Dịch từ bài gốc của Katie Mack trên Aeon
Ảnh minh họa (lần lượt) từ NASA và Cơ quan Không gian Châu Âu
Hành tinh chúng ta là một ô cửa bé tí hin, dõi ra một đại dương vũ trụ bao la. Chúng ta liệu có thể biết thứ nằm khuất khỏi tầm hiểu biết của mình hay chăng?
---
Không gian, như họ vẫn nói, khổng lồ. Trong Bí quyết quá giang vào Dải ngân hà (1979), Douglas Adams nói như sau: ‘Bạn có thể nghĩ nó như một con dốc dài xuống tiệm thuốc, nhưng so với không gian thì chỉ là những hạt đậu mà thôi.’ Khó lòng chuyển tải bằng ngôn ngữ bình dân về sự khủng khiếp của vũ trụ khi hầu hết chúng ta còn gặp khó khăn với chính kích cỡ của Trái Đất, huống hồ của thiên hà, hay những khoảng không vĩ đại của không gian giữa các thiên hà. Chúng ta thường sử dụng khái niệm năm ánh sáng - khoảng cách mà ánh sáng đi được trong một năm - như thể vận tốc ánh sáng có vẻ như dễ hiểu hơn một con số dài ngoằng hàng triệu tỷ kilomet. Chúng ta đưa ra các cột mốc bằng khái niệm vừa nêu (mất 1,3 giây để ánh sáng di chuyển từ Trái Đất tới Mặt trăng) nhưng, trong đời sống hàng ngày, ánh sáng xuất hiện ngay tức thì. Chúng ta cũng có thể nói về chiều cao của một tòa nhà bằng khái niệm xếp chồng nguyên tử.
Có lẽ, nếu như có máu phiêu lưu hơn đôi chút, ta sử dụng các so sánh dựa trên trải nghiệm cá nhân. Khoảng cách tới Mặt Trăng tương đương 32 triệu thân xe buýt chở học sinh! Nếu ta có thể lái một chiếc để đi hết quãng đường này với vận tốc 90km/h, sẽ mất 166 ngày! Tôi không biết có giúp ích chi không nữa.
Tôi ước gì có thể tuyên bố các nhà thiên văn học có một trực giác xịn sò hơn chúng ta. Hoàn toàn không. Não bộ chẳng hoạt động theo cách đó. Do đó chúng tôi ăn gian các con số. Chúng tôi sử dụng các thanh đo dài hơn để nói về những không gian rộng lớn hơn: kilomet, năm ánh sáng, parsec, kiloparsec, megaparsec, gigaparsec. Chúng tôi thoải mái với số mũ (1000 là 10^3; 1 triệu tỉ là 10^12) và tư duy theo các thang logarit, mỗi bước tiếp theo sẽ là mũ 10. Có khi, khoảng cách không còn là một khái niệm thẳng tắp tít nữa. Bên trong Thái Dương Hệ, không gian và thời gian nhìn chung khá ngoan ngoãn, nhưng khi phải xử trí với toàn bộ vũ trụ, ta buộc phải tính luôn cả thực tế là nó chẳng bao giờ chịu ngồi yên một chỗ cả.
Vũ trụ đang giãn nở. Nó vẫn giãn nở không ngừng từ vụ nổ Big Bang, và sắp tới cũng chẳng dừng. Nếu ta nhìn vào thiên hà xa, xa lắm, ta không chỉ phải tính toán rằng hình ảnh mà ta đang thấy thực ra đã cũ, mà còn phải giải thích rằng nó không còn ở nơi mà ta từng nhìn thấy nữa. Giả sử bạn nhìn thấy một siêu tân tinh nổ tung, ở một ngân hà cách một tỷ năm ánh sáng. Có phải siêu tân tinh kia vừa mới nổ hay không, hay là nó đã nổ từ một tỷ năm trước? Ta có thể nói vế sau mới đúng, bởi ánh sáng đã và đang đi đến chỗ chúng ta suốt một tỷ năm qua, nhưng bởi không còn cách nào khác để quan sát nó trước đây, kết luận rằng nó đã nổ tung còn có ý nghĩa gì nữa? Và cái thiên hà kia cách ta một tỷ năm ánh sáng - xa như thế là bao xa? Có lẽ một tỷ năm trước nó cách chúng ta một tỷ năm ánh sáng, nhưng suốt thời gian ấy Vũ trụ cũng và vẫn đang giãn nở, vậy thì chắc chắn nó sẽ còn xa hơn nữa. Chúng ta sử dụng khoảng cách nào mới đúng?
Cả thời gian cũng bị bóp méo bởi sự giãn của không gian. Chúng ta có thể chứng kiến quá trình rực lên và lịm đi của một ngôi sao nổ, khi sóng xung xé toạc nó ra, và nói rằng mất 100 ngày hình ảnh ấy kia mới tan đi. Nhưng nếu so sánh với một siêu tân tinh gần bên, trung bình, ta sẽ thấy rằng ngôi sao ở xa hơn sẽ mất thêm ít ngày. Từ nơi chúng ta quan sát, nó cũng giống như vụ nổ quay chậm.
Dù còn các hạn chế trong định nghĩa, con người vẫn làm hết sức để đo đạc không gian và định lượng những nơi xa xôi nhất. Chúng ta đã phân loại vô số ngân hà, một số xa tới nỗi ánh sáng của chúng mất gần trọn tuổi của vũ trụ mới tiến tới chúng ta. Chúng ta cũng mò khắp bản đồ vũ trụ để tìm kiếm mép rìa, hay lõi của nó, mà chẳng thấy đâu. Chúng ta không có lý do nào để tin rằng vũ trụ chỉ chuyển động vĩnh viễn, theo mọi hướng, mà không hề có bất cứ thay đổi nào trong thành phần lẫn cấu trúc. Thiên hà của chúng ta chỉ là một hạt cát trong một sa mạc mênh mông; phóng đủ xa, mọi thứ nom sẽ y hệt như nhau.
ảnh chụp từ Trạm Không gian Quốc tế
Dù vậy vẫn có đó một giới hạn. Dù kính thiên văn của chúng ta có mạnh tới đâu, dù ta có quan sát lâu tới đâu, sẽ vẫn chẳng thể nhìn thấy thứ gì ngoài mép của quả bóng vũ trụ mà chúng ta gọi là “vũ trụ khả kiến”. Đây là một khối cầu tưởng tượng, tâm điểm ở chính nơi ta, và xác định bởi vận tốc ánh sáng cùng tuổi thọ của vũ trụ. Bán kính của quả bóng này chính là khoảng cách mà một tia ánh sáng có thể đi hết nếu nó du hành suốt dọc theo tuổi thọ của Vũ trụ.
Nếu mỗi lượt nhìn vào vũ trụ là chúng ta đang nhìn vào quá khứ, thì có thể suy ra rằng nhìn đủ xa cũng đồng nghĩa nhìn vào thời điểm sâu hút trong quá khứ, là thời điểm Vũ trụ hình thành. Đó chính là định nghĩa đường biên vũ trụ. Nói khác đi, bất cứ thứ gì nằm ngoài đường biên kia đều là quá xa đến nỗi một tia sáng rời khỏi nó ngay từ thời điểm sơ khai của Vũ trụ, cách đây 13,8 tỉ năm, vẫn chưa có đủ thời gian để chiếu tới chúng ta vì khoảng cách thực khủng khiếp. Vẫn chưa đủ thời gian.
Chúng ta có đủ lý do để tin rằng trong cái thế giới hẳn nhiên vô tận này, tồn tại những thiên hà nằm ngoài biên, cũng như, khi ta đứng trên bờ đại dương và không nhìn thấy gì ngoài nước, ta vẫn có lý do để tin rằng đâu đó ngoài xa kia sẽ có đất liền, khuất khỏi những gì ta có thể nhìn thấy được. Nếu như ta nhảy vào một con tàu và ra khơi, đường biên ấy sẽ di chuyển theo ta, và rốt cuộc ta sẽ nhìn thấy đất liền kia. Tương tự, nếu như ta khởi hành trên một tàu hỏa tiễn liên tinh để du hành vào một phần khác của vũ trụ, chân trời của ta sẽ vẫn quy về chính ta, dù ở bất cứ đâu. Rủi thay, bởi hạn chế từ các định luật vật lý và hạn chế của các hình thái di chuyển, việc đi xa đủ khỏi mái nhà mình để có thể thay đổi hoàn toàn tầm nhìn của chúng ta vẫn còn bất khả. Nhưng ta vẫn có thể đưa ra các suy luận về những gì có thể nằm ngoài đó. Và dù chân trời vũ trụ có chủ quan như chân trời trên Trái Đất đi chăng nữa, nó vẫn mang một khác biệt cực kỳ quan trọng.
Khi nhìn ra khỏi rìa mép của vũ trụ khả kiến, những gì ta trông thấy thật sự kinh hồn bạt vía. Ánh sáng xa xăm nhất cũng là ánh sáng lâu đời nhất; là ánh sáng từ chính vụ nổ Big Bang. Vũ trụ sơ khai, ngay sau những khoảnh khắc tạo thế đầu tiên, nóng hừng và đặc quánh, mọi nơi, sục sôi những dòng plasma tan chảy; ngay ở mép có thể nhìn thấy, chúng ta đang nhìn vào một quá khứ xa xăm tới nỗi thấy cả plasma đang tuôn trào. Hỏa ngục ấy hiện diện vào khoảng 380.000 năm trước khi không gian đã đủ giãn nở và đủ nguội để ánh sáng và hạt vật chất có thể tự do di chuyển xuyên qua. Khi ta nhìn vào mép rìa của vũ trụ khả kiến, ta nhìn thấy những tro hồng âm ỉ cuối cùng của giai đoạn đó. Ta nhìn thấy một vũ trụ vẫn còn đang cháy sáng.
Khoảng cách từ chúng ta tới mép vũ trụ không phải 13,8 tỷ năm ánh sáng như bạn nghĩ. Như đã nói ở trên, các khoảng cách không hề bình thường trong một vũ trụ không ngừng giãn nở. Ở nơi 13,8 tỷ năm ánh sáng trước khi ánh sáng bắt đầu hành trình về phía chúng ta thì nay đã xa hơn rất nhiều rồi. Nếu tính toán cả những thứ đó, cái plasma hừng hực mà ta nhìn thấy ở tại mép vũ trụ khả kiến kỳ thực nằm đâu đó cách chúng ta khoảng 45 tỷ năm ánh sáng.
Ta không nhìn thấy không có nghĩa chẳng có gì tồn tại ở đó, ở mép vũ trụ. Bằng chứng mà ta có, nghiên cứu sự giống nhau của các ngân hà ở mọi phần của vũ trụ ta đã vẽ ra được, đều chỉ vào ý niệm không gian vẫn tiếp tục nới rộng bên ngoài đường chân trời kia, theo mọi hướng; hạn chế tầm nhìn của chúng ta chỉ mang tính nhất thời. Giả sử chúng ta sống ở một thiên hà nằm ngay bên ngoài mép hiện tại, thì mọi thứ mà ta biết về vũ trụ cho thấy quan điểm của chúng ta khi đó sẽ vẫn khá giống với hiện nay. Những vùng xa hơn nữa của vũ trụ, về nguyên tắc, có thể sẽ hoàn toàn khác, dĩ nhiên rồi - ta không thể biết chắc khi còn chưa nhìn thấy được. Thực sự thì, các vùng đủ xa nằm ngoài mép vũ trụ cũng có thể được xem là những vũ trụ độc lập, riêng lẻ tự thân, về cơ bản, bởi chúng chẳng thể nào tiếp xúc với vũ trụ của chúng ta.
Nhưng nếu như thế giới không chỉ to lớn hơn ta biết, một cách tường tận, mà thậm chí còn to hơn như thế nữa? Nếu như nó giãn nở ra mọi hướng, và còn hơn thế nữa, thì sao?
Trải nghiệm hàng ngày mách bảo chúng ta rằng vũ trụ có ba chiều không gian. Trước/sau, trái/phải, trên/dưới. Trong vật lý, chúng ta mô tả thời gian là chiều không gian thứ tư, và gộp toàn bộ lại thành không-thời gian - một kiểu lưới vũ trụ 4D. Sự linh hoạt dễ uốn nắn của không-thời gian, một nguyên lý cơ bản trong thuyết tương đối của Albert Einstein, cho phép lưới ấy uốn và giãn theo chuyển động và khối lượng của mọi thứ bên trong. Đó là lý do vì sao không gian có thể giãn nở và bóp méo dòng thời gian, và vì sao thời gian di chuyển chậm đi nếu ta ở trong một hỏa tiễn tốc độ cao hay lững lờ gần một lỗ đen.
Tuy nhiên, các nhà vật lý từ nhiều năm nay đã suy nghĩ liệu ba chiều không gian mà chúng ta trải qua có phải chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh hay không. Nếu có thêm các chiều không gian khác, giãn nở ở những chiều hướng chúng ta chưa thể cảm nhận, điều này có thể giúp lý giải một số khía cạnh trong vật lý lý thuyết cũng như đặc tính của trọng lực. Thêm một chiều không gian khác vào Vũ trụ, ta nhận ra rằng trọng lực có thể “rò” vào đó, trở nên suy yếu, và có thể giải thích vì sao trọng lực lại vô cùng nhỏ nếu so với các lực chi phối vật lý hạt.
Giả như một chiều bổ sung có thể che đi cả một vũ trụ?
Các chiều cao hơn của không gian cũng là một thành phần bắt buộc trong lý thuyết dây, vốn cho rằng những gì chúng ta nhìn thấy ở dạng hạt cơ bản thực chất chỉ là các dây năng lượng chuyển động ở nhiều không gian khác mà chúng ta chưa thể nhìn thấy. Trong các lý thuyết dây, các chiều không gian bổ sung này “bị compact hóa” - tự cuộn - do đó giả sử ta có thể tìm thấy một hướng nào đó và khởi hành, ta cũng không thể đi được xa mấy trước khi quay trở về nơi bắt đầu.
Một giả thuyết về cấu trúc của vũ trụ, hình thành đầu những năm 2000, cho rằng có lẽ chúng ta đang sống trong một “brane” (hãy nghĩ tới: màng mỏng) ở mép một không gian lớn hơn có bốn chiều không gian (cộng thêm thời gian). Bên trong “khối” siêu-không gian ấy có thể có một màn 3D khác, chứa một thế giới khác, có thể, theo thời gian, va chạm với thế giới của chúng ta. Những người khởi đầu lý thuyết này gọi nó là mô hình vũ trụ ekpyrotic - bùng cháy, đặt theo khái niệm lửa trong tiếng Hy Lạp - nhắc nhở tới thực tế mỗi vụ va chạm vũ trụ đều xảy ra trong các điều kiện rực lửa của vụ nổ Big Bang, và có thể giải thích nguồn gốc và số phận cuối cùng của thế giới chúng ta. Trong mô hình này, các màng lần lượt di chuyển về phía nhau, va chạm và rồi lại tách ra, trong một chu kỳ vô tận, từ Big Bang, đến giãn nở, tới Big Crunch, rồi trở lại Big Bang. Các mô hình cấu trúc chúng ta nhìn thấy trong vũ trụ ngày nay (sự phân bố thiên hà và các chòm sao), theo mô hình này, đều được gieo bởi tương tác giữa hai màn trong giai đoạn va chạm chậm rãi trước vụ nổ Big Bang.
Dẫu rằng thoạt trông việc nặn ra những chiều siêu không gian và các vũ trụ mới chỉ để giải thích về Big Bang có vẻ hơi xa xỉ, có đủ lý lẽ vì sao các nhà vật lý học lại xem các ý tưởng kia hoàn toàn nghiêm túc. Bức tranh chung về vũ trụ sơ khai có lẽ còn phức tạp hơn nhiều những gì ta được mớm tin. Khi nghĩ tới Big Bang, thứ đầu tiên nảy ra trong tâm trí chúng ta có lẽ là một sự kiện đơn nhất - một điểm cực kỳ vi tế của vật chất vô cực chứa đựng toàn thể không gian và thời gian bất thình lình bùng nổ để tạo nên toàn thể vũ trụ. Quan điểm này trở nên phổ biến vì các phương trình trọng lực của Einstein có thể mô tả được một vũ trụ khởi sinh theo cách đó (và có lẽ cũng kết thúc bằng một Big Crunch đơn nhất sau cùng), nhưng lại không thật sự đúng đắn với những gì chúng ta quan sát thấy. Cái ánh sáng mà ta nhìn thấy ngay tại chân trời vũ trụ, cái quầng hào quang của Big Bang, mách bảo chúng ta rằng một tiến hóa giản dị từ đơn nhất trở nên một vũ trụ tuyệt mỹ mà chúng ta tận hưởng ngày nay hoàn toàn phi lý.
Vấn đề nằm ở chỗ quầng hào quang hậu Big Bang, cái mà chúng ta gọi là nền vi sóng vũ trụ, quá sức hoàn hảo. Ở một mức chính xác dị kỳ (1/100.000), nó trông hệt như nhau, ở mọi hướng. Cùng màu sắc (hay cùng tần suất, bởi đó chính là ánh sáng vi sóng), cùng quang phổ, cùng mật độ. Vấn đề chính là bởi chẳng có lý do gì để hai vùng đối cực nhau trên bầu trời lại hòa hợp với nhau như vậy. Kể cả khi mọi thứ giả sử khởi đầu cùng với nhau, bao bọc trong một đơn thể, thì cách nó giãn nở nhẽ ra đã tạo ra những khác biệt hết mực ở những phần khác nhau của vũ trụ khởi nguyên. Những khu vực vũ trụ ngày nay nằm cách xa nhau trong giai đoạn quả cầu lửa giãn nở ban đầu của chưa từng có dịp thương thảo với nhau về nhiệt độ. Nền vi sóng của vũ trụ phải rất khác nơi một mặt của bầu trời so với mặt còn lại.
nền vi sóng vũ trụ, quan sát từ Kính thiên văn Không gian Planck
Cách giải thích mà các nhà vật lý đã chấp nhận vào thập niên 80 đã đưa vào câu chuyện vũ trụ một chương mới. Giá như, theo họ, trong cái vũ trụ bản nguyên này, trước cả giai đoạn quả cầu lửa nóng rẫy, tồn tại một giai đoạn giãn nở cực kỳ nhanh chóng? Có thể là ngay sau đơn thể (giả sử giai đoạn này từng tồn tại), vũ trụ khởi thủy quả thật là một mớ hỗn độn rải rác - có chỗ cực nóng, và có chỗ không nóng bằng. Nhưng rồi vũ trụ giãn nở nhanh tới nỗi một vùng cực nhỏ, nhỏ tới mức không thể có biến thể nào khác, lại giãn ra cho tới khi đủ lớn để tạo thành toàn thể vũ trụ khả kiến của chúng ta. Rồi, các nhà vật lý giả thiết tiếp, bất kể thành phần cấu thành Vũ trụ là gì, nó cũng gây ra hiện tượng siêu giãn (chúng ta gọi đây là “sự giãn vũ trụ”) bất thình lình bị tiêu giảm ở đâu đó thành phóng xạ và tạo thành vũ trụ-quả cầu lửa-giãn nở khả kiến ở vùng ánh sáng nền mà chúng ta phát hiện ngày nay,
Từ những gì chúng ta đã chứng kiến, sự giãn nở dường như thỏa đáng với hình thái hiện nay của chúng ta, và thậm chí còn giải thích ổn thỏa những biên độ 1/100.000 dao động trong ánh sáng nền vi sóng vũ trụ. Nhưng chúng ta không hề có cái mà người ta vẫn gọi là bằng chứng xác đáng rằng nó đã thật sự xảy ra, cũng chẳng thể nói nó bắt đầu như nào, vì sao, và điều gì khiến nó trở nên như vậy.
Và, tiện thể, kể cả mô hình giãn nở, cái nguy cơ bị một vũ trụ khác quạt cho chẳng phải là không thể.
Giả sử giãn nở xảy ra, chuỗi sự kiện tạo thành vũ trụ khả kiến của chúng ta hẳn đã xảy ra liên tục nhiều lần tại nhiều vùng khác nhau ở một không gian rộng lớn hơn rất nhiều, trong một quá trình gọi là “giãn nở vĩnh cửu”. Hình dung rằng không gian nền rộng lớn hơn luôn giãn nở nhưng, bỗng dưng, ở một điểm nhỏ bé nào đó, quá trình giãn nở dừng lại, và phần vũ trụ ấy nóng lên, và quá trình giãn nở vũ trụ thông thường xảy ra thay thế. Như thế sẽ tạo ra một kiểu đa thế giới, như những vũ trụ bong bóng li ti, xác định bởi những vùng riêng biệt hình thành sau vụ giãn nở, liên tục rơi ra khỏi nền vẫn đang giãn ra. Mỗi vũ trụ bong bóng sẽ tách ra khỏi các vũ trụ bong bóng khác bởi cùng cái không gian không ngừng giãn nở kia, và không thể nào va chạm tiếp xúc với nhau. Chủ yếu là thế.
Bỗng dưng, hai thế giới bong bóng có vẻ như tiến gần với nhau. Nếu vậy, và nếu chúng tiếp tục giãn nở, một lúc nào đó sẽ va chạm nhau, để lại những dấu ấn có hình dáng khối cầu như những vết thâm tím trên ánh sáng nền của nhau.
Các nhà thiên văn đã tìm kiếm các dấu vết này. Tới nay vẫn chưa tìm thấy, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục tìm kiếm. Và đồng thời, một số trong chúng ta sẽ tiếp tục ném cái nhìn hoài nghi vào viễn cảnh giãn nở, chẳng biết động cơ lẫn các thế giới song song vô tận của chúng là gì, và cố gắng tìm một giải thích khác hạp nhãn hơn.
Về phần mô hình vũ trụ bùng cháy, nó đã trải qua nhiều chỉnh sửa, và phiên bản hiện có không hề có những chiều không gian cao hơn hay giãn nở nào cả. Theo cách nào đó, nó càng lúc càng giống với một sự giãn nở đơn thuần: không xảy ra bởi chuyển động của các tấm màng mà bởi sự sản sinh và phát triển của một trường vô hướng, một chủng loại trường năng lượng lấp đầy không gian, tương tự với cái mà hầu hết các nhà vật lý học cho rằng đã tạo ra giãn nở vũ trụ. (Và một số mô hình giãn nở mới cũng có cả các thế giới màng, nghe cho lý thú ấy mà.) Dù không còn bắt buộc phải xảy ra các vụ va chạm vũ trụ to tát, mô hình vũ trụ bùng nổ vẫn bao gồm chuyển giao từ một vũ trụ sụp đổ và một vụ nổ Big Bang. Dẫu vậy, trong phiên bản mới, vụ sụp đổ có thể có quy mô tương đối nhỏ, tạo nên một chút nén trước khi gây ra vụ bùng cháy bắt đầu cho chu kỳ mới. Nếu cứ tiếp tục xoay chuyển mãi mãi như thế, thay vì các thế giới con vô tận, không gian của chúng ta sẽ là một vũ trụ duy nhất, khổng lồ, không ngừng to hơn: mở rộng, hít vào một hơi, và lại mở rộng, liên tiếp không ngừng nghỉ.
Đường chân trời hạn định vũ trụ khả kiến của chúng ta là giới hạn tối hậu của con người. Ta không nhìn thấy gì nữa phía sau, và trừ phi hiểu biết của chúng ta về cấu trúc thực tại đổi thay chóng vánh, ta chỉ có thể tự tin khẳng định điều này không bao giờ xảy ra. Sự giãn nở vũ trụ đang diễn ra nhanh chóng; những gì nằm phía bên kia đường chân trời nay chỉ càng bị cuốn đi nhanh hơn và xa hơn, và ánh sáng từ đó phát ra sẽ không bao giờ bắt kịp. Dẫu có lẽ chẳng bao giờ ta biết chắc chắn ngoài biên giới kia là gì, điểm thống nhất của tất cả lý thuyết chính là vũ trụ khả kiến của chúng ta thuộc về một phần của một không gian cực kỳ, cực kỳ to lớn.
Dẫu nơi ấy chứa đựng một đa vũ trụ đầy ắp các bong bóng, mỗi bóng có những quy luật vật lý riêng có, hay dẫu là một phần của một vũ trụ không ngừng trương nở mà ta thuộc về, trong một chu kỳ đơn lẻ; hay liệu không gian có tiến tới những chiều hướng mà ta không thể nào hình dung ra được, chúng ta hoàn toàn tậm tịt. Vậy mà vẫn đang tìm kiếm manh mối.
Các mô hình cấu trúc ánh sáng nền vi sóng vũ trụ, sự phân bổ các ngân hà, và kể cả những thực nghiệm kiểm tra trọng lực và hành vi từ ngành vật lý hạt đang cho chúng ta nhìn sâu hơn vào cấu trúc cốt lõi của Vũ trụ, và vào tiến trình tiến hóa của nó ở những thời khắc ban sơ nhất. Chúng ta đang tiến mỗi lúc một gần hơn tới khả năng kể được bằng hết toàn thể lịch sử vũ trụ. Ta có thể nhìn thấy, bằng mắt, ngọn lửa nơi vũ trụ chúng ta được đúc nên, những khoảnh khắc ngay sau khi nó mới bắt đầu. Với những manh mối đang thu thập, một ngày kia, chúng ta có thể theo suốt câu chuyện của vũ trụ cho tới tận cùng.
k.