Mình chọn học ngành Tâm lý học muộn, sau khi bỏ dỡ một ngành học kĩ thuật sau ba năm (mọi người vẫn hay hỏi mình sao không ráng tí cho xong ^^), trải qua nhiều ngành nghề khác từ làm digital marketing, bán hàng, làm thời trang,...cho đến khi quyết định đi học lại ở tuổi 23. Đến nay, rất mừng vì hành trình nhiều năm qua thực sự có ý nghĩa. Mình đã tốt nghiệp và đang đi làm trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ tinh thần.
Nhìn lại quyết định lựa chọn ngành học, có rất nhiều thứ về ngành mình chưa hình dung hết được. Đại đa số các trang thông tin giới thiệu ngành nghề tâm lý học là các trang tuyển sinh của trường đại học hoặc trung tâm du học. Mình thấy thông tin cập nhật khá mới và đầy đủ, tuy nhiên, có thể là vì trang tuyển sinh nên bạn sẽ không tìm thấy một số thông tin mang tính thực tế và phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Hi vọng bài chia sẻ dưới đây sẽ giúp các bạn có thêm một góc nhìn về thị trường ngành nghề tâm lý học tại Việt Nam.

1. Tham vấn, trị liệu tâm lý

Đây là công việc mà rất nhiều bạn mong muốn làm khi học ngành tâm lý. Tuy nhiên, để làm công việc này bạn đòi hỏi bạn cần có bằng thạc sĩ (tất nhiên vẫn có những ngoại lệ) và được giám sát chuyên môn một số giờ nhất định. Luật Việt Nam chưa có quy định, tuy nhiên đây được ngầm xem là một tiêu chuẩn chung của các nhà thực hành. Thông thường nhà tham vấn/trị liệu tâm lý sẽ chuyên về một tiếp cận nào đó, ví dụ như CBT, trị liệu hệ thống-gia đình, trị liệu phân tâm,... Thế nên, ngoài tấm bằng thạc sĩ, họ cũng cần học thêm các chứng chỉ, khoá học nâng cao về những tiếp cận này.
Với một sinh viên mới tốt nghiệp cử nhân chọn theo hướng tham vấn, trị liệu tâm lý, họ thường sẽ có các lựa chọn như sau:
(1) Tham vấn học đường (school counseling). Một số trường sẽ chỉ yêu cầu bạn có bằng cử nhân và một số kinh nghiệm khác liên quan được tích luỹ trong lúc là sinh viên như giảng dạy kĩ năng sống cho học sinh, trợ giảng lớp học,... Nếu đủ may mắn, bạn sẽ có giám sát chuyên môn ở trường và công việc đảm nhận là tham vấn như bạn mong muốn. Lưu ý rằng trọng tâm làm việc thường sẽ là hỗ trợ tâm lý ban đầu, tham vấn về hướng nghiệp, khó khăn học tập... Nếu khó khăn tâm lý cần được can thiệp nhiều hơn, nhà trường thường sẽ chuyển gửi học sinh qua các trung tâm, bệnh viện để hỗ trợ.
(2) Quản lý/điều phối ca (case manager)
Đây là công việc kết nối giữa thân chủ (khách hàng) và nhà tham vấn, trị liệu tâm lý. Để một tiến trình tham vấn, trị liệu diễn ra hiệu quả, luôn cần có một người ở giữa để đứng ra tiếp nhận thông tin, sắp xếp lịch hẹn, đảm bảo các tiêu chuẩn đạo đức,... Đây là một công việc cực kì phù hợp với cử nhân tâm lý mới ra trường, giúp bạn hình dung được một tiến trình chung về ngách tham vấn, trị liệu tâm lý.
(3) Tham vấn, trị liệu cho cá nhân, gia đình, cặp đôi...
Cử nhân mới ra trường thông thường sẽ phải cần thêm thời gian học việc có giám sát và tấm bằng thạc sĩ gần như là bắt buộc. Như mình nói ở trên, việc xác định bản thân muốn làm với đối tượng thân chủ như thế nào, tiếp cận nào là rất quan trọng để bạn đầu tư học sâu hơn, chọn người giám sát phù hợp,... Các môi trường làm việc có thể là các trung tâm tâm lý của tư nhân, của trường đại học, bệnh viện, cộng tác với các app hỗ trợ sức khoẻ tinh thần, làm cho các dự án cộng đồng,...
Tổng cộng, số năm một người bỏ ra đến khi có thể làm chuyên viên tham vấn, trị liệu tâm lý một cách độc lập (thông thường) cần 6-7 năm.
* Tóm lược
Tham vấn, trị liệu tâm lý là một hướng rất hay nhưng cần đầu tư nhiều thời gian, công sức, tiền bạc (để học thạc sĩ, lấy các thể loại chứng chỉ, và thời gian đầu thường thực hành không lương hoặc lương thấp) và đi đường dài. Chưa kể quá trình làm việc cần tiếp xúc trực tiếp với thân chủ, nên đòi hỏi bạn phải self-care, trắc ẩn rất tốt để không rơi vào trạng thái kiệt sức (burn-out) hay cạn kiệt lòng trắc ẩn (compassion fatigue). Đó là lý do nhiều bạn chọn ngành tâm lý học vì muốn trở thành nhà tham vấn tâm lý, nhưng sau khi tốt nghiệp chỉ một số ít sinh viên/khoá đi được con đường này cho tới cùng.

2. Giảng dạy

Sau khi học tâm lý học và yêu thích việc giảng dạy, bạn có thể lựa chọn trở thành:
(1) Giáo viên dạy kĩ năng
Giáo viên kĩ năng sống, giáo dục cảm xúc,.. là một trong những công việc được đăng tuyển dụng nhiều nhất trong các group, trang tuyển dụng về việc làm ngành tâm lý. Công việc này chủ yếu làm với học sinh nên đòi hỏi sự yêu mến trẻ, khả năng quản lý lớp học, truyền đạt,... Khi là sinh viên tâm lý học, bạn đã có thể ứng tuyển các công việc này để có thêm kinh nghiệm và trải nghiệm.
(2) Giảng viên ngành tâm lý học
Hiện nay, các trường đại học đều yêu cầu giảng viên ngành tâm lý học cần có ít nhất bằng thạc sĩ và ưu tiên du học từ nước ngoài. Tất nhiên giảng viên không chỉ làm công việc giảng dạy mà còn các việc khác như nghiên cứu, hành chính... Tuỳ trường đại học mà mức độ phân bổ khác nhau. Nếu bạn chỉ thích giảng dạy, bạn có thể trở thành giảng viên thỉnh giảng. Bạn cũng không nhất thiết chỉ có thể dạy cho sinh viên ngành tâm lý học. Có rất nhiều ngành trong khối kinh tế, y dược, xã hội,.. có học phần tâm lý học và bạn có thể thỉnh giảng ở những lớp đó.

3. Can thiệp cho trẻ em đặc biệt

Trong các nhóm, trang tuyển dụng, đây là công việc có nhu cầu nhiều top đầu. Bạn sẽ làm can thiệp cho các trẻ có rối loạn như trẻ tự kỉ, ADHD, chậm nói,... Tuy nhiên, bạn cũng phải cạnh tranh với các bạn từ các ngành khác như giáo dục đặc biệt, công tác xã hội. Theo quan sát của mình, công việc này có nhu cầu ngày càng tăng, và nếu bạn có vốn tiếng Anh đủ tốt để làm với các trẻ từ gia đình expat, có chứng chỉ riêng về can thiệp, thu nhập của bạn cũng sẽ tốt hơn rất nhiều.
Ngoài ra, cần lưu ý rằng trước khi can thiệp, trẻ cần được đánh giá xem liệu trẻ có rối loạn phát triển gì không? đang ở mức độ nào?... Việc đánh giá thường được làm tại các bệnh viện như Bệnh viên Nhi đồng TP, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2,...(TP.HCM). Vậy nên, khi học tâm lý, bạn cũng có thể ứng tuyển trở chuyên viên đánh giá tâm lý tại các bệnh viện có khoa nhi như trên. Hạn chế là số lượng tuyển dụng vị trí này mình thấy không nhiều.

4. Nghiên cứu về tâm lý học

Trong môi trường học thuật (academic) tại Việt Nam, nghiên cứu là một phần công việc của giảng viên. Theo mình biết thì có rất ít các trường, viện nghiên cứu có suất riêng cho nghiên cứu viên về tâm lý học full-time (ví dụ ngoại lệ như RMIT). Tương tự như các ngành khác, bạn cũng cần chọn một ngách để đi sâu nghiên cứu. Bạn có thể tham khảo thêm trên các nhóm như Vietnamese Humanities & Social Sciences Association (VHSSA), VietPhD.org trên facebook để hình dung rõ hơn về công việc nghiên cứu.
Nếu làm nghiên cứu trong môi trường ngoài học thuật, thì chỉ có các doanh nghiệp đa quốc gia (chủ yếu là doanh nghiệp về nghiên cứu thị trường hoặc doanh nghiệp rất lớn có quan tâm đến people analysis), các tổ chức phi chính phủ và dự án về sức khoẻ tinh thần cho trẻ em, thanh thiếu niên,... cần tuyển nghiên cứu viên về tâm lý học.

5. Nhân sự

Khi học xong cử nhân tâm lý học, bạn đã có nền tảng tương đối tốt trong làm việc với con người. Rất nhiều công ty cởi mở trong việc lựa chọn ứng viên phòng nhân sự có bằng tâm lý học hoặc các khối ngành xã hội khác. Tất nhiên, so với một ứng viên học đúng chuyên ngành từ nhân sự, ứng viên từ ngành tâm lý học có thể bị thiếu các kiến thức và kĩ năng liên quan đến tuyển dụng, C&B,... Tuy nhiên nếu được làm việc tại các team như L&D hay HRBP, ứng viên từ ngành tâm lý học có thể ứng dụng tốt các kiến thức về tâm lý nói chung và các kĩ năng như nghiên cứu, làm dự án,...được đào tạo trong quá trình học.

6. Các công việc khác

Ngoài một số công việc phổ biến trên, bạn có thể làm các công việc khác như làm chuyên viên dự án, phân tích dữ liệu, nhân viên hỗ trợ học sinh, sinh viên, UI UX... từ nền tảng được đào tạo từ tâm lý học. Tất nhiên để làm những công việc "trái ngành" như vậy, đòi hỏi bạn cần xây dựng các kĩ năng liên quan trong quá trình học.
Bạn có thể tham khảo các group dưới đây để tìm hiểu nhiều hơn về các công việc tâm lý học đang được tuyển
Group Việc làm ngành Tâm lý học
Group Psychology Jobs and Opportunities

TỔNG KẾT

Nhìn chung ngành tâm lý học ở Việt Nam còn khá mới, không có nhiều công việc "đúng ngành" (ở đây tạm hiểu là học tâm lý học ra để tham vấn, trị liệu tâm lý) cho sinh viên mới ra trường. Tuy nhiên theo quan sát cá nhân của mình, nếu như bỏ qua hai chữ "đúng ngành" (và cân nhắc liệu điều này có đúng? có quan trọng với bạn không?), thì thị trường việc làm thực sự rất đa dạng và nhiều tiềm năng. Đặc biệt là khi bạn có bộ kĩ năng đa dạng và đủ cứng, có vốn tiếng Anh. Rất nhiều người mình biết, họ không chỉ làm một công việc kể trên, mà có thể làm nhiều công việc một lúc. Ví dụ như họ vừa đi giảng dạy về tâm lý học, vừa làm tham vấn tâm lý, thỉnh thoảng lại viết bài, dịch sách... Điều này là rất phổ biến đối với người trong ngành tâm lý học.
Tất nhiên, mình không phủ nhận nhiều sinh viên tâm lý ra trường cảm thấy chênh vênh và nhận mức lương ban đầu thấp hơn so với mặt bằng chung trên thị trường (tình trạng cũng tương tự với các ngành khoa học xã hội khác), trong khi ngành tâm lý học cần một sự đầu tư đáng kể về thời gian, công sức và tiền bạc trong một thời gian dài. Thị trường việc làm cũng chỉ phổ biến ở các thành phố lớn, ở tỉnh thực sự rất hiếm. Vậy nên bạn cũng cân nhắc đầy đủ những điều này, quản lý kì vọng, chuẩn bị tốt và thực sự chủ động trên hành trình nghề nghiệp của mình. Nếu bạn và gia đình có quá nhiều áp lực kinh tế, bạn hoàn toàn có thể theo học các lớp tâm lý học văn bằng 2 trong tương lai (mình sẽ chia sẻ chi tiết hơn trong những bài sau).
Hi vọng những chia sẻ trên giúp ích cho bạn phần nào nếu bạn đang chuẩn bị chọn học tâm lý học hoặc đang là sinh viên. Những quan sát của mình chỉ áp dụng cho thị trường ở Hồ Chí Minh. Hi vọng những năm sau ngành tâm lý học sẽ còn phát triển hơn và thị trường sẽ có nhiều cơ hội hơn cho chúng ta ^^