Kaili Blues: Người ngủ mơ giữa thực tại u sầu
Đây là cảm quan cá nhân của mình về tác phẩm, rất hoan nghênh sự góp ý của mọi người.
Phải nói trước rằng bộ phim này hoàn toàn làm mình choáng ngợp bởi tính nghệ thuật, chất thơ của bộ phim. Sau một khoảng thời gian nghiền ngẫm các tác phẩm điện ảnh Đông Á nói chung và Trung Hoa nói riêng, mình vô tình khám phá ra Kaili Blues và từ đây mình hoàn toàn mê mẩn với thứ điện ảnh mà Kaili Blues trình diễn. Được đạo diễn bởi Bi Gan, hành trình tìm lại cháu trai của ông bác sĩ nông thôn đã trở thành một hành trình khó quên, đầy mê hoặc nhưng cũng thật khó hiểu.
Kaili Blues là một tác phẩm táo bạo và đẹp đẽ.
Tóm tắt nội dung
Có một số địa danh và tên riêng mình dịch lại từ tiếng Trung nên không tránh khỏi sai sót.
Lão Trần hay Trần Thắng (Chen Sheng) là một bác sĩ và cũng là một nhà thơ ở vùng nông thôn của Kaili. Tuy tiểu sử của anh có phần mơ hồ nhưng thông qua những cuộc trò chuyện rời rạc với nữ bác sĩ già và người anh em cùng cha khác mẹ của mình là Mặt Quỷ (Crazy Face) ở đầu phim, quá khứ của lão Trần cũng phần nào được hé mở.
Trong phim, lão Trần tranh cãi với Mặt Quỷ về việc anh ta bỏ bê con trai Vị Vị (Weiwei) của mình. Khi Vị Vị biến mất, Lão Trần tin rằng Mặt Quỷ đã bán đứa trẻ đi. Vì vậy, anh đã lên đường đến Trấn Viễn (Zhenyuan) để tìm lại cháu trai của mình. Vô tình lão Trần lạc vào một ngôi làng nhỏ tên Dangmai, đây cũng là nơi quá khứ, tương lai, hiện tại trộn lẫn vào với nhau dưới những tán cây xanh và dòng sông đẹp đẽ uốn lượn ở miền Nam Trung Quốc.
Cảnh phim biết nói
Điểm độc đáo của Kaili Blues đó là những cảnh tracking shot theo chân nhân vật, đặc biệt là một cảnh dài 41 phút theo sau lão Trần. Có thể thấy các góc quay trong nửa đầu của phim thật sự rất khó hiểu, rời rạc là những tính từ mình thấy phù hợp cho nửa đầu của bộ phim này. Nhưng từ nửa sau của bộ phim, kể từ lúc Trần Thắng lên đường bắt đầu hành trình của mình, bộ phim mới bắt đầu liên kết lại thành một tác phẩm hoàn chỉnh, mà cả cuộc hành trình này đều được gói gọn trong một cảnh tracking shot. Đây cũng là cảnh mà các tình tiết phụ bắt đầu được đan vào mạch truyện chính, tạo thành một mạng lưới liên kết cho toàn bộ câu truyện.
Cảnh phim bắt đầu với cảnh Dương Dương (Yangyang) cần đi vào thị trấn để làm việc cũng như chuẩn bị xem hát, người chở cô cũng chính là người yêu thầm cô, nhưng thật tiếc chiếc xe lại không nổ máy dẫn đến việc Dương Dương phải đi xe khác trở lại thị trấn dẫn đến việc người anh chở đi không phải là Dương Dương mà lại là lão Trần.
Phân cảnh này sau đó đã chuyển thành một cuộc phiêu lưu vòng quanh thị trấn và đặc biệt rằng nó bám sát lấy từng nhân vật. Tạo cảm giác như đây chân thực, không bị gượng ép.
Nếu như ai đã trải nghiệm Kaili Blues, chắc hẳn mọi người đều đồng ý với quan điểm của mình rằng máy quay trong bộ phim này không phải chỉ là công cụ để ghi lại hành trình của lão Trần, mà nó thực sự là một thực thể hiện diện và quan sát câu chuyện một cách có chủ đích. Tại sao mình lại nói có chủ đích ư? Mọi người có thể thấy ở trong phân cảnh này, máy quay quyết định bỏ lão Trần và hướng sang một đường tắt khác, giống như một nhân vật có thật trong bộ phim.
Hay như trong phân cảnh này, máy quay quyết định rời chỗ làm việc của Dương Dương và đi tìm kiếm một nhân vật khác, người thợ cắt tóc cho Trần Thắng và cũng có phần nào đó làm liên tưởng tới người vợ quá cố của anh.
Phải nói thêm rằng, toàn bộ cảnh one shot này hầu như không hề có sự xuất hiện của các cảnh cận. Các cảnh cận thường xuất hiện trong bộ phim nhằm truyền tải cảm xúc cũng như tạo chiều sâu, liên kết cho các nhân vật nhưng dù không sử dụng chúng trong Kaili Blues, đạo diễn Bi Gan vẫn cho chúng ta thấy một tác phẩm có chiều sâu với sự liên kết chặt chẽ của các nhân vật.
Chỉ duy có một cảnh cận được sử dụng khi Dương Dương phản ứng với tiếng tàu hỏa ở phía xa, hành động này cũng nói lên mong muốn của rời bỏ ngôi làng nhỏ để tới Kaili bắt đầu cuộc sống mới.
Chỉ với một cú máy dài 41 phút xuất phát từ chiếc xe máy tồi tàn, ta đã được theo chân lão Trần khám phá tường tận Dangmai cũng như con người ở đây. Đây là một trải nghiệm quay phim thuần túy và chân thực đến mức đánh lừa các giác quan sẵn có của con người, lầm tưởng đến một cảnh phim tài liệu thực tế. Tuy rằng các cảnh đều được sắp xếp gọn gàng, tỉ mỉ, đẹp đẽ nhưng những khía cạnh nghệ thuật này lại không làm lu mờ đi cái tông màu ảm đạm, bí hiểm, đôi khi lại tươi sáng của bộ phim.
Điện ảnh đầy “thơ”
Thực tế là Trần Thắng còn là một nhà thơ, những bài thơ mà ta được nghe xuyên suốt bộ phim thực tế là giọng thơ của lão Trần, những bài thơ này đôi khi vu vơ, đôi khi lại phản ánh đúng cảm xúc của người đọc, kèm thêm với không khí ảm đạm, giọng thơ chậm rãi lại càng tăng thêm phần nặng nề cho cảnh phim. Nhưng sự kết hợp này, qua bàn tay của Bi Gan, bằng một cách nào đó lại khiến cho người xem tự nguyện cuốn vào cảm giác u ám đó, để nghe những bài thơ của lão Trần, để nhìn thấy bầu trời đậm sẫm.
Những bài thơ cũng giúp cho Bi Gan thỏa sức sáng tạo, biến hóa câu chuyện của mình. Bi Gan đã từng phát biểu:
“...dream sequences are really kind of phony because it’s like too realistic in a way. And so, I want to reach the border of film to shoot the dream sequence, and I like the leaps between dream sequence and reality.”
Nhưng thơ của lão Trần chỉ là một phần trong đống thơ mà đạo diễn Bi Gan lồng ghép vào Kaili Blues. Phương diện nghệ thuật của bộ phim còn được thể hiện qua đồ vật.
Quả cầu Disco
Một quả cầu disco màu bạc lung linh xoay tròn cứ thế xuất hiện, biến mất rồi lại xuất hiện xuyên suốt hành trình của lão Trần. Quả cầu này không chỉ làm mê mẩn lão Trần mà còn mê hoặc người xem bằng những màu sắc sinh động, làm nổi bật cảnh quay, cứ thế biến đổi giống như tâm trạng của Trần Thắng. Nếu quan sát kĩ càng từng cảnh phim, ta sẽ thấy Bi Gan đưa quả bóng vào bộ phim như một hiện vật liên kết, nhảy múa từ cảnh phim này tới cảnh phim khác, tạo thành một mạng lưới liên kết mạch truyện chính của cả bộ phim.
Đôi giày màu xanh, đồng hồ, tàu hỏa...
Những hình ảnh này đều được xuất hiện ở đầu phim và lặp lại cuối phim ở phút ban đầu ta có thể thấy những hình ảnh này rời rạc, không có chút nào liên kết. Và những hình ảnh này cũng như quả cầu Disco, không hề cố định, lúc màu sắc lúc lại nhạt hòa ảm đạm.
Ví như hình ảnh chiếc đồng hồ mà thằng bé Vị Vị vẽ ở đầu phim so với hình ảnh tàu hỏa, cả 2 cứ như thế xuất hiện liên tiếp nhau mà không có sự liên kết nào, chỉ cho tới khi kết thúc của bộ phim. Những hình ảnh này mới gộp lại, đọng lại cùng nhau trong một phân cảnh. Đó là quả cầu disco, là tàu hỏa, chiếc đồng hồ và là những kí ức theo thời gian của lão Trần.
Theo mình thấy, Kaili Blues như một cái ao đầy cá vậy. Mỗi nhân vật trong bộ phim đều như một con cá, khó nắm bắt, thoắt ẩn thoắt hiện. Và để bắt được chúng, ta cần một chiếc lưới lớn. vây hết chúng lại, từ đó ta mới hiểu được câu chuyện bên trong chiếc ao này. Tuy nhiên đâu đó vẫn còn những thứ sót lại mà chiếc lưới không thể vớt được, đó là bức ảnh người tình cũ của bác sĩ, hay chiếc đồng hồ vẽ tay của Vị Vị, chiếc xe máy. Đây là những dư ảnh hay là những thứ không thể thiếu để vẽ lên cuộc sống phức tạp, bí ẩn bên trong chiếc ao này.
Movie
/movie
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất