Nhiều người nói rồi, nhưng tôi xin nói lại một lần nữa: IELTS chỉ là một bài thi mà thôi. Nó ra đời để đo lường khả năng sử dụng tiếng Anh. Một người cực giỏi tiếng Anh (ví dụ như người bản xứ), tuy không biết một chút gì về IELTS, vẫn có thể đạt điểm tốt. (Tất nhiên điểm môn viết có thể không cao như bạn nghĩ, vì bài thi đòi hỏi thí sinh đạt được những yêu cầu nhất định. Có thể tìm đọc sách của Cullen về việc này — link cuối bài.)
Cũng vì độ phổ biến của IELTS mà trên mạng có vô số “How-to”, hướng dẫn cách làm bài. Thậm chí có những tài liệu còn khẳng định là nếu dùng cách này cách nọ thì sẽ được band chai lọ và này kia. Và tất nhiên, không ít nơi lợi dụng sự cả tin của người học để kiếm chác.
Chúng ta thực ra không cần nhiều How-to đến vậy đâu. Ngày xưa, nhiều người không có Internet vẫn học được tiếng Anh đấy thôi. Đó là vì họ không bị tê liệt vì có quá nhiều How-to. Thay vào đó, họ ngấu nghiến những gì họ kiếm được (cuốn sách ngữ pháp, cái băng cát-sét), vì trong cái đơn giản, họ vẫn nhìn thấy được cái Why-to.
Cái Why-to ở đây là: dùng được tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai. Điều này là hoàn toàn có thể đạt được, miễn là làm đúng cái How-to.
How-to IELTS thì dễ lắm, thử đọc một đề IELTS mà xem, họ hướng dẫn rất rõ thí sinh cần phải làm gì. Cái How-to English và How-to tư duy đằng sau mới là quan trọng. Mà hai cái này thì không phải chỗ nào cũng dạy, bởi người ta muốn đáp ứng nhu cầu cụ thể của người học: từ vựng và ngữ pháp. Suy nghĩ hoài không ra giải pháp cho sự quá tải dân số thì làm sao mà viết, dù có có học thuộc 1000 từ vựng chuẩn C2 đi nữa. Học thuộc ý cũng vô dụng nếu không biết cách phát triển nó thêm. Nhưng chúng ta hãy khoan trách người dạy, vì nếu học viên nghe “Chúng tôi sẽ dạy bạn tư duy” có khi họ lại giãy nảy lên “Tôi tới học IELTS cơ mà. Tôi cần bí kíp 9 chấm.”
Vậy How-to English như thế nào? Xin nhắc lại, bạn cần nghiêm túc nhìn nhận cái Why-to của mình đã. Tin tôi đi, sau giai đoạn “trăng mật” ban đầu, nhịp học của bạn sẽ chùng xuống. Đây là cái mà Seth Godin gọi là vùng trũng (the dip). Ổng nói, nhắm mà không vượt qua khỏi vùng trũng này thì thôi khỏi bắt đầu luôn cho đỡ tốn thời gian. Không có Why-to hoặc cái Why-to quá tầm thường thì đảm bảo lọt vùng trũng.
Lấy cái Why-to để làm động lực cũng không phải cách lâu dài. Khoa học đã chỉ ra rồi: Cái gọi là sức mạnh ý chí hay động lực đều có hạn (tôi xem lại thì thấy có những nghiên cứu mới cho thấy chưa chắc đúng; nhưng thôi, vậy mới là khoa học; còn chúng ta nhìn vào thực tế cũng thấy). Xài hết động lực ngay từ đầu là hỏng, buông bỏ hết. Đi từ từ, nhưng tạo được thói quen, thì mới là chắc cú. Một số nghiên cứu (lại nghiên cứu) cho thấy những ai có sức mạnh ý chí cao là những người… ít khi phải xài nó. Vì họ tạo được thói quen rồi: sáng ra là 10 phút nghe tiếng Anh, không nói nhiều. Chứ còn ngồi suy nghĩ không biết hôm nay học gì, rồi lên mạng xem người ta học tiếng Anh sao, bí kíp ở đâu, thì 10 kiếp chưa học được 1 chữ.
How-to English là như thế này:
Học ngữ âm trước: luyện 44 âm tiếng Anh ngay từ đầu để tạo thói quen tốt. 44 âm nghe có vẻ nhiều, nhưng đa số khá giống âm tiếng Việt, vả lại có rất nhiều hướng dẫn hay trên Youtube, như của thầy Kenny N.
Luyện nghe và đọc: giờ không thiếu tài liệu nghe nên tôi không nói nhiều ở đây. Tất nhiên, nghe càng nhiều càng tốt, nhưng nhớ là sẽ có cái “dip” như đã nói ở trên, nên đừng dại nghe lấy nghe để những ngày đầu rồi sau đó đuối. Mỗi lần nghe không cần nhiều, cỡ chục phút thôi cũng được, nhưng phải nghe đều. Bận quá thì 5 phút. Năm phút mỗi ngày còn hay hơn 2 tiếng một tuần dồn hết vào một ngày. (Xem link dưới để tìm hiểu cách nghe). Đọc cũng tương tự, ngày đọc 2 câu cũng được, miễn là duy trì lâu dài.
Dùng SRS để ghi nhớ từ vựng và câu: một vấn đề lớn của việc học ngoại ngữ (đặc biệt là khi chúng ta còn phải đi học, đi làm, không phải ở trong môi trường tiếng Anh) là cái sự quên: học đâu quên đó. Vậy thì dùng SRS (link cuối bài) để nhớ từ vựng từ việc nghe và đọc. Không cần nhiều, chỉ cần đều.
Luyện nói: từ từ rồi luyện nói cũng được, nhưng đã luyện thì phải luyện đàng hoàng, nếu không sẽ tạo nhiều thói quen xấu không thể bỏ được. Đó cũng là lý do tại sao không nên luyện nói nếu chưa nắm được 44 âm tiếng Anh. Luyện nói làm sao? Có hai việc tôi làm thường xuyên: (1) bắt chước người bản xứ (mà giới giang hồ gọi là shadowing và (2) nói với chính mình (bằng những từ vựng nhớ được nhờ SRS). Link cũng ở cuối bài (nhân vật trong video xí trai, mong các bạn thông cảm).
Bạn thấy đó, có khó gì đâu. Quan trọng là ngay từ đầu mình nên khôn ngoan, xác định Why-to, và hiểu rằng học ngoại ngữ là một con đường dài, có thể nói là suốt đời. Nhưng bạn đừng sợ chữ suốt đời. Để đạt được mức “xài được” (functional) thì không lâu lắm đâu. Nhưng suốt đời là thiệt. Tôi học và dạy tiếng Anh hơn chục năm rồi mà vẫn còn học được nhiều cái hay ho (hôm trước học trò còn chỉ ra tôi đọc sai chữ mimicry).
Rồi tài liệu ở đâu, bạn hỏi. Google thiếu gì. Bây giờ học trên Youtube và Netflix quá thuận tiện với những tiện ích của Google Chrome như Language Learning with Netflix/Youtube. How-to có bấy nhiêu thôi. Đừng tốn thời gian tìm kiếm bí kíp How-to nữa. Biết Why-to, rồi từ từ, từng chút từng chút, là được.
English xong rồi thì tiếp tục câu hỏi Why-to IELTS và How-to IELTS. Mà hai câu hỏi này thì dễ ẹt.
P.S. Ai đọc xong bài này mà kêu “Ủa vậy thôi á hả?” thì đúng là như vậy đó. Hôm nay nói được một câu, hôm sau thêm câu nữa, đơn giản vậy thôi chứ sao.
P.P.S. Tất nhiên có những nơi dạy IELTS rất tốt. Nhiều anh chị đồng nghiệp của tôi mở lớp riêng, chất lượng không chê vào đâu được. Mẹo: Nếu bạn đi học IELTS ở đâu mà người ta cứ bắt mình học tiếng Anh thì nơi đó có tâm. Còn nếu chỉ là ắn đờ lai đờ ki wợc không thôi thì có khi kéo quần mà chạy.
Links:
Khoá học Key to IELTS Writing Task 2 của Pauline Cullen (trong đó có hướng dẫn cách tư duy khi làm bài viết)
Cuốn The Dip mỏng dính của Seth Godin
Kênh Youtube của Kenny N
Hướng dẫn luyện nghe
Hướng dẫn luyện shadowing
Bài viết về sức mạnh ý chí