Hoa đào, phong lưu thứ nhất kinh thành
Bài viết này là một phần của " Tết xưa người nay " - loạt bài viết và sự kiện về Tết cổ truyền mà Culumbuk giới thiệu đến các bạn...
Bài viết này là một phần của "Tết xưa người nay" - loạt bài viết và sự kiện về Tết cổ truyền mà Culumbuk giới thiệu đến các bạn trong Tết Mậu Tuất 2018. Bài viết gốc được đăng ở đây.
Hoa ngày Tết quý nhất vẫn là hoa đào. Hoa đào có một mùi hương rất đặc biệt, khó nhận ra, giống như mùi hương của đất, của gió bấc, của mưa phùn, là hương vị của đất trời vào xuân. Hoa đào tươi thắm của ngày Tết xứ Bắc, hoa đào phong lưu kiều diễm của mùa xuân và tình yêu, giống như cành đào mà vị vua Tây Sơn đã sai người phi ngựa ngày đêm vào thành Phú Xuân (Huế) để tặng cho người vợ yêu của mình…
Hoa đào dăm thứ
“Hoa đào đẹp lối Nhật Tân
Yêu quê, hoa nở đầy sân lụa đào…”
(tác giả: không rõ)
Hoa đào có nhiều loại khác nhau: đào bích, đào phai, đào ta, đào thất thốn, và đào bạch. Đào bích là thứ đào phổ biến nhất ở miền Bắc, hoa đơn hoặc hoa kép, hoa nhỏ cánh tròn, thành nhiều vòng liên tiếp nhau, dày dạn, hồng thắm, lâu tàn. Hoa rải đều trên khắp các cành chi, cành tăm, hoa chen nụ, nụ đỡ hoa, màu sắc tươi đẹp đầy sức sống. Đào phai cũng tương tự như đào bích, có thể là thứ hoa kép nhiều tầng cánh hay hoa đơn một vòng cánh, nhưng sắc hoa nhạt hơn, phơn phớt hồng, mong manh dễ tàn hơn đào bích. Đào ta là loài đào ăn quả, hoa to, hồng dịu, là giống hoa đơn năm cánh, cành lá mọc tự nhiên chứ không uốn ghép theo thế như đào bích hay đào phai, nhiều lộc non ra sớm, có khá nhiều ở Sa Pa. Hiếm hơn là đào thất thốn, thân cành khá thấp (chính vì vậy mới có tên là đào ‘thất thốn’ – bảy tấc), hoa nhỏ mọc thành chùm dọc theo cành, màu sắc đỏ rực rất ấn tượng. Một giống hoa đào khác rất quý hiếm là đào bạch, hoa kép như đào phai, đào bích, nhưng màu sắc trắng tinh như tuyết, phát nhiều tán và cành lá xum xuê.
Trồng hoa đào thì không đâu giỏi bằng người Nhật Tân, ngôi làng nằm ven sông Hồng, phía tây bắc Hồ Tây. Người làng Nhật Tân giàu kinh nghiệm trồng đào, tận tâm chăm sóc cho hoa đào, thế nên đào Nhật Tân bất kể là đào bích hay đào phải, sắc hoa đều tươi tắn, tán tròn và to, hoa nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán và giữ được tươi tốt cho đến hết tháng giêng.
Chuyện của hoa đào
“Đào hoa đua nở tưng bừng
Ước gì được kẻ trỏ đường cho hay…”
Hoa đào được chọn làm hoa Tết cho miền Bắc, có lẽ là bởi màu sắc rực rỡ báo hiệu điềm mừng, bởi cây đào là loài cây tụ hội tinh hoa của đất trời, thấm đượm khí dương, khiến ma quỷ sợ hãi, và còn bởi hoa đào là loài hoa của mùa xuân và của tình yêu.
Hoa đào màu hồng màu đỏ, đa sắc độ, từ hồng nhàn nhạt của đào phai, đến màu hồng đậm tươi thắm của đào bích, cho đến màu đỏ rực của đào thất thốn, trong văn hóa phương Đông nói chung đều là màu sắc may mắn, tượng trưng cho lễ hội và điềm mừng, như trong đám cưới dán chữ hỷ đỏ, Tết treo câu đối đỏ, số đỏ, vận đỏ… Màu sắc của hoa đào tô điểm cho căn nhà thêm phần tươi sáng vui vẻ, có lẽ chính vì vậy mà Tết ở miền Bắc không thể thiếu đươc hoa đào. Cắm một cành đào trong lọ, thế là có Tết, thế là đón được hương Tết vào nhà.
Không chỉ vậy, đào còn được coi là loài cây đầy dương khí, có thể đuổi ma trừ tà. Truyền thuyết kể rằng, ngoài biển có ngọn núi, tên gọi Đào Đô, trên núi có một cây đào to lớn uốn khúc cả ngàn dặm, là nơi ở của hai vị thần bắt quỷ là Thần Trà và Uất Lũy. Hung thần ác quỷ đều sợ họ. Chính vì vậy, ngày Tết để xua đuổi tà ma quỷ quái, người ta có tục đặt gỗ đào trong nhà, tượng trưng cho hai vị thần này, để khiến cho tà ma không dám tới làm hại gia đình.
Hoa đào còn là biểu tượng của mùa xuân, như trong những bức tranh tứ bình bốn mùa, bức mùa xuân thường vẽ hoa đào. Hoa đào cũng loài hoa phong lưu kiều diễm của tình yêu như trong ‘vận đào hoa’, ‘đào hoa đua nở tưng bừng’, cũng là hình ảnh của những cô gái xinh đẹp yểu điệu, như trong ‘liễu yếu đào tơ’, ‘phận má đào’, hay ‘đào nương’ – tên gọi để chỉ những người con gái biểu diễn ca trù, hát chèo, hát xẩm… Trong ca dao dân ca Việt Nam, cũng có rất nhiều những câu thơ dùng hình ảnh của hoa đào để ám chỉ tình yêu hay ám chỉ người con gái mà ta đã đem lòng yêu thương:
“Đào hoa đua nở tưng bừng
Ước gì được kẻ trỏ đường cho hay…”
"Hoa đào héo nhụy anh thương
Anh mong bẻ lá, che sương cho đào…"
Lờ mờ giữa lịch sử và giai thoại, Việt Nam ta còn có câu chuyện về hoa đào và tình yêu đế vương giữa vua Quang Trung và công chúa Ngọc Hân. Tương truyền vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), sau khi đánh thắng quân Thanh xâm lược ở Ngọc Hồi - Đống Đa (Hà Nội), đúng ngày mồng 5 Tết, vua Quang Trung đã cho người dùng ngựa trạm hỏa tốc mang một cành đào từ Thăng Long về Phú Xuân để báo tin thắng trận và tặng làm món quà năm mới cho công chúa Ngọc Hân, người con gái xứ Bắc về miền Trung làm vợ của nhà vua. Cành đào như một vật làm tin biểu lộ tình cảm của nhà vua, cũng thể hiện sự quan tâm chu đáo của ngài đối với vợ mình, mong nàng có thể khuây khỏa chút nào lòng thương nhớ quê nhà.
Mấy dòng chú ý khi chăm đào và thưởng đào
Ngày Tết miền Bắc, có lẽ đại đa số mọi người đều mua mấy cành đào về cắm bình, để tăng thêm không khí Tết trong gia đình. Chọn cành đào cần chọn hoa màu thắm, cành đều, gốc thẳng, thân đào xù xì mà chắc khoẻ, tán đào phải tròn, các nhánh phân bố đều. Những cành vừa phải, dăm (nhánh nhỏ nhất của cành đào) nhỏ thường có nhiều hoa, nụ mập mạp, những cành có dăm to thường ít hoặc thưa hoa. Đào đẹp là đào có dăm vút thẳng ra ngoài tán, nụ trải đều từ đầu tới cuối dăm, khi nở, hoa cánh dày, trông rất đẹp mắt.
Ngoài mua đào cành, người ta còn có thể mua cả cây đào về để thưởng hoa ngày Tết. Thưởng đào ngoài hoa, còn có thể ngắm thế cây, và lựa chọn các thế cây mang tên may mắn hay giàu ý nghĩa nhân vân.Tên của các thế đào chủ yếu lấy theo chữ Nho như thế long giáng hình con rồng sà xuống mặt đất; thế phu thê là hai cành quấn quít lấy nhau; thế quần tụ có tán cao (biểu tượng của cha) tạo bởi thân chính, các tán phụ (biểu tượng của con, cháu) bao xung quanh tạo bằng những cành thấp nhỏ hơn; thế ngũ phúc là dáng cây thẳng, với một gốc chính ở giữa, bao quanh bởi bốn cành nhỏ hơn (tổng cộng là năm nhánh – ‘ngũ’ là năm); tam đa tương tự như thế ngũ phúc, nhưng chỉ có ba nhánh (‘tam’ là ba, ‘tam đa’ để chỉ phúc, lộc, thọ). Khi chọn đào thế, cũng cần chú ý phải có đủ bộ tứ quý: hoa, nụ, lộc, và quả, bởi đó là biểu tượng cho sự đề huề, ấm no của gia đình.
Cách chăm sóc và tạo dáng cho đào thế thường khá phức tạp và chỉ dành cho những người trồng đào hay chơi đào chuyên nghiệp, nên nhắc tới chăm sóc đào, ở đây chỉ đề cập đến chăm sóc đào cành. Để có thể chăm sóc cho những cành hoa đào này nở đẹp, nở bền, khi mua cành đào về, nên hơ gốc qua lửa hay nhúng vào chậu nước nóng già khoảng 70 – 80 độ C trước khi cắm vào lọ, để các chất dinh dưỡng dự trữ nuôi hoa trong cành không thẩm thấu ra ngoài. Nước trong bình cắm hoa phải sạch, nên thay nước khoảng 2 - 3 ngày/lần, và có thể cho thêm vài viên thuốc vitamin B1, chút kali để có chất dinh dưỡng nuôi hoa, hoa đào được bền đẹp, lâu tàn.
Người ta cũng có thể dùng mẹo để khống chế cho hoa nở đúng vào mấy ngày Tết. Nếu cành đào cắm trong nhà nở quá nhanh, có thể dùng dao sắc cứa một vòng quanh thân, cách gốc cành đào khoảng 1 gang tay, mục đích là để hạn chế chất dinh dưỡng lên thân nuôi hoa, hoặc cho sỏi vào trong bình để giữ lạnh, đào sẽ nở chậm hơn. Ngược lại, muốn thúc cho đào nở nhanh, ta có thể dùng một nắm vôi đắp quanh gốc, sau một đêm đào sẽ nở tung để đón đúng vào ngày mùng 1 Tết.
Tết đến Xuân về, đào đỏ, mai vàng, thủy tiên cánh trắng nhụy vàng, màu đỏ tươi thắm biểu tượng cho sự may mắn tươi vui; màu vàng tượng trưng cho sự vinh hiển cao sang, tưng bừng khắp đường phố, vô số sắc hoa làm rộn ràng không khí đầm ấm hạnh phúc của người đang rạo rực vui xuân. Thế nhưng, dù có nhiều loài hoa đẹp đẽ đến thế nào đi nữa, thì Tết ở miền Bắc Việt Nam cũng không thể thiếu vắng hoa đào, loài hoa này dường như đã trở thành sứ giả báo tin cho mùa xuân Bắc Bộ, loài hoa của hạnh phúc và tình yêu.
Về Culumbuk
Culumbuk được ra đời với mong muốn bảo tồn và quảng bá văn hóa Việt bằng cách kết nối những người làm văn hóa với những người quan tâm. Đến với Culumbuk, nếu bạn là một người yêu thích văn hóa, bạn có thể tìm thấy những sự kiện phù hợp với sở thích và mong muốn để làm phong phú thêm cho cuộc sống hàng ngày của mình. Nếu bạn là một người làm văn hóa, bạn có thể tiếp cận được nhiều hơn với cộng đồng khách hàng và đối tác tiềm năng, để có thể tổ chức và quảng bá chương trình của mình một cách hiệu quả.
Chúng tôi tin rằng văn hóa chỉ tồn tại và phát triển nếu đó tiếp tục là một phần trong cuộc sống của mọi người, những người bình thường như bạn và chúng tôi.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về Culumbuk tại:
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất