I'm a Toxic man.
/bài viết này đến từ một người vẫn còn lỡ dở giữa độ tuổi 20, cái tuổi bẻ gãy sừng trâu, coi trời bằng vun, ảo tưởng sức mạnh,... vâng...
/bài viết này đến từ một người vẫn còn lỡ dở giữa độ tuổi 20, cái tuổi bẻ gãy sừng trâu, coi trời bằng vun, ảo tưởng sức mạnh,... vâng vâng mây mây/
Tính ra cũng đã khá lâu kể từ lần cuối mình post bài trên Spiderum. Bản thân vốn là một người sống nội tâm và rất sợ bị phát xét, thế nên những bài viết trước giờ chủ yếu mình chỉ dám đăng trên chuyên mục ‘chia sẻ - tâm sự’, đơn giản vì đã là chia sẻ và tâm sự thì không có đúng – sai, chỉ có lắng nghe hay không mà thôi. Tuy nhiên viết có một mục quài cũng chán nên mình đã muốn thử thách bản thân nhiều hơn một tí, và lần vừa rồi mình đã chơi liều đánh vào chuyên mục ‘kỹ năng’, viết về một nội dung mà chính bản thân mình đã từng thắc mắc và trăn trở rất nhiều. Khi đặt tay ấn nút publish cho bài viết, mình thực sự tin rằng những điều mình chia sẻ phần nào có thể giúp ích được cho các bạn đang học tập và làm việc trong ngành thiết kế đồ họa. Nếu có hứng thú, bạn có thể xem qua bài viết đó ở đây:
Câu chuyện là sau khi bài viết đăng tải được một thời gian, mình đã nhận được rất rất nhiều phản hồi, có cả cùng chiều lẫn trái chiều. Quả thật thì cho tới giờ, đó vẫn là một trải nghiệm khó quên đối với một đứa sống ẩn dật, số lượng tương tác lúc nào cũng chỉ đủ đếm trên đầu ngón tay như mình. Có những chuyện rất vui nhưng cũng có những chuyện nó gây ức chế vãi l**, và mục đích của bài viết này là để kể về trải nghiệm đó, những bài học mà bản thân mình đã rút ra sau khi trải qua đợt bão MXH vừa rồi, rất mong câu chuyện này có thể tìm được đến những người cùng chung cảnh ngộ và phần nào giúp ích được cho bạn trên con đường phát triển phía trước.
Bài học số 1: Living on the edge.
Trong MV Awaken của Liên Minh Huyền Thoại có một câu hát mà mình luôn rất thích:
As you stand upon the edge
Woven by a single thread
And fate may fall down upon to you
Woven by a single thread
And fate may fall down upon to you
Có thể tạm hiểu là: "ngay khi bạn đặt bản thân ở rìa của vực thẳm, nơi chỉ có một cọng chỉ mong manh làm điểm tựa, số phận sẽ đến và tán vào mặt bạn sml".
Chắc mọi người ai cũng từng xem qua những bộ phim với mô típ quen thuộc về kiểu nhân vật anh hùng – hero with a thousand faces – nơi mà nhân vật đang sống một cuộc đời bình thường, bỗng nhưng một sự thách thức ập đến, họ chấp nhận nó, vượt qua nó để rồi trở thành một con người mới kiên cường và mạnh mẽ hơn.
Có lẽ sẽ chẳng có câu chuyện nào được kể nếu nhân vật từ chối cái thử thách định mệnh ngay từ lúc bắt đầu. Nhưng đương nhiên là không, vì họ là nhân vật chính, họ khát khao một điều gì đó to lớn hơn, họ sẵn sàng hy sinh sự ổn định để bước vào một câu chuyện của những trải nghiệm hoàn toàn mới, bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân để đương đầu với khó khăn, không ngừng học hỏi và trao dồi những điều còn thiếu sót. Họ đã chọn living on the edge để phát triển bản thân thành một con người mới – một người anh hùng – trong bản trường ca của những câu chuyện kể về những người anh hùng.
Khi xem trong phim thấy mọi việc càng phức tạp và hấp dẫn bao nhiêu thì ở ngoài đời những điều đó lại đơn giản và nhàm chán bấy nhiêu. Nếu xem mỗi người như một vị anh hùng thì sự thách thức ập đến để thay đổi chúng ta là gì? Có phải một ông phù thủy nào đó tự dưng xuất hiện và giao cho bạn sứ mệnh phá hủy chiếc nhẫn thần – The lord of the Ring, hay bỗng một ngày phát hiện ra bản thân có tiềm năng phép thuật, được gửi đến học viện phù thủy để rồi cuối cùng phải đánh tay đôi với kẻ mà ai-cũng-biết-là-ai đấy – Harry Potter.
Mình cũng rất mong những câu chuyện ly kỳ như vậy đến với bản thân, nhưng nếu mỗi ngày cứ ngồi đó trông chờ những điều hư cấu ấy thì chắc sớm muộn gì trong viện tâm thần cũng có một chỗ dành riêng cho mình. Mình nghĩ thử thách của cuộc sống này nó đến từ những điều gần gũi đơn giản hơn rất nhiều, đã bao lần bạn bỏ qua cơ hội rủ người con gái mình thích đi chơi, bao lần bạn từ chối tham gia một cuộc thi nào đó, từ chối một lần lên thuyết trình, từ chối tham gia một buổi diễn văn nghệ của lớp,... để rồi một ngày nhìn lại bản thân chẳng có ngoài sự trống rỗng. Những thử thách lớn hiếm khi ập đến một cách bất ngờ, mình cảm thấy may mắn vì nó xảy ra một cách nhỏ lẻ, từ những điều tưởng chừng như đơn giản và nhàm chán, nhưng nó sẽ tạo nó chúng ta một sự chuẩn bị, tạo nên những bậc thang để tiến đến những điều lớn lao hơn.
Ban đầu mình nghĩ bài viết trước nên đăng ở mục 'chia sẻ - tâm sự' thay vì 'kỹ năng' để tránh nhận nhiều lời phán xét, gạch đá từ cộng đồng, nhưng nếu vậy thì có lẽ hôm nay mình đã không có những trải nghiệm đắng cay ngọt bùi, không có một cơn bão MXH những ngày sau đó và cũng sẽ không thể có đủ cảm hứng để viết nên bài này. Đến giờ nghĩ lại thấy quyết định chơi liều của bản thân vẫn quả là một điều đúng đắn.
Living on the edge, hãy sống ở những giới hạn, hãy đặt mình ra khỏi vòng an toàn, dù kết quả của nó là tốt hay xấu, có thành công hay thất bại, ít ra đến lúc cuối cùng khi nhìn lại, vẫn có một câu chuyện đã được viết nên.
Bài học số 2: Don't try to change anybody.
Vẫn là một trải nghiệm nhờ bài viết trước, nếu đã từng sống ẩn và một hôm bỗng nhận được một loạt nhiều tương tác thì có lẽ bạn sẽ hiểu cảm giác của mình. Khi đó, mỗi tương tác, mỗi comment hay mỗi cái like đều rất quan trọng, nó là sự hưởng ứng, phản hồi của cộng đồng đến với giá trị nội dung được chia sẻ, tuy nhiên nguy hiểm hơn thì mình từng cảm thấy đó còn là thước đo về giá trị của riêng bản thân mình.
Cụ thể hơn là trong những bình luận dành cho bài viết, bên cạnh những lời cảm ơn thì song song với đó vẫn có một số bình luận mang tính trái chiều, mình để ý là trong số đó có những bình luận mà bản thân cảm thấy rất trân trọng để sửa đổi và làm theo, nhưng một số thì không và đôi khi mình còn dễ cảm thấy ác cảm đối với người viết nên bình luận đó nữa.
“Bạn không được làm cái này, không được dùng từ nọ, bạn còn non quá, tôi thấy bạn nên viết thế này, nên sửa đổi như thế kia,...” đó là những bình luận mình cảm thấy khi đọc xong như bị tạt cả gáo nước lạnh vào mặt vậy. Đương nhiên ngay sau đó mình đã từng cố gắng giải thích cho họ rất nhiều, suy nghĩ rồi viết dài lê la để nói vì sao mình lại làm như vậy, để mong họ có thể hiểu mình, để mong mình có thể thay đổi quan điểm của họ. Kết quả là càng ra sức giải thích, thuyết phục thì mọi sự cố gắng càng phản tác dụng, để rồi sau cùng thì chỉ còn lại cái cảm giác bản thân là một kẻ thiếu hiểu biết mà cứ cố gắng tỏ vẻ ta đây khoác lác, còn họ sẽ là những người giàu kinh nghiệm đang chỉ bảo cho một thằng nhóc tì miệng còn hôi sữa.
Tự hỏi đã có bao giờ bản thân mình nhận xét những lời như vậy chưa nhỉ? Dạo gần đây được dịp nói chuyện với mấy đứa trẻ trong xóm, nhận thấy một điều là các em có những suy nghĩ rất ngây thơ, rất non dại, kiểu như “em thích bạn kia và sau này nhất định em sẽ cưới bạn đó”, “em coi phim thấy ông kia từ nước ngoài về làm giám đốc các kiểu, nên sau này em cũng muốn ra nước ngoài học”,.... Những việc đó mình không phủ nhận rằng các em hoàn toàn có thể thực hiện được nếu có đủ sự bền bỉ và theo đuổi đến cùng, nhưng chẳng hiểu sao cảm giác của bản thân khi nghe những câu chuyện đó chỉ muốn nói rằng “anh nghĩ em không nên mơ cao quá, hãy sống ở hiện tại thôi, cuộc sống này còn nhiều điều khó khăn lắm...”. Chợt nhận ra có lẽ đây là cảm giác của những người mà mình đã nhắc đến ở phía trên, có lẽ họ muốn tốt cho mình nên mới cố gắng thuyết phục mình thay đổi?
Nhưng liệu có hiệu quả không? Mình nghĩ là không vì ai cũng có một cái “tôi” của riêng mình, đó là sự niềm tự tôn, tự hào và đôi khi còn là sự tự cao. Chính cái ‘tôi’ sẽ là tấm khiên bảo vệ chúng ta trước những cám dỗ của cuộc đời nhưng cũng đồng thời là tấm màng chắn ngăn chúng ta học hỏi thêm về những điều đúng đắn.
Thế nếu mình thực sự muốn giúp một người phát triển thì phải làm sao? Thay vì cố gắng thay đổi họ, hãy kể câu chuyện của bản thân, đừng cố gắng dạy bảo mà thay vào đó hãy tìm cách để chia sẻ, để họ tự cảm nhận được giá trị mà mình muốn truyền đạt thông qua câu chuyện đó. Có thể họ hiểu đúng với những gì mình mong đợi, có thể không, nhưng dẫu sao thì mỗi cá nhân vẫn sẽ là người phải tiếp tục cố gắng cho cuộc đời của riêng mình.
Don't try to change anybody,
Try to share with them your story.
Try to share with them your story.
Bài học số 3: Detachment and Filter.
Đã bao giờ bỏ thời gian ra để ý đến từng cái like, từng cái share, trả lời mọi comment về bài viết của bản thân trên MXH? Đã bao giờ bạn cảm thấy thật vui nếu nội dung của mình được nhiều người yêu thích, nhưng ngược lại cũng sẽ rất buồn nếu phải nhận về những ý kiến mang tính trái chiều.
Mình có lẽ là một người như vậy, mình lúc nào cũng mong được mọi người yêu quý, mình để ý mọi tương tác của cộng đồng đến với nội dung bản thân chia sẻ, nguy hiểm hơn đôi khi mình còn nghĩ rằng những phán xét của người khác về nội dung còn là phán xét về giá trị của bản thân mình.
Và quả thực đó là một khoảng thời gian rất chật vật khi mình nhận được những phản hồi trái chiều, mình đã phải suy nghĩ rất nhiều liệu bản thân có nên tiếp tục, mình muốn chia sẻ những điều mình biết, nhưng chẳng may nó sai thì sao? Liệu mình có đủ tính táo, đủ khách quan để nhận về những lời góp ý, phân biệt đâu là đúng là sai để sửa đổi và làm theo hay không? May mắn thay trong quá trình research, mình đã tìm được một phương pháp rất hay để có thể giải quyết được vấn về đó gọi là Detachment and Filter.
Detachment — Tách biệt.
Có thể hiểu là khi bạn muốn chia sẻ một điều gì đó đến với cộng đồng, hãy làm nó thật tâm huyết, hãy dồn hết tình cảm dành cho nó, hãy xem nó như việc tạo nên ra một đứa con tinh thần.
Nhưng, ngay khi bạn ấn nút Enter để gửi gắm nội dung đó đến cộng đồng, hãy nhớ rằng nó không còn là việc mà bạn có thể quản lý nữa, nó sẽ là vấn đề của những người khác, là vấn đề của cộng đồng, đừng cố gắng để bảo vệ cho nó, vì những điều nhận về chỉ có đau thương mà thôi.
Filter — Sàng lọc.
Tuy nhiên nói như vậy không có những là bạn hoàn toàn bỏ rơi nó một cách vô trách nhiệm. Lâu lâu hãy dành thời gian để theo dõi, hãy đứng ngoài và nhìn cuộc tranh luận dưới tư cách là một người lạ. Mình nghĩ điều đó sẽ giúp bạn sàng lọc thông tin một cách khách quan hơn, học hỏi những điều cần thiết để có thể cải thiện thêm cho những bài viết sau này.
Đương nhiên mình vẫn sẽ vẫn phải là người chịu trách nhiệm cho những thông tin mà bản thân chia sẻ, thế nên mình luôn tránh viết về những vấn đề liên quan đến tôn giáo và chính trị,...hehe
Kết
Dưới đây là chia sẻ về những suy nghĩ của bản thân sau khi trải qua đợt bão MXH vừa rồi. Đây là một bài viết tản mạn chứ không có một hệ thống kiến thức nhất định nên chắc nên chắc để trong phần “chia sẻ - tâm sự” nhỉ?
Rất vui nếu bạn dành thời gian đọc đến những dòng này, và bên cạnh đó nếu bạn cũng có niềm yêu thích đối với công việc thiết kế, hãy kết nối với mình, biết đâu cùng nhau chúng ta có thể tiến xa hơn thì sao nhỉ?
Xin cảm ơn và thân chào,
Chaos!
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất