KHÓ KHĂN VÀ BUÔNG BỎ (Bài dự thi sự kiện Spiderum)
Bài viết trình bày phương pháp thực hành Triết học, cụ thể là Đạo học Đông phương của tác giả để trở về chốn bình yên trong tâm hồn.
Ứng dụng Đạo học Đông phương
Trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ này, chúng ta cần buông bỏ gì để vượt qua khó khăn trong cuộc sống?
Đất nước Việt Nam đã trải qua hơn bốn nghìn năm lịch sử và người dân nước Văn Lang từ thời thượng cổ, chỉ với "phong tục thuần hậu quê mùa" cũng có thể vui vẻ tồn tại vững mạnh hơn hai nghìn năm. Trong khi đó, cuộc sống của con người thời Hiện đại có nền khoa học kỹ thuật tiến bộ vượt bậc với đầy đủ vật chất, nhưng vẫn có không ngớt những lời than vãn rằng cuộc sống đầy rẫy những khó khăn, gian khổ. Điều đó cho thấy dù cuộc sống có đầy đủ vật chất đến mấy thì cũng không sao tránh khỏi những vấn đề gây ra khổ lụy trong đời. Tuy nhiên, chúng ta đã nhìn nhận thấu đáo vấn đề đó từ đâu đến hay chưa? Ông Sydney J. Harris (1917-1986) là nhà báo, nhà phê bình nghệ thuật và nhà giáo nổi tiếng người Mỹ, ông từng nói: “Khi tôi nghe một ai đó than vãn ‘Cuộc sống thật khó khăn’, tôi luôn muốn hỏi họ rằng ‘So sánh với cái gì?’”. Bằng kinh nghiệm sống phong phú, ông đã nói đúng chỗ mà ít người xét đến, đó là cuộc sống này có khó khăn hay dễ dàng là so sánh với cái gì, hay chỉ tùy thuộc vào cảm nhận dựa trên kiến thức của mỗi cá nhân. Chúng ta vẫn quá chú trọng về vật chất bên ngoài để rồi cái “được” và “mất” của vật chất làm chủ tinh thần, làm cho tâm trí không ngừng suy nghĩ miên man về chúng; chính những suy nghĩ đó làm cho chúng ta nhận định cuộc sống khó khăn theo một cách nào đó và tâm hồn luôn trong trạng thái không yên. Nhìn chung, vấn đề thuộc về phần tinh thần của chúng ta, nên cần có liều thuốc để điều trị và với tôi, liều thuốc đó không gì tốt hơn Triết học.
“Khi tôi nghe một ai đó than vãn ‘Cuộc sống thật khó khăn’, tôi luôn muốn hỏi họ rằng ‘So sánh với cái gì?’” --- Harris S.J. ---
Tôi thật may mắn khi có cơ duyên đến với Triết học, chủ yếu là Triết học Đông phương nhờ vào Ông Lý Tiểu Long. Tôi hâm mộ Ông ở nền tảng võ học thượng thừa và nền tảng Đạo học sâu sắc, triết lý của Ông giúp Ông tự khám phá bản thân và truyền cảm hứng cho hàng ngàn người trên thế giới. Nói đến Triết học Đông phương là nói đến Đạo, theo học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần, “Đạo gồm nắm tất cả mọi cặp mâu thuẫn trên đời là Động và Tịnh, Thiện và Ác, Sáng và Tối, Trong và Ngoài, Trời và Đất…”, mà người Đông phương cho rằng các cặp mâu thuẫn đó là một, không thể rời nhau nên danh từ Triết học ở Đông phương còn được gọi là Đạo học.
Vậy Đạo là gì và Đạo học thật sự có thể giúp chúng ta đạt được sự bình yên trong tâm hồn? Đạo là danh từ được Lão Tử sử dụng đầu tiên trong lịch sử Triết học Trung Hoa để chỉ về cái nguyên lý tuyệt đối của vũ trụ, nó không tăng không giảm, không sanh không diệt và “Đạo là Mẹ sinh ra vạn vật” theo Nguyễn Duy Cần. Đạo tương đồng với Tâm trong Phật giáo, Tâm trong sáng và phản chiếu vạn vật; Tâm cũng không sinh không diệt, không sạch không dơ, không tăng không giảm, thường tồn tại trong mỗi con người mà Phật gọi là Phật tính. Do chúng ta quên đi cái Đạo, cái Tâm trong sáng sẵn có, cứ mãi chạy theo vật ngoài thân nên luôn thấy cuộc đời là bể khổ. Để thấy Đạo và Tâm, chúng ta cần học cách buông bỏ như Ông Lý Tiểu Long từng chia sẻ: “Mục tiêu của các kế hoạch và việc làm của tôi là tìm ra ý nghĩa thực sự của cuộc sống - sự bình yên trong tâm hồn. Để đạt được sự bình yên này, tôi đã học tập buông bỏ theo triết lý của Đạo giáo và Thiền”. Đó cũng chính là cách mà tôi thực hành Đạo học để đương đầu và vượt qua nghịch cảnh, trở lại với cái Tâm trong sáng và đạt được bình yên trong tâm hồn. Từ thấp tới cao, tôi đã học cách buông bỏ lòng tham, sau đó buông bỏ những suy nghĩ miên man không cần thiết để sống cho phút giây hiện tại.
"Mục tiêu của các kế hoạch và việc làm của tôi là tìm ra ý nghĩa thực sự của cuộc sống - sự bình yên trong tâm hồn. Để đạt được sự bình yên này, tôi đã học tập buông bỏ theo triết lý của Đạo giáo và Thiền" --- Lý Tiểu Long ---
Thứ nhất, tôi chọn học cách buông bỏ lòng tham vì chính nó đã tạo ra những khó khăn trong suy nghĩ của con người. Tại sao thời Thượng cổ, tổ tiên lại sống hồn nhiên vui vẻ qua ngày tháng? Vì lúc đó công cụ còn thô sơ, nghề chính nuôi sống con người là trồng lúa nước, cuộc sống không có gì khác hơn để mong cầu. Xã hội dần dần tiến bộ, tư duy con người cũng theo đó phát triển đến mức cao hơn, bắt đầu có phân biệt tốt - xấu dẫn đến nhu cầu cuộc sống ngày càng tăng; rồi bỏ công, gắng sức để thỏa mãn các nhu cầu đó. Khi họ không đạt được thì cho là cuộc sống khó khăn, khi đạt được rồi lại nâng nhu cầu lên một bậc, rồi lại tiếp tục vòng tuần hoàn đó, vô tình nuôi dưỡng lòng tham ngày càng lớn mạnh.
Để buông bỏ lòng tham, tôi đã thực hành lối sống tối giản, bắt nguồn từ lời dạy Muốn ít và Biết đủ (Thiểu dục và Tri túc) của Đức Phật. Trong Khế kinh có nói: “Người biết đủ, dù nằm trên đất cát vẫn an lạc, trái lại, người không biết đủ, dù ở cung trời cũng không vừa ý”. Đất cát và cung trời là vật chất, người muốn ít và biết đủ, chỉ cần có chỗ ngã lưng thì dù lót lưng bằng đất cát cũng đủ đạt sự bình yên trong tâm hồn; người không biết đủ thì dù nằm ở cung trời có đầy đủ tiện nghi cũng không thỏa mãn được lòng ham muốn mà luôn muốn đạt được cái tốt hơn. Trong cuộc sống hiện tại, để giảm nhẹ gánh nặng cho tinh thần, tôi tập buông bỏ lòng tham về những vật dụng không cần thiết, không còn chỉ vì thích mà phải mua vật đó cho kỳ được, không vì chỉ muốn hơn bạn bè mà mua những món đồ đắt giá dù không thật sự cần thiết…hoặc muốn trở thành người thông thái mà mua thật nhiều sách ở các lĩnh vực khác nhau, trong khi thực sự khả năng của mình không thể kham nổi, lúc đó chỉ cần nhớ đến câu “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.
"Người biết đủ, dù nằm trên đất cát vẫn an lạc, trái lại, người không biết đủ, dù ở cung trời cũng không vừa ý" --- Khế kinh ---
Đoạn trên đã nói về cách đối trị lòng tham mà tôi đã thực hành, nhưng đó chỉ là cách tạm thời giúp cho tâm trí được bình an vì nó vẫn nương vào ngoại vật để buông bỏ. Để đạt được cảnh giới bình yên tuyệt đối, theo tôi cần thực tập buông bỏ những suy nghĩ lăng xăng, lộn xộn luôn hiện hữu trong tâm trí, đây cũng là bài thực tập thứ hai của tôi. Để đạt bình yên tuyệt đối là thì phải biết sống trong hiện tại, tỉnh thức trong bản Tâm trong sáng. Phật là bậc giác ngộ, Ngài đã diệt trừ tất cả suy nghĩ lăng xăng trong đầu và Ngài nói rằng: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”, có nghĩa là mỗi người đều là Phật, chỉ do Tâm bị mờ nên chưa sáng suốt. Ví như một tấm gương khi không bị che đậy bởi lớp vải hay bụi bám nhện giăng thì là một tấm gương sáng; thế giới trong gương không có gì cả, chỉ có bóng của vật bên ngoài phản chiếu, khi đem vật đi khỏi gương thì bóng vật cũng theo đó mà đi. Tâm chính là tấm gương sáng, mọi vật trên đời bao gồm cả vật chất lẫn tinh thần (suy nghĩ) đều là vật để ngoài gương. Bài thực tập thứ hai này chính là hãy làm cho Tâm trong sáng như gương, phản chiếu tất cả vật nhưng không vướng bất cứ vật gì.
Tâm trí của con người theo lời Đức Phật dạy thì như ngựa chạy, vượn chuyền nên rất khó nắm bắt để buông bỏ. Thử nhớ lại khi chúng ta không làm gì thì đầu óc chúng ta có ngừng suy nghĩ hay không? Chính xác là không, ngược lại còn đầy ấp những suy nghĩ, hình ảnh và câu chuyện hiện ra hết lớp này đến lớp khác. Đây đúng là một bài thực tập khó nên tôi đã tìm hiểu và triển khai thành ba bước để thực hiện. Bước thứ nhất, tôi thực hành câu nói trong Kinh Dịch: “Họa là chỗ ẩn của phúc, phúc là chỗ núp của họa” để đương đầu nghịch cảnh. Tìm được niềm vui trong nghịch cảnh sẽ giúp chúng ta bớt đau buồn, bớt suy nghĩ tiêu cực và tự tạo được nguồn năng lượng tích cực. Trong đời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, hầu hết người dân phải thực hiện giãn cách xã hội, ở tại nhà, đây chính là cái "họa" mà chúng ta cần phải đối mặt. Từ trong nghịch cảnh này, đối với những người sống một mình như tôi có thể tận dụng thời gian này để phát triển bản thân, nhất là học hỏi những gì thuộc về sở thích để nâng cao kiến thức, nâng cao tay nghề để có một tương lai tươi sáng hơn. Đối với thương nhân phải lo cho gia đình lại gặp khó khăn kinh tế này, thì đây chính là cơ hội để bỏ lại sau lưng những tính toán lời lỗ hằng ngày, thay vào đó là những giây phút vun đắp tình cảm gia đình để hiểu nhau hơn. Ngoài những việc làm nêu trên, chúng ta có thể dùng thời gian giãn cách này để rèn luyện tinh thần theo các bước tôi mà tôi đã thực tập sau đây. Bước thứ hai, tôi học theo lời của Ông Lý Tiểu Long: “Thay đổi theo những thay đổi chính là trạng thái không thay đổi”, nghe có vẻ khó hiểu, nhưng trong một câu nói khác, Ông đã giải thích rõ hơn rằng: “Cuộc sống luôn biến động và thay đổi, bạn phải nương theo sự biến động đó như hình với bóng. Lo lắng và sợ hãi khi cuộc sống thay đổi sẽ làm cho bạn mất đi hy vọng và tất nhiên sẽ không bao giờ có được hạnh phúc thật sự. Hãy nương theo sự biến động của cuộc đời để rồi bạn sẽ nhận ra có những thứ quan trọng hơn là lo lắng về những chuyện chưa hề xảy ra”. Hành động “thay đổi” mà Ông Lý Tiểu Long nhắc đến đó chính là thay đổi trong suy nghĩ, trong cách chúng ta đón nhận những thay đổi trong cuộc sống; đó cũng chính là cách tấm gương hay Tâm phản chiếu mọi vật, vật đến thì vui vẻ tiếp nhận, vật đi thì Tâm không níu giữ, không níu giữ thì tâm hồn được bình an. Nhà Phật cho những thay đổi đó chính là tập nghiệp mà chúng ta phải tiếp nhận. Nghiệp đến do duyên, hết duyên sẽ đi; nghiệp là khách, chúng ta là chủ, chúng ta có quyền chọn cách tiếp đãi khách, quan trọng nhất là đừng để khách trở thành chủ mà sai khiến chúng ta. Bước cuối cùng, tôi tập sống trong giây phút hiện tại, cũng chính là bước thực tập Thiền. Thiền không chỉ có Ngồi mà có cả trong Đi, Đứng và Nằm; do đó, tôi đã thực tập Thiền mọi lúc mọi nơi bằng cách chỉ tập trung vào những việc đang làm dù là nhỏ nhặt nhất. Ví dụ khi ăn cơm chỉ nghĩ biết đang ăn cơm, đang đọc sách chỉ nghĩ biết đang đọc sách…mà không hề nghĩ tới những câu chuyện ngoài việc đang làm. Qua đó, những suy nghĩ miên man về quá khứ đã qua (tạo ra nghịch cảnh), tương lai sắp đến (tạo ra sợ hãi) sẽ lặng dừng và biến mất khỏi Tâm ta, tâm hồn lại được bình yên trở lại.
"Thay đổi theo những thay đổi chính là trạng thái không thay đổi" --- Lý Tiểu Long ---
Đạo học Đông phương bao trùm khắp vũ trụ, trong đó hệ thống tư tưởng của Đạo giáo (chủ yếu là Lão giáo) và Phật giáo là quan trọng hơn cả. Hai hệ thống tư tưởng này thuộc về tư tưởng giải thoát, giải thoát con người khỏi những suy nghĩ miên man, tiêu cực làm ảnh hưởng đến cuộc sống tâm hồn vốn dĩ rất bình yên (Phật tính hay Tâm thức). Tôi nhận thấy việc tìm hiểu, học hỏi và ứng dụng Đạo học Đông phương thực sự đem lại lợi ích không chỉ trong đời sống tâm hồn mà còn cho đời sống vật chất của con người. Con người ngày nay đang cảm thấy cuộc sống đầy rẫy khó khăn, trong đó có những khó khăn về cá nhân như công việc, gia đình…do sự mất cân bằng giữa sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học kỹ thuật (vật chất) và sự phát triển chậm chạp của tinh thần; hoặc đó là những khó khăn chung của xã hội như khủng hoảng tài chính, đại dịch toàn cầu COVID-19 đang hoành hành hiện nay…Mỗi người chúng ta hãy thay đổi tư duy, tập sống lối sống muốn ít và biết đủ để quân bình hai món vật chất và tinh thần; và thực tập Thiền, sống trong giây phút hiện tại để tự giải phóng những lo âu, phiền muộn ra khỏi tâm trí, đạt tới cảnh giới giải thoát và bình yên trong tâm hồn.
Sự kiện Spiderum
/su-kien-spiderum
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất