Thật ra đây sẽ là một bài chia sẻ ý tưởng mình đọc được từ sách First, Break All the Rules, by Gallup Press nhưng bằng một cách nào đó, những nội dung mình đúc kết từ sách lại giải đáp được những thắc mắc mình đề cập ở phần 1.
Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao cùng một công việc, có người có thể hoàn thành xuất sắc, người khác lại có vẻ như phải cố gắng lắm mới có thể làm được? Nếu bỏ qua yếu tố về thâm niên trong ngành hay kinh nghiệm, có một yếu tố nữa quyết định bạn có trở nên xuất sắc trong một lĩnh vực là - liệu, đó có phải là Tố chất của bạn không. 
Khác với những gì chúng ta vẫn nghĩ - tố chất phải là thứ gì đó hiếm có, khó tìm, tố chất đơn giản là Một mô thức lặp lại của suy nghĩ, cảm xúc, hoặc hành vi có thể được áp dụng thường xuyên một cách hiệu quả. 
Không phải trí thông minh, ý chí hay kinh nghiệm không quan trọng, chỉ là tài năng chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt. Chỉ sự hiện diện của tố chất có thể giải thích tại sao khi tất cả các yếu tố khác đều tương đồng, một số người xuất sắc trong vị trí này và một số khác phải chật vật.
Để lý giải cho điều này, chúng ta có thể hiểu đơn giản rằng mỗi người có bộ lọc tinh thần (mental filter) rất riêng, được hình thành từ lúc thơ ấu đến lúc trưởng thành.  Bộ lọc tinh thần cho bạn biết phải chú ý đến những kích thích nào và bỏ qua những kích thích nào; yêu và ghét cái nào. Nó tạo ra động lực bẩm sinh trong bạn - bạn có tính cạnh tranh, lòng trắc ẩn hay tự tôn cao; nó xác định cách bạn suy nghĩ - bạn có kỷ luật hay khao khát tự do, thực tế hay chiến lược; nó tạo ra thái độ của bạn - bạn lạc quan hay hoài nghi, bình tĩnh hay lo âu. Đó là tất cả các mô thức lặp lại riêng biệt về suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của bạn. Và cũng vì thế, bộ lọc tinh thần là nguồn gốc của tố chất của bạn.
Hãy hỏi một kế toán xuất sắc - không phải bất kỳ kế toán nào, mà là một nhà kế toán xuất sắc - anh ấy sẽ nói với bạn niềm vui của anh ấy đến từ việc "sổ sách cân đối." Khi sổ sách cân đối, thế giới của anh ấy trở nên hoàn hảo. Anh ấy có thể không thể hiện điều đó, nhưng bên trong anh ấy bừng sáng. Tất cả những gì anh ấy nghĩ đến là: "Ồ, khi nào tôi có thể làm điều đó lại nữa!" Điều này nghe có vẻ cliché, nhưng nếu suy nghĩ kỹ, đối với người được phú cho một tình yêu bẩm sinh đối với tính chính xác, nghề kế toán hẳn là một công việc tuyệt vời.
Hạn chế của tố chất là nó rất khó để chuyển giao từ một người sang người khác, khác với kỹ năng và kiến thức có thể được trau dồi và phát triển. Tố chất là thứ không thể truyền dạy.
Đó là lý do mà chúng ta cần có trách nhiệm tìm ra tố chất của mình, tập trung vào thế mạnh của bản thân để phát triển sự nghiệp thay vì chọn đại rồi than thở nghề chọn mình chứ mình không chọn đi làm :'( Hoặc một trường phái khác như mình đó là không biết chọn gì nên mình chọn tất cả
Bạn có thể là tất cả những gì bạn muốn nếu chăm chỉ, cố gắng?
Bạn có thể, theo thời gian, thông qua việc suy ngẫm, bạn có thể cải thiện bộ lọc tinh thần của mình, khám phá các lĩnh vực khác nhau, kết hợp tài năng của mình với kỹ năng có liên quan. Bạn có thể học cách tận dụng tố chất độc đáo của mình và từ đó trở nên tự tin hơn. Bạn có rất nhiều điều có thể thay đổi và phát triển.
Tuy nhiên, dù bạn làm gì, cái đẹp của hành trình này đến từ sự tự nhận thức và hiểu bản thân, thay vì tự phủ nhận, chối bỏ bản thân (self-denial). Rất nhiều điều ở bạn có thể trở nên tốt đẹp hơn, nhưng cần xây dựng trên nền tảng chấp nhận bản thân thay vì ép mình phải biến thành con người khác. 
People don’t change that much. Don’t waste time trying to put in what was left out. Try to draw out what was left in. That is hard enough.
Mối quan hệ của bạn với công việc cũng giống như tình yêu đôi lứa. Ai cũng biết tình yêu thì cần nhiều nỗ lực để hiểu, để đặt cái tôi của mình xuống vì không ai trên đời là hợp nhau hoàn toàn; nhưng, sẽ bền vững hơn nếu bạn chọn một người hợp từ đầu và bỏ đi những phần chưa thật hợp, phần thừa (draw out what was left in); thay vì chọn một người khác hoàn toàn và cố gắng trở thành con người khác hẳn vì nhau (put in what was left out). 
Mỗi công việc sẽ tạo ra những phản ứng khác nhau trong mỗi người, có những việc bạn cảm thấy dễ thở và dễ dàng đắm chìm trong dòng chảy (flow), tập trung hàng giờ liền trong khi việc khác thì khiến bạn mệt không tả nổi, ngợp thở, chán ghét. Từ đó dẫn đến thái độ của bạn trong công việc, thái độ tích cực, thái độ niềm nở với khách hàng, thái độ cảm thông, thái độ thắng thắn thật ra là màng lọc tinh thần, là tố chất của 1 người. Bạn không thể ép buộc bản thân niềm nở - bạn không thể thắp lên ngọn lửa không có trong bạn. 
Hướng dẫn sử dụng bản thân là khi bạn hiểu được tố chất của bạn là gì - động lực của bạn đến từ đâu. 
Một số cá nhân thích cạnh tranh có thể dùng mong muốn chiến thắng để làm động lực vươn lên trong khi những người khác có thể thích tình huống cùng thắng hoặc sự cạnh tranh với chính mình. Không có gì là xấu hay tốt đó đơn giản là con người bạn. 
Thế rồi bạn tự hỏi, nếu tố chất bạn có là thứ mà ai cũng có thể dễ dàng làm được thì có nghĩa lý gì? Để đơn thuần hoàn thành công việc thôi thì dễ nhưng để trở thành người hoàn thành công việc đó xuất sắc lại là câu chuyện khác. Cuốn sách chia sẻ câu chuyện về những nhân viên dọn buồng phòng xuất sắc, họ phỏng vấn và tìm ra sự khác biệt của những nhân viên top đầu:
Khi được hỏi làm cách nào để biết rằng căn phòng đã được dọn sạch, họ trả lời cùng một ý tưởng - khi khách ngả lưng trên giường, nhìn lên quạt trần, họ thấy chiếc quạt trần được lau dọn định kỳ. Dù cho cả căn phòng sạch không tì vết nhưng nếu trên trần bám bụi, khách sẽ mặc định căn phòng không được chăm sóc cẩn thận. Hay khi hỏi về cách họ chăm sóc những căn phòng có trẻ em đi cùng, họ sẽ kể một cách thích thú cách họ xếp gấu bông quanh phòng, gấu bông có thể đang ôm remote hoặc ôm khăn tắm một cách sống động.
Dù là công việc dễ nhất cũng cần sự tận tâm và duy trì nó mỗi ngày.
Như mối quan hệ của bạn với bạn đời, bạn có thể cố gắng lấy lòng, trở thành người mà họ muốn vài năm đầu, nhưng bạn có chắc có thể tiếp tục mang chiếc mặt nạ đó mãi? Đối với công việc cũng vậy, bạn cần thành thật với bản thân, sau đó là với sếp của bạn về những công việc đúng sở trường của bạn, tập trung dành thời gian vào đó, thiết lập giới hạn và từ chối nhận quá nhiều việc không thuộc thế mạnh. Làm một chút thì vui, làm thêm nhiều chút thì burnout nhiều. :)
Nếu tôi thấy mình hết lần này đến lần khác nói với cùng một người rằng hãy 'hãy lạc quan lên', thì tôi sẽ bắt đầu nhận ra - Anh ấy không phải là người hướng sáng - anh thích hướng tối. Tôi nên ngừng lãng phí thời gian cố thuyết phục và cố gắng tìm một vai trò mà sự hoài nghi là cần thiết.
Những gợi ý để tìm ra tố chất của bạn ở khắp mọi nơi - điều gì thúc đẩy bạn, cách bạn suy nghĩ, cách bạn kết nối với mọi người. Cuốn sách đề cập 02 dấu hiệu khá dễ nhận biết để tìm ra tố chất:
Khả năng học nhanh - công việc nào bạn có thể học nhanh, dễ dàng một cách tự nhiên Sự hài lòng, đủ đầy - công việc nào bạn có thể duy trì làm hết tuần này đến tuần khác với sự tận tụy, tình thần như ban đầu
Thành thật với bản thân “Do I thrill to this role? Did I seem to learn this role quickly? Am I good in this role? Does this role bring me strength and satisfaction?”
Everyone breathes different psychological oxygen. What is fulfilling for one person is asphyxiating for another.
Mỗi một đầu việc, dự án hay vai trò bạn đảm nhận là một cơ hội để bạn KHÁM PHÁ BẢN THÂN, thay vì nghĩ rằng bạn PHẢI đi làm, hãy nghĩ rằng đây là cơ hội để bạn tìm ra tố chất của bạn và sống một cuộc đời bạn hằng mơ thay vì bán mình cho mong đợi của xã hội, của ba mẹ hay của tư bản. 
Bạn cần đủ dũng cảm để đối mặt với chính mình, tự nhìn mình trong gương; đồng thời cuốn sách cũng đề cập vai trò của người sếp/ cố vấn của bạn là người cầm gương, cho bạn những phản hồi hữu ích trên hành trình khám phá bản thân - mình sẽ chia sẻ trong một bài khác nha.