Ấy là vào một buổi chiều mùa thu, ngồi rảnh rang trên thư viện, tôi lấy đại một cuốn sách để đọc. Lật giở trang truyện Jane Eyre của Challote Bronte, ngay lập tức, tôi bị cuốn theo cuốn truyện từ trang này đến trang khác. Có lẽ bởi sự hấp dẫn trong cách kể chuyện, cách xây dựng nhân vật hay có thể là có một sợi dây nào đó kết nối giữa bản thân tôi và nhân vật trong truyện.

Jane Eyre bắt đầu bằng hình ảnh một cô bé có nội tâm đẹp, nhanh nhẹn, thông minh nhưng lại cô đơn giữa một thế giới rộng lớn. Jane là một cô bé có cá tính, mồ côi cha mẹ và phải sống ở nhà dì dượng Reed. Kể từ khi phải sống ở đó, Jane luôn bị đối xử như một đứa trẻ osin, thậm chí đôi lúc, họ còn coi cô như một trò tiêu khiển. Cuộc sống của Jane dường như gắn liền với những góc nhà, tấm rèm che cửa sổ quen thuộc. Trong gia đình ấy, cô sống cô độc, không sách, không được chơi đùa, lúc nào cũng có thể bị đánh đập, chửi rủa. Sống với tư cách là đứa trẻ ở nhờ, Jane đã từng cam chịu những sự hành hạ ấy. Nhưng buổi chiều hôm đó, trong lúc đang say sưa đắm mình trong thế giới của cuốn sách của Bewich thì đó cũng là lúc mọi thứ trong Jane thay đổi. hình ảnh cô bé thu mình lại một góc trốn dưới rèm cửa, ngấu nghiến đọc những trang sách mà đối với cô nó thật kì diệu dễ khiến cho người ta nhớ lại một thời con nít, hứng thú với một thế giới rộng lơn đầy màu sắc. Đối với một đứa trẻ ít được tiếp xúc với thế giới bên ngoài, những trang sách như mở cho cô một thế giới mới, ở đó, cô được tự do tưởng tượng những hình ảnh đẹp mê hồn. Cuốn sách đó như một nguồn sống, một nguồn khích lệ lớn để Jane dũng cảm đưa ra những “tuyên ngôn độc lập” cho bản thân. Khi bị giật mất cuốn sách và bị những đứa trẻ tự xưng là chủ nhà hành hạ, cô không hề e sợ mà thốt lên rằng chúng là đồ độc ác, giống tên cai nô, giống một tên La Mã hung bạo. Sau đó, đến chính cô cũng không hiểu nổi tại sao lúc đó cô lại có thể đáp lại bằng những lời như vậy, rồi sợ sệt khi phải nhận lại những hình phạt từ phía dì Reed.

Gia đình nhà Reed luôn bắt Jane sống tách biệt, không cho Jane chơi với những đứa con của mình. Tôi bị ấn tượng với câu hỏi ngây thơ của Jane và lời đáp lại chua chát của Bessie. Họ cho rằng những đứa trẻ thì không được phép cãi lại, không được đặt câu hỏi tại sao, nếu không đều sẽ là những đứa trẻ hư. Những suy nghĩ định kiến ấy cũng khiến tôi nhớ về những định kiến của xã hội Việt Nam chục năm về trước, và có thể bây giờ vẫn đang tồn tại nơi làng quê. Quan điểm “ngoan” là bảo gì nghe nấy, không hỏi lại tại sao, không được phép cãi lại, và dù không thích thì cũng phải nín nhịn làm theo. Tuổi thơ của tôi cũng đã phải chịu đựng những lễ giáo, những khuôn phép không hiểu từ đâu áp đặt lên mình. Có lẽ đó là sự kết nối đặc biệt đầu tiên của tôi khi đọc về tuổi thơ của Jane. Tôi cảm nhận được sự bí bách muốn vẫy vùng, muốn đập phá, muốn phủ nhận và xóa bỏ hết mọi sự vô lí đó! Tôi cảm nhận được một tâm hồn mạnh mẽ bị trói buộc và đè nặng bởi những áp đặt vô hình! Đó là sự bức bối, khó chịu, muốn đập tan, vùng vẫy và bỏ chạy… nhưng trong tay lại không hề có gì! Và kết quả là lại phải chịu những hình phạt, những trận đòn roi … Những hình phạt, một cách nào đó đã làm những đứa trẻ con sợ sệt và có thể sẽ ko dám làm như vậy một lần nữa. Nhưng với cô bé Jane Eyre, tôi vẫn nhìn ra ngọn lửa trong cô vẫn chưa tàn, chỉ là tạm lắng xuống!

Một thời gian sau, gia đình Reed muốn tống khứ Jane đến trường Lowood để học bởi họ không muốn có sự xuất hiện của cô trong căn nhà của họ nữa. Trong sự kích động, Jane đã dũng cảm mắng thẳng vào mặt bà dì Reed. “Làm sao tôi dám ư bà Reed? Bởi vì đó là sự thật!”“Người ta cứ tưởng bà là người phụ nữ tốt, nhưng thật ra bà xấu xa, bà là một người không có trái tim. Bà mới là người nói dối!”

Tinh thần và dũng khí của Jane tỷ lệ nghịch với thân hình bé nhỏ của cô gái. Cô là một người có chính kiến của mình, cho dù tất cả mọi người xung quanh cho rằng cô hư và nói dối, cô vẫn tin vào bản thân của mình, dám vạch trần bộ mặt thực sự của những kẻ đạo đức giả. Chính những lời nói này của Jane đúng đến mức nó khiến cho bà Reed hoảng sợ, khuôn mặt méo mó như thể sắp bật khóc. Khi nói ra được những gì mình cất giấu bấy lâu, Jane cảm thấy tự do, cảm giác như những sợi gông xiềng xích bấy lâu đã bị phá tung.

 Nói về trường Lowood, dù có khắc khổ về vật chất cũng thoải mái hơn nhiều so với sợi dây xích về tinh thần mà nhà Reeds tạo cho cô. Ở Lowood cũng tồn tại những thế lực cưỡng ép học sinh làm theo mọi quy củ, nhưng ở đây cũng cho cô những người bạn và người thầy, giúp cô trưởng thành hơn và thay đổi. Jane được truyền cảm hứng bởi cô Temple và người bạn thân của mình Burn. Cô Temple là một giáo viên tốt và có tâm, cô đối xử rất ân cần với học sinh của mình. Cô cũng là một người chính trực và không sợ cường quyền, luôn hết lòng để bảo vệ học sinh của mình. Có lẽ chính vì lẽ đó, chính Jane cảm nhận được một nguồn động lực lớn để học tập, để không phụ vào sự tin tưởng của cô. Sự tin tưởng, đôi khi tưởng không là gì, nhưng với một ai đó đấy là cả một gia tài, cả một nguồn sáng cho họ cố gắng với tới. Những tháng ngày sau, Jane luôn là một học sinh xuất sắc. Cô trở thành một người phụ nữ mạnh mẽ, khéo léo, có bản lĩnh và trí tuệ. Sự hoang dại ngày bé giờ đây đã được rèn luyện để trở nên sắc sảo hơn, dạn dĩ hơn.

Theo gương cô Temple, sau khi rời Lowood, Jane đến làm gia sư ở lâu đài Thornfield. Tại đây, cô đã phải lòng chủ lâu đài - ông Rochester. Ông Rochester cũng bị ấn tượng sâu sắc với Jane bởi sự thông minh, khéo léo của cô chứ không vì ngoại hình xinh đẹp. Còn đối với Jane, ông chủ lâu đài như cả một thế giới mới mà cô chưa được thấy bao giờ. Đó là thế giới của những điều thú vị, nhưng cũng nhiều nỗi đau. Tuy nhiên lúc đầu, cả hai người lại chưa ai mở lòng đón nhận người kia vì một vài cách trở. Ông Rochester cũng gặp nỗi đau trong quá khứ, và có lẽ chưa đủ tin tưởng để sẵn sàng đón nhận một mối quan hệ mới. Jane lại vẫn thấy tự ti vì thân phận của mình. Rào cản xã hội và một số trải nghiệm không mấy vui vẻ gì trong quá khứ đã ngăn cản hai trái tim đến với nhau. Có lẽ ông Rochester sợ rằng mình sẽ lại bị phản bội một lần nữa, còn Jane cũng sợ rằng mình không hề xứng đáng với một người cao quý như ông. Mối quan hệ của họ cứ bị chủ đích kìm lại, nhưng nó vẫn cứ đang lớn lên ngày một nhiều. Mọi vấn đề được giải quyết khi chính ông Rochester là người chủ động giả dạng người đàn bà Digan và thú nhận tình cảm của mình. Lúc bấy giờ, cả hai có lẽ đã thấy mình là người may mắn và hạnh phúc nhất thế gian, sau khi trải qua được những rào cản về tâm lý. Hai người đã định tiến tới hôn nhân nhưng Jane phát hiện ra người vợ điên của ông Rochester. Mọi thứ xung quanh cô dường như sập đổ, hôn lễ cũng sập đổ và lâu đài Thornfield dường như không còn là nơi cô coi là nhà nữa. Cô đau đớn và bàng hoàng chạy trốn khỏi sự thật, chạy trốn khỏi Thornfield. Có lẽ người ta càng hạnh phúc với những gì mình đang có, người ta càng đau khi mọi thứ bỗng nhiên sụp đổ ngay trong ngày cưới của mình. Nỗi đau làm người ta trở nên mạnh mẽ, dù không có gì trong tay, Jane vẫn quyết định ra đi. Cô đơn và lang thang trên đường cũng không sánh bằng nỗi trống vắng trong tim can cô.

Sau đó Jane được người anh họ của mình giúp đỡ và may mắn Jane nhận được số tiền kế thừa, cô trở nên giàu có. Người anh này của Jane là một người mộ đạo, và cho rằng cuộc đời của Jane có sứ mệnh trở thành vợ và thành bạn đồng hành của ông ta trong cuộc đời cứu thế. Tuy nhiên, Jane của chúng ta vẫn vô cùng tỉnh táo. Cô biết cô muốn gì, tim mình đang hướng về ai. Cô đã từ chối lời cầu hôn của người anh họ mà chạy về Thornfield sau khi có một dự cảm không lành về ông Rochester.

Trở về Thornfield, mọi thứ hoang tàn, cô không thấy bóng dáng của người mình yêu đâu cả. Trái tim cô thắt lại! Sau khi hỏi được thông tin, cô mới biết Rochester vẫn còn sống và đang ở tại lâu đài Yorkshine. Cô vội vã quay trở lại, và cho dù ông Rochester đã tàn phế, nhưng 2 người vẫn đến với nhau và sống hạnh phúc với nhau. Lúc này, mọi rào cản cũng không thể ngăn cản được tình yêu của 2 người, họ đã có một cái kết hạnh phúc viên mãn và ngọt ngào!

Cuốn tiểu thuyết Jane Eyre được coi như cuốn nhật ký của tác giả Challote Bronte bởi sự trùng hợp trong cuôc đời và số phận của bà. Challote không có được hạnh phúc trong tình yêu nhưng bà đã gửi trọn hạnh phúc của mình vào cuốn tiểu thuyết, vào nhân vật của mình và mong muốn nhân vật của mình sẽ có một cái kết viên mãn. Đọc Jane Eyre có lẽ không chỉ ấn tượng về nhân vật trong tác phẩm, cuộc đời và số phận của Challote cũng là điều khiến tôi luôn suy nghĩ và nhớ về… 

Đọc thêm: