Có rất nhiều điều mình chưa biết về mình và sẽ mãi không biết nếu không tò mò khám phá.
Hồi bé, mình không ăn được dưa chuột trong bánh mì, không ăn được mướp đắng, không ăn được canh trứng lá hẹ, lá đắng, không ăn được hành lá. Mình cũng không ngửi được mùi hành phi, mùi măng hầm móng giò, mùi sầu riêng. Mỗi lần nấu ăn, bà đều múc cho mình một bát riêng không bỏ lá hẹ, lá đắng. Thỉnh thoảng, mùi hành phi, mùi măng hầm bay vào mũi, bà đều phải ngồi ngoài vườn vỗ lưng để mình nôn khan. Mình từng tiếc nuối bỏ ngang cái bánh mì ngon lành, vì cô bán hàng quên lời mình nói, bỏ dưa chuột vào.
Nhưng bây giờ, mình có thể ăn nguyên cả quả sầu riêng nhiều thịt, hạt lép. Ăn bún phở thì bát ngập hành. Ăn bánh cuốn thì xin thêm hành phi. Tết đến không có măng hầm móng giò là phải nấu bằng được. Canh hẹ trứng, canh lá đắng không những ăn được mà còn rất thích, lâu lâu thèm còn có thể tự nấu ăn. Bánh mì thập cẩm có dưa ăn được 2 cái 1 lúc.
Mình cũng có rất nhiều điều không làm được. Mình không ngửi được mùi nước hoa, dù là hàng hiệu. Mình cũng không thể chịu nổi tiếng ngáy, tiếng ồn. Mình luôn nói với mọi người: Linh bị dị ứng mùi hương, bị nhạy cảm với mọi loại tiếng ồn.
Mình thời điểm này vẫn không thích mùi nước hoa công nghiệp nhưng ngửi không còn bị đau đầu như trước. Mình còn rất thích mùi tinh dầu thiên nhiên. Người mình ngủ cùng mỗi đêm là một người ngáy rất lớn.
Không phải bỗng nhiên mình như vậy mà mình đã thay đổi cách mình tiếp cận những điều "không thể" của bản thân. Mình không ăn được lá hẹ trong canh vì nhà mình cắt lá khá dài, lần đầu ăn vào lúc 6 tuổi, miệng mình rất bé, lá hẹ cứ bám trong khoang miệng rất khó chịu. Cảm giác đó làm mình ghét cả mùi lẫn kích thước của lá. Sau này mình thử cắt ngắn hơn, xào với hến, chiên trứng trước rồi mới đến nấu canh, mình đã không còn ghê miệng khi ăn nó.
Tương tự với mùi hành phi hay măng hầm, mình buồn nôn vì mùi dầu dùng quá nhiều khi nấu những món đó, khi tiết chế lại, mình lại thấy dễ ăn hơn, mùi không đáng sợ như lần đầu nữa. Mình ăn được sầu riêng và lá đắng là vì bác mình bắt ăn, ăn với số lượng lớn, ngày nào cũng ăn, ăn nhiều đến mức không còn sợ mà trở nên quen, quen bắt đầu thả lỏng, thả lỏng bắt đầu cảm thấy vị ngon. Khi mình không còn sự kháng cự, mình cảm nhận được mùi vị tự nhiên của chúng.
Chuyện tiếng ồn và mùi hương cũng vậy. Mình đón nhận với tâm thế kháng cự, với tư duy đóng: tôi là như thế đấy, thì mình sẽ mãi nhạy cảm với tiếng ồn và mùi hương. Khi mình bắt đầu thả lỏng, cảm nhận tiếng ngáy có nhịp điệu của nó, có độ vang hay mùi hương cũng có các cấp độ khác nhau chứ không chỉ là mùi nước hoa rẻ tiền mà mình từng ngửi lần đầu, mình bắt đầu cảm nhận chúng như một phần của cuộc sống. Nói đúng ra là mình bỏ qua định kiến, tò mò với tiếng ngáy, với những mùi hương lạ.
Mình đã có những lần trải nghiệm đầu tiên về món ăn, mùi hương, âm thanh không dễ chịu, để lại ác cảm nhất định nhưng mình cho phép lần đầu không là lần cuối, thách thức giới hạn mà phiên bản bé con của chính mình đã tạo ra. Tất nhiên có một số thứ (như ăn dưa chuột, khả năng ngủ khi nghe tiếng ngáy,...) mình phải dùng đến các kỹ thuật, điển hình nhất là phương pháp Metaphor - Clean Language mà mình đang áp dụng trong các healing session.
Câu hỏi: "Mình là ai? Mình đến Trái Đất làm gì?" nằm trong tâm trí của rất nhiều người. Đó là một câu hỏi mang tính triết học lẫn xã hội. Mình cũng đã từng đau đáu tìm cách trả lời chúng. Việc xem Tử vi, xem Bản đồ sao, làm bài trắc nghiệm tính cách MBTI, Enneagram, học về tâm lý, về chữa lành cho mình những câu trả lời tương đồng, định nghĩa bản thân theo cách có thể chấp nhận được nhưng chưa từng khiến mình thỏa mãn. Chúng giúp mình nhìn nhận, lý giải các hành vi, phản ứng, niềm tin, lối suy nghĩ của bản thân nhưng cũng vô tình trở thành nhà tù đóng khung tâm trí và cảm xúc:
- Vì mình là kiểu người hướng ngoại (E) nên những lúc mình ngại giao tiếp, cảm thấy kiệt sức khi ra ngoài hẳn là mình đang bất ổn?
- Vì là một Xử Nữ có moon Sư Tử, mọc Thiên Bình nên mình cầu toàn đến mức khó tính, bốc đồng nhưng thiếu quyết đoán, cứng đầu theo kiểu: không ai nói thì sẽ làm, ai áp đặt thì chống đối dù biết điều đó đúng?
- Vì mình là người thiên về tư duy nên mình không thể làm những công việc liên quan đến khả năng thấu cảm? Hay vì quá tiểu tiết nên không thể nghĩ lớn, kinh doanh?
- Vì mình không thể ăn hẹ, ăn bánh mì có dưa chuột, không thể chịu nổi tiếng ngáy, nên mình phải né tránh tất cả chúng?
- Vì mình là mệnh Thiên Cơ Thiên Lương nên dù khôn, mình vẫn dễ tin người, dễ tha thứ, không biết lo nghĩ cho bản thân?
Mình đã thắc mắc: Chẳng lẽ mình phải chấp nhận như vậy cả đời, đóng khung bản thân trong những tính cách định sẵn đó, thói quen đó? Chẳng lẽ mình chỉ có thể giải thích theo kiểu: À tính mình nó thế rồi. Và giang sơn khó đổi bản tính thực sự khó dời?
Câu trả lời cho riêng mình là KHÔNG HẲN. Đây là câu trả lời đến với mình qua rất nhiều cơ duyên, từ khách hàng, từ các khóa học mình tham gia nhưng rõ ràng nhất là khóa Know YourSelf mà mình từng kể trên page. Trong đó, mình đã có "aha moment" khi được tiếp cận luận điểm: Tính cách có phần là do gen di truyền (bẩm sinh) nhưng đa nhiều phần là các chiến lược phòng vệ trước điều kiện của môi trường sống.
Một đứa trẻ hiền lành, ngoan ngoãn dù sống với bố mẹ thường xuyên cãi nhau, anh trai thì phá phách không hẳn vì tính cách nó vậy mà phần tức giận, phần chống đối của nó đã được anh trai "biểu hiện hộ", nó không cần làm những hành động thể hiện điều đó nữa.
Một người hướng ngoại không hẳn vì nó sinh ra đã thế mà có thể vì nó đã học từ mẹ, từ anh chị họ của mình. Một người chăm chỉ, cần cù không hẳn vì tính người ấy vốn như vậy mà bởi đó là cách họ được nuôi dưỡng cho đến lúc chăm chỉ, cần cù trở thành thói quen.
Một người lầm lì ít nói dù nội tâm rất phong phú có thể vì môi trường lớn lên của người đó đã có quá nhiều "người lắm lời" khiến họ không có không gian và cơ hội để biểu đạt mình.
Vậy tại sao chúng ta khi còn là những đứa trẻ lại hình thành những tính cách chiến lược? Bởi đó là cách để chúng trở nên giống với những người xung quanh. Việc giống với những người xung quanh rất quan trọng trong thế giới của bọn trẻ: Để chúng được yêu, để chúng không bị bỏ rơi mà có thể cảm thấy được thuộc về, cảm thấy an toàn,...
Tính cách của con người có thể biến đổi, nhưng điều kiện là nó phải được đẩy lên cao trào hoặc được biến đổi bởi một động lực mạnh mẽ. Những giai đoạn bị đẩy vào đường cùng, những vấn đề lặp đi lặp lại không lối thoát lại là những thời điểm để mình phải chấp nhận: Cách làm cũ, cách tư duy cũ, định nghĩa cũ có thể không còn phù hợp. Mình có thể làm khác đi như thế nào? Và nếu cách mới chưa ổn, mình sẽ thử cách khác chứ?
Mình đã từng là ENFJ nhưng bây giờ là INFJ, mình đã từng là người kén ăn nhưng bây giờ là đứa có thể ăn cả thế giới, mình là người không dám kinh doanh buôn bán gì vì sợ không có khiếu nhưng bây giờ lại là một con buôn ngày ngày khám phá giới hạn và hiểu biết của mình. Mình đã từng là người không thể đi lại quá nhiều vì sức khỏe yếu cho đến lúc quen với việc đi về quê thường xuyên để chăm bà ốm.
Việc Hiểu bản thân bây giờ không còn là một hành trình tìm kiếm mà là hành trình kiến tạo. Nếu cứ cố đi tìm bản thân là ai, mình hợp cái gì, thích cái gì, có khi mình tìm mãi chẳng ra. Nhưng bằng cách đặt câu hỏi: Mình có thể là ai? Giới hạn của mình có phải là cái mình đang thấy?, mình đã tạo nên mình hiện tại.
Mình chấp nhận mình ở quá khứ, ở thời điểm này nhưng luôn tò mò về mình trong tương lai. Mỗi cảm xúc mình có, mỗi trải nghiệm mình đi qua, mỗi suy nghĩ mình nảy sinh, mình ghi nhận, nhưng mình biết: mình không hoàn toàn là chúng, mình là nhiều hơn thế và cũng có thể chẳng là gì. Và như faci lớp Know Yourself đã từng nói với mình: Hiểu bản thân nên bắt đầu từ việc chấp nhận ta sẽ luôn không hiểu hết chính mình. Hãy cứ tò mò khám phá bạn!