Năm 1998, khi tôi chỉ là một thằng bé 5 tuổi, có ý thức đôi chút về thế giới quan xung quanh mình. Những nhận thức ban đầu về cuộc sống thật hồn nhiên và trong trẻo. Tôi đã biết để ý những cảm xúc giận dỗi mỗi khi bị ba mẹ chọc “Là thanh niên nhớn rồi. tự mặc quần đi. Sống cả nửa thập kỉ rồi đấy”. Nhưng trên tất cả những niềm vui từ những trò chơi với đám trẻ trong xóm hay các món quà bánh cho con nít, có một thứ đã đến và cuốn hút lấy toàn bộ sự quan tâm của tôi – Bóng đá, dấu ấn đầu tiên vô cùng đậm nét.
Chiếc Tivi màu 14 inch - hiệu Sony, ba mẹ ki cóp từng đồng để tậu về, chính là khung cửa sổ tuổi thơ đưa tôi đến với hình ảnh của những trận bóng đỉnh cao đầu tiên. Chiếc Tivi huyền thoại ấy với chỉ vỏn vẹn 4 kênh phát sóng Vtv1, Vtv2, Vtv3 và Ktv ( đài truyền hình địa phương chỉ lên sóng sau 12h trưa) được mua về với mục đích ban đầu là cho chị em tôi có thể được xem Tây Du Ký thỏa thích mà không phải qua nhà hàng xóm “coi ké”. Tín hiệu sóng analogue được thu qua cây ăng ten trên nóc nhà đem đến những hình ảnh nếu so với thời điểm bây giờ thì rất thua kém, nhưng vào những ngày ấy thì nó vô cùng sinh động và là một món quà xa xỉ đối với chị em chúng tôi.
Và mùa hè World Cup 98 tại Pháp hay France 98 đến, tôi lần đầu tiên trải nghiệm thế nào là một lễ hội bóng đá tầm cỡ thế giới, cho dù cái lễ hội ấy nó diễn ra ở một nơi rất xa lãnh thổ đất nước nơi mình sinh sống. Ba tôi và mấy ông bạn trong xóm sáng nào cũng ngồi với nhau uống trà và thảo luận những chi tiết của những trận đấu chỉ mới diễn ra trước đó vài tiếng đồng hồ. Tối đến lại rủ nhau và hẹn sẽ qua nhà ông nào tụ tập coi cho có “tinh thần tập thể cùng thức khuya”. Bởi những trận đấu trên đất Pháp diễn ra vào khung giờ rạng sáng ở Việt Nam. Khi các chú, các bác nói chuyện, tôi chạy nhảy loanh quanh, tai vẫn lắng nghe những lời khen chê, những tiếng xuýt xoa về những cái tên: Người ngoài hành tinh Ronaldo, nhạc trưởng Zidane, hay đội Hà Lan với người cầm trịch Bergkamp . Trên màn hình Tivi, chương trình thể thao thì đang điểm lại những tình huống bóng đáng chú ý. Cùng những cái tên, những tình huống xử lý bóng đã rơi vào trong tiềm thức của một thằng nhóc 5 tuổi vào những năm tháng “Ăn bóng đá – Thức bóng đá – Ngủ cũng bóng đá”. Những hình ảnh mãi gắn chặt với tâm trí tôi.
Quên làm sao được cái “Mùa hè Thần tượng” năm ấy. Dẫu cho làng túc cầu bây giờ luôn khẳng định hai tượng đài sống Cristiano RonaldoLionel Messi là những cầu thủ xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá, một phần lý trí trong tôi cũng thừa nhận điều ấy, bởi những thành tích của hai anh đã được là quá khủng khiếp, vượt trên mọi giới hạn, và rất khó cho thế hệ sau này có thể vượt qua. Nhưng trái tim tôi đã trót rung động và dành tình yêu son sắt cho những thần tượng đầu đời vào cái năm 98 ấy.
Les Blue với Zidane và đôi chân ma thuật, anh lả lướt cùng trái bóng hay cú xoay compa đầy tinh tế đã khiến tôi phấn khích thực sự. Tôi còn nhớ rằng mình đã không chắc như thế nào về cái cảm giác là đang coi một cầu thủ thi đấu một môn thể thao hay thực sự đang thưởng lãm một nghệ sĩ biểu diễn những kĩ năng đầy tính nghệ thuật. Cho dù rằng ngôn từ của một đứa trẻ như tôi lúc đó là rất hạn chế để có thể diễn tả trôi chảy cái ý vừa rồi.
Hay là tiền vệ số 7 Beckham điển trai của tuyển Tam Sư. Đầy vẻ lãng mạn và thư sinh với mái tóc vàng bồng bềnh. Vẻ đẹp lãng mạn của anh còn được thể hiện qua dáng sút phạt, cái tư thế mà sau này đã trở thành một thương hiệu được bảo chứng toàn cầu. Sau mỗi lần Beck thực hiện động tác ấy, người ta lại trầm trồ trước một vẻ đẹp khác – quỹ đạo cong mỹ miều của trái bóng được vẽ ra từ cái chân phải ảo diệu của anh. Ngay khi trái bóng găm vào lưới và thủ thành Colombia bay người bất lực như để làm nền cho một kiệt tác, khán giả lại được dịp ngất ngây cùng khoảnh khắc ăn mừng.
Và còn rất nhiều những khoảnh khắc khác ghi đậm dấu ấn trong tôi. Như lần đầu tiên được xem người ngoài hành tinh Ronaldo thi đấu. Vua phá lưới năm đó, chàng tiền đạo điển trai Davor Suker của Croatia ( Ba mẹ vẫn thường gọi là đội Nam Tư cũ, mỗi khi nhớ lại tôi luôn cảm thấy cái tên ấy có cái gì đó vô cùng mến thương). Hay những bước chạy hào hoa và những cú chạm bóng của bậc thiên tài đến từ Hà Lan- Bergkamp trước tuyển Argentina. Tất cả, dù đã là 21 năm trôi qua vẫn không hề phai nhòa.
Không lâu sau đó là Tiger Cup 98 với cơn lốc người hâm mộ Việt Nam rợp trong sắc đỏ của màu cờ Tổ Quốc. Tôi đã phần nào thấm được tinh thần dân tộc với trái tim hồng thổn thức cùng sự tự hào và lòng tự tôn trước bạn bè quốc tế trong một sân chơi tầm cỡ khu vực.
Thời điểm đó, tôi đã hiểu được lý do tại sao luôn có một sức nóng đặc biệt của những trận thư hùng giữa Việt Nam với Thái Lan. Một mối duyên nợ đặc biệt kéo dài đằng đẵng đến tận bây giờ và có lẽ mãi về sau này nữa. Là cái thành tố quan trọng đóng góp vào động lực cố gắng phát triển nền bóng đá của hai quốc gia. Khi bị ba tôi chọc rằng Việt Nam sẽ để thua Thái Lan, tôi đã khóc òa lên và bực tức đến độ đòi đuổi ông ba tôi qua bên Thái chứ không cho ở chung với mẹ con nhà tôi nữa.
Và hôm trận bán kết trên sân Hàng Đẫy diễn ra tôi đã thực sự dồn nén rất nhiều. Sau đó lại để cơn cảm xúc vỡ òa tự nhiên. Tôi la hét thỏa mãn khi Đội tuyển Quốc gia của chúng ta đã “giã” cho Người Thái tới tận 3 bàn không gỡ. Dẫu biết rằng thời điểm đó họ không đem qua Việt Nam đội hình mạnh nhất, không có những sát thủ khét tiếng như Zico Thái – Kiatisuk Senamuang. Nhưng có sao đâu, sung sướng hay hạnh phúc nó ập tới thì mình cứ tận hưởng thôi.
Ngay tối đó, ba tôi đã đèo cả gia đình 4 người trên chiếc “Cub 50 kim vàng giọt lệ” lao ra đường, hòa vào dòng người đang đi bão với biết bao cờ phướn tung bay. Ai cũng gào thét cái câu khẩu hiệu huyền thoại “ Việt Nam vô địch. Việt Nam vô địch….”, cho dù là chúng ta còn chưa đá trận chung kết, và chắc rằng thời điểm đó, ít người nghĩ tới trận chung kết lắm khi mà tất cả đều đang ngây ngất trong men say chiến thắng.
Hồi còi kết thúc của trận chung kết vang lên có lẽ là khoảnh khắc nghiệt ngã nhất mà người hâm mộ bóng đá Việt Nam phải chịu đựng. Thứ đọng lại duy nhất sau bàn thắng bằng lưng của Sasi Kumar là cảm xúc tiếc nuối. Triệu trái tim, một dân tộc tiếc nuối. Lúc ấy tôi không khóc cho dù đội tuyển tôi yêu đã thất bại. Nhưng lúc đó, một đứa trẻ như tôi đã thắc mắc một điều lớn hơn: Sao lại có một thứ có thể kết linh hàng triệu con tim kì diệu như trái bóng tròn được nhỉ?
Tôi không thể trả lời được ngay thời điểm ấy. Tôi cũng không lao vào đi tìm kiếm câu trả lời. Tôi chỉ thỏa mãn sự tò mò của mình bằng việc chìm đắm sâu hơn vào vẻ đẹp mà môn thể thao Vua mang lại cho con người. Thế hệ Vàng của bóng đá Việt Nam – Những cái tên còn vang bóng một thời: Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh…. Là những người có tầm ảnh hưởng nhất đến giới trẻ và thanh niên thời đó. Đi khắp mọi miền đất nước, ai cũng thấy Hồng Sơn hay Huỳnh Đức lúc thì đạp xe đi học, lúc thì đang ở ngoài ruộng gặt lúa, lúc lại ngồi ở góc vỉa hè vá xăm xe…. Bởi chiếc áo số 8 và số 10 của hai anh trên tuyển Quốc gia là niềm khao khát của bao em nhỏ và các bạn trẻ. Chỉ cần cửa hàng thể thao hay tiệm tạp hóa nào có bán là ngay lập tức hai số áo ấy sẽ cháy hàng. Ai cũng muốn một lần được có cơ hội khoác lên mình tấm áo ấy. Đó là một cách mà mọi người thể hiện sự hâm mộ, tình yêu của mình tới thần tượng. Cũng là để luôn nhắc mình phải noi gương các anh nỗ lực rèn luyện phấn đấu, cống hiến, bởi trên ngực trái của mỗi chiếc áo tuyển là lá cờ đỏ thắm có ngôi sao vàng ở giữa.
Tuổi thơ của những lứa cuối 8x - đầu 9x thật giản dị. Bóng đá đến với chúng tôi tự nhiên như hơi thở vậy. Những buổi chiều chân trần vờn trái bóng trên sân xi măng, cũng phô diễn những kĩ xảo chơi bóng học lõm được từ những ngôi sao trên Tivi. Chúng tôi đã lớn lên cùng với những kỉ niệm nhiều sắc thái và bóng đá là một món quà đem đến cho chúng tôi vô vàn những cảm hứng để tạo nên những giá trị sống đẹp của riêng mình.
Mai Đình Xuân Nhật,
Tp. HCM, thứ Hai ngày 19/08/2019.