Poster by Sput-NiKk
Poster by Sput-NiKk
“Kafka bên bờ biển” một câu chuyện mang đầy tính triết lý và kì ảo, đề cập đến nhiều khía cạnh của cuộc sống từ con người, tình yêu, tình dục, sự mất mát, vô phương cho đến tâm lý học, âm nhạc học, giá trị con người, triết lí về cuộc sống, những bi kịch về cuộc đời và những dư âm còn sót lại của chiến tranh. Tất cả những yếu tố trên gói gọn trong tác phẩm như một nồi lẩu thập cẩm thơm ngon và đậm vị - một nồi lẩu hảo hạng mà sau khi thưởng thức xong nó đọng lại trong ta một dư vị khó phai. Trong vô vàn những hương vị còn sót lại ấy, rõ nét nhất trong mình chính là cái đắng của sự mất mát, mặc dù không nổi bật nhưng lại phản phất một cách nhẹ nhàng trong xuyên suốt câu chuyện.
Mỗi nhân vật quan trọng trong câu chuyện đều từng trải qua sự “mất”. Kafka mất đi tuổi thơ, gia đình, Nakata mất đi kí ức, Miss Saeki mất đi một nửa của đời bà, Hoshino lãng phí cuộc đời mất đi niềm tin vào bản thân, Oshima mất đi cái bản chất thực sự của mình, … Còn rất nhiều sự mất mát nữa mà mình không thể liệt kê hết được toàn bộ. Dù là ai thì các nhân vật trong câu chuyện đều trải qua sự mất mát và đau thương. Nhưng với những mất mát đó họ vẫn tiến về phía trước, bản thân họ không gạt bỏ sự “mất”, không phủ nhận nó, càng không vì nó mà dừng lại, mỗi con người ấy đều bước tiếp trên chặng đường lấp đầy cái phần đã mất của bản thân. Nếu xem cái sự “mất” ấy như một nốt trầm trong cuộc sống thì mỗi nhân vật đều sử dụng nó để viết tiếp bản nhạc cuộc đời của riêng họ.
Ảnh bởi
K. Mitch Hodge
trên
Unsplash
Với nhân vật Nakata, bản nhạc ông chơi thật trong sáng, hồn nhiên làm sao! Bản hòa tấu ấy tươi sáng, vui vẻ khiến ta không thể không nhún nhảy theo từng nhịp điệu. Hệt như tinh thần của bản nhạc, Nakata là một người sống mà chẵng cần phải nghĩ ngợi, toan tính điều gì. Cho dù mất đi toàn bộ kí ức cũng như khả năng phân tích của một người bình thường, ông không những không buồn đau hay tiếc nuối mà chỉ tiếp tục ngâm nga cái giai điệu trẻ thơ, tích cực ấy. Quả là một con người đáng để học hỏi dù cho ông chỉ là lão già với đầu óc khù khờ, ngốc nghếch, một chữ cũng không biết đọc, một từ cũng không biết viết.
Nguồn: https://lesliecorner.wordpress.com/2018/03/22/kafka-ben-bo-bien-hai-chuyen-hanh-trinh/
Nguồn: https://lesliecorner.wordpress.com/2018/03/22/kafka-ben-bo-bien-hai-chuyen-hanh-trinh/
Con người chúng ta khi sinh ra ai cũng có cái niềm vui nội tại bên trong tâm hồn ngây thơ, ngờ nghệch của mình. Với sự rỗng tuếch trong khối óc mọi sự vật, sự việc từ đơn giản đến phức tạp cũng có thể tạo nên niềm vui trong ta. Cái niềm vui tưởng chừng như không bao giờ tàn phai ấy lại biến mất một khi con người ta trưởng thành. Khi ấy ta không chỉ mất đi cái niềm vui nội tại mà thay vào đó là sự xuất hiện của nỗi buồn thiên kỷ. Cái nỗi buồn ấy chực chờ gặm nhắm tinh thần, ăn mòn trái tim ta. Như một con dã thú thu mình theo dõi con mồi, chỉ một chút mất tập trung, con mồi đã nằm gọn bên trong nanh vuốt của con thú hung hãn. Nỗi buồn ấy như một vùng tối, ta càng đối thoại với nó ta càng lún sâu vào. Để rồi, chúng ta dành cả cuộc đời mình tìm lại cái niềm vui non trẻ, ấu thơ thời đấy. Về đến đích, ta không tiến cũng không lùi mà chỉ trở về cái bản chất hồn nhiên vốn có - một đứa trẻ an nhiên, vô tư lự với nụ cười lúc nào cùng nở toe toét trên môi. Trở lại với tác phẩm, chính Nakata đã sống cả cuộc đời mình với cái tâm hồi trẻ thơ ấy. Và cũng chính cái sự hồn nhiên đó không những giúp ông vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong cuộc sống mà còn thúc đẩy những người xung quanh ông bước tiếp trên đường đời của họ. Chính Nakata đã truyền cái sự ngây thơ trong trẻo ấy cho Hoshino, để từ đó anh ta dần có trách nhiệm hơn với bản thân, với cuộc đời, và với những người xung quanh. Nhờ sự ảnh hưởng của Nakata mà giờ đây Hoshino có thể chơi bản “Archduke” của cuộc đời mình.
Trong tác phẩm có đề cập đến loại sức mạnh khó đạt được nhất:
“… không phải là loại sức mạnh phân biệt thắng, thua … mà là loại sức mạnh có khả năng hấp thụ cường lực ngoại lai. Loại sức mạnh cho phép ta bình thản chịu đựng sự đời – Bất công, bất hạnh, lỗi lầm, buồn đau, hiểu lầm, … “.
Nakata - một con người đầu óc có vấn đề, lại chính là nhân vật duy nhất sở hữu cái sức mạnh to lớn ấy trong toàn bộ câu chuyện. Cả cuộc đời ông lão gói gọn trong một bản hòa tấu với khởi đầu chậm chạp, ì ạch, dẫn đến một điệp khúc mạnh mẽ, li kì, chất chứa đầy niềm vui và một phần kết nhẹ nhàng, tĩnh tại đến lạ lùng.
Khác với Nakata, Miss Sakie khi đứng trước một mất mát to lớn của cuộc đời mình, bà không thể quay mặt làm ngơ mà lại lưu trữ nó, nhấm nháp nó như một thứ rượu hảo hạng đã chưng cất hàng trăm năm. Kể từ cái ngày ấy, bản nhạc cuộc đời bà là một sự lặp lại của cái âm thanh lắng đọng ấy. Một bản hòa tấu buồn đến xé lòng, với chỉ một hợp âm trầm xát xơ, liên tục lặp đi lặp lại cái thứ giai điệu đầy cay đắng, não nề như một con chim cô độc cất tiếng gọi bạn đời, âm thanh ấy bay vào không trung, tan dần vào sự lăng thinh bất lực. Chính sự bất lực ấy đẩy bà đến với quyết định niêm phong những ký ức đã định nghĩa nên con người bà. Cái phần hồi ức đẹp đẽ ấy sưởi ấm tâm hồn bà nhưng đồng thời xé nát trái tim bà. Những kỉ niệm như một lời thì thầm luôn khẽ nhắc nhở bà về những gì bà đã đánh mất, nó dày vò trái tim bà bằng cái hạnh phúc “đã từng”, đục khoét tâm hồn bà bằng những hoang tưởng “nếu như”. Nhưng cho dù đã tự tay chôn vùi đi những hồi ức đẹp, thì những cái gai nhọn xấu xí của buồn đau vẫn bám siết, xé toạc da thịt bà, bàn tay của sự mất mát vẫn còn đó nắm chặt lấy trái tim bà.  
Nguồn: https://booksreadnwrite.wordpress.com/tag/kafka-ben-bo-bien/
Nguồn: https://booksreadnwrite.wordpress.com/tag/kafka-ben-bo-bien/
Để chống chọi lại với sự mất mát đó, Miss Sakie đã dành phần đời còn lại tìm cách lấp đầy cái khoảng trống vô bờ bến ấy. Trớ trêu thay, dù cố cách mấy, mọi nỗ lực của bà chỉ khiến cho cái hố đen trong tâm hồn ngày càng mở rộng thêm, bất lực trước xiềng xích của mất mát và sự nô dịch của đau thương. Miss Sakie đã rưới xăng lên cái thư viện chứa những quyển hồi ký của bản thân. Bà châm ngọn lửa thiêu đốt mọi thứ, mắt bà nhìn thẳng vào nó, ánh mắt phản chiếu ngọn lửa đỏ, cảm nhận từng hơi ấm nó mang lại. Ngọn lửa chiếm trọn từng cuốn “ký ức”, không chừa lại dù chỉ là một hồi ức nhỏ nhoi, cái thư viện mà bà gây dựng cả đời, giờ đây chỉ còn là tro tàn xám mịn. Miss Sakie chọn xóa toàn bộ những gì định nghĩa nên con người bà, bà trở thành một cái vỏ rỗng tuếch không hồi ức, không hạnh phúc, cũng không buồn đau. Cả cuộc đời bà tìm cách lấp đầy sự trống rỗng trong tâm hồn, nhưng mỉa mai thay, sau tất cả bà lại trở thành chính cái sự trống rỗng ấy, những gì còn lại ở bà chỉ là tờ giấy trắng, trắng như cái cách bà đã sinh ra. Thú vị thay, phần kết của bản nhạc cuộc đời bà lại có giai điệu giống hệt như điệp khúc cuộc đời Nakata.
Sau mọi thăng trầm trong cuộc sống, Miss Sakie chọn xóa sạch đi tất cả, nhưng điều ấy không có nghĩa là bà phủ nhận cuộc đời và những gì tạo nên con người mình. Bà mong muốn bảo tồn những điều ấy nhưng không phải thông qua bản thân mà qua những người xung quanh. Bà mong muốn họ sống và nhớ đến con người bà như một minh chứng cho việc bà đã sống, đã yêu, đã hạnh phúc. Thông qua cậu bé Kafka, bà mong muốn cậu nhớ về bà như một bằng chứng cho sự tồn tại, cho những buồn vui, những đau đớn của bà. Miss Sakie trở thành một nhạc công viết nên những hợp âm mà sau này Kafka sẽ sử dụng chúng để hoàn thiện bản tình ca mà đáng ra bà đã có thể ngân lên. Tương đồng với Nakata, bà không hướng đến hạnh phúc cá nhân, nhưng cuộc sống, cách sống ấy lại tác động đến những người xung quanh. Giúp họ mở to đôi mắt để thấy rõ những giá trị cuộc sống mà từ trước đến nay họ không để tâm đến. Khởi đầu với những giai điệu sáng, trong, cao vút như tình yêu đôi lứa cháy bổng, nồng nàng, đằm thắm. Cho đến một điệp khúc chỉ một hợp âm trầm, tối, ngân lên xuyên suốt bản nhạc, cái giai điệu ấy kéo giãn thời gian, bóp méo không gian như một sự giam cầm đầy ám ảnh. Những âm trầm ấy phai dần để lại những nốt nhạc cuối cùng vang lên trầm mạc da diết. Toàn bộ cuộc đời Miss Sakie gói gọn trong một bản hòa tấu nhiều nốt trầm, luyến tiếc, mang đầy sự đau đớn dày vò, ta thưởng thức cái bản nhạc ấy, thẩm thấu từng cảm xúc của nó vào tâm hồn - một bản nhạc trọn vẹn, đầy ý nghĩa.  
Liệu rằng giá trị cuộc đời ta nằm trong cái hạnh phúc cá nhân của chính bản thân ta, hay nó hiện diện trong những niềm vui, hạnh phúc mà bản thân ta ban tặng cho người khác? Cả hai nhân vật với những hoàn cảnh, tính cách khác nhau giao nhau tại nơi giá trị của cuộc đời. Họ không màng gì đến một kết thúc đẹp đẽ nhưng những giai điệu hạ màn của bản hòa tấu cuộc đời họ đều mang âm hưởng nhẹ nhàng, lắng đọng - một sự bĩnh thãn, trầm lắng trong tâm hồn. Hai con người, hai cuộc đời, hai sự mất mát, họ với những cách riêng của bản thân đã viết nên một bản hòa tấu trọn vẹn cho riêng mình. Những bản nhạc ấy tuy khác nhau về giai điệu lẫn cảm xúc nhưng cả hai đều thật kiều diễm và tráng lệ.