Đây không phải là một bài viết bi quan, cũng không phải một bài viết tích cực. Khi viết bài này, tôi không nghĩ cách định nghĩa hạnh phúc, tôi quan sát hạnh phúc trong gần ba chục năm cỏn con của đời mình.

Hạnh phúc không tách rời khỏi bất hạnh

Hậu covid, bà tôi bị chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn 4. Trước ngày bà nhập viện, tôi có một giấc mơ quái đản: Bà về nhà cũ lấy chiếc cặp tóc của người già, soạn đồ vào túi rồi bảo đi thăm bà Mão. Trong giấc mơ, tôi vẫn ý thức rằng: bà Mão - hàng xóm cũ của chúng tôi đã không còn sống nữa. Vậy rốt cuộc bà tôi định đi đâu? Tỉnh dậy với mồ hôi đầm đìa trên trán, tôi gọi cho bố. Và đó là lúc tôi biết tin: bà tôi bị tràn dịch màng phổi, chụp phim thấy có u và đang được chuyển thẳng đến bệnh viện ung bướu. Tôi chẳng biết miêu tả cảm giác hoảng loạn, tay chân xoắn xuýt vào nhau đó như thế nào, chỉ nhớ lúc đó tôi thấy mình thật bất hạnh, cuống quýt nhắn tin cho con bạn thân làm bác sĩ:
- Ê này, tràn dịch màng phổi có nguy hiểm tính mạng không?
Mặc cho nó dùng 7749 kiến thức giải thích cho tôi các tình huống có thể xảy ra, tôi vẫn nhìn chằm chằm vào cái dòng: "Có khả năng do K phổi nhé! Hậu covid nhiều người mới phát hiện bệnh lắm vì triệu chứng ban đầu nhẹ." Tôi không nghĩ mình có năng lực tâm linh gì quá cao siêu, chỉ là một đứa khá nhạy cảm chuyện trong gia đình. Gần như những giấc mơ của tôi về người thân đều cảnh báo một sự kiện có thật nào đó, đến mức dù không muốn tin, tôi cũng đã dần tin.
Kể từ ngày đó, tôi trở thành thành viên tích cực của group "Hội những người bị ung thư phổi". Tôi tìm từ khóa "ung thư phổi" trên các diễn đàn từ webtretho đến voz, trên facebook, google rồi đến tiktok và trong 7 ngày chờ kết quả của bà, tôi từ một đứa chẳng biết gì về ung thư phổi cũng hiểu kha khá rằng: Bệnh này chia làm 2 loại, loại có tế bào nhỏ và không tế bào nhỏ. Loại có tế bào nhỏ chỉ chia làm giai đoạn ủ bệnh và phát tác. Loại không tế bào nhỏ chia giai đoạn I, II, III, IV và các thời gian nhỏ hơn trong mỗi giai đoạn. Để lên phác đồ cần xét nghiệm những gì, có những phương thức chữa trị nào, giá thành bao nhiêu, người cao tuổi như bà tôi sẽ cần lưu ý những gì, nếu may mắn có đột biến gen, loại thuốc nào tốt nhất, loại nào có bảo hiểm,...? Tôi đào bới với suy nghĩ: rồi mình sẽ phải biết đến những thứ đó!
Thật lòng thì đã rất lâu tôi không nghĩ về hạnh phúc, đi tìm hạnh phúc hay thèm khát hạnh phúc, tôi quen với việc quan sát hơn. Mấy tháng vừa rồi, dù sống trong thấp thỏm nhưng tôi nghĩ ngày nào mình cũng có giây phút hạnh phúc.
Tôi hạnh phúc khi bác sĩ báo bà tôi mắc K phổi không tế bào nhỏ, nghĩa là có khả năng cứu chữa bằng hóa trị, xạ trị hoặc thuốc đích.
Tôi hạnh phúc khi ngủ dậy bà vẫn nằm cạnh tôi. Vẫn tiếp nhận các loại thuốc tăng miễn dịch mà không có biểu hiện kháng thuốc.
Ngày trước, tôi không chịu nổi tiếng ngáy của bà. Tôi toàn lấy tay thúc thúc để bà ngưng giấc trở mình. Bây giờ, khi bà đau, mệt đến mức không ngủ được, tôi hạnh phúc khi nghe bà ngáy đều. Ít nhất tôi biết bà mình còn sống, còn ngủ được. Những đêm tĩnh lặng chỉ nghe tiếng chân của bác sĩ trực cấp cứu, tôi biết bà lại không ngủ được. Không ngủ được, khối u di căn lên não của bà sẽ lại làm bà đau nhức.
Tôi sống với bà từ bé, ngủ với bà, ăn với bà, nằm trong lòng tay bà mà lớn lên. Đối với tôi, bà đóng vai cả bố lẫn mẹ, là đốm sáng ấm áp nhất mỗi khi tôi nhớ nhà, là động lực để tôi về quê trong mỗi dịp Lễ tết. Bà ốm, lòng tôi thắt lại như thể cả gia đình mình đều trở bệnh nặng, tôi chẳng thể làm gì khác. Tuần này bà tôi được ra viện theo dõi phản ứng với thuốc mới, tôi có nhiều thời gian hơn. Tôi lại vào spiderum, ngôi nhà trên mạng của mình và biết cuộc thi về hạnh phúc. Và tôi nằm hỏi bà - nhà thông thái còn chưa học hết lớp ba của tôi:
- Bà ơi, làm răng để biết mình đang hạnh phúc hầy?
- Là không có chi bất hạnh thôi. - Bà tôi đáp mà không cần nghĩ, cũng không cười những câu hỏi trên trời của tôi như trước. - Dừ bà đang trông cho u lành, đừng u ác là hạnh phúc. - Chưa biết kết quả thật, bà tôi vẫn nuôi hi vọng.
Ảnh bởi
Hybrid
trên
Unsplash
Tôi thấy bà nói đúng. Trước giờ, hạnh phúc có bao giờ tách rời khỏi bất hạnh. Nó đi liền với bất hạnh, đặt trong những so sánh ngầm với bất hạnh. Không phải bất hạnh có trước, hạnh phúc có sau hay ngược lại mà chúng đi cùng nhau, sinh diệt cùng nhau. Ngay khi tôi cảm thấy hạnh phúc, ảo ảnh về bất hạnh cũng xuất hiện và ngay khi tôi cảm thấy bất hạnh, ảo ảnh về hạnh phúc cũng sinh ra.
Khi tôi cảm thấy hạnh phúc vì có đứa bạn tốt, tôi đã ngầm định nghĩa: bất hạnh là khi chẳng có đứa bạn nào tốt như vậy.
Khi tôi cảm thấy hạnh phúc vì bài viết nhiều upvotes, được lắng nghe, tôi đã ngầm hình dung về viễn cảnh người tôi muốn chia sẻ chẳng quan tâm mình nói gì hay quá ít người đọc bài của mình, nghĩa là nó không hay?
Khi chị tôi bảo cuộc sống của chị hạnh phúc vì lấy được anh rể tôi - người thương vợ, thương con, không cờ bạc, rượu chè, nghiện ngập, gái gú, chị tôi đã ngầm so sánh hiện thực với nỗi bất hạnh tưởng tượng: không cưới được người tốt như vậy hoặc tệ hơn là lấy trúng ông chồng phá phách, vô tâm.
Khi bác tôi tìm được công việc ở tuổi 55, sau cuộc thất nghiệp đột ngột mà chưa đến tuổi hưởng lương hưu, bác tôi hạnh phúc đến mức mổ lợn khao cả nhà. Hạnh phúc của bác tôi nằm kề ảo ảnh: "Đ tìm được cái việc này, chắc con vợ em nó xé xác".
Tôi thấy nhiều người đi lễ cầu hạnh phúc, cầu cuộc sống như ý, dùng spell, witchcraft thu hút những điều mà họ cho rằng nếu họ sở hữu, họ sẽ mãn nguyện hạnh phúc. Họ chẳng làm hại ai, họ chỉ cầu phúc cho mình. Nhưng tôi tò mò, những mong cầu đó liệu có phát nguyện từ nỗi sợ, từ cảm giác thiếu thốn: nếu không có điều này điều kia thì tôi thật bất hạnh? Vì thiếu điều này, điều kia nên hiện tại tôi mới không hạnh phúc? Và tôi cần có chúng trong tương lai?
Một khái niệm tồn tại khi có người vẫn nói về nó. Khi chẳng ai nói về nó nữa, khái niệm đó chẳng còn tồn tại. Hạnh phúc cũng vậy. Hạnh phúc là một khái niệm chúng ta dùng để gọi tên một trạng thái, một sự kiện hợp ý mình và bất hạnh là những điều không hợp ý mình. Mà thường những điều hợp ý mình, chưa chắc lại hợp ý người khác. Hay từng giai đoạn, điều như ý ngày xưa, chẳng còn là điều như ý lúc đó.

Chúng ta không sinh ra để hạnh phúc

Có một dạo tôi đọc ngấu nghiến 3 cuốn của Yuval Noah Harari và bộ 2 cuốn Bạn không thông minh lắm đâu + Bạn đỡ ngu ngơ hơn rồi đấy. Đọc ngấu nghiến tức là đọc đi đọc lại nhiều lần. Sách giờ chẳng nhớ cho đứa nào mượn nữa nhưng tôi nhớ, hồi đó, tôi đã hình thành suy nghĩ rất dở hơi kiểu: Con người được lập trình để tồn tại, không phải để thông minh, để hạnh phúc.
Hạnh phúc mà trước nay tôi vẫn biết có thể quy về mong muốn sinh tồn. Cái điều như ý nguyện tôi nói ở trên nó cũng chính là cái ý được sống hoặc có khả năng đảm bảo cuộc sống. Mặc dù bộ não của chúng ta đang sống ở thời kỳ 4.0 nhưng nó hoạt động không khác mấy với tổ tiên sapiens (hoặc có thể là lai neanderthal) của chúng ta thời nguyên thủy.
Một đứa trẻ khóc khi mẹ đi làm là bởi nó lo mẹ không quay lại. Mẹ không quay lại tức là nó bị bỏ rơi. Và với bộ não của người nguyên thủy sống trong thiên nhiên đầy nguy hiểm, bị cha mẹ bỏ rơi, đứa trẻ có nguy cơ bị thú dữ ăn thịt, đói mà chết. Nỗi sợ người thương bỏ rơi khi trưởng thành (không có anh/ em, em/ anh không sống nổi :>>) là nỗi sợ bị bỏ rơi thuở bé được phóng lớn lên. Và truy nguồn đến cùng, nó cũng như nỗi sợ chết.
Đôi lúc, việc bị người khác đánh giá/ có nguy cơ bị đánh giá hoặc bị cộng đồng của mình đào thải cũng khiến ta cảm thấy bất hạnh. Vẫn nhìn tình huống đó dưới cách xử lý của bộ não người nguyên thủy, ta thấy rằng: giữa rừng sâu, một người bị bộ lạc bỏ rơi có nguy cơ tử nạn cao hơn. Người đó cũng có thể bị đói vì không kiếm đủ thức ăn, bị thú dữ thịt, bị bộ lạc khác giết. Bộ não của chúng ta đánh giá việc bị cộng đồng chối bỏ nguy hiểm không kém việc gặp một con hổ đang đói. Con người là động vật xã hội, tồn tại nhờ việc sống bầy đàn, sử dụng ngôn ngữ để kể chuyện cảnh báo, chỉ dẫn,...
Thậm chí khi bạn đang thấy mình nỗ lực tạo ưu thế khác biệt với xung quanh thì cũng có thể mong muốn khác biệt đấy xuất phát từ niềm tin "khác biệt hoặc là chết" mà truyền thông thổi vào đầu. Bạn cố khác biệt để được sống trong thời kỳ mà ai cũng có gì đó "khác biệt". Việc không khác biệt khiến bạn cảm nhận được nguy cơ bị đào thải cao hơn, và bạn thấy mình thật bất hạnh. Bạn cố đi tìm giá trị bản thân, sứ mệnh bản thân, điều bản thân muốn, thích hay cái gọi là "ikigai" để được hạnh phúc (hay đúng ra là để được tồn tại).
Con người ai cũng có nỗi sợ những-điều-chưa-biết (The Unknown). Bộ não nguyên thủy luôn nhắc chúng ta về những điều bí ẩn có thể có tới 50% nguy hiểm chết người. Một người đang săn bắn trong rừng gặp khóm lá đang động đậy sẽ nghĩ đến tình huống là người của tộc khác hoặc thú dữ. Tất nhiên, cũng có thể đó là tiếng gió, một con thú lành nhưng đa phần, bộ não tổ tiên chúng ta phát tín hiệu: Cái gì chưa biết cứ co giò chạy lấy mạng đã.
Dự báo thời tiết xuất hiện khi con người muốn canh tác thuận lợi, mùa màng bội thu. Bói toán cũng ra đời cùng những thời điểm đó. Càng dự báo chuẩn, càng có chuẩn bị tốt để đủ lương thực sống. Có những người không hẳn là mê tiền nhưng vẫn bán sống bán chết kiếm tiền để lúc ốm đau, bệnh tật, lúc sa cơ lỡ vận, lúc xui xẻo đen đủi có nguồn dự trữ. Loại hạnh phúc đó chính là hạnh phúc khi thấy mình đang gia tăng khả năng ứng phó trước những biến thiên trong tương lai, là có cơ sở để bớt sợ những-điều-chưa-biết thêm một chút, là có thêm cơ hội để tồn tại. Khi mất kiểm soát trước các tình huống phát sinh không lường trước, ta dễ thấy mình bất hạnh.
Ngay chính những lúc niềm hạnh phúc nảy sinh vì người khác: hạnh phúc vì con cái ổn định, hạnh phúc vì một mảnh đời khó khăn được giúp đỡ, hạnh phúc vì cha mẹ vẫn khỏe mạnh, có phải chúng ta cũng đang tìm hạnh phúc cho mình trong hạnh phúc của người?
Nếu bà tôi mất đi, tôi không biết bà có đau hay không nhưng tôi biết chắc mình sẽ đau. Cho rằng cơn đau là khổ, là bất hạnh, tôi nảy sinh phản ứng: bà còn sống -> tôi không bị bỏ rơi -> tôi cảm thấy an toàn, có chỗ dựa -> tôi hạnh phúc.
Nếu con cái chưa ổn định đúng ý mình, không biết con cái thấy sao những cha mẹ sẽ thấy lo lắng. Cho rằng lo lắng là bất hạnh, con cái không ổn thì mình lại phải cáng đáng, cha mẹ nảy sinh tư tưởng: chúng mày ổn, bọn tao mới yên thân, chết cũng yên lòng.
Ảnh bởi
Kawin Harasai
trên
Unsplash
Có những loại hạnh phúc phát sinh khi ta đứng ngoài sự việc.
Khi nhìn thấy mảnh đời khốn khó, có người hạnh phúc vì mình đang được thở, được đầy đủ bộ phận, điều kiện kiếm ăn.
Khi nghe tin chứng khoán rớt thê thảm, có người hạnh phúc vì không đầu tư cổ phiếu. Họ hả hê: "Người không chơi là người thắng".
Khi chứng kiến một cặp đôi tan vỡ, có người hạnh phúc vì may quá mình không có người yêu.
Khi thấy người nào đó bế tắc đến tự sát, có người hạnh phúc vì tinh thần mình vẫn ổn định.
Với tôi những hạnh phúc đấy không sai, thậm chí truyền cảm hứng để ta biết trân trọng điều đang có. Nhưng nhìn lại, chúng vẫn là những hạnh phúc bị điều kiện hóa bởi ngoại cảnh, vẫn đi liền với những ảo ảnh về sự bất hạnh. Những hạnh phúc đó đặt trong tư duy đánh giá nhị nguyên đúng - sai, tốt - xấu khiến ta nảy sinh nỗi sợ và mong muốn. Ta sợ tan vỡ, tự sát, thua lỗ,.. vì tan vỡ là bất hạnh, tự sát là bất hạnh, đầu tư chứng khoán lúc thị trường sập là bất hạnh, khốn khó là bất hạnh,... Ta muốn hạnh phúc cũng vì ta không tin mình có khả năng đối diện cảm giác tồi tệ, khó chịu khi bất hạnh. Ta muốn hạnh phúc vì ta không đủ vững vàng.
Khoa học nói rằng, cha mẹ chúng ta đã làm gì đó để ta có mặt trên đời. Tâm linh tin ta là kết tinh nghiệp lực của bao đời, của vô lượng kiếp mà chúng ta sống. Tôi lại tin rằng: chúng ta sinh ra không phải để hạnh phúc. Chúng ta sinh ra vì chúng ta được sinh ra. Chúng ta sẽ vẫn sống với rất nhiều sự kiện nhưng không có sự kiện nào hạnh phúc, cũng chẳng có sự kiện nào bất hạnh. Bất hạnh và cả hạnh phúc sinh ra trong thế giới ảo ảnh, trong niềm tin của chúng ta. Đôi khi chúng là những tư tưởng được nhồi nhét qua nhiều thế hệ, ăn sâu đến mức ta xem là chân lý. Thường thì, điều như ý ta xem là hạnh phúc, điều bất như ý ta xem là khổ đau, bất hạnh. Theo đuổi hạnh phúc hay chạy trốn bất hạnh cũng là những cuộc đuổi bắt trong ảo ảnh. Mục tiêu cuộc sống có lẽ không phải là hạnh phúc mà là sống nhưng không dính mắc đến mục tiêu nào.
Ayygu, tôi viết bài này để dự thi nhưng cuối cùng khi đặt bút, nó lại vẫn là style chuyện trò tâm sự như ngày nào. Và thế là 3 năm rồi, tôi vẫn tìm đến spiderum để giải tỏa những suy nghĩ trong lòng.