Hiểu về Triết học như thế nào cho đúng?
Nhắc đến Triết học (philosophy), hẳn phải có nhiều lứa học sinh ngán ngẩm mỗi khi nghĩ đến, chủ yếu là cảm thấy chúng quá khô khan,...
Nhắc đến Triết học (philosophy), hẳn phải có nhiều lứa học sinh ngán ngẩm mỗi khi nghĩ đến, chủ yếu là cảm thấy chúng quá khô khan, quá khó để có thể tiêu hoá được hết những tư tưởng của các bậc Triết gia và luôn tự hỏi tại sao ta lại bắt buộc cần phải trau dồi kiến thức về Triết học. Những thắc mắc và chỉ trích ngày một nhiều được đưa ra cho hệ thống giáo dục hiện nay, chủ yếu là từ những người chưa thật sự hiểu về Triết học như nó vốn dĩ.
Lúc mình trở thành sinh viên năm nhất, mình cũng cảm thấy như vậy. Mình đến với Triết học trong tư thế thụ động và mang tính bắt buộc cao. Hệ thống giáo dục lúc đó yêu cầu mình phải ngay lập tức tiêu hoá hết một mớ các kiến thức về Triết học dựa trên nghiên cứu của hai vị Triết gia lừng danh, Karl Marx và V.I. Lenin, trong 3 tháng như một bộ môn nền tảng thật sự cần thiết trước khi bắt đầu học thêm bất cứ thứ gì liên quan đến chuyên ngành.
Vì để có thể tiếp tục quãng đời sinh viên sau này nên mình đã cố gắng vượt qua hàng rào Triết học, bằng cách học vẹt, do đó cho dù đã trèo qua được hàng rào một cách dễ dàng, mình cũng chả thấm thía nổi bất kì "tinh hoa" nào trong đó cả. Mình chỉ nghĩ đơn giản Triết học đã lướt qua cuộc đời mình và rồi ở yên đó trong quá khứ mà chẳng có giá trị gì với mình trong tương lai. Tuy nhiên, nhận thức của mình đối với Triết học đã thay đổi trong 1 năm trở lại đây và thậm chí còn thay đổi nhiều hơn nữa khi mình viết những dòng này.
Sự đam mê đối với Triết học đến với mình một cách tình cờ, khi mình vô tình đọc một bài báo nói về Chủ nghĩa Ái Kỷ (Narcissism), và đây cũng là nguồn gốc động lực khiến mình tìm hiểu về các Chủ nghĩa khác nhau đã và đang được thảo luận trong lĩnh vực Triết học trên khắp thế giới. Mình cũng đã có một bài viết review về cuốn sách Triết học mang tên "Thought As A System" của tác giả David Bohm. Càng tìm hiểu về Triết học, mình càng thấy Triết học vốn dĩ rất gần gũi trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Khi ta học về một khái niệm mới, ví dụ như "Lực hấp dẫn là gì?", ta sẽ có cơ sở nền tảng về lực hấp dẫn, tuy nhiên, về mặt chủ quan, ta có bao giờ tự hỏi mình về tính xác thực của khái niệm này bao giờ chưa? Làm sao ta chứng minh được lực hấp dẫn thật sự tồn tại? Lực hấp dẫn liệu có phải là một trong những thuyết tương đối do con người tự nghĩ ra hay không? Những câu hỏi này vô hình chung tạo ra cho chúng ta cách tư duy theo thiên hướng Triết học, tức là nhìn sự vật một cách trừu tượng và sâu sắc hơn bề mặt nổi của nó.
Triết học mở ra cho chúng ta một hệ thống tư duy hoàn toàn mới, vạch ra cho chúng ta nhiều con đường để khám phá sự toàn năng hoặc thiếu sót của vũ trụ bao la, là tài sản vô hình có giá trị rất lớn đối với nhân loại từ hàng nghìn thế kỷ trước, đưa nhận thức của con người phát triển lên một tầm cao mới.
Triết học không đứng yên mà luôn luôn vận động xuyên suốt lịch sử loài người qua hàng loạt các chủ nghĩa, hệ thống tư duy khác nhau được nghiên cứu bởi các bậc Triết gia thời xưa và phát triển bởi các hậu bối sau này. Triết học cũng không phải là một môn khoa học đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối mà từng quan điểm được đưa ra, chúng ta tiến hành khảo sát, thực nghiệm trong đời sống để xác định được tính đúng đắn trong phương pháp. Vì vậy, hệ thống tư duy này đối với người này có thể đúng nhưng với người khác lại có thể không. Chúng có thể là tất cả hoặc không là gì cả.
Tuy nhiên, cho dù như thế nào, ảnh hưởng của Triết học đối với một cá nhân và xa hơn nữa là với một nền văn minh (civilization) là vô cùng mạnh mẽ. Nhận thức (awareness) của ta thay đổi theo tư duy (thought), dẫn đến hành vi (behaviour) và thái độ (attitude) của ta đối với cuộc sống, đồng thời, mỗi cá nhân (individual) lại đại diện cho nền văn minh của một quốc gia, mở rộng thêm nữa là toàn thể nhân loại (mankind).
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất