Làm thế nào mà sự xuất hiện của những chiếc gương ở thế kỉ 15 đã định hình quan niệm về cá nhân.
Anonymous, Marcia Painting Self-Portrait Using Mirror (detail), in Giovanni Boccaccio’s De Mulieribus Claris, c. 1403. Bibliothèque Nationale de France.
Ẩn danh, Marcia Painting Self-Portrait Using Mirror (chi tiết), ở Giovanni Boccaccio’s De Mulieribus Claris, c. 1403. Bibliothèque Nationale de France.
Những tấm kim loại được đánh bóng và hắc diện thạch đã tồn tại từ thời cổ đại, và vì vậy, các sử gia thường bỏ qua sự xuất hiện của gương kính như thể chúng chỉ đơn thuần là một phiên bản khác của những thứ trên. Nhưng sự phát triển của gương kính đã tạo nên một chuyển biến quan trọng, bởi vì chúng cho phép con người có thể quan sát được chính bản thân mình một cách hoàn chỉnh lần đầu tiên, với đầy đủ các sắc thái biểu cảm và đặc điểm. Ngược lại thì những tấm gương kim loại bằng đồng kém hơn nhiều, chúng chỉ phản chiếu khoảng 20% ánh sáng; ngay cả gương bạc cũng phải cực kì nhẵn thì mới có thể phản chiếu đủ để nhìn được. Chúng cũng rất đắt đỏ: hầu hết những người trung cổ chỉ có thể nhìn thấy phần nào hình ảnh phản chiếu của họ trong những vũng nước.
Gương cầu lồi là một phát minh ở Venice vào khoảng năm 1300, có khả năng là liên quan tới sự phát triển của các thấu kính được dùng trong những thấu kính thiên văn đầu tiên (phát minh vào những năm 1280). Tới cuối thế kỉ 14, bạn có thể tìm thấy những chiếc gương như thế ở phía bắc châu Âu. Nhà vua tương lai Henry IV của nước Anh đã trả 6d để thay tấm kính bị vỡ của chiếc gương vào năm 1387. 4 năm sau đó, khi đang đi ở Prussia, ông trả £1 3s. 8d bằng sterling (bảng Anh) cho "2 chiếc gương của Pháp" để sử dụng riêng. Con của ông ấy, Henry V, có 3 chiếc gương trong phòng riêng ở thời điểm ông qua đời vào năm 1422, hai trong số đó có giá trị £1 3s. 2d. Mặc dù những chiếc gương đó vẫn còn rất xa xỉ đối với một người nông dân hay thương nhân bình thường, vào năm 1500 thì những thương gia giàu có đã có thể sở hữu chúng. Về mặt này, những cá nhân với thu nhập khả dụng lớn đã trở nên khác xa so với tổ tiên của họ: họ có thể thấy hình ảnh phản chiếu của bản thân, và vì vậy họ biết họ trông như thế nào đối với phần còn lại của thế giới.
Khả năng đánh giá sự độc nhất về ngoại hình dẫn tới sự gia tăng đột biến về số lượng chân dung được đặt vẽ, nhất là các nước Tây Bắc Âu và Ý. Mặc dù hầu hết các bức tranh sơn dầu còn sót lại từ thế kỉ 14 đều liên quan tới tôn giáo, một số ít ngoại lệ là những chân dung. Xu hướng chuộng chân dung này phát triển mạnh mẽ vào thế kỉ 15 và thống trị nghệ thuật phi tôn giáo. Khi những nhân vật quan trọng đặt hàng các họa sĩ để vẽ chân dung, càng nhiều chân dung tiếp cận tới người xem, càng có nhiều người khác thích đặt vẽ chân dung. Những bức chân dung khiến người xem cảm thấy phải "Nhìn ta đây!" và mang hàm ý rằng người trong tranh là một người đàn ông quan trọng, hoặc một người đàn bà quan hệ rộng, đáng được vẽ chân dung nhờ vào địa vị xã hội của họ. Chúng khuyến khích bạn nói về bọn họ, khiến họ trở thành trung tâm của sự chú ý.
“The Arnolfini Wedding,” by Jan van Eyck, 1434. © The National Gallery, London, bought, 1842.
“The Arnolfini Wedding” bởi Jan van Eyck, 1434. © The National Gallery, London, đã mua, 1842.
Một trong những bức tranh quan trọng nhất trong thế kỉ đó là Đám cưới Arnolfini (Arnolfini Marriage) của Jan van Eyck, được vẽ ở Bruges vào khoảng năm 1434. Nó cho thấy một chiếc gương cầu lồi treo trên bức tường phía sau, cho phép họa sĩ thấy được đằng sau người làm mẫu. Nếu như bức tranh Chân dung của một người đội khăn xếp (Portrait of a Man with a Turban) được vẽ vào năm trước đó là về chính người họa sĩ (và nhiều khả năng là như thế), thì hẳn nhiên ông đã có một chiếc gương phẳng vào thời điểm này. Thông qua thí nghiệm nổi tiếng của Brunelleschi về góc nhìn, chúng ta biết được những chiếc gương phẳng đã tồn tại ở Florence ở thời điểm đó. Sau van Eyck, những bức chân dung xuất hiện nhiều hơn vào cuối thế kỉ 15 ở Ý cũng như Hà Lan. Dürer đã vẽ một số bức, đỉnh cao là khắc họa hình ảnh của chính mình thành Chúa (Christ) khi ông 28 tuổi (năm 1500); sự tự quan sát của ông sánh ngang với Rembrandt ở thế kỉ 17. Trong tay những họa sĩ tài ba như vậy, chiếc gương trở thành một công cụ mà một người có thể nhờ đó khám phá cách người khác nhìn bản thân mình. Các họa sĩ trước đó chỉ có thể vẽ chân dung người khác; nay họ đã có thể vẽ chính chân dung của mình. Và nếu thấy được sự đối chất căng thẳng của người họa sĩ với khuôn mặt của chính họ để cố gắng tìm hiểu chính mình, hẳn chúng ta sẽ không khỏi chững lại để suy ngẫm về bản thân mình.
Tất cả những điều đó không chỉ dừng lại ở những bức họa. Chính sự quan sát bản thân hoặc việc được khắc họa trong một bức chân dung để làm tâm điểm của sự chú ý đã khiến con người có suy nghĩ khác về chính bản thân mình. Họ bắt đầu thấy sự độc nhất của bản thân. Trước đó thì những tham số của danh tính cá nhân bị giới hạn thông qua những tương tác giữa cá nhân đó với mọi người xung quanh và những hiểu biết về tôn giáo mà họ có được trong suốt cuộc đời của họ. Vì vậy, tính cá nhân như cách chúng ta hiểu ngày nay chưa tồn tại: con người chỉ hiểu danh tính của họ thông qua quan hệ với các nhóm - gia đình của họ, lãnh địa của họ, thị trấn hay giáo khu của họ - và quan hệ đối với Chúa. Đôi khi thì có những cá nhân tách ra khỏi đám đông theo cách mà họ đã viết về bản thân mình - bạn chỉ cần nghĩ tới tự truyện Historia Calamitatum của Peter Abelard và vai diễn chính của Ulrich von Lichenstein trong những mối tình của chính ông ta - nhưng những người bình thường chỉ có thể nhận thấy rằng họ là một phần của cộng đồng. Đó là lý do vì sao những hình phạt thời trung cổ như đày ải và trục xuất lại khắc nghiệt đến thế. Một thương gia bị trục xuất khỏi thị trấn của anh ta sẽ mất tất cả những gì thuộc về danh tính của anh ta. Anh ta sẽ không thể kiếm sống, mượn tiền hay trao đổi hàng hóa. Anh ta sẽ đánh mất niềm tin của những người có thể bảo vệ và đấu tranh cho anh ta về mặt thể chất, xã hội và kinh tế. Anh ta sẽ chẳng có ai để bào chữa cho sự vô tội hay hành vi tốt của bản thân trước tòa và anh ta sẽ mất đi sự che chở tinh thần của bất kì bang hội hay phường hội nào mà anh ta từng tham gia. Những gì xảy ra ở thế kỉ 15 không hẳn là về việc cái danh tính cộng đồng này bị phá vỡ, mà là con người bắt đầu nhận thức được những đặc điểm độc nhất của bản thân bất luận mối quan hệ giữa họ và cộng đồng của họ. Ý thức cũ về bản sắc tập thể đã bị thay thế bởi ý thức mới về giá trị cá nhân.
Tính cá nhân mới này cũng mang một sắc màu tôn giáo. Những tự truyện thời trung cổ thường không nói về chính tác giả mà là mối quan hệ của họ với Chúa. Tương tự như vậy, tiểu sử của các vị thánh đầu thời trung cổ là những câu chuyện đạo đức điển hình về những người đàn ông và đàn bà đi theo con đường của Chúa. Thậm chí ngay cả trong thế kỉ 14, một thầy tu viết về biên niên sử của tu viện của mình hay một người dân viết về thị trấn của anh ta đều sẽ đưa Chúa vào trong câu chuyện của mình, bởi vì trong câu chuyện thì cộng đồng không phải là một yếu tố quan trọng như mối liên hệ của nó với Chúa. Khi thế kỉ 14 dần khép lại và con người bắt đầu nhìn nhận bản thân là một thành viên cá nhân của cộng đồng của họ, họ bắt đầu nhấn mạnh mối quan hệ riêng của họ với Chúa. Bạn có thể thấy sự chuyển biến đó thông qua sự bảo hộ tôn giáo. Nếu như vào năm 1340 một người đàn ông giàu có xây một nhà nguyện thánh để hát Thánh lễ cho tâm hồn ông ấy, ông ta sẽ trang trí bên trong bằng những bức tranh tôn giáo, ví dụ như sự tôn thờ các vị Đạo sĩ. Cho tới năm 1400, nếu như hậu duệ của người đó trang trí lại nhà nguyện thánh đó, anh ta sẽ biến mình thành một trong những vị Đạo sĩ trong những bức tranh. Tới cuối thế kỉ 15, nhiều khi chỉ có chân dung của người bảo hộ được trưng ra, những biểu tượng tín ngưỡng mà họa sĩ thêm vào trong bức tranh là đã đủ để truyền tải tôn giáo mà người đó muốn thể hiện.
Tính cá nhân mới cũng thể hiện thông qua cách mà con người diễn đạt bản thân. Những bức thư mà họ gửi cho nhau ngày càng mang tính cá nhân; trước đó thì những bức thư mang nặng tính hình thức và trật tự. Một xu thế viết về bản thân mình và thể hiện cảm xúc và suy nghĩ của bản thân đã hình thành. Một số ví dụ về tự truyện kiểu đó ở thế kỉ 15: trong tiếng Anh thì có Cuốn sách của Margery Kempe (The Book of Margery Kempe), trong tiếng Tây Ban Nha thì có Kỉ niệm của Leonora López de Córdoba (Las Memorias de Leonora López de Córdoba) và trong tiếng Ý thì có Bình luận (I Commentarii) của Lorenzo Ghiberti. 4 bộ sưu tập thư cá nhân đầu tiên bằng tiếng Anh - những bức thư Stonor, Plumpton, Paston và Cely - cũng xuất hiện từ thế kỉ 15. Những người bình thường bắt đầu ghi lại ngày giờ mà họ sinh ra, để rồi họ có thể dùng chiêm tinh học để biết thêm về sức khỏe và vận mệnh của bản thân. Sự tự nhận thức mới đó cũng khiến con người chú trọng sự riêng tư hơn. Ở những thế kỉ trước, chủ hộ và gia đình của họ đều sinh hoạt chung, thường thì ăn uống và ngủ nghỉ trong cùng không gian với người hầu. Bây giờ thì họ bắt đầu xây phòng riêng cho họ và cho khách khứa, tách rời khỏi không gian chung. Cũng giống như nhiều sự thay đổi khác trong lịch sử, gần như con người không nhận thức được tầm quan trọng của những gì mà họ đang làm. Dù sao thì cách chúng ta nhìn nhận bản thân không chỉ là thành viên cộng đồng mà còn là cá nhân đánh dấu một sự chuyển biến quan trọng từ thời trung cổ tới thế giới hiện đại.
Trích từ Thiên niên kỉ: Từ tôn giáo đến cách mạng: Nền văn minh đã thay đổi như thế nào trong một nghìn năm (Millennium: From Religion to Revolution: How Civilization Has Changed Over a Thousand Years) của Ian Mortimer. Bản quyền © 2016 của Ian Mortimer. Tái bản với sự hợp tác của Pegasus Book.
Bài gốc:
Bài viết được tài trợ dịch thuật bởi anh Minh Triet Luu, founder Soft Decor với mong muốn đóng góp cho Spiderum những nội dung chất lượng, qua đó góp phần xây dựng một cộng đồng người trẻ Việt ham học hỏi, văn minh và giàu tri thức.