“INOCHINE” - Đông Dương (1992): Một Đông Dương huy hoàng, đầy hoài niệm
“Có lẽ tuổi trẻ là vậy, tin tưởng vào một thế giới không thể tách rời: đàn ông và đàn bà, núi và đồng bằng, con người và thần thánh,...
“Có lẽ tuổi trẻ là vậy, tin tưởng vào một thế giới không thể tách rời: đàn ông và đàn bà, núi và đồng bằng, con người và thần thánh, Đông Dương và nước Pháp”. Đây là câu thoại mình rất ấn tượng khi xem bộ phim “Indochine” của nước Pháp. Pháp là một trong những quốc gia giành được nhiều giải thưởng Oscar cho hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” và lần gần đây nhất mà người Pháp nhận được giải thưởng này chính là bộ phim “Indochine” năm 1992, một tuyệt tác điện ảnh kinh điển của Pháp và lấy bối cảnh tại Việt Nam vào thời Pháp thuộc.
“Indochine” kể về hai người phụ nữ, Eliane và Camille, Eliane là một người phụ nữ giàu có và tài giỏi, cha cô sở hữu một đồn cao su rộng lớn. Dù có rất nhiều người theo đuổi nhưng Eliane vẫn nhất quyết sống độc thân để chăm sóc cho Camille, cô con gái nuôi của cô. Camille đem lòng yêu Jean-Baptiste, một sĩ quan nhưng cô không biết rằng Jean-Baptiste từng là người tình của mẹ nuôi mình. Sau khi biết chuyện và lo lắng cho tương lai mờ mịt của con, Eliane can thiệp và Jean-Baptiste bị điều ra một hòn đảo ở Hạ Long, nơi người Pháp sử dụng để mộ phu cho các đồn điền miền Nam. Trong khi ấy Camille bị ép cưới Thành, một du học sinh Pháp, sau đám cưới Camille thuyết phục Thành cho mình ra Bắc tìm Jean-Baptiste. Từ đây, cuộc đời của hai người phụ nữ rẽ theo những hướng đi riêng trong những năm 30,40 sục sôi cách mạng của Đông Dương thế kỷ trước.
Điều khiến mình cảm thấy yêu thích bộ phim chính là việc đạo diễn cũng như đoàn phim đã rất xem trọng bản sắc của Việt Nam, điều mà ít phim nước ngoài mang đề tài chiến tranh Việt Nam làm được. Thay vì chỉ nhìn từ phía người đô hộ,“Indochine” còn lột tả chân thực những nét văn hóa, phong tục và con người của xứ “An Nam”. Con người Việt Nam hiện lên trong phim không chỉ làm nền cho những người Pháp đô hộ, họ còn có những câu chuyện những tính cách riêng của mình. Khác với những người Pháp chỉ xem Đông Dương như một vựa than, vựa cao su cho nước Pháp, Eliane yêu và xem mảnh đất Đông Dương này như quê hương thứ hai của mình. Bà là đại diện cho thế hệ cũ trước những thay đổi của thời đại, là một người mẹ lo toang trăm bề cho sự hạnh phúc của con và mong cầu sự bình an trong cuộc sống. Trái lại, Camille đại diện thế hệ trẻ nhiệt huyết căng tràn, dám hy sinh và đại diện cho con người Việt Nam tuy nhỏ bé nhưng đầy kiên cường, rắn rỏi. Dù sinh ra mang dòng máu hoàng gia cao quý và lớn lên trong nhung lụa và bao bọc nhưng Camille sẵn sàng từ bỏ hết tất cả những vinh hoa để theo đuổi lý tưởng cá nhân. Trên hành trình đi tìm Jean-Baptiste, Camille chứng kiến cảnh nhà cửa tan hoang, cảnh đất nước sống dở chết dở vì nửa thuộc địa khiến cô gái “cành vàng lá ngọc” ấy thoát ra khỏi cái “kén” của mình để đưa tự do tung bay.
Hai nhân vật phụ khác là Jean-Baptiste và Thành cũng để lại rất nhiều ấn tượng với mình. Jean-Baptiste là một chàng sĩ quan Pháp với một đôi mắt xanh hút hồn, anh là một người nóng tính nhưng lại rất thương người. Là một người Pháp tuy nhiên tại xứ đô hộ này anh cũng không thể làm những gì mình muốn. Anh bị mắc kẹt giữa tình yêu và nghĩa vụ, và khi anh chọn ở lại với Camille, trái tim anh đã mãi ở lại xứ An Nam. Thành tuy là nhân vật xuất hiện không nhiều nhưng là đại diện cho tầng lớp tiểu tư sản xưa. Cũng giống Camille, Thành có xuất thân địa chủ giàu có, được sang Pháp du học. Vậy mà trái lại mong muốn của gia đình, Thành đi theo Đảng và chống lại thực dân Pháp. Những nhân vật phụ trong phim rất nhiều nhưng họ không hề mờ nhạt mà còn là hình ảnh đại diện cho những lớp người trong xã hội Đông Dương đang thoi thóp, sắp tàn phai.
Xem “Indochine”, mình nói riêng và người dân Việt Nam nói chung sẽ cảm thấy bồi hồi khi được quay trở về một Đông Dương huy hoàng đã rơi vào dĩ vãng. Những thước phim tuyệt đẹp đến ngỡ màng ở Kinh thành Huế, Tam Cốc, Hạ Long cùng những sự kiện lịch sử như khởi nghĩa Yên Bái cho tới hiệp định Giơnevơ được ký kết như một sự thấu hiểu, tri ân và tôn trọng Việt Nam của đoàn làm phim.
Kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ, “Indochine” không chỉ mang tới cái nhìn tổng thể về thời cuộc lúc bấy giờ mà còn là một lát cắt lịch sử về Việt Nam những năm Pháp thuộc, một lát cắt quá khứ chứa đầy những mất mát, đau thương và nuối tiếc. Dù gần 30 năm trôi qua nhưng những giá trị và bài học mà “Indochine” mang lại vẫn còn nguyên giá trị cho tới ngày nay. Bạn đã xem tuyệt tác này chưa?
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất