Chúng ta đã nghe nhiều đến con đường tơ lụa huyền thoại nối liền Trung Hoa rộng lớn với vùng Tây Á kỳ bí, nhưng hẳn ít ai biết trên biển cũng có một con đường như vậy, điều thú vị Việt Nam lại chính là một trong những quốc gia có đóng góp quan trọng cho sự hình thành và phát triển của con đường tơ lụa trên biển này.

Sự ra đời của con đường tơ lụa trên biển 


Cuộc hội ngộ trên biển giữa hai nền văn minh Đông-Tây đã diễn ra từ những thế kỷ đầu tiên sau Công nguyên, khi đó, cư dân Óc Eo* đã xác lập được mối quan hệ với các thương nhân La Mã. Nhiều hiện vật mang phong cách đã Hán có mặt trong nền văn hóa Sa Huỳnh* và khu vực rộng lớn trên vùng hải đảo Đông Nam Á.
Nhưng có lẽ tới thế kỷ IX thì cuộc gặp gỡ Đông-Tây mới thực sự nhộn nhịp và mở rộng, những hải trình ổn định cùng với sự ra đời hàng loạt các thương cảng đã tạo nên “Con đường tơ lụa trên biển”. Con đường tơ lụa trên biển được xem là nơi khởi đầu của mọi con đường hàng hải sau đó. Sở dĩ người xưa đặt tên là con đường tơ lụa bởi đây là mặt hàng chính và khởi đầu của mọi mặt hàng. Nhiều con đường như con đường gốm sứ, con đường hương liệu, con đường lúa gạo... cũng được ra đời song hành như một minh chứng sống động cho con đường tơ lụa huyền thoại trên biển Đông một thời.

Đọc thêm:

Không phải đợi đến thế kỷ XIV khi con đường tơ lụa trên đất liền ngừng hoạt động thì con đường tơ lụa trên biển mới được hình thành. Sự gian nan của con đường buôn bán trên bộ phải vượt qua các ngọn núi cao, hiểm trở, sa mạc nóng bỏng và sự rình rập của bọn cướp... đã khiến cho các thương nhân thời ấy có xu hướng chuyển hàng hóa theo đường biển. Hơn nữa, hàng hóa vận tải bằng đường biển thuận lợi hơn nhiều so với đường bộ: khối lượng nhiều hơn, đặc biệt đối với các loại hàng hóa nặng như gốm sứ, kim loại... trong khi đó, sức người lại tốn ít hơn.
Hải trình của con đường này với điểm điểm cực Tây bắt đầu từ Roma qua các hải cảng vùng Trung Cận Đông như: Al Tur, Fustat, Cairo... men theo bờ biển phía nam Ấn Độ qua Thái Lan vòng xuống eo Malacca để vào vùng biển Thái Bình Dương. Sau khi vượt qua eo Malacca, con đường chia làm hai ngả. Một ngả men theo vùng biển Việt Nam qua các cảng: Côn Đảo - Cù Lao Chàm - Hội An - vào vùng biển Nam Trung Hoa rồi qua nam Nhật Bản. Ngả thứ hai đi vào quần đảo Indonexia, Philippine rồi ngược vào vùng phía nam Trung Quốc để tới nam Nhật Bản - Cảng Hakata trên đảo Kyushu được coi là điểm tận cùng phía Đông của con đường này.

Hiện vật tại Việt Nam

Những phát hiện khảo cổ trong các con tàu chìm Rang Kwian (vịnh Thái Lan), Turiang (Malaysia), Padanan (Philippines) từ năm 1976 đến 1993 đã cho thấy phần nào bức tranh tuyệt đẹp về gốm cổ Việt Nam và phác họa lại con đường tơ lụa trên biển. Bức tranh đó càng rực rỡ khi khai quật tàu cổ Cù Lao Chàm. Ở ngoài khơi Hội An, cách Cù Lao Chàm 14 hải lý về phía đông bắc, một cuộc khai quật dưới biển với quy mô chưa từng có trong những năm 1997-2000 đã phát hiện được một khối lượng khổng lồ, khoảng 150.000 đồ gốm hoa lam hầu như còn nguyên vẹn như vừa mới ra lò trên một con tàu đắm, có niên đại khoảng giữa thế kỷ XV. Những đồ gốm này là sản phẩm của các lò gốm ở tỉnh Hải Dương, cho thấy con tàu này đã mua gốm từ một thương cảng nào đó ở Bắc Bộ và đang trên đường đi xuống phía nam đến các nước Đông Nam Á hải đảo để tiêu thụ thì bị đắm. Tàu nằm ở độ sâu 70-72m dưới mực nước biển. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Visal và Công ty Saga Horizon (Malaysia) đã tiến hành khai quật cùng với nhiều chuyên gia khảo cổ học của Anh,Cộng Hòa Séc và một số chuyên viên lặn nước ngoài. Con tàu dài 29,4m, rộng 7,2m, trong lòng chia thành 19 khoang, gỗ đóng tàu là loại gỗ tếch còn tốt và các thanh dầm ngăn cách các khoang được ghép rất chắc chắn, dù đã chìm trong lòng biển hơn 5 thế kỷ. Trong tàu cổ này còn có một số đồ gốm sứ Trung Quốc và Thái Lan là đồ dùng của thủy thủ đoàn.
Tại Côn Đảo đã phát hiện được một số mảnh gốm đời Đường, gốm vàng xanh các lò Quảng Đông; tại Hội An đã tìm thấy rất nhiều gốm men ngọc của lò gốm Việt Châu (Gốm men ngọc của lò Việt Châu còn phát hiện được ở thành Trà Kiệu - Quảng Nam; kinh đô Hoa Lư, Hậu Lâu trong cấm thành Hà Nội…) gốm vẽ màu của các lò gốm tỉnh Trường Sa; gốm men coban Islam; hiện nay, một loạt đồ gốm sứ qua nhiều thời kỳ được trưng bày dưới bảo tàng toà nhà Quốc hội, ví như đồ gốm sứ Trường Sa, đồ gốm sứ Việt của Hàn Châu, gốm sứ men trắng, đặc biệt là gốm men lam (của các nước Hồi giáo Tây Á). … Những minh chứng trên cho thấy Việt Nam đã góp phần vào sự hình thành và phát triển phồn vinh của “Con đường không bóng cây” - một công trình kỳ bí, đi kèm với những thành tựu lớn của nhân loại.

Con đường tơ lụa góp phần mở ra thời kỳ phát triển rực rỡ của Việt Nam

Con đường tơ lụa trên biển hình thành rất sớm, từ khi kỹ thuật đóng thuyền buồm bọc gió vượt biển được xác lập từ đầu công nguyên và ngày càng phát triển khi kỹ thuật la bàn được phát minh, tạo điều kiện cho những thương thuyền cỡ lớn chuyên chở hàng lụa, hồ tiêu, hương liệu, trầm hương, sản phẩm sành sứ… thay thế dần các đoàn lữ hành bằng lạc đà trên lục địa đầy trắc trở và hoang vắng. Với những ưu điểm vượt trội về khả năng vận chuyển hàng hoá nhiều, nhanh, giá cả rẻ nên con đường tơ lụa trên biển đã được nhiều thương lái lựa chọn. Nhiều thập kỷ sau đó hoạt động buôn bán trên con đường cũng đa dạng. Không chỉ dừng lại ở mặt hàng tơ lụa, thương lái còn buôn bán cả các mặt vốn là thế mạnh của Việt Nam như: nông sản, lúa gạo, hương liệu... để cung ứng cho Ấn Độ và các nước Tây Âu. Việt Nam không chỉ là điểm trung chuyển mà còn là điểm đến, điểm xuất phát của nhiều chuyến tàu.

Đọc thêm:

Lịch sử cũng ghi chép rất nhiều chuyến tàu từ Nhật Bản, Philippines, Lưu Cầu (Okinawa ngày nay)... đã cập bến ở các thương cảng của Việt Nam. Nguồn sử liệu, cộng thêm với những bằng chứng tàu đắm và các bằng chứng gốm sứ khảo cổ học đã chứng minh rất rõ sự giao lưu buôn bán giữa Việt Nam trong lịch sử với các nước trong khu vực. Cũng giống như con đường tơ lụa trên đất liền, con đường tơ lụa trên biển có tầm quan trọng, góp phần tích cực vào sự giao lưu văn hóa Đông - Tây. Cho đến ngày nay sau nhiều thế kỷ người ta càng nhận thấy sự khai thông Con đường tơ lụa trên biển là hoàn toàn đúng đắn. Sau khi chủ nghĩa tư bản phương Tây ra đời, nhiều nước tư bản phương Tây đã giương buồm lên đường sang phương Đông tạo nên một thời kỳ mới được gọi là thời kỳ Đại hàng hải. Con đường giao thông của thời kỳ này, thậm chí cho đến tận bây giờ, tàu thuyền qua lại Đông Tây vẫn đi theo hải trình của Con đường lụa trên biển ngày xưa.
Con đường tơ lụa trên biển được xem là nơi khởi đầu của mọi con đường hàng hải, không chỉ mang ý nghĩa về giao thương, con đường này còn là cơ sở cho những khám phá mới của con người về địa lý, tự nhiên, chính trị. Là động lực thúc đẩy phát triển khoa học kĩ thuật và là cây cầu giao lưu giữa các nền văn hóa, tôn giáo lớn của thời đại. Dù đã chìm vào dĩ vãng nhưng hào quang của con đường tơ lụa huyền thoại này chắc chắn sẽ còn tồn tại thật lâu như là một dấu ấn lớn trong lịch sử phát triển của nhân loại.

*) Văn hóa Óc Eo là một nền văn hóa cổ hình thành và phát triển trên cơ tầng bản địa trong khoảng 10 thế kỷ đầu công nguyên ở khu vực Nam bộ. Được phát hiện lần đầu tiên ở Óc Eo (Vọng Thê, An Giang). Qua những cuộc khai quật đã thu được hàng vạn hiện vật phong phú, đa dạng vừa mang tính bản địa, vừa có tính giao lưu kinh tế với các trung tâm lớn thời bấy giờ như Trung Quốc, Ấn Độ, La Mã, Ba Tư…
*) Văn hóa Sa Huỳnh là một nền văn hóa được xác định ở vào khoảng năm 1000 TCN đến cuối thế kỷ thứ 2. Nền văn hóa Sa Huỳnh là một trong ba cái nôi cổ xưa về văn minh trên lãnh thổ Việt Nam, cùng với: Văn hóa Đông Sơn, Văn hóa Óc Eo, tạo thành tam giác văn hóa của Việt Nam Thời kỳ đồ sắt.
                                                                                                                       Thùy Linh
Yesnews số T4/2018