Hiểu lại triết lý Phật - Tứ Diệu Đế (3)
Triết lý Phật giáo thường bị hiểu nhầm là điều gì đó xa vời, phức tạp, tâm linh, hoặc chỉ dành cho người tu hành. Nhưng nếu nhìn sâu...

Triết lý Phật giáo thường bị hiểu nhầm là điều gì đó xa vời, phức tạp, tâm linh, hoặc chỉ dành cho người tu hành. Nhưng nếu nhìn sâu vào bản chất, đây thực chất là một hệ thống kiến thức tâm lý rất gần gũi, thực tế và có thể áp dụng ngay trong đời sống hàng ngày.
Vì thế, với mục tiêu là diễn đạt lại các khái niệm nền tảng của triết lý Phật giáo một cách đơn giản, rõ ràng theo góc nhìn gần gũi hơn, tâm lý hơn, để giúp mọi người cũng có thể dễ dàng hiểu, kiểm chứng và sử dụng để cải thiện cuộc sống của chính mình.
Mình sẽ viết một series triết lý Phật với mục tiêu trên, có thể sẽ khiến các bạn không quen khi bài viết có thể hơi "khác" với Phật giáo. Nhưng nếu có thể, xin hãy cứ đọc, suy ngẫm, và phản biện với tinh thần cùng nhau chia sẻ góc nhìn nhé ^_^
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------
TỨ DIỆU ĐẾ - TẬP ĐẾ - 2
Duyên khởi
Ở phần Tập Đế trước, chúng ta đã nói đến việc cơ chế tâm lý nhìn nhận thực tại theo các đối tượng riêng biệt, điều này là hệ quả do các trải nghiệm đều xuất phát từ một trung tâm là thân thể, và thông qua đó tạo ra một lăng kính nhìn nhận với góc nhìn thứ nhất để nhìn ra thế giới. Tạo nên cái nhìn rằng tất cả những gì đang tồn tại ngoài thân thể là những thứ Khác (không phải Tôi) và những gì xuất phát từ thân thể là cái Tôi.
Sở dĩ tâm lý nhìn nhận theo cơ chế quy Ngã như vậy, bởi nó không nhìn ra được sự liên hệ tương liên của các sự vật hiện tượng. Và để thuận lợi hơn cho việc sinh tồn, bộ não của chúng ta buộc phải gom các trải nghiệm lại và định dạng chúng theo từng cá thể riêng biệt để có thể dễ dàng xử lý.
Ví dụ đơn giản như khi chúng ta ở một nơi có nhiều tiếng động, và chúng ta muốn nghe thông tin đang phát ra từ cái ti vi trong căn phòng. Chúng ta hoàn toàn có thể chú tâm vào âm thanh của ti vi để lắng nghe, và đồng thời chúng ta cũng sẽ bỏ qua các âm thanh hay thông tin khác đang cùng lúc xảy ra.
Hay như ở ví dụ về cái cánh quạt trực thăng ở phần trước, con mắt của chúng ta đã xử lý hình ảnh bằng cách nhìn thấy di ảnh còn lại của cánh quạt, và ta có cảm giác cánh quạt đang quay khá chậm nhưng thực tế chúng đang quay rất nhanh, chỉ là ta không nhìn thấy được. (hay đa phần là chỉ thấy một vệt mờ)
Tương tự như vậy ở nhiều khía cạnh, bộ não chúng ta thà chấp nhận việc tạo ra một thông tin sai lệch, không chính xác, nhưng quan trọng là nó cố định, có thể nắm bắt (theo cách của chúng ta) để phục vụ cho mục tiêu sinh tồn.
Tuy nhiên, bản chất thực sự của thực tại không phải là vô số các cá thể tách biệt tồn tại, mà các sự vật hiện tượng liên kết với nhau một cách chặt chẽ như một thể thống nhất.
Lý duyên khởi của Phật giáo xác định rằng các sự vật hiện tượng tương duyên với nhau mà hình thành, và vì cái này có nên cái kia có, nên không có gì có thể tồn tại độc lập mà không lệ thuộc vào toàn thể.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh khi ví dụ cho sự Duyên khởi, ông có nói về một hạt gạo, qua đó người ta không nên chỉ thấy một hạt gạo mà còn phải thấy cả người nông dân, nước, lúa, gió, đất, mặt trời v.v... tất cả mọi yếu tố của vũ trụ đã tồn tại để tạo nên sự hiện hữu của một hạt gạo.
Tuy nhiên, ví dụ này có vẻ vẫn chưa đầy đủ, vì nó chỉ thể hiện khía cạnh theo sự tuyến tính trước sau. Mà quan trọng là, tính Duyên Khởi còn thể hiện sự tương liên theo sự tồn tại đồng thời ngay khoảnh khắc hiện tại nữa.
Nghĩa là tính Duyên khởi không nên chỉ hiểu theo hướng nhân quả trước sau mà hình thành, mà ngay trong thời điểm tồn tại trước mắt, thì sự tồn tại của một hạt gạo cũng có sự tồn tại tương liên chặt chẽ của mọi sự tồn tại khác. Vì thế có thể hiểu rằng ngay trong một khoảnh khắc, tự tồn tại của một hạt bụi cũng bao hàm sự tồn tại của toàn thể vũ trụ hay toàn thể sự tồn tại khác. (và còn hơn thế)
Chúng ta có thể lấy ví dụ một cơn sóng nổi lên trên bề mặt đại dương, thì trong sự tồn tại của cơn sóng ngay lúc đó cũng bao hàm cả sự tồn tại của cả đại dương và gió trời. Nếu trong khoảnh khắc đó, không có đại dương làm nền, không có gió trời làm duyên thì sẽ không có cơn sóng tồn tại.
Thế nên, bản chất thực tại không hiện hữu theo kiểu các cá thể riêng biệt như bộ não nhìn thấy. Mà thực tại chính là một cái toàn thể mọi sự tồn tại đang hiển hiện đồng thời mà không có sự phân chia thành các bộ phận riêng lẻ.
Nhưng do tâm lý của chúng ta trong một lúc khó có thể xử lý quá nhiều thông tin đến cùng lúc, nên đã lựa chọn cách co cụm các đối tượng lại và tập trung chú ý vào từng đối tượng để xử lý. Thế nên nó cũng lại tạo ra các khái niệm và giá trị ảo tưởng khác. Các giá trị này thường có đặc tính là cố định, khó thay đổi, và nếu có thể thì nên có lợi cho tổ hợp "Cái Tôi" - của người quan sát.
Tổng hợp
Tóm lại, nguyên nhân tạo ra sự Khổ chính là cơ chế yêu/kéo về các trải nghiệm dễ chịu (Tham) và ghét/ đẩy ra xa những trải nghiệm khó chịu của tâm lý (Sân).
Còn nguyên nhân sâu xa của hai cơ chế trên là do tâm trí chúng ta không nhìn nhận đầy đủ tính chất của thực tại và nó chọn lựa cách nhìn nhận theo một hướng sai lệch và tạo ra các giá trị/ khái niệm ảo tưởng để dễ dàng xử lý và sinh tồn (Si)
Nhưng cả 3 cơ chế trên không phải là 3 cơ chế riêng biệt, mà chỉ đơn thuần là sự tách bạch của một cơ chế duy nhất, chính là sự mơ hồ về thực tại (Vô Minh). (Như Hồ Quỳnh Hương có hát: Em quay cuồng trong mơ hồ. Loài người như cuốn đi trong men say...)
Tức là tâm trí con người không nhìn rõ được tính chất của thực tại là luôn biến đổi (Vô Thường), và mọi thứ đều tương liên với nhau một cách chặt chẽ (Duyên Khởi), nên không có sự phân chia thành các đối tượng riêng biệt (Vô Ngã), và không có bất cứ gì có thể nắm giữ được (Bất khả đắc).
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Vậy giờ đây chúng ta thấy rằng đó là cách mà tâm trí con người hoạt động, từ nguyên thủy tới nay, và có vẻ đó là những tính năng mặc định. Thì làm sao chúng ta có thể cải thiện được?
Hay làm sao chúng ta có thể thoát Khổ trong khi cơ chế tâm trí hoạt động theo cách phải... bị Khổ?
Vậy thì chúng ta sẽ đến với phần sau của Tứ Diệu Đế, Diệt đế và Đạo đế.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất