Tóm gọn thế này, để đạt được mục tiêu tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả, người ta cần trải qua ba giai đoạn của sự học: ĐỌC, NGHE và LÀM. Tuy nhiên để việc tiếp thu trở nên hữu hiệu hơn và nhanh hơn, ta cần tìm ra một thứ tự học - hành phù hợp nhất đối với bản thân. Giáo dục truyền thống sắp xếp ba giai đoạn trên theo trình tự: ĐỌC - NGHE - LÀM. Cụ thể là (1) xem bài trước ở nhà, (2) đến lớp nghe giảng và (3) làm bài tập hoặc thí nghiệm hoặc đi thực tập. Một số trường học trên thế giới đã áp dụng những trình tự khác từ lâu. Ví dụ nhận thấy từ sách Hóa học khối phổ thông ở Singapore, thầy giáo cho học sinh làm thí nghiệm (3), sau đó cùng nhau mô tả hiện tượng (2) và cuối cùng đọc sách (1) để hiểu rõ vấn đề. Trình tự ngược hoàn toàn so với truyền thống.
Dù vậy việc học là suốt đời và không phụ thuộc vào một giảng đường nào cả. Vì thế tìm ra một trình tự thích hợp nhất cho bản thân là chuyện quan trọng. Bởi nó không chỉ liên quan đến sự hiệu quả, mà còn là niềm hứng thú.
Có một số bài kiểm tra online để xác định điều đó, tuy nhiên qua tiếp xúc với loài người, và tham khảo Thuyết Đa Trí Tuệ, tôi đúc kết được vài đặc điểm để hiểu được bản thân. Nguyên tắc là, bạn cảm thấy thoải mái với giai đoạn nào nhất thì hãy luôn luôn cố gắng đưa nó lên đầu tiên trong quá trình học tập, còn cái nào ít dễ chịu hơn thì đẩy xuống cuối cùng. Và nhất thiết phải có cả ba giai đoạn nhé (đừng như tôi, rất rất thường xuyên thiếu giai đoạn đọc - một đứa lười coi sách cho hay).

LÀM

Những người nên đưa việc LÀM - thực hành lên trước tiên được mô tả thế này. Bạn chưa biết gì cả, không hề có một khái niệm nào trong đầu về vấn đề cần học nhưng khi quăng bạn ra thực tế, bạn vẫn có thể loay hoay xử lý vấn đề, cho dù không hoàn hảo, nhưng kết quả đủ khiến bạn và người khác hài lòng.
Nếu khi đụng đến thực tế mà bạn run lẩy bẩy, người toát mồ hôi hột vì không có chút kiến thức nào thì bạn không thuộc trường phái này nhé. Khoan đó, sau khi hoàn thiện những giai đoạn khác bạn sẽ thấy tự tin hơn với chuyện thực hành.
Dạng người này thường thấy là những người giỏi các hoạt động thể chất, năng động, xì pót tịp các kiểu.

ĐỌC

Dạng người này thì ngược lại nè. Họ cần tịnh tâm, ĐỌC sách, tìm hiểu tài liệu kỹ càng trước khi bước vào các giai đoạn học khác. Họ thường xuất hiện dưới hình bóng loài người trầm mặc, tránh tiếp xúc với xã hội và cảm thấy thoải mái khi ở một mình.
Lắm khi, một người thực sự thu hút người khác theo cách sapiosexual nhưng vẫn phải xi-nhan với đối phương rằng tui đây đầy tính xấu và khó ưa
Nếu bạn chưa làm gì mà nhìn vào sách vở và đống lý thuyết đã thấy chán ngán thì không nên dùng việc đọc để học trước. Nhưng tin tui đi, một khi bạn hoàn thiện các giai đoạn khác rồi, trí tò mò sẽ thôi thúc bạn đọc không ngừng để giải thích tất cả những điều bạn đã tiếp xúc. Và cũng lưu ý là không nên nhầm lẫn với sở thích đọc sách. Thích đọc sách thực sự giúp đỡ việc đọc, nhưng không phải là cách chính xác để xác định trình tự học.

NGHE

Nghe không chỉ là nghe thầy giảng, mà còn NGHE cả chuyện đời nữa. Đôi khi bạn sẽ thấy người này hầu chuyện người lớn hàng giờ liền mà... mãi mới chán. Bạn cũng thấy họ "chất vấn" giáo viên không ngại ngần. Mấy ông bà này thường hoạt ngôn và có trí tưởng tượng xếp vào hàng ngon. Ngay cả nếu không có nhiều kiến thức về vấn đề đang học, họ vẫn có thể liên kết tất cả khái niệm có liên quan để thúc đẩy sự tiếp thu.
Nếu ngại tiếp xúc với loài người, hoặc cảm thấy môi mép không lanh lợi lắm thì đây không phải là giai đoạn phù hợp để bạn đưa lên trước nhất.
Mà bạn có bao giờ thấy mấy ông bình thường vẫn im im nhưng khi đụng phải vấn đề sành sỏi là mấy ổng nói chuyện nghe thấy mê chưa? Đó là do họ đã nạp ngon lành kiến thức từ những giai đoạn trước. Không có gì phải lo nếu mình không hoạt ngôn cả.