Tài liệu Hồ sơ mật Lầu Năm Góc về chiến tranh Việt Nam – The Pentagon Papers là một trong các tài liệu tuyệt mật nhất được Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara chỉ định thực hiện nhằm làm tài liệu cho các chính quyền Mỹ về sau nghiên cứu và rút kinh nghiệm
Trước khi gửi đến các bạn bản dịch này, mình muốn nói với các bạn là đừng khoan vội cho rằng các thông tin dưới đây đều tuyệt đối chính xác. Đọc để cho ta thêm kiến thức, nhưng đọc không phải để ta tin tuyệt đối. Mình tin vào sự trung thực của công trình nghiên cứu này dù nó là thông tin một chiều, nhưng mình không đảm bảo mọi thông tin đều hoàn toàn chính xác vì có thể có sai sót từ phía những người thu thập thông tin. Thêm nữa, sau khi đã đọc qua hết tài liệu, cá nhân mình cũng thấy còn nhiều thông tin quan trọng về lịch sử VN từ 1945-1967 không được đề cập hay nhắc đến
Trước khi được công bố vào năm 2011, tài liệu Hồ Sơ Mật của Lầu Năm Góc – The Pentagon Papers này được xếp vào hàng tài liệu tuyệt mật của chính phủ Mỹ. Mỗi trang của tài liệu này đều có dòng chữ TOP SECRET – SENSITIVE (Tuyệt mật – Nhạy cảm) ở ngay đầu trang. Mục đích của tài liệu này là để các chính quyền đời sau của Mỹ rút kinh nghiệm từ các sai lầm đã qua. Người có chủ đích tạo ra tài liệu này là Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara. Ông đã tập hợp một nhóm chuyên gia đặc biệt nghiên cứu về Việt Nam để biên soạn tài liệu này vào năm 1967. Đến 1971, tài liệu này bị rò rỉ bởi phóng viên Daniel Ellsberg của tờ Newyork Times, một số tờ báo đã xuất bản vài trích đoạn từ tài liệu. Vụ việc đã được đưa ra toà, và các tờ báo phải ngưng xuất bản. Bản thân Daniel Ellsberg cũng bị xem là người nguy hiểm nhất nước Mỹ thời đó. Ngày 4 tháng 5 năm 2013, Cục Lưu Trữ Quốc Gia và Sở Tài Liệu Mỹ công bố tài liệu này được giải mật theo hiến pháp nước Mỹ và được tiếp cận rộng rãi và đến ngày 13 tháng 6 năm 2011, tài liệu này được giải mật và lưu tại Thư Viện và Bảo Tàng tổng thống Richard Nixon cũng như Thư Viện của tổng thống Kennedy và Johnson
Bản tài liệu Hồ sơ mật Lầu Năm Góc về chiến tranh Việt Nam này đã được nhiều đài truyền hình như Hãng truyền hình FX, Paramount, PBS … của Mỹ làm nhiều tin phóng sự . Bản thân phóng viên Daniel Ellsberg cũng là nhân vật trong nhiều kỳ phóng sự của nhiều tờ báo chí nổi tiếng như Times, Newyork Times, Washington Post, … lẫn nhiều đài tuyền hình. Năm 2009, đạo diễn lừng danh Judith Ehrlich và Rick Goldsmith dựng bộ phim về phóng viên Daniel Ellsberg và tài liệu này trong bộ phim phóng sự : “The Most Dangerous Man in America: Daniel Ellsberg and the Pentagon Papers” . Bộ phim gây được tiếng vang lớn và được đề cử giải Oscard về thể loại phim tài liêu. Xin gửi đến các bạn bản dịch của bạn Nam Đào được Admin chỉnh sửa và dịch thêm
*Chương 1*
BÁN ĐẢO ĐÔNG DƯƠNG TRONG CHÍNH SÁCH THỜI CHIẾN CỦA HOA KỲ, 1941-1945
Một số nhà sử học cho rằng chủ nghĩa chống thực dân đã chi phối chính sách và hành động của Hoa Kỳ cho đến năm 1950, khi ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản. Bernard Fall (trong cuốn sách của ông mang tên Những suy ngẫm cuối cùng về một cuộc chiến) đã phân loại chính sách của Mỹ đối với Đông Dương thành 6 giai đoạn:
1. Chống chính phủ tay sai Vichy thân phát xít, từ 1940 đến 1945
2. Hỗ trợ Việt Minh, từ 1945 đến 1946
3. Không can thiệp, từ 1946 đến 6/1950
4. Hỗ trợ Pháp, từ 1950 đến 7/1954
5. Có can thiệp nhưng phi quân sự, từ 1954 đến 11/1961
6. Can thiệp trực tiếp và toàn diện, từ 1961 trở đi
4 Giai đoạn đầu tiên là những giai đoạn ít được biết đến nhất đối với các nhà sử học. Fall đã khai triển luận điểm mà Tổng thống Roosevelt đã xác định “phải loại bỏ người Pháp ra khỏi Đông Dương bằng mọi giá”, và đã gây áp lực buộc phe Đồng Minh phải thành lập một cơ quan quốc tế có nhiệm vụ quản lý Đông Dương cho đến khi các quốc gia ở đó sẵn sàng giành độc lập hoàn toàn. Theo quan điểm của Fall, chủ nghĩa chống thực dân kiên quyết này, đã dẫn đến việc Mỹ từ chối viện trợ cho quân Pháp, và đi đến chính sách nâng đỡ Hồ Chí Minh và Việt Minh. Nhưng, Roosevelt bất ngờ qua đời, và nguyên tắc đối ngoại này của Mỹ dần phai nhạt; cho đến cuối năm 1946, chính sách của Mỹ từ chống thực dân chuyển sang trung lập. Hoa Kỳ, sau đó mãi bận tâm ở châu Âu nên không đưa vấn đề Đông Dương vào chương trình ngoại giao, cho đến khi Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ. Năm 1950, nhìn vào trường hợp Triều Tiên, Mỹ đã quyết định phải chống lại chủ nghĩa cộng sản, và làm ngược lại với trước đó, Hoa Kỳ đã cung cấp các nguồn lực kinh tế và quân sự của mình cho Pháp để chống lại Việt Minh. Các nhà bình luận khác, ở phía ngược lại, nhất là các nhà sử học của phe Việt Minh – đã mô tả chính sách của Hoa Kỳ là luôn dung túng và hỗ trợ việc tái lập quyền lực của thực dân Pháp ở Đông Dương, không quan tâm đến khát vọng dân tộc của người Việt Nam.
Xe tăng M48 Patton của lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam – US M48 Patton tank in Vietnam war
Hoa Kỳ dành rất ít sự quan tâm cho Đông Dương, và cũng không có nhiều dự tính cho bán đảo này. Sự mâu thuẫn trong chính sách của Mỹ giai đoạn thế chiến là căn nguyên dẫn đến nhiều hiểu lầm sau đó. Một mặt, Mỹ nhiều lần trấn an người Pháp rằng tài sản thuộc địa của họ sẽ được trả lại cho họ sau chiến tranh. Mặt khác, Hoa Kỳ cam kết trong Hiến chương Đại Tây Dương sẽ ủng hộ quyền tự quyết của mỗi quốc gia, và chính cá nhân Tổng thống Roosevelt cũng lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ Đông Dương độc lập. Roosevelt cho rằng Đông Dương là một ví dụ rõ ràng của chủ nghĩa thực dân tàn bạo, không nên trả lại cho Pháp mà để cho một cơ quan quốc tế tạm thời quản lý. Tổng thống đã thảo luận đề xuất này với phe Đồng Minh tại Cairo, Teheran, ở Hội nghị Yalta và nhận được sự tán đồng của Tưởng Giới Thạch và Stalin; Thủ tướng Churchil thì chưa đồng tình. Theo báo cáo của Fall, Roosevelt đã đề nghị tướng De Gaulle hãy để người Philippines giúp Pháp thiết lập một “chính sách tiến bộ hơn ở Đông Dương” (Phi từng là thuộc địa của Mỹ, do Tây Ban Nha thua trận nhượng lại, Mỹ đã để cho Phi tự trị dần cho đến khi hoàn toàn độc lập). De Gaulle phản hồi đề nghị bằng sự im lặng.
Cuối cùng, Chính sách của Hoa Kỳ không bị chi phối bởi các nguyên tắc của Hiến chương Đại Tây Dương, cũng không phải bởi chủ nghĩa chống thực dân của Tổng thống mà bởi các quyết định của chiến lược quân sự và bởi sự cố chấp của Anh về vấn đề thuộc địa. Để tập trung lực lượng chống lại Nhật Bản, Hoa Kỳ chấp nhận vai trò chủ đạo của Anh ở Đông Nam Á, và lấy vĩ tuyến 16 làm ranh giới cho phạm vi tạm chiếm đóng giữa Anh và chính quyền Tưởng Giới Thạch, khi 2 lực lượng quân sự này vào Đông Dương để giải giáp phát xít Nhật. Các chỉ huy Hoa Kỳ làm việc chung với người Anh và phe Tưởng, được cấp trên chỉ thị là không để gây hiểu nhầm đứng chung phe với Pháp, chỉ được phép thi hành các hành động không xa rời với mục đích chống phát xít Nhật. Theo chỉ thị của Roosevelt, Hoa Kỳ đã viện trợ khiêm tốn cho các lực lượng kháng chiến của Pháp chống Nhật và Việt Minh sau tháng 3/1945, nhưng từ chối hỗ trợ vận chuyển quân Pháp đến Việt Nam. Anh và Pháp gây sức ép muốn Mỹ giải thích tại sao hành xử như vậy ở Đông Dương, thì Roosevelt đáp lại “đó là vấn đề của thời hậu chiến.”
Ý tưởng lập một cơ quan quốc tế để tạm quản lý các lãnh thổ thuộc địa, chờ các dân tộc đủ sức giành lấy độc lập, là vào tháng 3 năm 1943; khi Hoa Kỳ phát hiện ra rằng người Anh, lo ngại về thành kiến có thể có đối với chính sách của Khối Thịnh Vượng Chung (đây là tên hệ thống thuộc địa của Anh). Phía Anh đã tỏ ra không muốn tham gia vào bất kỳ tuyên bố nào về ý tưởng của Roosevelt. Trong Hiến Chương Đại Tây Dương giữa Anh và Hoa Kỳ kí kết có một điều khoản là “tôn trọng quyền của tất cả các dân tộc được lựa chọn hình thức chính phủ mà họ sẽ sống”; thực sự thì điều khoản này khá mơ hồ, và có vẻ nó cho phép Anh duy trì thuộc địa miễn là người dân thuộc địa vẫn muốn Anh cai quản họ – nền tảng để Anh duy trì Khối Thịnh Vượng Chung. Và điều khoản này có sự mâu thuẫn với các tuyên bố để cho các dân tộc thuộc địa giành lại độc lập hoàn toàn dựa trên ý tưởng của Roosevelt. Người Anh rất nhạy cảm về điểm này, ở Hội nghị Dumbarton Oaks năm 1944, Anh đã thương lượng về kế hoạch chi tiết cho hệ thống quốc tế sau chiến tranh, đề cập đến vấn đề thuộc địa nhưng tránh né ý tưởng của Roosevelt. Tại thời điểm quan trọng mà Roosevelt có thể tác động đến phía Anh trong việc thành lập cơ quan tạm quản thuộc địa, trong việc xây dựng Hiến chương Liên hợp quốc, trong các hướng dẫn cho các chỉ huy phe Đồng Minh – ông đã không làm. Vì thế, mặc dù đưa ra đề xuất thành lập cơ quan tạm quản và chống chủ nghĩa thực dân, Roosevelt đã để Đông Dương rơi vào tình trạng tương tự như Miến Điện, Malaysia, Singapore và Indonesia: lãnh thổ tự do được tái chiếm và hoàn trả lại cho chủ cũ. Sự không can thiệp của Hoa Kỳ vào Việt Nam như là một sự chấp thuận để Pháp trở lại. Ngày 3/4/1945, với sự chấp thuận của Tổng thống Roosevelt, Bộ trưởng Ngoại Giao Stettinius đã ra một tuyên bố rằng, do kết quả của cuộc đàm phán  tại hội đàm Yalta, Hoa Kỳ sẽ xem xét ý tưởng thành lập cơ quan tạm quản như một sự trù liệu sau chiến tranh chỉ dành cho “những vùng lãnh thổ bị kẻ thù chiếm đoạt,” và “các lãnh thổ muốn tự nguyện để cho cơ quan tạm quản quản lý”. Trong bối cảnh đó, và sự giải thích của Ngoại trưởng, Đông Dương rơi vào loại thứ hai. Lo ngại có thể mất bán đảo Đông Dương vào tay cơ quan tạm quản, khiến Pháp càng quyết tâm hơn.
Roosevelt đột ngột qua đời, Truman trở thành Tổng thống. Ngay sau khi Truman nhậm chức, Mỹ đảm bảo với Pháp rằng họ chưa bao giờ đặt câu hỏi, thậm chí ám chỉ về chủ quyền của Pháp đối với Đông Dương. Chính sách của Hoa Kỳ là thúc ép Pháp thực hiện các biện pháp tiến bộ ở Đông Dương, nhưng cũng mong muốn Pháp quyết định khi nào trao trả lại độc lập cho các thuộc địa. Không có sự đồng ý của Pháp thì chưa thể thành lập cơ quan tạm quản ở Đông Dương. Đường lối này, được thiết lập vào tháng 6/1945 – trước khi chiến tranh kết thúc – vẫn là nét cơ bản trong chính sách của Hoa Kỳ.
Với sự hợp tác của Anh, các lực lượng quân sự của Pháp được tái lập ở miền Nam Việt Nam vào tháng 9/1945. Hoa Kỳ bày tỏ sự khiếp sợ trước sự bùng nổ của chiến tranh du kích sau đó, và chỉ ra rằng mặc dù họ không có ý định phản đối việc tái lập quyền kiểm soát của Pháp, nhưng không phải là ủng hộ sự kiểm soát bằng vũ lực. Hoa Kỳ sẽ vui lòng nhìn Pháp kiểm soát Đông Dương nếu người dân Đông Dương đồng ý để Pháp làm vậy trong tương lai. Trong suốt mùa thu và mùa đông năm 1945-1946, Hoa Kỳ nhận được hàng loạt lời đề nghị can thiệp vào Việt Nam của Hồ Chí Minh; và Hoa Kỳ không trả lời. Tuy nhiên, Mỹ kiên quyết từ chối hỗ trợ nỗ lực quân sự của Pháp, chẳng hạn như cấm tàu thuyền treo cờ Mỹ chở quân, nguyên liệu chiến tranh đến Việt Nam. Ngày 6/3/1946, Pháp và Hồ ký một Hiệp định, trong đó Hồ để Pháp trở lại miền Bắc Việt Nam để đổi lấy việc công nhận VNDCCH là một “Quốc gia Tự do”, một bộ phận của Liên hiệp Pháp. Đến tháng 4 năm 1946, sự chiếm đóng Đông Dương của phe Đồng Minh chính thức chấm dứt, và qua “hiệp định hoà bình giữa Hồ và Pháp” Mỹ chấp nhận để Pháp có lại sự kiểm soát Đông Dương. Từ đó, các vấn đề trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam được giải quyết thông qua mối quan hệ của Hoa Kỳ với Pháp.
SỰ TRUNG GIAN CỦA HOA KỲ TRONG CHIẾN TRANH PHÁP-VIỆT MINH, 1946-1949
Cuối năm 1946, Chiến tranh Pháp-Việt Minh bắt đầu. Từ 1946-1949, một mặt Pháp không đạt được bất kỳ thoả thuận lâu dài nào với Hồ Chí Minh, và mặt khác, dựng lên “giải pháp Bảo Đại”. Trong những năm này, Mỹ tiếp tục coi cuộc xung đột ở Đông Dương là vấn đề cần giải quyết của Pháp. Mỹ đã bày tỏ với Pháp về sự lo lắng viễn cảnh chiến tranh có thể kéo dài, và kêu gọi Pháp hãy nhượng bộ với chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam. Tuy nhiên, Mỹ nghi ngờ bởi lịch sử cộng sản của Hồ, nên đã không công nhận Hồ Chí Minh hay Việt Minh. Mỹ cảm thấy “giải pháp Bảo Đại” của Pháp hấp dẫn hơn. Mỹ không muốn can thiệp công khai và mạnh mẽ. Làm như vậy sẽ mâu thuẫn với quan điểm của người Anh rằng Đông Dương là mối quan tâm độc quyền của Pháp, và trở thành đề tài tranh chấp của các đảng phái chính trị cực hữu và cực tả ở Pháp. Mỹ đặc biệt lo ngại nếu làm vậy sẽ củng cố vị thế chính trị của những người Cộng sản Pháp. Bắt đầu từ 1946-1947, Pháp và Anh đang tiến tới một liên minh chống Liên Xô ở châu Âu và Mỹ đã miễn cưỡng áp dụng một chính sách có khả năng gây chia rẽ. Vấn đề độc lập của Việt Nam đối với Mỹ không quan trọng bằng so với sự phục hồi kinh tế châu Âu và an ninh tập thể khỏi sự thống trị của cộng sản.
CÁC BÀI KHÁC
Mar 11, 2023413
Jan 16, 2023370
Oct 16, 2022470
Không phải là Mỹ đã không có sự chuẩn bị cho những trường hợp như thế này. Ví dụ, trong cuộc tranh chấp năm 1945-1946 giữa Hà Lan và thuộc địa Indonesia, Mỹ đã chủ động can thiệp chống lại đồng minh Hà Lan của mình. Tuy nhiên, trong trường hợp đó, có Anh cùng can thiệp với Mỹ (Anh kiên quyết từ chối hành động tương tự ở Đông Dương). Hà Lan – một đồng minh kém quan trọng hơn nhiều ở châu Âu so với Pháp, nên Mỹ có thể chống lại. Mỹ sẽ thể hiện quyết tâm hành động chống lại chủ nghĩa thực dân, nếu cái giá phải trả thấp hơn.
Chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ giai đoạn này hầu như là trung lập. Tuy nhiên, nó cũng phù hợp với chính sách trì hoãn với Pháp mà Bộ trưởng ngoại giao thời Roosevelt công bố ngày 3/4/1945. Chính sách này cho thấy sự thiếu quyết đoán của Mỹ. Hơn nữa, vào thời điểm đó, Đông Dương dường như là một khu vực đầy rắc rối sau chiến tranh mà Mỹ nên bỏ phiếu trắng.
Tháng 2/1947, giai đoạn đầu của cuộc chiến Pháp-Việt, Đại sứ Hoa Kỳ tại Paris đã được chỉ thị phải trấn an Thủ tướng Ramadier về “tình cảm rất thân thiện” của Hoa Kỳ đối với Pháp và sự quan tâm của nước này trong việc hỗ trợ Pháp khôi phục sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự:
Bất chấp mọi hiểu lầm có thể nảy sinh trong tâm trí người Pháp về quan điểm của chúng tôi liên quan đến Đông Dương, Pháp phải đánh giá cao rằng chúng tôi đã hoàn toàn công nhận chủ quyền của Pháp trong khu vực đó và chúng tôi không muốn bị cho rằng chúng tôi đang cố gắng phá hoại điều đó bằng mọi cách. Người Pháp nên biết rằng mong muốn của chúng tôi là hữu ích và chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ mọi cách thích hợp có thể để tìm ra giải pháp cho vấn đề Đông Dương. Đồng thời, chúng tôi không thể nhắm mắt trước thực tế rằng vấn đề này có hai mặt, và các báo cáo của chúng tôi cho thấy phía Pháp đã chưa hiểu mặt còn lại (ở Sài Gòn nhiều hơn ở Paris), cũng như nguy cơ tiếp tục tồn tại viễn cảnh chế độ thuộc địa đã lỗi thời. Hơn nữa, không thể trốn tránh một thực tế là xu hướng chiếm giữ thuộc địa như trong thế kỷ XIX đang nhanh chóng trở thành dĩ vãng. Anh trao trả độc lập cho Ấn Độ và Miến Điện, Hà Lan trả lại độc lập cho Indonesia là những ví dụ nổi bật. Và chính bản thân người Pháp cũng nhận thức rõ điều đó từ cả trong Hiến pháp mới và trong các thỏa thuận với Việt Nam. Mặt khác, chúng ta đã không để ý rằng Hồ Chí Minh có quan hệ trực tiếp với Cộng sản, và cũng không nhận ra các thuộc địa cũ của đã rơi vào tay các tổ chức chính trị có tư tưởng và bị điều khiển bởi Điện Kremlin
Thành thật mà nói, chúng tôi không có giải pháp cho vấn đề Đông Dương. Về cơ bản, hai bên phải tự giải quyết. Và từ báo cáo của phía Pháp và những người từ Đông Dương, chúng tôi cảm thấy rằng cả hai bên đã cố gắng để dàn xếp. Chúng tôi biết là phía Việt Nam đã gây chiến trước vào 19/12/1946 và hành động này đã khiến người Pháp khó chấp nhận quan điểm cần phải rộng lượng và hòa giải. Tuy nhiên, chúng tôi hi vọng rằng người Pháp sẽ mở lòng hơn để cố gắng tìm ra giải pháp.
Hoa Kỳ mong muốn Pháp hướng về Bảo Đại, khuyến khích người Pháp biến những “thỏa thuận” liên tiếp mà họ ký với ông thành một giải pháp thay thế Hồ Chí Minh và Việt Minh. Càng ngày, Mỹ càng lo ngại việc Pháp không muốn nhượng bộ quyền lực chính trị cho Việt Nam làm tăng thêm khả năng biến cuộc xung đột Pháp-Việt Minh thành cuộc chiến với Liên Xô. Các nhà ngoại giao Mỹ được chỉ thị sử dụng sự thuyết phục và hoặc sức ép bằng tính toán tốt nhất để Pháp dứt khoát và nhanh chóng chấp thuận cho Việt Nam được độc lập. Mỹ nói với Pháp rằng Mỹ sẵn sàng viện trợ tài chính cho một chính quyền Việt Nam không phải bù nhìn của Pháp, nhưng Mỹ sẽ không thay đổi chính sách đang có trừ khi đạt được tiến bộ thực sự trong giải pháp thành lập chính quyền phi cộng sản ở Đông Dương của những người theo đuổi chủ nghĩa dân tộc thực sự ở đất nước này. Tuy nhiên, kể từ năm 1948, Hoa Kỳ vẫn không chắc chắn rằng Hồ và Việt Minh có liên minh với Điện Kremlin hay không. Một thẩm định của Bộ Ngoại giao về Hồ Chí Minh vào tháng 7/1948, chỉ ra rằng:
1. Thông tin của các cơ quan chỉ ra rằng Hồ Chí Minh là Cộng sản. Thành tích hoạt động lâu dài và được biết đến của ông liên quan đến quốc tế cộng sản trong khoảng thời gian 20 mấy đến 30 mấy tuổi, được tờ báo Cộng sản Pháp tên là Humanite không ngừng ủng hộ từ năm 1945, được Đài phát thanh Moscow khen ngợi (nơi đã dành sự quan tâm ngày càng nhiều cho Đông Dương trong 6 tháng qua) và thực tế là ông đã được gọi là “người cộng sản ưu tú” bởi các ấn phẩm gần đây của Nga cũng như Daily Worker, đã khiến các kết luận khác về Hồ trở nên mơ hồ.
2. Không có bằng chứng về mối liên hệ trực tiếp giữa Hồ và Moscow nhưng cho rằng nó tồn tại, cũng không thể đánh giá mức độ áp lực hoặc chỉ dẫn mà Moscow tạo ra cho ông. Chúng tôi có cảm tưởng rằng Hồ phải được đưa ra hoặc đang được giữ lại cho một kế hoạch lớn hơn. Bộ cho rằng Liên Xô đang dần hoàn thành các mục tiêu trước mắt của mình ở Đông Dương bằng cách (a) kìm hãm một số lượng lớn quân Pháp, (b) gây suy giảm kéo dài cho nền kinh tế Pháp, để làm chậm sự phục hồi và tiêu hao sự trợ giúp của ECA cho Pháp, và (c) phủ nhận với thế giới cách nghĩ Đông Dương sung túc dư thừa khi là thuộc địa của Pháp, nhằm kéo dài tình trạng rối loạn và thiếu hụt thuận lợi cho chủ nghĩa cộng sản phát triển. Thêm nữa, Hồ có vẻ đủ khả năng duy trì và nắm giữ Đông Dương mà không cần sự trợ giúp nào từ bên ngoài.
Vào mùa thu năm 1948, Văn phòng Nghiên cứu Tình báo thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ đã tiến hành một cuộc khảo sát về ảnh hưởng của cộng sản ở Đông Nam Á. Bằng chứng về âm mưu do Điện Kremlin chỉ đạo đã được tìm thấy ở hầu hết các quốc gia, ngoại trừ Việt Nam:
Kể từ ngày 19/12/1946, liên tục xảy ra các cuộc xung đột giữa quân Pháp và Việt Minh. Lực lượng này là một liên minh trong đó những người cộng sản có uy tín nắm giữ các vị trí có ảnh hưởng. Mặc dù người Pháp thừa nhận ảnh hưởng của lực lượng này, họ vẫn kiên quyết từ chối thoả thuận với lãnh tụ Hồ Chí Minh, với lý do ông là một người cộng sản.
Đến lúc này báo chí và đài phát thanh Việt Nam vẫn chưa có quan điểm chống Mỹ. Đúng hơn là nền báo chí thuộc địa Pháp đã chống Mỹ rất mạnh và đã thoải mái lên án chủ nghĩa đế quốc Mỹ ở Đông Dương không kém gì quan điểm của Moscow. Mặc dù đài phát thanh Việt Nam đã được Mỹ dõi theo sát sao xem có lập trường nào mới đối với Mỹ không, nhưng cho đến nay vẫn chưa có sự thay đổi nào. Và dường như không có bất kỳ sự chia rẽ nào trong lực lượng Việt Minh.
Đánh giá :
Nếu có một âm mưu chỉ đạo của Moscow ở Đông Nam Á, thì Đông Dương là một bất thường cho đến nay. Giải thích có thể là:
1. Không có chỉ thị cứng rắn nào được Moscow ban hành
2. Việt Minh cho rằng không có phần tử cánh hữu nào cần được thanh trừng
3. Cộng sản Việt Nam không tuân theo các chính sách đối ngoại của Moscow
4. Một sự miễn trừ đặc biệt mà Việt Minh được Moscow cho phép
Trong số những khả năng trên, thì khả năng thứ 1 và thứ 4 có vẻ khả dĩ nhất.