Tưởng tượng bạn vừa về nhà sau một ngày dài làm việc. Bạn nằm lên giường và dự định hôm nay sẽ đi ngủ thật sớm. Vài phút sau, bạn thân nhắn tin rủ đi chơi. Bạn mệt vãi, cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhưng bạn sợ làm mất lòng người khác, bạn lo lắng về những gì lũ bạn có thể nói về mình, bạn sợ sẽ có điều gì hay ho xảy ra mà không có mặt bạn. Cuối cùng, bạn đồng ý đi trong tâm trạng chẳng hào hứng gì.
Hoặc tưởng tượng bạn đang ở trong cuộc họp. Bạn có một ý kiến muốn phát biểu. Nhưng bạn sợ sếp và đồng nghiệp sẽ đánh giá bạn hỏi ngu, vấn đề bạn nêu ra chẳng có ý nghĩa, phương án giải quyết của bạn không có tác dụng gì. Vậy nên bạn chọn im lặng.
Tết bạn về quê. Họ hàng hỏi bạn người yêu đâu? Lương tháng bao nhiêu, được thăng chức chưa, sao mừng tuổi ông bà/ bố mẹ ít thế. Bạn không có tiền, nhưng vẫn cố gắng đi vay để mừng tuổi mọi người cho bằng anh chị em, cho đỡ xấu cái mặt bạn và gia đình bạn. Bạn cũng bịa về mức lương của mình nữa.
Tại sao con người có xu hướng quan tâm đến suy nghĩ của người khác?
Ngành tâm lý học tiến hoá lập luận rằng nhiều đặc điểm xã hội và tâm lý ngày nay của chúng ta được định hình trong suốt thời kỳ tiền nông nghiệp kéo dài. (Sapiens: Lược sử về loài người - Yuval Noah Harari)
Thời kỳ hái lượm, con người buộc phải sống theo bầy. Rất khó để một người có thể sống đơn độc một mình, vì như vậy rất dễ bị tấn công - bởi các loài thú dữ và bởi những bầy người khác.
Thời kỳ nông nghiệp, con người cũng tập trung thành từng bộ lạc để làm ruộng và chăn nuôi. Thời kỳ hiện tại, chúng ta càng nói với nhau về sức mạnh của tập thể và đám đông. Những khẩu hiệu "Muốn đi nhanh thì đi một mình. Muốn đi xa phải đi cùng nhau" treo nhan nhản trong các văn phòng. Cá nhân mình không đồng ý với quote này lắm, nhưng nó đúng một phần. Khi xã hội được chuyên môn hóa - mỗi người chỉ tập trung làm một việc mình thật sự giỏi, chúng ta cần dựa vào nhau mà sống.
Con người có xu hướng sống trong tập thể. Chắc là vì vậy, chúng ta luôn có một nỗi sợ: sợ ở một mình. Ta khao khát tìm "đồng loại", muốn một nơi mình có cảm giác thuộc về. Và để hòa nhập, chúng ta cần được yêu thích và công nhận.
Tuy nhiên, việc quan tâm đến suy nghĩ và cái nhìn của người khác về bản thân mình không phải lúc nào cũng mang đến mặt tích cực. Những ví dụ mình nêu đầu bài viết chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh mang tên "Bạn để ý làm gì???"
Một vài lý do vì sao bạn không cần để ý đến ánh mắt của người đời
1. Ai rồi cũng chết.
Nếu bây giờ bạn chết, những người xung quanh bạn sẽ phản ứng như thế nào?
Những người biết bạn sương sương khi nghe chuyện thì chẹp mồm: “Khổ thân, trẻ thế đã chết”. Và hình ảnh của bạn sẽ chỉ đọng lại trong đầu họ đúng khoảnh khắc đấy, rồi họ sẽ hoàn toàn quên đi bạn từng có mặt trên đời.
Và rồi họ cũng chết.
Những người yêu thương bạn thì đau khổ hơn. Họ khóc lóc vài tuần hoặc có thể vài tháng. Sau đó, họ buộc phải đứng dậy và bước tiếp. Đôi khi bạn sẽ xuất hiện trong kí ức hoặc giấc mơ của họ. Thời gian dài qua đi, nỗi đau của họ cũng dần nguôi ngoai. Cuộc sống của họ vẫn diễn ra khi thiếu bạn.
Và họ rồi cũng chết.
Thật phí thời gian và năng lượng nếu sử dụng thời gian tồn tại ngắn ngủi và mong manh của mình để quan tâm đến cái nhìn của người khác. Cuối cùng thì, đến cơ thể bạn rồi cũng tan biến nữa là mấy hành động và lời nói bạn từng làm.
2. Không ai quan tâm đâu.
Trong Thần thoại Hy Lạp, Icarus là con của nghệ nhân Hy Lạp tài ba - Daedalus. Khi bị đức vua nhốt vào mê cung, cùng với cha mình, Icarus đã làm một đôi cánh bằng sáp ong và lông chim để chạy trốn. Daedalus đã dặn con trai không được bay quá thấp, vì nước biển sẽ làm lông chim bị ướt, và cũng không được bay quá cao, vì mặt trời sẽ khiến sáp ong tan chảy.
Tuy nhiên, không nghe theo lời dặn của cha, Icarus đã dùng đôi cánh nhân tạo của mình để đuổi theo Thần mặt trời. Và khi sáp ong tan chảy, cậu đã rơi từ trên cao xuống biển.
Bức tranh này miêu tả cảnh khi Icarus rơi xuống. Một tai nạn lớn như thế chỉ được thể hiện ở góc bên phải bức tranh (cái vòng tròn mình khoanh ấy). Tất cả những gì đang diễn ra vẫn cứ diễn ra. Phong cảnh vẫn thanh bình. Người nông dân vẫn tiếp tục cày, người chăn cừu vẫn ngửa mặt nhìn trời để dự báo thời tiết, con thuyền thì vẫn ra khơi. Tất cả đều tập trung làm việc của mình.
Tất nhiên, bức tranh này nói về sự vô cảm của loài người. Nhưng nhìn ở một góc độ khác, thì Trái Đất sẽ không vì thiếu ai mà ngừng quay bao giờ. Icarus và mộng tưởng chinh phục bầu trời của cậu có hoang đường như thế nào và mang lại hậu quả ra sao cũng chẳng ảnh hưởng đến con trâu đi cày. Bạn có thất bại và xấu hổ ra sao cũng chưa chắc đã tác động gì đến bạn bè của bạn. Họ còn đang làm chuyện của mình. Hoặc họ còn đang mải nghĩ xem bạn nghĩ gì về họ.
Các triết gia và các nhà tâm lý học nói gì?
1. Những gì người khác đánh giá về bạn chưa chắc đã là con người thật của bạn.
Theo nhà tâm lý học Carl Jung, "Những gì chúng ta không biết về bản thân sẽ được ta phát hiện ở những người xung quanh" (Archaic Man). Hiểu một cách đơn giản, thì thế giới bên ngoài phản ánh thế giới bên trong. Chúng ta thường nghĩ thế giới giống như những gì ta thấy, và người khác chính là những gì ta giả định về họ. Ta luôn thấy những lỗi lầm mà mình không muốn thừa nhận nơi người khác. Thế giới, cuộc sống, con người..., tất cả mọi thứ đều không có vấn đề. Nếu bạn thấy vấn đề ở xung quanh mình, nghĩa là bản thân bạn đang gặp vấn đề.
Tương tự, khi một người chỉ trích bạn và cho rằng bạn phải sống thế này thế kia mới chuẩn, chính họ mới là người có vấn đề. Những người body shaming thực ra vô cùng tự ti về ngoại hình của họ. Các bà cô hàng xóm suốt ngày nói xấu chồng luôn là những người đầu tiên chỉ trích khi bạn mãi không chịu kết hôn.
Hình ảnh của bạn trong mắt người khác không phải là bạn thật sự. Họ đánh giá bạn dựa vào lăng kính chủ quan của họ. Có người ngưỡng mộ vì bạn tự do và phóng khoáng, có người chê bạn sống ích kỷ, chỉ nghĩ cho riêng mình. Nhưng chỉ cần bạn thật sự sống theo những gì mình muốn, biết làm những gì tốt cho bạn và không gây hại cho người khác, thì không ai có quyền chỉ trích bạn điều gì hết. Sẽ rất buồn cười nếu ai đó chê trách một bông hoa hồng sao lại có màu đỏ mà không phải màu vàng, đúng không?
2. Quan tâm đến người khác chỉ làm lãng phí thời gian của bạn.
Trong cuốn Meditation, Marcus Aurelius đã nói: (mình tạm dịch thôi)
“Đừng lãng phí thời gian để quan tâm đến người khác - trừ khi điều đó mang lại kết quả tốt đẹp cho tập thể. Việc này ngăn ta làm những thứ thực sự có ích. Khi ta luôn để tâm đến những gì người khác đang làm, đang nói, đang nghĩ, tại sao họ làm như thế, họ định làm gì vậy..., thì những điều này sẽ ngăn ta tập trung vào trí óc của mình.”
Thay vì đọc sách, tập thể dục, học hành và phát triển bản thân, chúng ta lại luôn tự hỏi những người khác đang làm gì. Đặc biệt với thời đại mạng xã hội tràn lan như hiện nay, bạn sẽ dễ dàng mất hàng giờ để check facebook người yêu cũ, người yêu mới của người yêu cũ, người yêu cũ của người yêu mới, con bé đồng nghiệp mà bạn ghét… Và những người đó thay vì quan tâm đến bạn, họ dành thời gian làm đẹp cho mình.
3. Chúng ta không thể kiểm soát được suy nghĩ của người khác
Nếu có thì cũng chỉ một phần thôi, mình ghét thao túng tâm lý.
Chúng ta thường thích điều khiển mọi thứ, nhưng sự thật là, có rất nhiều điều nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Cho dù có cố gắng thế nào, vẫn có những người không thích bạn. Đức Phật tốt đẹp và hoàn hảo đến mấy thì vẫn có rất nhiều người theo Đạo Thiên Chúa và ngược lại. Bạn cũng ghét đầy người mà chẳng vì lý do gì.
Trong cuốn A guide to the good life, triết gia William B. Irvine đã nêu ý tưởng về phép lưỡng phân kiểm soát. Theo ông, cuộc sống của chúng ta bao gồm 3 thứ:
(1) Những thứ mà ta có thể hoàn toàn kiểm soát
(2) Những thứ mà ta không thể kiểm soát
(3) Những thứ mà ta chỉ kiểm soát được một phần
Hiển nhiên là, đánh giá của người khác về bạn nằm ở vế thứ hai và thứ ba. Chúng ta cần loại bỏ thời gian để tâm vào những thứ thuộc về hai vế sau và chỉ tập trung cải thiện những gì ta có thể hoàn toàn kiểm soát: thái độ sống, kiến thức, đạo đức, lời nói và hành vi... của chính bản thân mình.
Tất nhiên, cái gì cũng phải cân bằng. Việc tự cho mình là đúng và không thèm cân nhắc đến những ý kiến tốt từ xung quanh sẽ khiến bạn trở thành kẻ bảo thủ, nhưng đây không phải mục đính chính của bài viết. Ý kiến của người khác đôi khi mang lại giá trị đấy, nhưng sự thật lại nằm sâu trong trái tim bạn. Bạn mới là người hiểu rõ bản thân mình nhất. Chỉ bạn mới biết mình muốn gì, cần gì, điều gì có thể khiến bạn hạnh phúc. Khi thật sự biết mình là ai và chấp nhận con người mình, thì việc lắng nghe những lời phê bình và chỉ trích từ những người xung quanh sẽ không còn khó khăn (và quan trọng) nữa.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất