Hôm nay ngoài trời mưa rơi tí tách, không phải đi viện càng không phải đi trực ở nhà chill chill với những bản nhạc không lời, sách và viết lách quả là trân quý phút giây này. Vậy là mình đã ra trường được một năm, có nhiều suy nghĩ hiện lên trong đầu nhưng cũng không biết phải bắt đầu từ đâu, giống như là trước khi gặp đứa bạn thân sau bao ngày xa cách nghĩ sẽ than chuyện này, thở chuyện kia nhưng rồi gặp nhau chỉ tíu tít kể với nhau những điều mới lạ, rồi quay sang kể về những câu chuyện xưa cũ bên những đứa bạn một thời, và nhận ra rằng các vấn đề trước đó có lẽ chẳng có gì to tát đến thế.
05/08/2023
05/08/2023
Một năm sau ra trường mình mất gì và được gì? Ừm, chắc mình mất kha khá. Mất đi những người bạn vô tư, hồn nhiên trong tổ lâm sàng. Sáu năm sinh viên ăn học ngủ cùng các bạn. Là những buổi sáng tới viện mỗi đứa được phân công một buồng rồi lại túm tụm ra hành lang để buôn chuyện. Là những buổi chiều chỉ cần xăng đầy bình là lượn khắp thành phố, lượn dọc hồ điều hòa rồi dọc con kênh Bắc, nhớ BV nữa thì lượn qua BV tỉnh Nghệ An để ngắm nhìn nó to rộng đến mức nào. Là những lần tối muộn điện thoại vẫn tinh tinh để chia sẻ tài liệu mà đứa nào chôm được cho sáng mai đi thi trúng tủ. Những đứa sinh viên ngày đó giờ khoác lên mình chiếc áo BS, mỗi đứa một chuyên ngành, mỗi đứa bận rộn với những trải nghiệm làm người lớn thực sự, và điều quan trọng mỗi đứa ở một nơi nên dù muốn cũng khó có thể gặp lại. Giờ chỉ biết cảm ơn những kỉ niệm đẹp đẽ đó đã diễn ra trong cuộc đời mình. Tiếp theo mình mất đi sự tự do không như hồi sinh viên. Ngày đó, đi học về buồn ngủ thì ngủ trước rồi dậy ăn và học bài sau. Giờ sống cùng gia đình, đi làm về là tắm rửa, nấu ăn rồi có làm gì thì làm. Bỏ bữa ăn sẽ nghe mọi người reo réo bên tai nhưng nhiều khi thật sự muốn đặt lưng xuống, bất tỉnh một lúc để hồi lại sức lực và tâm trí. Tuy vậy, mình biết về lâu về dài mình phải sống khoa học, tạo thói quen sắp xếp công việc cho hiệu quả, nhanh gọn. Và dĩ nhiên không thể không thiếu những câu chuyện xung quanh việc năm đầu đi làm. “Đi làm” cụm từ mà có hôm đến ám ảnh mình vì mình cảm thấy không có động lực cho nó. Mình có một combo nỗi sợ khi đi làm đó là “Không biết phải làm gì, điều trị cụ thể như thế nào trên BN đó+ Không được làm thủ thuật khi mình đã đi được một thời gian rồi+ Bị gọi tên từ những sai sót hành chính đến chuyên môn, không chỉ mình chịu trách nhiệm mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh mình+ Trực 24 giờ dài đằng đẵng khiến ngày hôm sau dù ra trực đầu óc vẫn nâng nâng không tập trung được+ Một ngày đi làm không tích lũy được kiến thức gì mới, chỉ làm việc qua ngày+ Sự đồng cảm, thấu hiểu với người bệnh dần vơi đi. Đi làm bằng cơm nhưng không lương ở tuổi 26” Đó là những nỗi sợ của mình khi đi làm, cho đến một ngày mình nhận ra mình mất đi sự yêu thích và động lực với nghề Y. Một nghề mà trước đây, mình không bao giờ đặt ra câu hỏi nếu được chọn lại, mình sẽ chọn ngành gì. Đôi khi mình tự hỏi tại sao con người lại khác nhau khi họ ở nhà và cơ quan đến thế. Một năm đi làm, mình mất đi thời gian cho những sở thích cá nhân như đi bộ, đọc sách, hát hò. Có lẽ nó đến từ sự lười vận động của mình thì đúng hơn. Mình cũng già đi, mặt nổi mụn tùm lum sau những đêm trực thiếu skin care, thiếu ngủ. Nhiều lúc có những lời nhắc kỉ niệm một năm về trước mình thấy mình đã xấu xí đi một phần rồi.
Sau cơn mưa trời lại sáng đúng không? Thật thiếu sót nếu mình không kể về những gì mình nhận lại được. Đó là những mất mát trên kia đều cho mình bài học ngày hôm nay. Nếu việc mất đi những bạn bè ngây thơ hồn nhiên thì mình gặp được những người bạn, người thầy cho mình những lời khuyên thực tế hơn. Mình rất ấn tượng với lời anh Chương, trưởng khoa HSCC có chia sẻ “ nghề Y chúng mình ngại va chạm, ngại bạn bè, đồng nghiệp, thầy cô, như thế có bao giờ lớn được?”. Câu nói này đánh vào tiềm thức mình rất nhiều, song song với việc trau dồi chuyên môn mỗi ngày mình cũng không thể rụt rè, tự ti mãi như con ốc sên trong chiếc vỏ ý được. Mình có thể vẫn thấy kiến thức mình học được một năm sau ra trường như muối bỏ bể nhưng so với ngày đầu bước chân đến viện thì mình cũng đã biết làm gì khi tiếp nhận một BN ban đầu. Ba tháng xuống khoa cấp cứu tuy vất vả, có những lúc rất sợ đi trực hay khóc như mưa khi mình vội vàng làm sai cái này cái kia nhưng mình học được nhiều hơn rất nhiều, thời gian này không chỉ khám chữa bệnh người lớn mà cũng phải thăm khám trẻ em, một điều mà chỉ khoa cấp cứu trong 3 khoa chọn mình mới được thử sức. Khác với hồi sinh viên chỉ biết cắp cặp đến viện hết giờ là về giờ mình biết công việc ở viện ngoài chuyên môn bạn phải chịu trách nhiệm với những việc bên lề như thủ tục hành chính, những áp lực KPI, những thái độ cử chỉ giao tiếp ảnh hưởng đến công việc, chính những điều đó khiến chúng ta dần tiệm cận với người lớn trưởng thành chứ không phải gây thơ không biết cái gì nữa. Sau ra trường có một điều hay là thiếu gì bổ sung đấy chứ không học tràn lan đại hải như thời sinh viên nữa, cảm giác chịu trách nhiệm trước điều gì đó mình làm có lo lắng nhưng cũng là trải nghiệm để mình vững vàng hơn mỗi ngày thôi.
Ra trường, sống ở Hà Nội, cuối tuần về Hưng Yên khiến mình có thời gian bên gia đình hơn, cuối tuần được ăn cơm bố mẹ nấu, cà phê cà pháo với bạn cũ, anh chị em hay thỉnh thoảng vào bếp thể hiện tài năng nấu ăn của mình. Thiếu mỗi chưa có tiền để trải nghiệm cảm giác mua sắm không cần nhìn giá haha.
Mình ít khi kể chuyện tình cảm trên không gian mạng. Nhưng một năm sau ra trường mình gặp được người mình yêu và cũng thương yêu mình, thấu hiểu những nỗi khó khăn, vất vả của ngành Y, luôn cổ vũ, động viên những lúc mình mất niềm tin, mệt mỏi nhất. Cảm ơn anh, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp hơn thôi.
The first date
The first date
Tuần này mình được nghỉ hai ngày cuối tuần, cơn mưa tháng 8 khiến thời tiết dễ chịu làm sao. Mình tìm đọc lại cuốn sách của thầy Nguyễn Lân Hiếu -Câu chuyện từ trái tim- để dịu dàng hơn với bản thân, để tìm lại sự hồ hởi, phấn khích, sự nhiệt huyết, chân thành với nghề, ở một cô gái còn quá trẻ khi bước vào nghề như thế này.
Ảnh hiếm hoi mình chụp với áo blouse
Ảnh hiếm hoi mình chụp với áo blouse
“Dù ta không bao giờ biết hết mọi điều về phía trước, nhưng đừng vì thế mà ngừng sống can đảm”
-BS. Nguyễn Lân Hiếu-           Hưng Yên, 5/8/2023