Inside out là bộ phim hoạt hình kể về hai thế giới diễn ra song song. Một thế giới đời thực của nhân vật chính Riley cùng những sự kiện diễn ra từ nhỏ đến khi cô bé 11 tuổi và một thế giới ở trong tâm trí của cô. Trung tâm vùng tâm trí được điều khiển bởi năm nhân vật đại diện cho năm cảm xúc cốt lõi của con người bao gồm: Vui Vẻ (Joy), Buồn Bã (Sadness), Sợ hãi (Fear), Tức Giận (Anger) và Chán Ghét (Disgust). 
Riley có một tuổi thơ tràn đầy hạnh phúc, có cha mẹ, bạn bè và khúc côn cầu. Trong 11 năm đầu đời của Riley, Joy luôn nắm quyền điều khiển. Tuy nhiên, mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi gia đình Riley chuyển đến San Francisco. Cô bé phải tìm cách làm quen với những thay đổi mới. Trong khi đó, ở thế giới não bộ của Riley, Joy và Sadness bị lạc khỏi trung tâm điều khiển và phải tìm cách quay trở về.
Bộ phim bàn đến những vấn đề về cảm xúc và tâm lý. Dựa vào nội dung phim, bài viết này sẽ giải thích cho các bạn những câu hỏi: Có đúng là ký ức tạo nên tính cách con người? Trầm cảm là gì? Tại sao con người lại mơ?

Core memory - ký ức chủ đạo.

Mở đầu bộ phim, Joy giải thích về cách thức hoạt động trong tâm trí Riley. Những quả bóng vàng là Core memory (Ký ức chủ đạo) - được xuất hiện từ những khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời Riley. Ký ức chủ đạo này đóng vai trò hình thành nên tính cách của cô bé. Tuy nhiên, đây không phải kiến thức chính xác.
Theo các nhà tâm lý học, một ký ức chúng ta coi là quan trọng sẽ có ít nhất ba chức năng chính:
+ Giúp chúng ta phần nào biết mình là ai hoặc mình không là ai.
+ Giúp chúng ta giao tiếp và gắn kết với những người khác. 
+ Giúp chúng ta học các bài học từ quá khứ để giải quyết các vấn đề tương tự xảy ra trong tương lai.
Những khoảnh khắc quan trọng trong đời đúng là có thể định hình một phần nào đó danh tính con người. Ví dụ, giành giải nhất cuộc thi hùng biện có thể là bước đầu giúp bạn nhìn nhận hình ảnh bản thân như một luật sư trong tương lai. Tuy nhiên, tính cách con người được hình thành phức tạp hơn thế. Nó có thể nảy sinh ngay từ khi chúng ta ra đời (genetic), bị ảnh hưởng bởi người nuôi dạy trực tiếp, hoặc do những trải nghiệm sống...
Hơn thế nữa, có rất nhiều ký ức bị chúng ta diễn giải sai lệch theo thời gian. Vì vậy, sẽ là không chính xác khi khẳng định ký ức chủ đạo tạo nên tính cách.

Vùng tiềm thức và những giấc mơ.

Trên hành trình trở về trung tâm điều khiển, Joy và Sadness đã bị nhốt vào vùng tiềm thức của Riley. Hai nhân vật này nói rằng nơi đây ẩn chứa những nỗi sợ sâu thẳm nhất của Riley.
Theo thuyết phân tâm học, tâm trí con người được chia làm hai phần: ý thức (bao gồm suy nghĩ, quan điểm mà chúng ta nhận biết được) và tiềm thức (phần tâm trí chúng ta không nhận biết được). Vùng tiềm thức sẽ hoạt động mạnh khi chúng ta ngủ. Thông thường, những suy nghĩ mà chúng ta không dám đối diện sẽ được chôn xuống tiềm thức. Nỗi sợ này có thể đến với ta qua giấc mơ. Thế nên, để chấm dứt cơn ác mộng, bạn phải biến tiềm thức thành ý thức và đối mặt với chúng.
Có những giấc mơ là ngẫu nhiên và không mang ý nghĩa gì cả, nhưng có giấc mơ ẩn chứa dấu hiệu của những vấn đề trong cuộc sống mà bạn đang cố gắng lờ đi. Mình đã có lần mơ thấy bản thân không mặc quần áo và đi lại giữa nơi đông người. Giấc mơ này thể hiện khao khát được người khác chú ý, nhưng mình luôn nghĩ mình khiêm tốn và an phận, vậy nên trong vô thức, mình cho rằng mong muốn được người khác biết đến là xấu và chôn nó xuống phần tiềm thức.
Một giấc mơ có thể là điềm báo của việc bạn đang mất cân bằng.

Depression - trạng thái trầm cảm.

Khi Riley quyết định bỏ nhà và quay trở về thành phố cũ, bảng điều khiển tâm trí của cô bé bị tắt. Dù cố gắng thế nào, Anger, Disgust và Fear cũng không thể kết nối với cô bé. 
Đây là một trạng thái điển hình của trầm cảm. Sẽ có lúc chúng ta không thể cảm nhận được gì hoặc chỉ cảm nhận được cảm xúc tiêu cực. Trầm cảm không chỉ là buồn bã, nó còn là trạng thái thiếu hụt cảm xúc.
Sự khác biệt rõ ràng giữa buồn bã, tiêu cực và bệnh trầm cảm nằm ở việc nó ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của bạn như thế nào. Bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm dễ cảm thấy trống rỗng và chẳng muốn làm gì, dù là việc nhỏ nhất (có người nói với mình, hít thở cũng là khó khăn đối với họ). Bởi vì bảng điều khiển tâm trí của họ bị hỏng. Vậy nên, những lời khuyên như: “Chỉ cần cố gắng, tất cả nằm ở sức mạnh của ý chí” không giải quyết được đúng vấn đề.

Chấp nhận những cảm xúc của mình.

Trong vùng tâm trí của Riley, Joy luôn tự coi mình là trung tâm và tìm cách giành quyền điều khiển từ các cảm xúc còn lại. Joy phớt lờ Sadness. Trong cuộc sống bình thường cũng vậy, chúng ta nghĩ rằng mình phải luôn lạc quan vui vẻ, và nếu chúng ta không vui, ta sẽ cảm thấy mình có vấn đề. Tích cực là trạng thái tuyệt vời, miễn là bạn thật sự cảm thấy như vậy. Nếu không, bạn chỉ đang cố gắng nói dối chính mình.
Có nhiều người luôn tỏ ra mình ổn và xuất hiện với nụ cười trên môi thay vì thừa nhận mình đang đau khổ. Việc này sẽ phá hỏng chính bạn và mọi mối quan hệ xung quanh bạn. Hãy làm bạn và chấp nhận mọi cảm xúc của bản thân. Hạnh phúc không phải chìa khóa giải quyết vấn đề.

Làm người lớn thật khổ :((((

Nếu cảm xúc chủ đạo của Riley là Joy, thì Anger giành quyền kiểm soát tâm trí cha Riley. Với mẹ Riley, nhân vật đó là Sadness.
Khi còn nhỏ, phần lớn chúng ta đều được cha mẹ nuôi dưỡng và bảo vệ. Rắc rối chưa nảy sinh, ta luôn là một đứa trẻ hạnh phúc. Thời gian dần trôi, những cột mốc quan trọng trong đời được phủ bởi màu xanh buồn bã. Lần thất nghiệp đầu tiên, lần chia tay đầu tiên, rồi đến lập gia đình, có con… Rất nhiều khó khăn và trở ngại khiến những cảm xúc tiêu cực dần nhiều hơn và chiếm vai trò chủ đạo trong thế giới của người lớn. Tuy nhiên, cho dù được kiểm soát bởi cảm xúc gì, thì cha mẹ Riley vẫn luôn cố gắng mang đến những điều tốt đẹp nhất cho con mình cả về vật chất lẫn tinh thần. Giống như chúng ta - những người trưởng thành, luôn cố gắng đứng lên sau những thất bại và tìm cách che giấu nỗi buồn để người xung quanh mình được vui vẻ.
Nhưng bạn đừng quên nhé, mỗi cảm xúc đều có vai trò riêng của nó, kể cả đó là một cảm xúc tiêu cực hay một trải nghiệm tiêu cực. Ngoài giận dữ, Anger còn đại diện cho sự quyết đoán và mạnh mẽ của người cha. Sadness có thể là sự cảm thông, lòng trắc ẩn sau khi trải qua vô vàn biến cố từ người mẹ. Fear giúp chúng ta biết sợ hãi trước nguy hiểm. Disgust cho ta cái nhìn khách quan với thế giới xung quanh và tránh xa những điều tồi tệ. Chỉ cần bạn thay đổi cách nhìn nhận với cảm xúc của mình thì mọi chuyện sẽ ổn cả thôi. Và đừng đánh đồng bản thân với bất kỳ cảm xúc nào, cũng đừng cố gắng né tránh chúng. Cuộc sống là một bức tranh với vô vàn màu sắc, hãy can đảm nhìn ngắm cả những mảng màu tối thay vì chỉ trông đợi màu hồng.
Bạn có thể ủng hộ mình bằng cách ghé qua channel này. Cảm ơn nhiều :x