Triết lý Phật giáo thường bị hiểu nhầm là điều gì đó xa vời, phức tạp, tâm linh, hoặc chỉ dành cho người tu hành. Nhưng nếu nhìn sâu vào bản chất, đây thực chất là một hệ thống kiến thức tâm lý rất gần gũi, thực tế và có thể áp dụng ngay trong đời sống hàng ngày. Vì thế, với mục tiêu là diễn đạt lại các khái niệm nền tảng của triết lý Phật giáo một cách đơn giản, rõ ràng theo góc nhìn gần gũi hơn, tâm lý hơn, để giúp mọi người cũng có thể dễ dàng hiểu, kiểm chứng và sử dụng để cải thiện cuộc sống của chính mình.
Mình sẽ viết một series triết lý Phật với mục tiêu trên, có thể sẽ khiến các bạn không quen khi bài viết có thể hơi "khác" với Phật giáo. Nhưng nếu có thể, xin hãy cứ đọc, suy ngẫm, và phản biện với tinh thần cùng nhau chia sẻ góc nhìn nhé ^_^
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------
TỨ DIỆU ĐẾ - TẬP ĐẾ
Ở phần trước, chúng ta thấy được rằng Khổ là sự ức chế tâm lý khi nó không thể kiểm soát và thích ứng được với sự biến đổi của thực tại. Thể hiện cụ thể qua việc tâm lý muốn nắm bắt những trải nghiệm dễ chịu và loại bỏ những trải nghiệm khó chịu.
Vậy thì nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là do đâu ?
Sự Vô Thường
Nguyên nhân đầu tiên của sự bất toại nguyện, là do tâm lý chúng ta không thấy rằng thực tại là luôn biến đổi. Mọi thứ luôn liên tục thay đổi trong từng khoảnh khắc, nhưng tâm trí lại không thể xử lý kịp sự biến đổi đó, nên nó buộc lòng phải cố định các trải nghiệm thành từng thông tin riêng biệt, cứng nhắc để có thể dễ dàng phân loại và tương tác.
Chính vì điều này, nên nhận thức của chúng ta đã hình thành nên khái niệm Thời Gian - nghĩa là sự cố định các khoảnh khắc của thực tại thành các đối tượng riêng biệt theo các thời điểm khác nhau.
Hãy thử tưởng tượng đến hình ảnh một cái cánh quạt quay rất nhanh, hoặc cảnh cánh quay của trực thăng. Khi cánh quạt quanh quá nhanh, mắt của chúng ta không thể xử lý kịp các hình ảnh và thứ mà chúng ta nhìn thấy là một vệt mờ của cánh quạt, hoặc đôi khi là hình ảnh cánh quạt quay rất chậm nhưng đó chỉ là những di ảnh do não xử lý chứ không phải hình ảnh thật của cánh quạt đang quay.
Những di ảnh và vệt mờ của cánh quạt chính là thứ mà chúng ta tiếp nhận, tức một sự không chính xác và không đầy đủ với những gì đang diễn ra.
Cơ chế Quy Ngã
Nguyên nhân thứ hai, do không thể tiếp nhận đầy đủ thực tại, bộ não của chúng ta buộc phải có cơ chế cố định lại các trải nghiệm thành những đối tượng riêng biệt để dễ dàng xử lý - sự quy Ngã.
Do phải phục vụ cho mục tiêu sinh tồn, tâm trí chúng ta phải xác định các trải nghiệm thu về thành các đối tượng có thể nắm bắt và thấu hiểu được. Những đối tượng này không phải là thực tại thực sự, mà chúng là những khái niệm chúng ta tạo ra để hiểu, tương tác, giao tiếp, và xử lý thông tin. Hay nói theo ví dụ cánh quạt ở trên, đây chính là những di ảnh chúng ta nhìn thấy về cánh quạt.
Chúng ta tạo ra các đối tượng khái niệm theo mặt Thời Gian, và cũng tạo ra các đối tượng khái niệm theo mặt thông tin từ trải nghiệm. Điều này tạo nên các cơ chế như đặt tên, khái niệm hóa, và cố định hóa đối tượng.
Ví dụ khi chúng ta tiếp cận với một vật thể, chúng ta có thể nhận được trải nghiệm về cái nhìn, chạm, nếm, ngửi, nghe về vật thể đó. Và để có thể truyền đạt những trải nghiệm này, chúng ta phải cố định các trải nghiệm đó thành một tổ hợp liên kết như : Đây là một vật hình giống hình cầu, có màu đỏ sậm, có cuống. Cắt ra bên trong màu trắng vàng, vị ngọt, giòn. Hay nói đơn giản đây chính là một "Quả Táo"
Và sau đó, khi chúng ta nói về Quả Táo với một người khác, thì thứ chúng ta truyền đạt không phải là Quả Táo, mà là các trải nghiệm đã có về Quả Táo. Để một người từng trải nghiệm về Quả Táo có thể biết được chúng ta đang nói về cái gì. (ngược lại, nếu một người chưa từng tiếp cận với quả táo, thì họ sẽ không thể nào biết quả táo chúng ta đang nói đến là gì)
Điều này dẫn đến một hệ quả rằng các đối tượng mà chúng ta tạo ra khả năng cao sẽ không phù hợp với thực tế. Bởi thực tế là một dạng thông tin luôn cập nhật, còn dữ liệu ta thu về lại cố định, cập nhật chậm hơn hoặc nhiều khi không chịu cập nhật.
Cũng như kèm theo các hệ quả khác là chúng ta đã cố nắm bắt thứ vốn không thể nắm bắt, cố định thứ vốn luôn thay đổi, và tạo ra những thứ vốn không hề có. Chúng ta sống trong một thế giới ảo tưởng do mình tạo ra.
Cái Tôi
Điểm quan trọng nhất của cơ chế này chính là chúng ta cũng tạo ra một cá thể khác, một trung tâm hội tụ các trải nghiệm, đó là Chính Mình, tức Tôi, bản Ngã.
Do các trải nghiệm mà ta tiếp nhận đều đi về một trung tâm cố định và hết sức gần gũi, là thân thể và trí não của ta, nên chúng ta dễ dàng định hình một đối tượng cố định là chính mình. Từ đó, chúng ta nhìn tất cả mọi thứ bên ngoài cái trung tâm này là những thứ Khác Ta hay Không Phải Ta, và tạo ra sự ngăn cách rõ rệt giữa Ta và Thế giới.
Và chính vì sự gần gũi của các trải nghiệm, những thứ "thuộc về Ta" ngày càng tách biệt với những thứ "không phải Ta", nên nó cũng tạo ra hai cơ chế là gom những gì mà cái Ta thích lại gần và gìn giữ chúng, và đẩy những thứ mà cái Ta không thích ra xa hoặc loại bỏ chúng. Đây chính là Tham và Sân đã nói ở phần Khổ Đế.
Thế nên, một người muốn tu tập để thoát khổ, nhưng nếu họ vẫn chưa nhìn ra được cơ chế quy Ngã này, thì mọi thứ khác đều không có nhiều ý nghĩa. Cũng như một điều rất dễ thấy rằng chúng ta tìm đến triết lý là để mong muốn được tốt hơn, nhưng chúng ta không nhận ra rằng đây cũng là một hành động của bản ngã, và điều đó lại quay lại nuôi chính nó.
Một khi chúng ta còn nhìn những thứ đau khổ, tiêu cực, vọng tưởng,... là những thứ bên ngoài Ta, không phải Ta, thì khi đó chúng ta vẫn đang nhìn dưới góc độ là có một cái bản ngã, và cơ chế quy ngã vẫn đang hoạt động và thậm chí còn tinh vi hơn.
Đến đây, chúng ta có thể thấy được sự hạn hẹp trong nhận thức của mình trong việc nhìn nhận thực tại. Nó không theo kịp về sự biến đổi nên tạo ra các khái niệm Thời Gian. Nó không theo kịp về lượng thông tin tiếp nhận nên tạo ra các khái niệm về Đối tượng.
Và nó cũng không theo kịp về sự liên kết của thực tại nên cho rằng có sự phân chia giữa các đối tượng. Chúng ta sẽ làm rõ điều này trong phần kế tiếp về Tập Đế, nói về nguyên nhân sau cùng của tâm thức khi không nhìn thấy sự Duyên Sinh của mọi hiện tượng. Hiểu lại triết lý Phật - Tứ Diệu Đế (3)