Ảnh bởi
Leon Gao
trên
Unsplash
Bạn đã bao giờ gặp phải trường hợp này: tết đến xuân về, gia đình bạn tất bật về quê. Trong những buổi cỗ đoàn viên đông đúc, thường sẽ có một hoặc vài bác trai lớn tuổi trong họ hàng, có cách nói năng và suy nghĩ chẳng khác gì đúc từ những cuốn sử Tàu mà ra. Họ liên tục trích các câu chuyện từ thời chiến quốc hoặc tam quốc, thi thoảng thêm vào vài dòng thơ Lý Bạch, hoặc so sánh các kinh nghiệm đời sống của họ với lời dạy của Khổng Tử. Những người đó, nói văn hoa thì là những hảo hán Trung Hoa đang ẩn dật nơi đất Việt, nói nhẹ nhàng thì là những cột trụ níu giữ truyền thống Nho học của tổ tiên, còn nói nặng lời thì là mấy ông già hủ Nho lẩm cẩm.
Và nhiều lúc bạn sẽ chẳng hiểu mấy bác già đang nói về cái gì.
Rồi khi bạn hỏi, thì xen lẫn giữa những lời giải thích cho một điển tích ngẫu nhiên nào đó trong thời Ngũ Hồ Loạn Hoa, là những cái chẹp miệng đầy nước chè và khói thuốc lào cùng với vài câu chốt hạ ngán ngẩm:
“Bọn nhỏ thời nay chẳng biết cái đéo gì cả. Hỏng, hỏng hẳn!”
Cảm nghĩ của mình về việc này cũng khá lộn xộn. Một mặt, thời thế đã thay đổi. Văn hoá tây phương tràn vào khối văn hoá đồng văn hán tự như tằm ăn dâu, đặt nền văn hoá Việt ở ngã ba đường. Chúng ta khó mà chỉ sống được với mình hệ giá trị và tư tưởng nho Học từ thời phong kiến, hay nói cách khác, Việt Nam ta không còn là một nước thuần Nho nữa. Và mình quan sát được rằng thế hệ trẻ như mình đọc Sapiens và Jared Diamond nhiều hơn là đọc tứ đại danh tác. Nhưng bản chất của văn hoá Việt vẫn là thuộc khối đồng văn, tức là khối văn hoá chịu ảnh hưởng bởi Trung Hoa.
Tất nhiên, bạn không cần phải rồ Tây hay ngộ Tàu thái quá. Tìm được điểm cân bằng cho thế giới quan và hệ giá trị của bạn sẽ tốt hơn là chỉ tiếp nhận từ một phía.
Nếu đọc đến đây và bạn tự hỏi, vậy bắt đầu từ đâu để tìm hiểu sử Tàu? Chắc chắn rằng mấy bác già sẽ ném cho bạn một danh sách dài dằng dặc, điển hình như Đông Chu Liệt Quốc, Xuân Thu Chiến Quốc, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Sử ký Tư Mã Thiên, ... Ngộp thở chưa?
Thực ra thì có cách dễ hơn trên con đường này.
Gần một năm nay mình theo dõi một bộ truyện tranh về sử Tàu, tên là “Nếu lịch sử Trung Quốc là một bầy mèo”. Và mình đã không bỏ lỡ một tập nào, vì sự cute, gần gũi và bổ ích của nó.
Bộ truyện này đi từ thời cổ đại của dân tộc Trung Hoa, và đến bây giờ, ngày 7/12/2021, đã được dịch đến giai đoạn Lý Thế Dân lên ngôi, đưa nhà Đường lên thời kỳ đỉnh cao, hay còn gọi là Trinh Quán Chi Trị. Những nhân vật trong truyện, tất nhiên rồi, là những con mèo. Với concept là một đoàn làm phim có hơn chục con đuỹ moè là diễn viên chính, sẽ đóng vai các nhân vật lịch sử trong các thời kỳ, đưa ra những thông tin khái quát về từng giai đoạn sử Tàu. Tìm hiểu sử Tàu qua cách này rất nhẹ nhàng đáng yêu, mà vẫn giữ được lượng thông tin cần truyền tải ở mức đủ dùng, trích dẫn từ những tài liệu lịch sử Trung Quốc, cả hiện đại và cổ xưa.
Truyện cute vl, mà vẫn có trích dẫn nguồn học thuật (Nguồn: <a href="https://www.facebook.com/tutrans">Tử Nguyệt</a>)
Truyện cute vl, mà vẫn có trích dẫn nguồn học thuật (Nguồn: Tử Nguyệt)
Shoutout to chị Tử Nguyệt đã cất công dịch và edit chỗ truyện này. Nếu có thể, hãy cho chị ấy 1 follow trên trang facebook.
Tất nhiên bạn sẽ không thể học được một cách chi tiết về sử Tàu chỉ qua truyện tranh. Nhưng mình tin đây là bước khởi đầu cực kỳ truyền cảm hứng cho bạn tìm hiểu những tài liệu khô khan tiếp theo.
Đọc bộ truyện này, mình lại nghĩ về việc học sử Việt. Nếu mà có một bộ truyện như thế này về sử Việt từ thời Hồng Bàng tới thời hiện đại, chắc học sinh Việt Nam sẽ hứng thú tìm hiểu sử Việt hơn rất nhiều. Và ừ, mình biết là có bộ Long Thần Tướng khá nổi. Nhưng theo mình nó vẫn có phần hơi nghiêm túc và đi sâu vào một thời kỳ nhất định.
Nhưng liệu có khả thi cho một bộ truyện như “Nếu lịch sử Việt Nam là một bầy mèo” tồn tại không? Rào cản to lớn nhất, có lẽ là thuần phong mỹ tục. Ở phiên bản Trung Quốc, có thể thấy được những hình ảnh như vua Hán Vũ Đế là một con mèo đen cau có, cho quân đi chinh phục Hung Nô, cướp về bao nhiêu là Nintendo Switch và gậy Sakura. Rất nhiều những pop culture references như vậy xuất hiện trong truyện, nhằm mục đích tạo sự gần gũi, vui vẻ.
Hán Vũ Đế vừa uống sữa vừa diệt Hung Nô (Nguồn: <a href="https://www.facebook.com/photo/?fbid=1539702859563722&amp;set=a.1531216990412309">Tử Nguyệt</a>)
Hán Vũ Đế vừa uống sữa vừa diệt Hung Nô (Nguồn: Tử Nguyệt)
Vậy… liệu người Việt chúng ta có chấp nhận hình ảnh một chú mèo Hưng Đạo Đại Vương, đốt hết gà rán ở Thăng Long trước khi bỏ thành? Hay đàn mèo Việt Minh hò dô ta kéo wow lựu đạn lên núi trong chiến dịch Điện Biên Phủ? Liệu dân tình sẽ nghĩ đây là một làn gió mới trong việc kể sử Việt, hay sẽ chửi bới vì sự nhắng nhít? Liệu báo chí sẽ vào cuộc, bảo rằng đây là một sự xuyên tạc đến bậc cha chú? Liệu các bộ ban ngành sẽ đưa ra lệnh cấm bộ truyện vì không hợp thuần phong mỹ tục, vì dám bôi bác hình ảnh tiền nhân? Theo mình thì khá chắc viễn cảnh đó sẽ xảy ra. Và mình không nghĩ sự cứng nhắc và nghiêm túc đó là điều tốt.
Và hãy tưởng tượng xem cụ Hồ sẽ được miêu tả như thế nào, khi mà đề tài cụ Hồ là một đề tài vô cùng nhạy cảm.
Dù sao thì mình vẫn luôn mong sẽ có một phiên bản Việt Nam của bộ truyện này. Một chút niềm vui ở thời điểm bắt đầu tìm hiểu có thể sẽ là chất xúc tác đưa bạn đi một chặng đường dài. Không có lịch sử chán, chỉ có lịch sử được kể theo cách buồn chán.