Hạt nhân con người
Người ta hay bảo nhau, và tôi cũng hay tự dặn bản thân rằng: Dù trong hoàn cảnh nào, cũng không được đánh mất mình. Nhưng vấn đề ở...
Người ta hay bảo nhau, và tôi cũng hay tự dặn bản thân rằng: Dù trong hoàn cảnh nào, cũng không được đánh mất mình. Nhưng vấn đề ở chỗ, 'mình' là ai, là như thế nào, không được đánh mất cái phần nào.
Tôi hiểu rằng chúng ta đang nói đến ở đây chính là cốt cách con người - thứ được coi là hạt nhân, nguyên bản của mỗi con người. Nhưng mà này, thứ ấy có tồn tại không?
Trước khi tìm ra rằng thứ 'hạt nhân' ấy có tồn tại hay không, có một điều tôi biết chắc đó là, chúng ta đang có rất nhiều, rất nhiều lớp vỏ khoác lên mình, hoặc chủ ý hoặc vô thức, hoặc dày hoặc mỏng. Khi bập bõm nhận thức, những bài học đạo đức, lễ phép là những lớp áo đầu tiên khoác lên để bảo vệ ta (hoặc không). Rồi càng dấn sâu vào cuộc sống, càng lớn lên ta càng làm những tầng lớp ấy dày thêm. Học cách khéo ăn khéo nói. Học cách xây dựng thương hiệu cá nhân. Học cách làm mình trở nên đẹp. Học cách yêu và cách được yêu. Chẳng biết những lớp vỏ ấy tốt hay xấu, chỉ biết rằng trong một khắc nhìn lại không nhìn thấu được vào trong nữa, người ta bắt đầu loay hoay đi tìm bản thân, tìm thứ hạt nhân đã bị che lấp ấy.
Hơn một lần tôi nghĩ rằng hạt nhân ấy là thứ không tồn tại. Trong một thời gian dài tôi quanh quẩn loay hoay với những cảm xúc của mình và không xác định được đâu là thật, đâu là ngụy tạo. Một người bạn từng bảo cô ấy có chút sợ tôi, bởi tôi phần nào đó có khả năng điều khiển cảm xúc của mình. Và tôi nhận thức được điều ấy. Có nhiều những sự quan tâm của tôi đến nhân loại bắt nguồn từ việc tôi biết tôi nên làm vậy. Mọi thứ hành động của bản thân tôi đều nhận thấy có một sự chủ tâm nào đấy chứ chẳng phải do quán tính tự nhiên. Vậy nên tôi bảo bạn tôi rằng: "Lỡ một ngày kia bóc hết các lớp vỏ, nhận ra con Lu là một thứ sinh vật không có lõi. Con Lu là giả hết. Con Lu làm bằng nhựa, nhựa đểu nhé, gây ung thư hẳn hoi nhé." Và nó bảo tôi: "Vậy thì đừng bóc vỏ nữa. Đống vỏ này tốt cho nhân loại." Ừ thì thế.
Nếu có cái gì gần với bản thể tôi nhất, đó chính là sự trống rỗng. Nếu ai đó thấy tôi không nhạt nhẽo, thì tôi cảm ơn rất nhiều, vì đấy là cả một sự cố gắng để đáp lại những hành động của con người một cách tự nhiên nhất. Tôi là (cái gì đó gần với) tôi nhất vào những ngày ngồi một mình ở Cầm, chẳng nghĩ gì, chỉ ngồi và nhìn quanh và cười (như một con nerd). Khổ nỗi xã hội cứ bắt tôi phải tham gia, phải lên tiếng, phải có cảm xúc, ý kiến.
Cảm giác trống rỗng đã từng là thứ chẳng vui vẻ gì. Thoải mái quái gì cái sự lạc lõng, không xác định và nhìn thấy cả một bầu trời giả tạo ở trong bản thân. Trong những ngày tháng ấy thì thứ nỗi đau hiếm hoi trong một chuyện tình cảm vớ vẩn một cách nghiêm túc có vẻ là những thứ thật nhất. Vậy nên tôi đã bám vào nó để không bị trôi đi. Người ta nói một đống thứ về việc tôi và hắn không có điểm chung, như một đôi đũa lệch. Chính hắn cũng bảo vậy, chúng tôi là hai đường thẳng song song. Chúng tôi không có tương lai. Ô hay, ai cần tương lai? Tương lai tôi sẽ chết sớm, và tôi không thấy tệ lắm về chuyện đấy. Nhưng sống chết mình nói chuyện lúc khác nhé.
Hình như chẳng ai có lõi hết...
"Lòng ta như giếng khơiKhông một giọt mưa nào chạm đáy."[Lu 1989 (chứ không phải tao - Lu 1999)]
Trong một bài gì đó, Đen có nói: "Mấy ai hiểu hết được chính mình một cách giản đơn và trần trụi."
Ai ai cũng đang đi tìm chính mình, nhưng sẽ chẳng bao giờ tìm ra được đâu vì nó không tồn tại. Có chăng, người ta sẽ dừng lại ở một lớp vỏ nào đó sâu hơn và chấp nhận rằng đó là mình.
Tôi cũng không tiếp tục tìm lõi nữa mà chấp nhận mình là một thứ nhạt nhẽo rỗng tuếch đang cố gắng tô tô vẽ vẽ lên những lớp vỏ ngoài cùng.
Mà cũng đừng nói về cái việc 'là chính mình' nữa. Hãy nói rằng, 'là lớp vỏ sâu nhất mà mình biết được'.
Xin phép ngừng nói nhảm ở đây.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất