mình. Tôi còn nhớ đã sốc thế nào khi một con người quá đỗi tài ba, tinh nhạy, có thể đồng thời lại chối bỏ bản thân, quá xa vời tới đâu với tự nhìn nhận về bản thân. Tôi thử vô số cách khác nhau để nói với em rằng trong bao nhiêu người mà tôi quen biết có thực tài đó chính là em, cho dù dành trao tình cảm vào thành tích cũng giống như một sỉ nhục nặng nề vào trí tưởng tượng của em, theo em hình dung - chẳng bao giờ bận tâm những gì con tim khao khát. “Mình cứ mãi giả vờ suốt cuộc đời này,” em viết ngày 8 tháng Ba, ít giờ đồng hồ trước khi giã từ, “nên kể cả bây giờ giả vờ cũng chẳng có gì khó khăn. Chẳng còn gì khác nữa ngoài nhìn cửa sổ thời gian để thấy nó lướt qua.” Khó biết bao để có thể nhìn em băng qua cuộc đời của chính em theo cách y hệt, ở đó mà chẳng hề ở đó, một con người ta chẳng bao giờ biết được tường tận dẫu có mong mỏi tới đâu, và họ đã đi tới tận đâu.
–––
Nhưng tôi quả tình đã biết về em, dẫu có bao nhiêu nỗ lực em dụng công để đẩy phăng đi cái con người em muốn trở thành. Tôi chẳng bao giờ quên đi cái nụ cười mèo-thèm mà em hớ ra trên gương mặt ở một nhà hàng xinh xắn lúc em muốn gọi bằng hết các món tráng miệng trên thực đơn, như một đứa trẻ e thẹn và ủ dột rốt cuộc cũng tự cho phép mình lên tiếng và nêu ra đích xác điều mình muốn. Hai đứa vui thích lắm, cứ lướt qua hết từng món và xếp hạng yêu thích. Molly lúc nào cũng muốn bất cẩn vui vẻ, nhưng cũng công bằng. Tôi thích nhìn gương mặt người hầu bàn mỗi khi ông ta hỏi vị của từng món ra sao, trong lúc Molly liệt kê ra cực kỳ chi tiết các phê bình, nhưng cũng hào phóng lời khen cho một công việc chu toàn, chẳng giống như em cư xử với mình. Tất cả những gì em cần chỉ là thêm dăm ba người bạn, tôi nhủ, thật sự nhìn thấy em như tôi nhìn thấy em. Trước Molly, tôi chưa từng cảm thấy cảm giác được ai khác hiểu như một cách để tự hình dung ra lý do để tiếp tục cuộc sống. Em giúp tôi cai rượu, đi trị liệu, muốn tìm ra cách tự trấn tĩnh. Em dạy tôi cách chiêm ngưỡng cây cỏ và động vật, nhất là chim chóc, để trở thành một người bạn, một con người tốt đẹp, biết lắng nghe, biết thiền, biết cách hít thở. Tôi có thể nhìn thấy trong mắt em một tầng sâu của động cơ, một niềm mong mỏi khổ sở muốn được an nhiên và xinh đẹp, đủ để kéo tôi trở về từ một mép xa xăm. Tôi chỉ ước sao có thể cứu em theo cách y hệt. Nhưng Molly lại không trao chính em cùng thứ đức tin em trao người khác, dẫu rối ren đến đâu; em không muốn tự thắp rọi ánh sáng lên chính mình. Ánh sáng cứ ở nguyên đó, mãi cháy mãi đốt. Trong bài thơ em viết, Bells: “They dragged Mom’s body and Dad’s body as far as they could on the beach. / They scattered into a shoreless sea. / And you want to be happy.”
–––
Tôi không đồng ý cho phép nó là lỗi của em, dẫu bực tức tới đâu trước sự lặng câm cưỡng bách của em, sức mạnh ý chí của em hóa thành đúng thứ yếu tính chọn mang em sớm xuống ba tấc đất. Tôi nhìn ảnh chụp Molly ngày bé, khuôn mặt tròn trịa, đôi mắt sâu, mong muốn về đức tin, và tự hỏi liệu ai lại có thể khiến một con người ngập trong hoa cỏ lại lớn lên trong sự dửng dưng, giằng khỏi chính nhịp linh hồn mình. Tôi còn khăng khăng bao điều tôi ước mình đã thực hiện;. Những điều hai đứa có thể có - không, nên có. Tôi có thể kể ra tên. Tôi có thể tạo một danh sách dài cả cánh tay những khổ lụy và bức bối của mình, hiện chuyển động trong cơ thể tôi ngày qua ngày như một pin acid - và chẳng thể nào mang em trở lại. Trị liệu muốn tôi tin đó là điều bất khả kháng, xét tình trạng của em, những sang chấn chất chồng, mà người khác sẽ học ra cách trỗi dậy và vượt qua. Tôi nghĩ về những đại học mà Molly công tác, thay vì được tập trung vào những gì em hằng yêu thích hơn bất kỳ điều gì khác - giảng dạy - em buộc phải gánh gồng để giữ chỗ, không xúc phạm cấp trên bằng tham vọng của bản thân, mà buộc phải cam chịu mà cố gắng bởi vì em thật lòng để tâm? Liệu ta có thật phải chấp nhận đời đầy thứ dấm dớ và những ai không thể chịu đựng được chỉ là vì não bộ kém cỏi? Liệu chúng ta có phải cố chèo chống trước bao nhiêu hành vi rác rưởi, như thể chẳng có gì khác quý báu hơn cuộc sống, như thể chẳng có gì khác xứng đáng để bỏ mình hơn? Mả mịa lũ chúng mày khi đọc đến tận đây, ngồi thừ ra đó; từng bè lũ chúng mày. Mả mịa lũ chúng mày, chính tôi đã viết ra những câu này, ngay trên bàn. Chưa hết: cảm ơn lũ chúng mày.
–––
Chẳng phải lỗi riêng ai; mà lỗi của tất cả. Dù tôi có khẩn cầu Thượng Đế cứu vớt vợ mình, em vẫn chết đi - ba tuần trước sinh nhật thứ 40, lành lặn trong mọi nẻo ngoại trừ tâm trí. Kể cả khi em gán mình là một người không tin vào các đấng cao, một số nào đó của “Thượng Đế” vẫn xuất hiện trên khắp trang viết của em - trong The Cipher, chín lần. Riêng mình, tôi nhìn thấy một biển giá hiện ra trên bầu trời. Các con số của tất thảy mọi thứ. Tôi nhìn thấy đàn đống lũ lượt chúng ta chờ đợi nó. Có thể càng già đi tôi càng độn đần đi nhưng sẽ chẳng đời nào quy hàng - cái bi kịch này, cưỡng bức - và sẽ chẳng bao giờ, trước mọi hoàn cảnh nào, học cách quên đi.
–––
Chúng ta sống tiếp trên chính những gì ta giấu giếm. Mọi thứ chúng ta loại bỏ không thèm liếc nhìn tới khi điềm triệu phụng sự một mục đích nào đó. Ở “hiện trường gây án”, khi cảnh sát dán băng keo màu vàng, nằm cạnh em, một con ong đã châm vào mắt tôi. Tôi chưa từng bị ong châm bao giờ. Tôi mãi quên điều này cho dù nó đã xảy ra, như một miếng bụm miệng rơi ra. Trong bài Red của em, khi đọc lại lần nữa đêm nay, tôi thấy em viết: “A bee sticks the young king’s hand for the first time. Alone on a slope where apples are rotting / under boughs in a sweet acid smell // and he’d like insects to cover him / for the effect it had on the other children. In rain / minnows feel the pond grow.” Ngày sau tang lễ, một cơn bệnh lây lan đóng cửa thành phố chúng ta, và cả thế giới này. Thế giới sẽ chẳng bao giờ như trước đây; cũng chẳng nên như vậy. Chẳng ai biết điều gì sẽ xảy ra. Tôi đọc đi đọc lại bài thơ của em, tìm kiếm giải pháp đưa ra, khi tôi đã biết giải pháp cũng chính là bài thơ.
–––
Cả trong cái chết, Molly cũng hiện hữu. Tôi cảm thấy em ở đó mỗi khi tìm và mong em nói cùng tôi, tha thứ tôi, cho phép chính em được tha thứ. Em đã tới và cho tôi nhìn thấy gương mặt mới của em, hình dáng như một con mắt nằm ở chỗ giao pha. Tôi vẫn không chắc có bao nhiêu trong số những lời lẽ mình cố gắng viết tới em sẽ xuất hiện, mong mỏi được hàn gắn. Có lẽ vẫn luôn là thế. Em nhắc tên anh bởi em cũng là anh, tôi thấy em gõ trở lại, bằng ngón tay tôi, từ chính nơi tôi tới để tìm em, ở xa xăm. Hai chúng tôi đã thiết lập một kết nối. Vẫn kết nối với nhau. Có một không gian và thời gian cho tất cả mọi thứ. Ai đang nói đây? Có gì khác nữa ngoài đớn đau; hay có gì khác giấu che ở hai đứa ta, song song? Mọi điều em thực hiện từ đây trở đi sẽ tiếp tục ảnh hưởng em. Em sẽ sống. Em không cần phép cho từ ai đó để suy nghĩ. Thực tế chính là được tự do. Chúng ta rốt cuộc vẫn cố sức để được tự do. Nỗ lực không chỉ dừng lại ở đó. Em nào nghĩ tới hình dáng của nỗ lực, nên chớ phải nghĩ suy về hệ quả những gì rút chiết ra từ đây bởi vì em không thể cất tiếng. Hãy là chính em. Phải, có thể chọn không là em. Thực tế, hầu hết không chọn. Hết sức đúng. Cái câu đùa dành cho những con người chẳng bao giờ nhìn vào cuộc sống của họ. Khi tôi xin em lại gần hơn, em phải đi. Còn quá nhiều điều phải thực hiện, mà khối lượng đồ sộ của nó mãi về sau tôi mới hiểu ra, sau khi đồng cỏ này phai đi, và sẽ chẳng còn bất cứ thứ gì giống với thời gian. Em biết anh không thể mô tả được cảm giác chết là thế nào. Chẳng có một ẩn dụ thỏa đáng nào. Đó là vì sao phần lớn thơ ca dở tệ. Anh chỉ đang ra sức bảo vệ em.
–––
Trong mùa hè cuối hai đứa bên nhau, chúng tôi tới triển lãm sắp đặt Akhob của James Turrell ở cửa hàng Louis Vuitton tại Las Vegas, cái tên lấy từ chữ “nước khiết” tiếng Ai Cập. Chúng tôi được theo sau bởi một cặp khác vào một gian phòng tối, ở đó chúng tôi được yêu cầu cởi giày, và rồi dẫn xuống một hành lang để ngồi ngay trước một cầu thang rộng. Tôi nhớ tôi chẳng rõ chuyện gì sắp sửa xảy ra, cảm thấy Molly cạnh bên, ai cũng hồi hộp, trong lúc được nghe hướng dẫn về cách di chuyển. Chúng tôi được yêu cầu bước từ cầu thang xuống một hốc tường nhờ sáng, như một cái hang, trong đó hai không gia đúc tạc gắn với nhau trao cho chúng tôi một tấm sàn, vừa ấm áp vừa khó tả, tròn vạnh và bất tận. Ở đây bắt đầu, chẳng tín hiệu báo trước, ánh sáng chớp nháy - sóng phổ biến đổi, tràn vào và lấp đầy không gian kín chẳng bằng gì khác ngoài màu sắc. Không ai được phép lên tiếng. Vậy mà, còn hơn cả ánh sáng kia, tôi nhớ Molly - muốn nhìn thấy em, muốn nhìn cách mà em nhìn, cảm cách mà em cảm; được thấy gương mặt em và cách nó đổi thay, và cả cách em ôm lấy mình, nơi em đứng. Dường như ở đó em quá nhỏ bé, và can đảm xiết bao. Đôi khi nhắm mắt, tôi có thể quay trở lại khoảnh khắc ấy, tìm kiếm những màu sắc giờ đây rọi vào xác thịt bên dưới mi mắt tôi; Tôi có thể hình dung dáng đứng và kích cỡ của em, đôi mắt em mở to, hút hết vào; và rồi, dù có đã thật xảy ra hay không, vai em cạnh vai tôi, tay trái em trượt vào tay phải tôi, mãi mãi bên trong.
k.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất