"Cuộc đời này không có cái thành công lớn hay nhỏ, mà chỉ có cái đem tới cảm xúc nhất thời hay giá trị hạnh phúc chân thật mà thôi." - Minh Niệm.

Cũng khá buồn cười khi một đứa thất nghiệp như mình lại đi viết bài về Thành Công. Dù nó là một con đường nhiều hàng ăn vặt, hay là một khái niệm mà không ai định nghĩa giống ai, thì mình cũng không có nhiều tư cách để nói về nó lắm :) Vì mình mù đường, và ừ, mình cũng chưa thành công (lắm).
Nhưng thực sự phải nói, sau khi viết bài "vạch áo cho người xem lưng" về khủng hoảng nhân dạng (Identity crisis) mà mình đang trải qua, mình đã nhận được khá nhiều chia sẻ thật lòng và hữu ích của các anh chị, các bạn bè và các em. Mình cảm ơn lắm lắm, vì mỗi người cho mình một góc nhìn, một bài học, hay tuyệt vời hơn, là sự đồng cảm. Mình không cô đơn, mọi người cũng không cô đơn. Cảm ơn, cảm ơn và cảm ơn.
(Nếu ai chưa đọc thì nghía qua nhé, comment của mọi người hay lắm: đây)
Lại dài dòng rồi, chốt lại là mình thấy, không chỉ mình mình, mà những người xung quanh cũng chịu áp lực của 2 chữ "Thành Công". Mình sợ hãi khi nhìn xung quanh, ai cũng có cuộc sống "thành công". Mình lo lắng khi thấy tuổi mình đã lớn, mà không biết bao giờ mới "thành công". Mình hoang mang trước ngã ba đường, vì không biết đường nào mới dẫn tới "thành công".
Ừ thì thành công là cái gì đấy? 
Sau khi đọc những trang viết về thành công trong cuốn "Hiểu về trái tim" của thầy Minh Niệm, mình thấy ... yên tâm hơn, vì thầy đưa ra một khái niệm rộng hơn, một cách nhìn rộng hơn về thành công. Bạn tham khảo nhé, biết đâu lại gỡ được bớt áp lực ngàn cân trong lòng bạn. Hoàn toàn bài viết là viết theo ý hiểu của CÁ NHÂN mình, suy nghĩ của CÁ NHÂN mình, không đại diện cho một cái gì cả nhé.

Thành công là gì?

Như thế nào thì bạn gọi là thành công? Chúng ta thường dùng từ "thành công" để miêu tả ai?
Cậu bạn làm việc trong Tập đoàn lớn và nhận lương $2000/tháng?
Cô bạn đi du học Thạc sỹ rồi kiếm được việc luôn ở nước ngoài?
Thằng em "con nhà người ta" sở hữu chuỗi homestay, cafe và mấy cái nhà và kém bạn 1 tuổi?
(Chết dở nghe giọng cà khịa thế nhở, mình không có ý gì đâu thật đấy :))
Mình cũng từng nghĩ thành công thường đại diện cho sự giàu có hoặc vị thế xã hội của một người nào đó. Ngắn gọn: ai nhiều tiền hoặc chức cao thì gọi là thành công =)) Hoặc là giàu, hoặc là được nhiều người trọng vọng, hoặc cả 2 :)
Nghĩ thế chả có gì sai (mà mình thấy nhiều người cũng nghĩ thế), nhưng nghĩ rộng hơn có được không?
Có thể, thành công chỉ đơn giản là xuất sắc về mặt nào đó, và khi nói ai đó "thành công" thì ta sẽ nói người đó "thành công" về mặt nào. Bởi vì, mấy ai thành công về tất cả mọi mặt? Nếu cuộc sống bao gồm sức khỏe, tình yêu (bao gồm cả tình yêu nam nữ và tình thân gia đình), công việc, đam mê... thì mấy ai đạt được mọi thứ? Hay được cái này thì mất hẳn cái kia?
Ừ, nếu nghĩ như thế, thì mình sẽ không nói là mình không thành công. Mình sẽ nói là mình không/chưa thành công về sự nghiệp (và thêm nữa: nhưng mình thành công về sức khỏe, gia đình và sự theo đuổi đam mê). Phew, cảm giác đỡ thất bại hơn hẳn :)

Bài học mình tự rút ra

Khi nghĩ rộng hơn, sâu hơn về thành công, mình rút được những bài học này cho mình:

- Áp lực từ bản thân: 

Mình có kiểu tự mình đặt nhiều áp lực lên mình, rồi tự mình sụp đổ vì những áp lực ấy. Nghỉ việc ư => Phải tìm được việc mới ngay. Tìm việc ư => Phải là công việc hoàn toàn ưng ý. Việc ưng ý ư => Phải lương cao, sếp giỏi, văn phòng đẹp. Cái mình sợ không phải là mình không thành công, mà mình không thành công NGAY, không thành công MỸ MÃN
Ừ thì muốn đi từ A đến B, có 2 cách. Cách 1 là chạy như điên đến B, bỏ hết mọi thứ, cắm đầu mà chạy. Nhanh, nhưng mệt mỏi, áp lực, cô đơn, và có thể thất vọng vô cùng khi không đến được B (vì ấm ức khi cái giá mình trả đã quá lớn).
Cách 2 là kiên trì đi từng bước một, đi và tận hưởng từng bước đi, không bao giờ dừng. Chậm xíu, nhưng mà được cái tâm bình an. Rồi có thể không đến được B, nhưng lại đến được C (và chắc gì C đã tệ hơn B?). Ừ thì chắc mình đã chọn cách 2 đó, còn muốn chọn gì thì tùy bạn.
Vậy nên, hôm nay cố hết sức => Vui. Hôm nay thử một điều mình chưa từng thử => Vui. Hôm nay giữ kỉ luật => Rất vui. Mình xác định những yếu tố quan trọng nhất khi xin việc mới (đối với mình hiện tại là Phù hợp để phát triển bản thân và Cống hiến cho xã hội), và chấp nhận tạm hi sinh những yếu tố khác.
Một em quote khác mình khá yêu.

- Thăng bằng trong cuộc sống:

Thành công bao gồm nhiều thứ, chứ không phải chỉ có sự nghiệp. Vậy nên mình cố gắng thăng bằng nhất có thể, để níu giữ những giá trị quan trọng nhất trong cả cuộc sống. Nghỉ chỗ này thì làm chỗ khác, nghèo thì tiết kiệm một tí, chứ bố mẹ chỉ có một, gia đình chỉ có một, bản thân chỉ có một. Đối với cá nhân mình thì sức khỏe và gia đình mới là quan trọng nhất, nên thú thực mình thà mỗi thứ nhường một tí để giữ cái mình cần, còn hơn đánh đổi hết cái này để lấy cái kia. 
Nói vậy chứ không phải là mình không quan trọng công việc nha, chỉ là mình sẽ cố gắng sống trong thực tại, nói đơn giản là Làm ra làm, Chơi ra chơi. Lúc làm thì chỉ có làm, lúc chơi thì tập trung vào chơi. Làm việc nhiều không có nghĩa là hiệu quả, ở bên bố mẹ ít không có nghĩa là không chất lượng.
Chiếc quote mà mình để desktop từ sau khi bị quai bị và phát hiện, hóa ra những lúc ấy, mình chẳng cần gì khác ngoài gia đình (và Oresol).
Đợt này, dù khá stress, mình vẫn vui lắm, vì thời gian mà, sau này mình giàu mấy cũng không mua lại được.

- Mình muốn hay ai muốn?

Mình hay tự dặn mình, theo đuổi thành công thì ok, nhưng phải chắc chắn đó là cái thành công MÌNH muốn, không phải cái thành công NGƯỜI KHÁC muốn. Ai đặt ra là 27 tuổi phải lấy chồng? Ai bảo là 27 tuổi không được đi học lại? Ai nói 30 tuổi phải ổn định cuộc sống? Có bằng chứng khoa học cho việc đó hả? Là mình nghĩ thế hay vì mọi người xung quanh đều làm thế nên mình cho là đúng? 
Nhiều khi mình nghĩ buồn cười, nếu mình sống ở một đất nước mà thanh niên cứ 27 tuổi là rủ nhau học lại Đại học, thì chắc mình sẽ thành người bình thường lắm :)) 
Nhưng cái này khó thật, thực sự khó để tách rời suy nghĩ của bạn với chuẩn mực của xã hội, để kiểm chứng bạn thực sự muốn gì mà không hề có sự ảnh hưởng của bên ngoài.

- Quan điểm về tiền:

Nói thật, cá nhân mình không quá quan tâm đến việc tích lũy tài sản. Có nhiều tiền tốt mà, có thể được thoải mái, được an tâm. Có tiền mới giúp được nhiều người, chứ ít tiền thì khó giúp được lắm. Chuẩn! 
Nhưng có lẽ mình sợ tâm mình yếu đuối, đến khi có nhiều tiền, mình lại đánh mất những giá trị khác rồi. Đến lúc mình giàu, sợ rằng cha mẹ mình buồn vì chẳng mấy khi gặp con, con mình buồn vì mẹ chẳng kèm học bài. Có nhiều tiền lại càng lo giữ tiền, càng lo mất tiền, càng lo làm sao kiếm được nhiều tiền hơn từ đó... rồi chắc gì nghĩ đến việc giúp người khác nữa? 
Mình thấy, ít người đủ định lực, đủ vững tâm để dù giàu vẫn cân bằng được cuộc sống lắm, điển hình như hậu vận khác hẳn nhau của Steve Jobs và Bill Gates. Điểm này mình cũng băn khoăn có nên viết vào không, vì đó là quan điểm cá nhân mình thôi, không đại diện cho cái gì cả. Nhưng nếu bạn cũng nghĩ như mình, thì haiz, bạn không cần bị ám ảnh đến thế vì tiền bạc đâu. Chúng ta cũng đâu có cần nhiều đến thế.

Vài dòng kết

Viết xong bài này thấy sợ sợ, vì mình đâu có đủ tầm để bàn về Thành Công :( Nên mình nhắc lại, hoàn toàn suy nghĩ và quan điểm mình trình bày là của cá nhân mình, đúc kết từ kinh nghiệm của cá nhân mình thôi nha. Mình cũng là người không thích đưa lời khuyên cho người khác (vì mình nghĩ ai cũng tự có câu trả lời cho riêng mình, nếu đưa lời khuyên thì thà biết hỏi đúng câu hỏi còn hơn). Nhưng ... thôi thì mọi người cứ coi như một bài tâm sự của mình thôi. Mình vẫn đang vật lộn để làm mọi thứ theo cách mà mình mong muốn, hiện tại thì còn khó khăn lắm.
Cảm ơn mọi người đã đọc đến đây, mình trân trọng mọi ý kiến đồng ý, không đồng ý cũng như các câu chuyện của mọi người chia sẻ ạ. 
(Run vãi, tự nhiên viết về thành công làm gì hả Sophie?)