Nếu nhắc đến Alphonse Daudet, chắc "người đọc" phổ thông ở Việt Nam sẽ nhớ về tác phẩm "Buổi học cuối cùng" được dạy trong chương trình Ngữ văn (cấp 2 hay cấp 3 thì mình cũng quên mất rồi) - nếu "chăm" học Văn, người đọc "hạng cao" hơn một chút sẽ nhớ về "Thiện xạ xứ Tartarin" hay "Thằng nhóc". Nhưng với mình, tác phẩm của Daudet để lại nhiều ấn tượng nhất vẫn là "Lá thư hè" hay "Lá thư đến từ cối xay gió".
Thực ra thì "Lá thư hè" không đến với mình một cách ngẫu nhiên, kiểu thấy sách rồi mua bừa, mà do một "cơ duyên" khác cũng liên quan đến sách giáo khoa Ngữ văn. Mình nhớ, hồi đó, trong tiết viết văn, chúng mình được học về cách sử dụng biện pháp miêu tả (và - hoặc không - biểu cảm) trong bài văn tự sự, và sách giáo khoa lấy một trích đoạn trong truyện ngắn "Những vì sao" ra làm ví dụ. Dù đã chuẩn bị bài từ trước, tức là có đọc đoạn văn rồi, nhưng khi cô giáo gọi mình dậy đọc bài, mình vẫn bị choáng ngợp vì những câu văn đó. Hình như cô giáo cũng nhận ra, vì lúc mình đọc xong cô còn hỏi "Sao, thấy hay không?" và tất nhiền mình vừa "có ạ" vừa gật đầu như bổ củi. Mình thích đến mức sau buổi học đã gõ đoạn văn đó lên google, rồi phát hiện ra nó được trích từ cuốn "Lá thư hè". Nhưng hồi đó sách chưa được xuất bản ở Việt Nam nên mình chỉ có thể đọc online thôi, mãi sau Nhã Nam mới mở bán và mình mua luôn trong lần hội sách ngay sau đó.
…/ Nếu có lần nằm ngoài trời suốt mấy đêm, hẳn bạn thừa biết giữa lúc chúng ta ngủ thì cả một thế giới huyền bí bừng dậy trong cảnh cô quạnh và u tịch. Lúc ấy suối reo rõ hơn, đầm ao nhen lên những đốm lửa nhỏ, /…/ và văng vẳng trong không gian những tiếng sột soạt, những tiếng rung khe khẽ, tưởng đâu cành cây đang vươn dài và cỏ non đang mọc. Ban ngày là cuộc sống của chúng sinh còn ban đêm là cuộc sống của cây cỏ. Không quen thì dễ sợ… Cho nên tiểu thư của chúng ta cứ mỗi làn nghe thấy một tiếng động nhỏ là đã run lên và nép sát vào người tôi. Một lần, từ phía mặt đầm lấp lánh dưới kia nổi lên một tiếng kêu dài, não ruột, ngân vang rền rền tới chỗ chúng tôi ngồi. Cũng vừa lúc một vì sao rực rỡ đổi ngôi, lướt trên đầu chúng tôi về cùng một hướng đó, dường như tiếng than vãn mà chúng tôi vừa nghe thấy kia đã mang theo một luồng ánh sáng. - Cái gì thế? – Xtê-pha-nét khe khẽ hỏi. - Có một linh hồn lên thiên đàng, cô chủ ạ. – Nói rồi tôi làm dấu thánh. Nàng cũng làm theo và cứ ngồi ngửa cổ như thế một lát, vẻ rất trầm ngâm. /…/ Nàng vẫn ngước mắt lên cao, tay đỡ lấy đầu, vai khoác tấm da cừu, nom nàng như chú mục đồng của nhà trời. - Nhiều sao quá! Đẹp quá kìa! Chưa bao giờ tôi thấy nhiều sao như thế này. Mục đồng có biết tên các ngôi sao không? - Dạ có, thưa cô chủ. /…/ Và trong khi tôi cố giảng cho nàng thế nào là đám cưới sao thì tôi cảm thấy như có một cái gì mát rượi và mịn màng tựa nhè nhẹ xuống vai tôi. Thì ra đầu nàng nặng trĩu vì buồn ngủ đã ngả vào tôi với tiếng sột soạt êm ái của những dải đăng-ten và làn tóc mây gợn sóng. Nàng cứ ngồi yên như thế, không nhúc nhích cho đến khi ngàn sao trên trời mời dần, nhoà đi trong buổi ban mai đang rạng. Còn tôi, tôi nhìn nàng ngủ, đáy lòng hơi xao xuyến nhưng vẫn giữ được mình vì đêm sao sáng kia bao giờ cũng đem lại cho tôi những ý nghĩ cao đẹp. Quanh hai chúng tôi, ngàn sao vẫn tiếp tục cuộc hành trình trầm lặng ngoan ngoãn như một đàn cừu lớn; và đôi lúc, tôi tưởng đâu một trong những ngôi sao kia, ngôi sao thanh tú nhất, ngời sáng nhất lạc mất đường đi đã đậu xuống vai tôi mà thiêm thiếp ngủ… (Đoạn trích được trích trong SGK hồi đó).
"Lá thư hè" là một tập truyện ngắn do Daudet viết trong thời kỳ ông ở lại tại một cái cối xay gió hết đát, mà ông mua cũng chẳng hiểu để làm gì. Những câu chuyện xoay quanh cuộc sống thôn quê nơi miền Nam nước Pháp, từ câu chuyện về con la của giáo hoàng, anh chăn cừu lỡ phải lòng cô tiểu thư, hay ông chủ của cối xay gió. Mỗi câu chuyện lại có một mạch truyện riêng rẽ, chiều hướng cũng khác nhau, nhưng tựu trung, tất cả đều rất thơ, kiểu đặc chất văn học Pháp vậy.
Theo mình "Lá thư hè" là một tập truyện để đọc theo kiểu nhẩn nhơ, vừa đọc vừa nghỉ, đọc hết truyện này thì lại... nghỉ tiếp, mai, ngày kia, hoặc là vài hôm sau lại giở ra đọc tiếp truyện khác. Nó như cảm giác khi mình có thứ đồ ăn gì đó vui vui mồm, không đến mức thèm thuồng nhưng ăn thì lại rất cuốn ấy. À, thực ra một số truyện có cái kết khá là bất ngờ, kiểu các bạn sẽ thấy ngạc nhiên khi giở sang trang sau là truyện khác, chứ không phải phần tiếp, hoặc là một cái kết khác mà bạn mong đợi ấy. Nhưng yên tâm, mình đảm bảo với bạn là sẽ không có cái kết nào làm bạn ức chế đâu. Lại so sánh tiếp, như kiểu đồ ăn ngon thì ăn xong vẫn thòm thèm vậy. Mình sẽ không nói cụ thể, vì mình sợ lộ hết cốt truyện ra mất, nhưng mình nghĩ tập truyện này sẽ xứng đáng để các bạn dành ra vài tiếng (hoặc vài chục phút, nếu bạn đọc nhanh).
Cuốn này ở Việt Nam do Nhã Nam phát hành, tên là "Lá thư hè", bìa mình thấy siêu đẹp luôn, kiểu nó vừa đủ nhã, không quá màu mè nhưng không nhàm chán ấy. Không biết giờ còn hàng trên các sàn TMĐT hay hiệu sách không, nhưng bìa, rồi font chữ bên trong cũng đẹp, xứng đáng để mua bản cứng về đọc. (Còn bạn nào không muốn mua hoặc không tìm chỗ mua được thì chắc có bản mềm trên mạng đó).
Nếu đọc đến đây, và bài viết của mình đủ hấp dẫn để các bạn đi tìm đọc truyện, thì đọc rồi cho mình xin mấy dòng cảm nhận nhé. Mình rất hay tò mò người khác sẽ nghĩ gì về những cuốn sách mình giới thiệu.
Bonus: ảnh con mèo của mình, dù nó không liên quan đến bài viết (vì mình không có ảnh chụp sách)