Hiểu về bản thân - tất tần tật những gì cần biết và có thể bạn chưa biết
Gần đây nhờ cơ duyên mình nhìn được một góc nhìn về việc hiểu hay dự đoán xu hướng của bản thân mà khi áp dụng vào đời sống hằng ngày thấy cuộc sống có nhiều biến chuyển tốt hơn.
DẪN NHẬP
Gần đây nhờ cơ duyên mình nhìn được một góc nhìn về việc hiểu hay dự đoán xu hướng của bản thân mà khi áp dụng vào đời sống hằng ngày thấy cuộc sống có nhiều biến chuyển tốt hơn. Bỗng mình thấy quan tâm về chủ đề hiểu về bản thân ở góc độ chuyên sâu hơn mới thử tìm hiểu khắp các nguồn và lại được học được nhiều cái hay ho nên mới viết bài này. Cũng qua bài viết này mình có mong muốn truyền tải được những khía cạnh mới mà có thể trước giờ các bạn chưa từng nghe nói hoặc ít nghe nói tới.
Bài viết có vẻ dài nên mình chia làm 2 phần để bạn có thể chia ra 2 lần đọc, với lại dài như thế thì làm sao để bạn có thể nhận được lợi lộc nhiều nhất? Vừa đọc, mình có lời mời bạn vừa để ý đâu là ý mới và quan trọng nhất với mình tới thời điểm này và mình có thể tìm hiểu thêm để áp dụng trong cuộc sống của chính mình. Và mình cũng sẽ rất vui khi bạn comment ý quan trọng nhất mà bạn chọn này vào bên dưới.
PHẦN 1
Ok, trước khi đi chuyên sâu thì cùng đi lượt qua phần cơ bản trước.
Hiểu về bản thân là gì? Đa phần chúng ta sẽ biết nó là hiểu về điểm mạnh, điểm yếu, sở thích, tính cách của mình, sâu hơn một tí là hiểu về giá trị và niềm tin của bản thân, về mong muốn và ước mơ của mình.
Vậy tại sao lại cần hiểu về bản thân? Nghe định nghĩa cũng tạm đoán là vì biết điểm mạnh điểm yếu nên chúng ta sẽ biết chọn đúng việc để làm và phát huy hết tiềm năng của mình, đồng thời từ từ cải thiện điểm yếu. Ta có thể chọn các công việc mà ta vui sướng dù có vất vả, ta có thể tránh các việc làm ta buồn. Nói nôm na, một người khi hiểu đúng bản thân cũng giống như một miếng ghép trong trò chơi xếp hình, bạn có thể ở đứng ngay vị trí cần đứng, toả sáng ở vị trí và công việc mà không ai có thể thay thế bạn được, vì mỗi người chúng ta sinh ra là duy nhất trong cuộc đời này. Có thể nói hiểu về bản thân giúp chúng ta ra quyết định tốt hơn, biết khi nào thì nên làm gì, khi cơ hội tới vì bạn đã biết rõ mình muốn gì và có khả năng gì nên nhanh chóng ra quyết định. Việc hiểu về bản thân cũng giúp bạn biết chọn đúng bạn hay các mối quan hệ cần duy trì, biết hạn chế mình vào các tình huống có cảm xúc không tốt gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ này. Ngoài ra, việc hiểu về bản thân còn giúp chúng ta phát triển bản thân tốt hơn, các ý bên dưới sẽ tiếp tục lý giải tại sao.
Ok, vậy đâu là điều mà có thể bạn chưa biết? Thử tìm hiểu một vòng qua các bài báo, và cũng không quên đu trend hỏi chuyên gia tổng hợp ChatGPT một câu hỏi so deep: “Hãy mô tả các góc độ cần hiểu về bản thân một cách chi tiết và khoa học nhất và theo dạng MECE mindmap”. ChatGPT đúng là đã không làm mình thất vọng khi tổng hợp được hầu hết các ý với tính logic cao và cover gần như các ý các bài báo nói về chủ đề này, kết hợp cả hai lại thì đáng chú ý nhất là các điểm sau:
- Hiểu về cảm xúc và tình trạng tâm lý: chúng ta đang có cảm xúc gì, thường có cảm xúc gì, tại sao chúng ta lại có những cảm xúc đó… Việc nhận biết và hiểu nguyên do của những cảm xúc sẽ giúp chúng ta nhanh chóng vượt qua những nỗi buồn, đứng trên cơn giận dữ, cũng không vui quá mất khôn, và rất nhiều lợi ích khác.
- Hành vi: nhận biết hành vi, và hiểu luôn cả tại sao chúng ta lại có hành vi đó.
- Suy nghĩ: Tương tự, nghĩa là hiểu chúng ta đang có suy nghĩ gì, tại sao chúng ta lại có suy nghĩ đó, suy nghĩ đó ảnh hưởng đến cảm xúc và hành vi chúng ta như thế nào.
- Sinh học: sức khoẻ và thể chất, các cơ quan chức năng của cơ thể. Hiểu rõ sức khoẻ của bản thân sẽ giúp chúng ta biết điều tiết sức lực, hiểu về nhịp sinh học giúp ta có thể dành lúc khoẻ và minh mẫn nhất để làm việc quan trọng nhất.
- Tương tác xã hội: mối quan hệ gia đình và bạn bè, đồng nghiệp, văn hoá và giá trị xã hội. Tất cả đều là môi trường chúng ta sống trong đó và góp phần lớn định hình con người chúng ta, do đó hiểu về môi trường các mối quan hệ chúng ta đang sống như thế nào sẽ giúp ta hiểu về bản thân được tốt hơn.
- Năng lực và kỹ năng: năng lực học tập và phát triển, năng lực đánh giá phân tích, kỹ năng giao tiếp, quản lý sắp xếp thời gian, giải quyết vấn đề, kiến thức chuyên môn … tất tần tật đại diện cho những gì chúng ta có thể làm trong đời sống hằng ngày. Nhìn nhận đúng năng lực của mình để biết đặt mục tiêu vừa sức, không bị thất vọng khi thường xuyên không đạt kết quả như ý muốn. Ở một cấp độ tinh vi hơn bạn sẽ thấy một số người có xu hướng thể hiện ra mình luôn đúng, luôn giỏi trong khi có vẻ mọi người xung quanh không đồng quan điểm như vậy. Những người rơi vào trường hợp này có thể đang sống trong ảo tưởng mà không kiểm nghiệm lại với thực tế, không phải họ không giỏi, chỉ là họ đang phóng đại lên khả năng thực tế của mình. Ở chiều ngược lại thì một số người có xu hướng tự hạ thấp giá trị bản thân, nặng hơn nữa là tự dằn vặt bản thân vì sự yếu kém của mình. Nếu bạn rơi vào trường hợp này, có thể thực tập nhiều hơn sự biết ơn, dành thời gian để ghi nhận đủ những điều mình đã và đang có, nhớ lại những lúc mình cảm thấy tự hào, ban đầu có thể ít, càng thực tập thì bạn sẽ thấy càng nhiều hơn. Hãy luôn nhớ mỗi người luôn có giá trị ở đúng nơi, đúng thời điểm, gần như không có thang đo tiêu chuẩn cho giá trị của một con người, một người dù học thức thấp và rất nghèo vẫn có thể ở trong hoàn cảnh cứu giúp một người có học thức cao và giàu có đang bị tai nạn trên đường. Việc nhận thức rõ năng lực của mình để ở đúng vị trí của mình, từ đó tạo ra sự tự tin lớn, nếu bạn thấy cần thay đổi, cần phát triển thì lúc này bạn cũng có thể tự nhiên phát triển rất tốt mà không cần phải quá chật vật. Mỗi ngày bạn có thể tự nhìn lại mình, để thấy rằng mình của hôm nay không phải là mình của hôm qua, không phải là mình của tháng trước, năm trước, bạn đang có những năng lực mới tốt hơn và bạn có thể làm được nhiều điều hơn.
Ok, vậy còn điều gì bạn có thể chưa biết? Ở trên có các ý nói về việc bên cạnh hiểu về cảm xúc, suy nghĩ và hành vi, chúng ta còn hiểu tại sao chúng ta lại có cảm xúc, suy nghĩ và hành vi đó. Tuy nhiên chúng ta cần hiểu là việc hiểu này có rất nhiều tầng ở bên dưới, có những cái hiểu chỉ ở tầng nông, khi bạn càng để ý và càng đi sâu đặt nhiều tầng câu hỏi tại sao, bạn có thể có nhiều sự hiểu sâu hơn về gốc rễ đằng sau nó. Ví dụ khi bạn buồn hay giận dữ khi bị ai đó chê, nhìn sâu hơn thì bạn thấy vì bạn muốn được mọi người ghi nhận, muốn mình được quan trọng. Tại sao chúng ta lại muốn mình được quan trọng? Nếu mình không quan trọng thì có gì thực sự mất mát mà khiến ta buồn và giận đến vậy?… Nếu chưa biết phương pháp đặt câu hỏi 5 tại sao (5 whys) bạn có thể tìm hiểu thêm để thử áp dụng vào chính bản thân mình.
Ngoài ra, mình muốn bổ sung thêm góc nhìn hiểu về bản thân mà gần đây mình có cơ duyên nhận ra, đó là khi chúng ta tạm tách biệt ra ở một vai trò khách quan, giống cách chúng ta thường nhìn bạn bè mình, đặc biệt là những người bạn thân và nói ờ thì mày là như thế đó, tao biết ngay là mày sẽ như vậy mà… Mình đang nói về một điểm rất quan trọng khi chúng ta nhìn và hiểu về bản thân, đó là nhìn ra được thói quen hay mô thức lặp lại của cả suy nghĩ, cảm xúc, và hành vi của chúng ta. Kiểu như cứ hoàn cảnh đó thì chúng ta sẽ có suy nghĩ hay cảm xúc hay hành động như vậy, ví dụ bạn có bao giờ cứ gặp ai đó là bực mình chưa? Hay cứ nói tới chủ đề nào đó là thấy buồn và chạnh lòng, hay ghen tỵ?
Tại sao việc hiểu về xu hướng và thói quen này của chúng ta lại quan trọng? Hình dung bạn đang ở đây như thế này vào ngày hôm nay là do một chuỗi các hành động trong quá khứ đã dẫn dắt, bạn là một trong số những người đọc được đến đoạn này và vì sao thế, điều gì khiến bạn đọc đến đoạn này mà không bỏ dở giữa chừng, điều gì đã khiến bạn chọn đọc bài viết này ngay từ ban đầu mà không lướt qua? Mọi hành động của chúng ta đều đến từ suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta, đến từ cả thói quen mà ta đã tạo dựng trước đó. Có câu nói rất nổi tiếng đó là “Gieo suy nghĩ gặt hành động, gieo hành động gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”. Có thể hiểu thói quen ảnh hưởng lớn như thế nào đến cuộc đời của chúng ta.
Ví dụ bạn có thói quen ngủ nướng ở trên giường vào buổi sáng, rồi bạn bật dậy khỏi giường rất muộn, rồi bạn có cảm giác dằn vặt, điều thú vị là cả trăm lần như một =)). Lần tới, bạn thử nhận biết thói quen này, nhận biết cả những suy nghĩ đến với mình ở thời điểm đang lơ mơ muốn nướng tiếp, khi để ý đủ bạn sẽ thấy nó là một mô típ lặp lại, từ cả việc tối hôm trước nên ngủ sớm nhưng bạn tự nhủ là việc chưa xong, hoặc muộn chút không sao mai vẫn dậy sớm được, và rồi bạn đi ngủ trễ, rồi sáng mai lúc đồng hồ reo suy nghĩ bật lên hôm qua ngủ muộn quá nướng tiếp chút, 5p thôi chắc ko sao, và hàng loạt các suy nghĩ và hành động trì hoãn tiếp tục để rồi 5p trở thành cả tiếng đồng hồ hoặc hơn, tất cả đều lặp lại mỗi lần bạn nướng. Khi nhận biết đủ thói quen này, hãy thử nhận biết sự việc ở góc độ tổng quát và tỉnh táo hơn, vd khi chúng ta ngủ muộn và có giọng nói là ngủ muộn chút không sao thì hãy thử tua qua những lần ngủ nướng gần đây và chấp nhận trước cho việc ngủ dậy muộn vào sáng hôm sau, hoặc nếu thực sự muốn thức dậy sớm thì bạn thử kịch bản nếu lúc đó tâm trí bảo nướng 5p ko sao thì thật sự là có sao, bằng mọi cách bật dậy ngay. Việc chúng ta có thể để ý và nhìn ra những mô thức lặp lại trong suy nghĩ, cảm xúc và hành động của chúng ta sẽ giúp ta kiểu như người bắt được bài của đối phương ở trong trò chơi, cơ hội thắng của chúng ta sẽ rất cao. Thắng ở đây chính là vượt lên trên số phận đã an bài, bạn có thể vượt lên trên hoàn cảnh và đạt được điều mình muốn, cuộc đời mở ra rộng lớn hơn, tự do hơn nhiều.
Bạn có phải là người có thói quen trì hoãn, thói quen không hoàn thành công việc, thói quen bỏ dở mục tiêu giữa chừng, hay điển hình như cả trăm lần quyết tâm học tiếng Anh cho giỏi, hay cả trăm lần quyết tâm chạy bộ hay tập gym rồi cuối cùng vẫn bỏ cuộc, vậy lần tới bạn thử để ý xem mình có như mô thức suy nghĩ hay cảm xúc gì trong quá trình đó. Nhiều người hay hỏi nhìn ra được xu hướng của mình rồi thì sao nữa khi hoài vẫn không thay đổi được? Thật ra bạn cũng không cần quá vội vã thay đổi, nhìn và nhận biết cả việc mình đang có xu hướng đó, có mong muốn thoát ra xu hướng đó nhưng vẫn chưa được. Rất nhiều người đã chia sẻ, bao gồm cả chính bản thân mình trải nghiệm đó là khi nhìn đủ lâu, sẽ đến lúc tự bạn thay đổi mà không cần quá nỗ lực.
Ở chiều xu hướng tích cực, có việc gì làm thì bạn thấy vui? Có món ăn nào nghe nói là bạn sáng mắt lên? Gặp ai là bạn thấy vui một cách tự động, ở đâu thì bạn thấy thích? Làm việc lúc nào thì bạn thấy hiệu quả?… Việc hiểu các xu hướng tích cực của mình sẽ giúp bạn có khả năng gọi là tự tạo động lực bản thân, là khả năng rất tốt để thường xuyên duy trì được trạng thái năng lượng tích cực từ đó có thể có hiệu suất cao trong công việc, bền bỉ kiên trì dẫn đến thành công.
Chúc bạn có thể nhìn ra ngày càng nhiều những xu hướng của bản thân, cả tích cực lẫn tiêu cực. Từ đó, bạn làm chủ từng khoảnh khắc thay vì để xu hướng điều khiển bạn, bạn bắt bài chính bản thân mình và có cuộc sống ngày càng tự do hơn vượt lên trên những xu hướng đó.
PHẦN 2
Vẫn chưa hết ngạc nhiên, nhiều bài báo bắt đầu dẫn mình đến nhiều khái niệm khác nhau, như khái niệm về bản thân (self-image), yêu bản thân, định vị bản thân, … Các chủ đề đều liên quan với nhau ví dụ để yêu bản thân sâu sắc thì bạn cần hiểu bản thân sâu sắc. Lần này mình lại thử hỏi ChatGPT bằng tiếng Anh xem sao: “Describe what is self-understanding in MECE mindmap”, và được cung cấp hàng loạt góc nhìn đầy đủ mới, theo mình thì được logic và đủ hơn câu trả lời tiếng Việt, một số khái niệm không ít thì nhiều mình đã từng đọc và áp dụng khi tìm hiểu về trí thông minh cảm xúc, kèm theo một vài ý chuyên sâu hơn về chủ đề hiểu bản thân như bên dưới, các ý đã được mình sàng lọc và bổ sung theo các tài liệu khác nhau để trọn vẹn nhất có thể.
Tự nhận thức (self-awareness): nhận thức nghĩa là nhận biết, biết mình như vậy thay vì vô thức là làm mà không biết, bị cuốn vào trong đó.
- Nhận thức cảm xúc: nhận thức suy nghĩ, quá trình tư duy và mô thức tư duy niệm bản thân là,cá nhân của chúng ta
- Nhận thức về hành vi, tính cách, thái độ
- Nhận thức về cơ thể bao gồm các đặc điểm cơ thể và cảm giác cơ thể
- Nhận thức về điểm yếu, điểm mạnh, các giá trị và niềm tin, ước mơ, các năng lực, khả năng và giới hạn của bản thân.
Khả năng kiểm soát và điều chỉnh (self-regulation): sau bước nhận thức là bước kiểm soát và điều chỉnh. Ở đây có một ý rất quan trọng là bên cạnh nhận biết mình đang như thế nào, bạn cần quan sát và nhận ra mình có năng lực rất lớn ở mỗi khoảnh khắc, đó là năng lực của sự lựa chọn. Ví dụ ngay khi bạn nhận ra mình đang có cảm giác giận dữ, bạn có thể lựa chọn nhận biết cơn giận dữ đến rồi đi thay vì bị cuốn theo cơn giận và hành động theo cơn giận chỉ bảo để rồi hối hận. Hoặc bạn cũng có thể lựa chọn hít vài hơi thở sâu để cơn giận nhanh chóng lắng xuống rồi mới suy nghĩ và hành động, hoặc bạn có thể lánh đi nơi khác. Các khả năng kiểm soát và điều chỉnh bao gồm:
- Quản lý cảm xúc (emotional regulation), bao gồm khả năng nhận ra cảm xúc của mình, hiểu nguồn gốc của nó và có thể phản ứng một cách đúng đắn và hiệu quả.
- Kiểm soát và ức chế hành động lúc có cảm xúc mạnh đột nhiên như rất giận, rất buồn, rất vui, rất sợ, … để không gây tổn hại cho bản thân và cho người khác (impulse regulation)
- Khả năng tự tạo động lực bản thân (self-motivation)
- Khả năng chấp nhận bản thân và yêu bản thân (self-acceptance & self-love)
Khái niệm về bản thân (self-concept): bao gồm hình ảnh bản thân (self-image), lòng tự trọng (self-esteem) hay nhận thức giá trị về bản thân (self-worth), và hình ảnh bản thân lý tưởng (ideal-self). Bạn có thể đọc thêm về khái niệm bản thân ở bài viết này https://quytritueviet.com.vn/tu-duy-phan-bien-la-gi-va-dau-hieu-cua-nguoi-co-tu-duy-phan-bien/#:~:text=Khái
Trong những ý này, các ý mình thấy quan trọng bao gồm self-worth hay nhận thức giá trị về bản thân, self-regulation hay khả năng tự điều chỉnh với các góc nhìn chuyên sâu đặc biệt là khả năng chấp nhận (self-acceptance) và yêu bản thân (self-love). Nhận thức giá trị về bản thân là việc bạn tự nhận thấy giá trị của mình nằm ở đâu, các lĩnh vực nào bạn thấy mình tự tin có kiến thức và năng lực tốt hơn nhiều người khác, bạn xứng đáng được yêu thương, tôn trọng, thành công và hạnh phúc như thế nào. Điều đáng lưu ý là giá trị bản thân chủ yếu nằm ở trạng thái bên trong tâm trí của bạn chứ không phải dựa vào tài sản, vị trí xã hội hay những thành tựu đạt được. Những người có xu hướng tự đánh giá thấp bản thân thường sẽ có góc nhìn tiêu cực về giá trị bản thân, dẫn đến các cảm xúc tiêu cực như lo lắng, thua kém, luôn ở trạng thái bồn chồn thiếu sót, thiếu tự tin làm giảm hiệu suất công việc. Tiếp đến, khả năng chấp nhận bản thân hay việc chấp nhận được cả điểm mạnh, điểm yếu, những mặt trái và xấu tính, không phán xét và đối diện được với cả những suy nghĩ tiêu cực của bản thân sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc giúp ta có cái nhìn đúng đắn về bản thân và ít bị ám ảnh bởi những điều chưa hoàn hảo từ đó phát huy hết tiềm năng của bản thân. Việc yêu thương bản thân, đối xử tốt và tôn trọng với bản thân như cách chúng ta đối xử tốt với người khác giúp chúng ta có niềm tin vững chắc và vững vàng, có cảm xúc tích cực và có động lực để tiến bước, cũng giống như khi một đứa trẻ được bố mẹ yêu thương và chấp nhận có thể tự tin bước ra ngoài khám phá thế giới rộng lớn như thế nào.
Khi đã nhận thức được hiểu về bản thân quan trọng như thế nào, ấy vậy tại sao nhiều người vẫn gặp khó khăn trong việc hiểu về bản thân mình? Vì chúng ta thường có các rào cản khiến chúng ta khó hiểu về bản thân, ví dụ như: nỗi sợ phải đối diện với bên trong chính mình, không chấp nhận bản thân, thiếu khả năng tự nhận thức hay là thói quen hành động trong vô thức và bị cuốn theo phản xạ, các niềm tin và những giọng nói tiêu cực trong tâm trí, sợ hoặc ngại thay đổi. Ở một góc độ khác, có thể vì chúng ta chưa nhận thức được mức độ quan trọng của việc hiểu sâu về bản thân, khi thấy đủ quan trọng ta sẽ dành nhiều thời gian hơn cho nó.
Một số người dù muốn nhưng không biết làm sao để hiểu chính mình, đây thật ra là một hành trình liên tục và không có điểm dừng, hãy xem nó là một quá trình và tận hưởng quá trình càng lúc bạn càng hiểu về chính mình hơn thay vì xem nó là đích đến. Bạn cũng có thể thử các phương pháp phổ biến sau giúp hiểu về bản thân tốt hơn bao gồm: tự chiêm nghiệm và quan sát phân tích suy nghĩ (self-reflection & self-introspection), hỏi phản hồi từ người khác, thực hành chánh niệm (mindfulness practices), quan sát tỉnh biết hay việc nhận ra các suy nghĩ, cảm xúc và hành động của mình mỗi phút giây thay vì để nó xảy ra trong vô thức, các phương pháp chuyên môn về tâm lý, thực hành vượt ra khỏi vùng an toàn bản thân, khả năng hiểu và chấp nhận cũng như yêu bản thân cũng sẽ bổ trợ rất tốt cho chúng ta trên hành trình này. Dù thế nào đi nữa, nếu bạn thấy có dấu hiệu của việc đau khổ dằn vặt, nhiều lúc tự trách bản thân, cuộc sống bị chôn vùi bởi những việc như khó đưa ra quyết định, khó thiết lập và đạt được mục tiêu, và khó để cảm thấy thỏa mãn bởi bạn thật sự không biết mình muốn gì… thì đó là các dấu hiệu bạn đang cần dành thời gian cho bản thân hơn, nhìn vào sâu bên trong thay vì vẫn tiếp tục bước những bước đi vô định.
Oh, không ngờ cụm từ hiểu về bản thân nghe có vẻ đơn giản mà lại hay và sâu sắc thế.
Để kết lại, mình kể thêm một chút về quá trình hiểu về bản thân của mình. Trong quá trình liên tục quan sát nhận biết những suy nghĩ, hành vi và cảm xúc trong đời sống hằng ngày, mình đã nhìn vào những ngóc ngách mà ở đó mình không hoàn hảo, nhìn vào những khoảnh khắc chật vật khi mình biết rất rõ là không nên làm mà vẫn làm, biết làm thế này thế kia sẽ tốt hơn nhiều mà vẫn không làm. Nhìn cả những lúc người khác thể hiện hay làm điều gì đó không hay và mình đã quên nó đi nhanh như thế nào. Hay ngược lại, mình nhìn cả những lúc mình làm gì đó không hay và sự dằn vặt bản thân kéo dài như thế nào, sợ bị người khác phán xét đánh giá mình nhiều như thế nào. Từ đó mình đã hiểu thêm về sự hoạt động của tâm trí của mình nhiều như thế nào, và rồi mình nhận ra mọi chuyện thật sự rất nhẹ nhàng, rất nhiều những sự dằn vặt là tự tâm trí mình vẽ ra, người khác cũng như mình cũng sẽ quên đi những khoảnh khắc không hoàn hảo của mình nhanh như mình quên đi khoảnh khắc của họ. Khi nhận ra những điều này, mình đã học cách dùng tình yêu và lòng bao dung của mình đối với người khác vào chính bản thân mình, điều này đã giúp mình có một sức mạnh và sự tự tin lớn hơn hẳn, giống như đứa trẻ bước ra đời với lòng yêu thương và tin tưởng bao la của bố mẹ.
Đồng thời cũng thú vị không kém, khi mình đã hiểu đủ bản thân mình như thế, mình đã có cái ngộ ra lớn hơn là con người vốn được thiết kế không hoàn hảo, nhiều điều những gì mình làm và quyết định không hoàn toàn là điều mình muốn, nó đơn giản là tại khoảnh khắc đó mọi sự hiểu biết bị ảnh hưởng bởi cảm xúc che mờ đi sự thấy biết đầy đủ đã khiến mình làm như thế. Mọi chuyện có cội nguồn xuất phát từ mình nhưng lỗi không phải do mình, cũng không phải lỗi do người khác. Nhận thức đúng và đủ điều này đã giúp mình bớt trách bản thân, bớt trách người khác, đồng thời vì cội nguồn xuất phát từ mình nên mình nhận trách nhiệm và chọn tâm thế làm chủ với suy nghĩ, cảm xúc và hành động của mình. Làm sai thì sửa, sửa một cách tự nhiên và không còn bị níu kéo bởi những tầng lớp tự trách móc bản thân đã không đủ tốt như thế nào. Sửa một lần chưa được thì mình tiếp tục sửa lần thứ 2, lần thứ 3… cho đến khi nào được thì thôi. Vì mình không tự dằn vặt bản thân nên đây là một quá trình gần như không nỗ lực, vì vậy mình cũng có năng lực tự sửa chữa vô hạn mà không còn bị mệt mỏi vì những thiếu sót của bản thân nữa.
Quá trình hiểu về bản thân sẽ giúp bạn có năng lực phát triển bản thân rất tốt, bạn sẽ có động lực từ bên trong để thay đổi cải thiện những điểm yếu với sự tự tin đứng trên những điểm mạnh, và nó trở thành động lực thay đổi hết sức mạnh mẽ. Mọi sự nhận ra ta của ngày hôm nay không có nghĩa sau này ta vẫn tiếp tục như vậy, vì bạn vẫn đang thay đổi mỗi ngày. Hoàn cảnh thay đổi, năng lực bạn thay đổi, nhu cầu bạn thay đổi… Vì vậy chúng ta cần nhìn về bản thân như một thực thể thay đổi, biến động chứ không phải một thực thể cố định, cần thường xuyên nhìn và đánh giá lại bản thân để có cái nhìn đúng đắn nhất ở hiện tại thay vì quá tin vào những gì bạn hiểu về mình ở quá khứ để có thể phát huy hết tối đa sức mạnh của mình. Qua bài viết này, mình chúc bạn có thể biết thêm những điều mới và những điều thiết thực có thể áp dụng vào để hiểu về bản thân hơn và có cuộc sống tốt hơn mỗi ngày.
Cảm ơn và mình thấy rất vui vì bạn có thể đọc được hết những dòng chia sẻ của mình, cũng rất vui nhận được những ý kiến bổ sung, những điều bạn nhận ra hay những điều bạn ghi nhận là quan trọng trên hành trình hiểu về bản thân của mình.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất