Một thời , Thế Tôn ở Sàvatthi, tại Jetavana, vườn ông Anathapindika. Tại chỗ ấy Thế Tôn gọi các Tỷ kheo.
Này các Tỷ Kheo, hãy là những người thừa tự pháp của Ta, đừng là người thừa tự tài vật. Ta có lòng thương tưởng các người và nghĩ :
 “Làm sao những đệ tử của Ta người thừa tự pháp của Ta, không phải là thừa tự tài vật ”. 
Và này các Tỷ kheo, nếu các người là những người thừa tự tài vật của, không phải là những người thừa tự pháp thì không những các người mà cả Ta cũng trở thành người mà người ta nói: “ Cả thầy và trò đều là người thừa tự tài vật , không phải là những người thừa tự pháp".
 Và này các Tỷ kheo , nếu các người là những người thừa tự pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật  thì không những các người mà cả Ta cũng trở thành người mà người ta nói: “ Cả thầy và trò đều là những người thừa tự pháp, không phải là những người thừa tự tài vật”.
 Do vậy , này các Tỷ kheo , hãy là những người thừa tự pháp của Ta, đừng là người thừa tự tài vật . 
( ĐTKVN , Trung Bộ 1 , kinh Thừa tự pháp [ lược , VNCPHVN ấn hành , 1992 , tr . 31 )

 LỜI BÀN: 
Trong tất cả chúng ta, bất kỳ ai dẫu có kế thừa vật chất hay không thì cũng được thừa kế một gia tài huyết thống và tinh thần từ cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Chính điều này đã góp phần trọng tác thành nên thể chất và tâm hồn, tạo ra đặc thu cá nhân đồng thời phản ánh rõ ràng nghiệp lực của người  ấy.
Tuy nhiên, không nhiều người để ý đến phương diện này, đa phần họ tâm đến thừa kế tài sản, nhà cửa, đất đai ( nếu có ) và đó cũng là nguyên nhân tạo ra đổ vỡ , xung đột , bất hòa trong mỗi gia đình
Đối với người tu cũng vậy, kế thừa gia tài chánh pháp của Phật và Thầy tổ để ứng dụng tu tập, hoằng truyền giáo pháp là việc cần làm.
Song  thực tế thì điều này chưa được quán triệt trong nhận thức của một số người và kết quả tranh chấp , xung đột , chia rẽ xảy ra trong huynh đệ, trụ xứ và Tăng đoàn là điều không tránh khỏi.
Thời Thế Tôn, Ngài và chúng Tăng sống đời khất thực ba y một bát, du hành từ nơi này đến nơi khác, khi mọi người gần như vô sản mà Ngài đã lưu tâm, cảnh báo đến việc thừa kế vật chất chứng tỏ tâm tham ái của chúng sanh lớn đến mức nào !
 Ngày nay, đời sống xã hội ngày càng phát triển, sung túc hơn dĩ nhiên đời sống của người tu cũng được nâng cao và ổn định hơn . Tuy nhiên , sự phát triển về vật chất chỉ mới là điều kiện cần nhưng chưa thực sự đủ cho việc tịnh hóa thân tâm, thậm chí đôi khi nó còn mang đến hiệu ứng ngược lại. Do đó, phải thành tựu Chánh kiến để thừa kế gia tài Pháp bảo của Như Lai , không thừa kế bất cứ cái gì ngoài Chánh pháp. Trong bối cảnh tu học hiện nay, thừa tự Pháp là điều mà hàng hậu học cần suy gẫm, quan sát thật sâu sắc nhằm thực hành lời Phật dạy để thăng hoa và giải thoát.
Nguồn Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikaya