Bài liên quan đến Sa-Cho nhưng lại để ảnh những người chống lại Sa-Cho
Lại là một câu chuyện về những điều đọng lại. La cà các hiệu sách lớn nhỏ ở Sapporo, tôi để ý người Nhật xuất bản khá nhiều bộ sách theo mô tip "Những điều về abc mà nhà trường không dạy bạn". Câu chuyện mà tôi sắp kể bắt nguồn từ cảm xúc ngược lại: những điều nhà trường dạy sau nhiều năm cảm nhận và nghiệm lại. Đao to búa lớn lại phải bình bàn, ta xét một chuyện be bé trước. Chuyện đó liên quan đến các phiên (han) Tây Nam, vốn rất quen thuộc với những ai đọc về Minh Trị duy tân. Lại xẻ nhỏ hơn nữa để nhìn, ta kể nhau nghe xem giới học sinh - sinh viên (tạm gọi là giới trí thức trẻ được không ạ?) biết gì về "các phiên Tây Nam".
Vì sao tôi lại mở đầu lòng vòng như thế? Chính là vì mong muốn tái hiện lại cách mà phần lớn học sinh - sinh viên, những người được học về Nhật Bản có lẽ theo cách quy củ nhất, biết về "hùng phiên Tây Nam" (hoặc không bao giờ biết dù đã học qua). Nói tóm gọn thì các phiên Tây Nam là những "tiểu vương quốc" phía Tây Nam nước Nhật đóng vai trò quan trọng nhất trong cái mà chúng ta quen nghe là Minh Trị duy tân. Nói đến Minh Trị, tôi thiển nghĩ tên ông hẳn nằm trong top những người Nhật được biết đến nhiều nhất ở Việt Nam (hẳn nhiên, ở Nhật và các nước khác cũng thế). Ký ức đầu tiên của tôi về Minh Trị là trong sách lịch sử lớp 8 chương trình cải cách năm 2002 (sách 9x học), bài về Nhật Bản, ca ngợi ông theo kiểu đấng minh quân khai sáng, và không nhắc gì đến các phiên Tây Nam =)) Lên cấp ba, sách vẫn từa tựa thế. Lên đại học, tôi học Nhật Bản học, môn Lịch sử Nhật Bản ba tín chỉ, từ Minh Trị trở đi là thuyết trình miệt mài, hình như bắt đầu nhắc đến các phiên Tây Nam... Thôi bỏ đi mỗi nhóm chạy bài một kiểu mấy ai bận tâm bài không phải của nhóm mình! Tóm lại là theo con đường học hành chính quy thì một sinh viên chuyên ngành cũng chưa hẳn biết đến các phiên Tây Nam. Đó là kết luận của tôi một năm trước.
Một năm sau tôi sang Nhật, học chương trình trao đổi một năm dành cho sinh viên Nhật Bản học trên thế giới do Đại học Hokkaido xây dựng. Môn Lịch sử Nhật Bản hai tín chỉ. Không có thuyết trình, chỉ có nộp báo cáo sau mỗi tiết và nghe giảng. Tôi bắt đầu phải đọc nhiều sách lịch sử nước Nhật của người Nhật viết. Và cảm giác xấu hổ mãnh liệt vô cùng tận trời đất thiên địa khai khẩn, vì Minh Trị duy tân mà người ta tô vẽ được thực hiện bởi phần lớn tay các phiên Tây Nam, và tôi thì biết quá ít về các phiên ấy, so với những nhân vật, cột mốc khác.
Không có chuyện đổ lỗi cho những người có chuyên môn. Khi tôi quyết định làm bài luận về thứ mình biết ít quá mức yêu cầu để bù đắp, công việc đầu tiên là tìm tài liệu bằng tiếng mẹ đẻ. Tôi tìm được ngay. Tài liệu đó đứng tên bởi giảng viên của tôi. Phần mở bài đến đây là hết, xin phép được vào thân bài cực kỳ ngắn thôi:
Đầu tiên, "hùng phiên" là cách dịch trực tiếp cách người Anh tán thưởng các phiên này khi họ kịp nhận ra không lấy trứng chọi đá được, ngưng bài ngoại cực đoan để chuyển sang tăng cường kinh tế và quân bị. Đọc tiếng Nhật và hiểu nguồn gốc, ta thấy bình thường. Chuyển sang tiếng Việt, đọc qua tưởng ngay là tôn vinh. Cũng phải, từ Hán Việt âm hưởng nó thế. Một từ Hán Việt khác là "duy tân". Nghe thật là "cách mạng" và "tư tưởng" (có thể mình tôi thấy thế). Từ gốc là ishin, các cụ ta đọc âm Hán mà dịch, thiết nghĩ không có gì đáng vạch lá tìm sâu. Có lẽ tôi chỉ muốn tự lưu ý mình rằng chính giai đoạn "duy tân" đó những người "duy tân" lại không xem việc mình làm là "duy tân", sau này chính quyền ổn định hơn thì những câu từ hoa mỹ có mục đích mới được phổ biến rộng rãi. Còn gì nữa không nhỉ? "Toả quốc", hay ta quen nghe chuyển ngữ là "bế quan toả cảng", tưởng cho dân ta dễ hình dung song lại giúp hình dung lệch sang hướng khác. Từ gốc "sakoku" vốn không phải do chính quyền đề ra, thật thú vị khi biết rằng một tác giả người Âu viết sách về Nhật rồi xuất bản ở châu Âu, một dịch giả người Nhật lại dịch lại cuốn ấy cho người Nhật đọc, và "sakoku" hay "toả quốc" là từ của dịch giả nọ dùng, sau trở nên được sử dụng rộng rãi và đi cả vào thư tịch, truyền đến đời sau, truyền đến nước khác. Đến đâu không biết chứ đến nước cũng hiểu và dùng âm Hán như Việt Nam thì trước mắt cứ hiểu theo Hán - Việt, còn Hán - Nhật thế nào, gần đây những nhà chuyên môn đã cải chính rất nhiều song vẫn chưa thay đổi được những điều viết trong sách vở đã hàng bao thế hệ.
Tóm lại, cái thời kỳ của Nhật được nhiều người Việt học nhất có thể tóm tắt bằng một tựa đề thật kêu thế này chăng: "Hán - Nhật, Hán Việt và một số sợi râu ông nọ cắm lệch cằm một vài bà kia".
Đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong thời kỳ đó - các phiên Tây Nam - chưa nói đến thông tin lịch sử sâu xa, ngay từ những từ khoá liên quan đã dễ khiến người ta lệch hướng nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng về mặt ngôn ngữ. Thật đáng sợ!
Có lẽ bạn đã khá mệt vì sự lan man của tôi, tôi rất xin lỗi và rất mong khi khác có thể biên tập lại các ý cho thuận hơn. Chính tôi ban đầu đã khá mất thời gian để rạch ròi hai bờ định kiến - kiến thức mới. Vì ngay cả tài liệu đã được giới chuyên môn thẩm định của giảng viên tôi học, dù tôi biết thầy cô vẫn đi theo hướng xem trọng giá trị nghiên cứu, song câu từ, tôi e là nếu chưa từng đọc và biết những từ gốc Hán - Nhật đã được Việt hoá, lại gặp thêm những cụm từ có ý tôn vinh thường thấy khi nhắc tới Minh Trị duy tân, thì người đọc khá là dễ bước vào con đường được vạch sẵn. Người đọc mất đi tính tự chiêm nghiệm, tôi thấy tiếc, nhất là đối với sách lịch sử.
Trở lại với "các hùng phiên Tây Nam", những bàn tay lớn xoay chuyển cả một thời kỳ lịch sử quan trọng, từ Mạc mạt - Duy tân đến tận đầu thời Đại Chính, và vòi bạch tuộc còn cuốn đến tận Thế chiến thứ hai nếu ta chịu khó lần theo. Nói một câu hơi khó nghe thì Minh Trị, việc của ông là làm vua khi người ta cần vua và đóng dấu khi người ta cần con dấu. Còn bàn tay lớn phía sau, học sinh - sinh viên chúng ta lại biết quá ít. Đó là kênh chính thống, kênh nhà trường, thế còn các kênh khác?
Truyện, tiểu thuyết, anime, game, v.v ?
Rất mừng là những kênh này lại biết khai thác hơn. Thời loạn như Mạc mạt, có khối chuyện để đưa lên truyện, lên phim, lên game. Thông qua đó ta sẽ có nhiều cái nhìn rộng hơn về các phiên Tây Nam. Có khi bạn từng xem qua mà không nhận ra đấy! Bạn tôi cực mê Hakuoki (Bạc Anh Quỷ, tên Hán Việt quá ngầu!), nhóm sub cũng tâm huyết cực kỳ, nhưng không hiểu vì sao Choshu lại được dịch thành "Thiên Trù" trong khi Satsuma vẫn là Satsuma (!). Một ấn phẩm khác có tiếng vang cực lớn khi nó ra mắt và nếu bạn đang đi Hội sách năm nay thế nào cũng mua được với giá giảm 30%: quyển "Là người Nhật" của A.N. Mesheriakov, Phạm Nguyên Trường dịch. Quyển này thì hay và sâu miễn chê, nhưng có tí vấn đề thế này: bạn khoa sử có thể rành hơn mình khoa Nhật, nhưng gặp Tyosju thì mình bật cười còn bạn có khi bật...mếu. Vẫn biết là ở ta chưa có quy định chính thức về việc dịch danh từ riêng tiếng Nhật, nhưng sách tôi sưu tầm mười mấy đầu thì toàn gặp Choshu thôi, quyển cũ nhất của cụ Đào Trinh Nhất chưa tra lại không biết cụ viết tên Hán Việt hay thế nào...
Nói tóm lại, bàn tay lớn của các phiên Tây Nam, hay vòi rồng Sa-cho (Satsuma - Choshu), qua các kênh phi chính thống tôi lại tiếp xúc được một cách đa chiều hơn, nhưng đó là khi tôi đã nắm chung chung về nó để còn kịp hiểu mình đang xem, đang đọc cái gì, ở giai đoạn nào, dưới góc nhìn của ai...
Khá dài dòng để chúng ta kể nhau nghe những điều mắt thấy tai nghe này. Lần này chỉ là về các phiên Tây Nam, cũng chỉ mới đi qua về câu chữ rìa ngoài. Mà đã dài và lòng vòng đến thế. Xin phép cho tôi gửi lời cảm ơn chân thành nếu bạn đã đọc được đến dòng cuối này. Và thay vào đó là lời xin lỗi nếu từng ấy thời gian bỏ ra quá vô nghĩa với bạn.
Tái bút: về nhân vật, tác giả, sự kiện cụ thể có những chỗ tôi lược bớt hoặc khái quát hoá cho đỡ rối. Dẫn nguồn cụ thể cũng được nhưng chắc mất nhiều thời gian một chút, để lục ra